Bị tra tấn dã man trong tù tại Côn Đảo nhưng trong trái tim của những người chiến sỹ cách mạng như ông Đặng Văn Thân thì hình ảnh Bác Hồ luôn là nguồn sức mạnh, là động lực mạnh mẽ để vượt qua tất cả.
Ông Đặng Vân Thân (thứ 2 từ phải sang, đeo kính) cùng các thành viên trong Đoàn Hội tù yêu nước thành phố Huế xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”
Tôi tình cờ có dịp được trò chuyện với ông Đặng Văn Thân khi ông tham gia cùng Đoàn Hội tù yêu nước thành phố Huế về Lăng viếng Bác và tham quan các di tích cách mạng miền Bắc. Ông Đặng Văn Thân sinh năm 1943, là thương binh hạng 2/4, hiện nay ông đang sinh hoạt tại Chi hội Phú Nhuận.
Quyết tâm giữ trọn khí tiết của người chiến sỹ cách mạng
Trong câu chuyện với tôi, ông Thân kể nhiều về những năm tháng đầy gian khổ khi bị giam cầm trong nhà tù Côn Đảo. Ông bị giam trong chuồng cọp của Nhà tù Côn Đảo từ năm 1965 đến năm 1973. Sau năm 1974, ông bị đế quốc Mỹ chuyển sang giam tại Nhà lao Tân Hiệp. Dù ở đâu cũng bị đế quốc Mỹ tra tấn vô cùng tàn bạo.
Nhà tù Côn Đảo được coi là “địa ngục trần gian” (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá. Ông bảo: Khi bị bắt vào Nhà tù Côn Đảo, các tù nhân phải chịu đựng đủ loại hình thức tra tấn từ ngày này qua ngày khác. Như ông và các anh em khác bị giam trong chuồng cọp. Toàn bộ tù nhân trong khu này đều bị xiềng xích, ăn, ở, vệ sinh trong buồng giam. Ngoài việc bị tra tấn, tù nhân còn bị bỏ đói. Hầu hết tù nhân bị đưa vào chuồng cọp thì cái chết coi như cận kề.
Trong câu chuyện với tôi, ông nhắc đến người bác sĩ tên Phan Sung với niềm cảm động sâu sắc. Người bác sĩ ấy là ân nhân đã cứu sống ông. Ông kể lại: Đó là vào đầu năm 1971, ông cùng các đồng đội đấu tranh đòi trao trả tù nhân, đòi tự do dân chủ bằng tuyệt thực. Khi ấy, sau khi tuyệt thực được 9 ngày thì sức của ông đã xuống, sức khỏe suy giảm hoàn toàn. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ông và đồng đội quyết định đã đấu tranh thì có nghĩa là không sợ chết, chấp nhận có thể hy sinh. Khi sắp không còn sức lực nữa thì bác sĩ Phan Sung đã cứu ông bằng cách tiêm cho ông 5cc hỗn hợp máu gà và vitamin c. Nhờ được tiêm kịp thời nên ông đã được cứu sống, có cơ hội tiếp tục đấu tranh cùng đồng đội trong những năm tiếp theo.
Bác trong trái tim của mỗi “tù nhân”
Những tù nhân như ông Thân, bị giam trong chuồng cọp hầu như không còn biết đến ánh sáng mặt trời. Chân bị xiềng xích, đau đớn khắp cơ thể, bị tra tấn dã man để phải khuất phục kẻ thù nhưng ông và các đồng đội chưa bao giờ nao núng tinh thần, luôn giữ vững ý chí mạnh mẽ.
Ông kể: Ngày bị giam trong chuồng cọp, ông và đồng đội đã xác định việc phải hy sinh. Nhưng điều đó không làm giảm đi ý chí đấu tranh của tất cả anh em. Những năm tháng ấy, tất cả đều nhớ về Bác Hồ kính yêu. Nói đến đây, ông đọc cho tôi nghe những vần thơ đầy xúc động về ý chí, lòng quyết tâm của các chiến sĩ cách mạng năm ấy:
Bác Hồ trong tim tôi
Tim tôi luôn sáng ngời
Chân lý của Người là sức mạnh
Tiến lên quyết không lùi
Bác Hồ trong tim tôi
Côn Lôn ơi dù máu rơi
Xà lim đâu khóa được hồn người
Hầm sâu không ngăn được lòng đã quyết
Vì trong tim tôi luôn có Bác Hồ.
“Hồi đó, các ông không có cơ hội để được nghe giọng của Bác, được thấy ảnh Bác nhưng hình ảnh về Bác Hồ vẫn luôn mãi trong tim. Cả nhà giam có một cái radio, giao cho một người chuyên nghe và thông báo các tin tức nổi bật cho các tù nhân khác qua hình thức truyền miệng. Qua chiếc radio nhỏ ấy mà mọi người mới biết được các vần thơ, các câu chuyện của Bác để giữ vững ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng quả cảm”.
Nhớ về Bác, ông Thân nhớ về kỷ niệm năm 1969 - năm Bác Hồ ra đi mãi mãi. Ông bảo: Ngày ấy, những tù nhân trong Nhà tù Côn Đảo đều mong mỏi đến ngày thống nhất để có thể được gặp Bác, được tận tai nghe giọng nói của Bác. Nhưng điều ấy chưa kịp đến thì Bác mất. Cả nhà giam quyết định để tang Bác công khai. Tất cả cùng quay về phía miền Bắc, nơi đang có Bác để thành kính tưởng nhớ về Bác.
Mong ước gặp Bác
Đất nước giải phóng, ông Thân cùng các đồng đội may mắn sống sót có cơ hội trở về quê hương. Sức khỏe đã suy giảm đi nhiều nhưng được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ông đã cùng các đồng đội đã từng bước vượt qua nỗi ám ánh của chiến tranh để vươn lên, nỗ lực trong cuộc sống đời thường. Dần dần, gia đình ông giờ cũng đã có nhiều điều kiện hơn. Giờ đây, ba người con của ông đều đã khôn lớn, trưởng thành và thành đạt.
Ông bảo: “Ông và các đồng đội lúc nào cũng mong muốn được nghe giọng Bác, được gặp Bác nhưng chưa thực hiện được thì Bác Hồ đã đi xa mãi. Đây là điều khiến những người con miền Trung, miền Nam như ông thấy buồn nhất. Vì thế, khi hòa bình lặp lại, Lăng được xây dựng, thi hài Bác được giữ gìn tại đây, ông luôn mong mỏi được có cơ hội vào Lăng viếng Bác, được tận mắt nhìn thấy Bác”.
Lần đầu tiên ông được vào Lăng viếng Bác là năm 1982. Khi ấy, ông làm thuê tại Sân bay Gia Lâm. Giờ ông vẫn nhớ ngày hôm ấy, ông cùng mấy người làm cùng nữa được vào Lăng viếng Bác. Giây phút ấy thật sự cảm động lắm. Và ngày 04/4 năm nay, ông có cơ hội thứ hai được về Lăng viếng Bác, được xem bộ phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” vô cùng cảm động. Những điều này sẽ trở thành kỷ niệm mà cả đời ông không thể quên - ông Thân tâm sự.
10 năm ở trong lao tù, bị đế quốc Mỹ tra tấn vô cùng tàn bạo, ông Thân và các anh em đồng đội đã trải qua nhiều đau đớn. Những vết thương giờ vẫn khiến họ đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng tất cả giờ đã lùi xa, ông và đồng đội đều tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, vào sự phát triển của đất nước. Ông nói: Giờ ông cũng đã 75 tuổi, ông chỉ mong sẽ tiếp tục góp một phần sức nhỏ vào sự phát triển của quê hương, tiếp tục dạy dỗ con cháu để chúng trở thành người có ích, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đóng góp một phần công sức để thực hiện được những mong mỏi khi sinh thời của Bác.
Xin được khép lại bài viết bằng những vần thơ cảm động của ông Thân trong dịp vào Lăng viếng Bác lần này. Những câu thơ giản dị nhưng ẩn chứa tình cảm ông dành cho Bác, dành cho Thủ đô Hà Nội:
“…
Năm cửa ô rực sáng
Nắng Ba Đình lung linh
Ba sáu phố phường đây
Giữa dòng người xưa ấy
Nỗi nhớ đến vô cùng
Mạch chảy tự ngàn năm
Giữa trời thu Hà Nội
Lòng tràn đầy khát vọng
Lộng lẫy ánh thu vàng
Nghe con tim thổn thức
Da diết nỗi nhớ khôn nguôi
Nơi Bác Hồ yên nghỉ
Nơi trái tim ba miền
Thủ đô ngàn năm văn hiến
Sáng mãi một niềm tin”.
Thanh Huyền