Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một giá trị bền vững, là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần và đã trở thành truyền thống, bản lĩnh Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; là cơ sở vững chắc gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"(1). Chính sức mạnh truyền thống yêu nước đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu đồng bào, thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh rời Tổ quốc tìm đường giải phóng đất nước. Đó cũng là cơ sở tư tưởng để dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là một nhân tố khởi nguồn hình thành hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau này, trong bài viết "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin" (năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 90 Ngày sinh Lê-nin), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba"(2). Như vậy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là yếu tố khởi nguồn nhưng không phải là yếu tố duy nhất kết thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, thành hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác: Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân văn, khoan dung Việt Nam. Song, chỉ sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với sự tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, mới tích hợp và phát triển lên trình độ cao - chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Nội dung chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh được mở rộng, quan hệ chặt chẽ với tinh thần quốc tế bao la, chứa đựng nội dung cách mạng và tinh thần tiến bộ của nhân loại, mang hơi thở của thời đại. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng và ngày càng phát huy vai trò to lớn của nó trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.   

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là nét đặc sắc và biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chính nhờ chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh mà từ đầu thế kỷ XX, tinh thần yêu nước Việt Nam mới được khơi dậy thành công và toàn dân tộc Việt Nam mới được tổ chức, đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng đất nước. Từ giữa những năm 20 thế kỷ XX trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế xuất hiện tư tưởng "tả" khuynh, biệt phái, mà một trong những biểu hiện là đề cao đường lối đấu tranh giai cấp "giai cấp chống giai cấp", coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất của phát triển xã hội... thì Nguyễn Ái Quốc - cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản đánh giá cao vai trò của chủ nghĩa dân tộc (chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - tác giả), coi "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước"(3). Nêu quan điểm trên, Nguyễn Ái Quốc đã bổ sung cho Quốc tế cộng sản một phương pháp, một cách nhìn cụ thể và sát hợp với thực tế hơn, chứ tuyệt nhiên, Người không đối lập với quan điểm của Quốc tế cộng sản khi xác định vai trò của đấu tranh giai cấp trong tiến trình lịch sử nhân loại. Điều này được minh chứng trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc khi cho rằng: "Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản... Trong khi chờ đợi, chủ nghĩa dân tộc sẽ quấy rối chủ nghĩa đế quốc Pháp và bằng việc làm này, Quốc tế cộng sản sẽ được lợi trực tiếp"(4). Trên thực tế, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh đã gắn bó chặt chẽ với tiến trình đấu tranh giải phóng đất nước và là một nhân tố tạo nên những chiến thắng trong công cuộc giành độc lập trước kia cũng như trong công cuộc chấn hưng đất nước, trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.      

Ngày nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều đổi thay. Vấn đề đặt ra là chủ nghĩa yêu nước có vị trí thế nào trong tình hình mới? Và làm thế nào để phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh để hội nhập và phát triển đất nước thành công trong xu thế toàn cầu hoá? 

Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế đang là hiện thực khách quan ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, dân tộc từ các nước phát triển đến các nước kém phát triển. Ngoài những cơ hội, mặt trái của toàn cầu hóa là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng, sự bất bình đẳng ngày càng cao. Tệ nạn xã hội phát triển mạnh, bạo lực, khủng bố, ô nhiễm môi trường; nguy cơ chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh cục bộ, khu vực đe dọa nền hoà bình thế giới. Toàn cầu hóa tạo cơ hội cho các quốc gia trong công cuộc phát triển kinh tế, song "các mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn rất gay gắt"(5). Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay: "Phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn"(6). Để thực hiện được mục tiêu này, nhiều vấn đề cấp bách đặt ra cần phải giải quyết: 

Một là, cần đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. "Thế hệ trẻ ngày nay tiếp nối sự nghiệp của lớp người đi trước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà để rửa nỗi nhục nghèo khổ, mở ra một trang sử mới rạng rỡ cho non sông Việt Nam quang vinh sánh vai cùng các dân tộc khác trên thế giới"(7). Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò chủ nhân tương lai đất nước của thanh niên Việt Nam mà còn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế về nhận thức của thanh niên hiện nay trước ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường, của tình hình phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.     

Đại hội XI của Đảng tiếp tục chỉ rõ: Để phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; cần kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước với phong trào thi đua yêu nước. Những năm qua, đã có nhiều phong trào thi đua thiết thực, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các thủ khoa, các doanh nhân giỏi, các chiến sĩ thi đua trong thời kỳ đổi mới là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là kết quả của phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.                  

Để phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong thanh niên, cần đổi mới công tác vận động thanh niên, tạo việc làm, tạo môi trường học tập, sinh hoạt văn hoá, thể thao lành mạnh. Cần đổi mới cách thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng yêu quê hương, đất nước, tránh hô hào chung chung.    

Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện nay, khẳng định sự gắn kết độc lập dân tộc với CNXH. Mục tiêu chung của công cuộc đổi mới là xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng là nội dung xuyên suốt, bao trùm của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh - nhân tố quan trọng mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, không phải là cái gì xa vời mà rất cụ thể, sinh động. Nó phải được biểu hiện bằng hành động, việc làm hàng ngày ở gia đình, trong trường học, cơ quan, đơn vị, trên đường phố... Đó là ý thức chấp hành luật pháp, là cần, kiệm, liêm, chính; là yêu thương con người, không vô cảm trước khó khăn của đồng chí, đồng bào, là tình yêu quê hương, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mỗi người Việt Nam, trước hết là từng cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tình trạng tham nhũng, lãng phí đang là quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân và đảng viên đối với Đảng và Nhà nước, trực tiếp đe dọa sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Triển khai nghiêm túc Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI là biện pháp cực kỳ quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, là sự phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.     

Ba là, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến toàn thế giới, tạo ra những thách thức và cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một trong số ít nước vượt qua được suy thoái chính trị của hệ thống XHCN (ở Liên Xô và Đông Âu) cuối thế kỷ XX và đang đổi mới đất nước có hiệu quả. Chính trong bối cảnh lịch sử đầy thử thách ấy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được bồi đắp, phát triển lên tầm cao mới. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá nước Việt Nam đổi mới theo định hướng XHCN. Với chiến lược "diễn biến hoà bình", dưới chiêu bài "nhân quyền", "dân chủ" ,"tự do tư tưởng, tôn giáo"..., kẻ địch kích động, gây rối, âm mưu bạo loạn ở một số vùng như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong bối cảnh đấu tranh và hợp tác đan xen như hiện nay, chúng ta càng phải tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao sự giác ngộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng ta chỉ có thể giành thắng lợi bằng sự vượt trội kẻ thù về sức mạnh chính trị tinh thần, mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. 

Bốn là, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò to lớn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, lãnh đạo toàn dân đánh thắng đế quốc Pháp, Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.   

Ngày nay, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được xây dựng trên sự đồng thuận toàn xã hội với mục tiêu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là bước phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên tầm cao mới. Phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là cơ sở vững chắc, là bệ đỡ để Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế./.

PGS, TS Lê Văn Tích

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Theo http://www.lyluanchinhtri.vn

Thu Hiền (st)

_________________________

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.171.         

(2) Sđd, t.10, tr.128.  

(3),(4) Sđd, t.1, tr. 466-467.  

(5),(6)  ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 74,75.  

(7) Đỗ Mười: Về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1997,  tr.193.     

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: