Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt.

            Sự kiện lịch sử đầu tiên ghi nhận mối quan tâm và tình cảm của Bác đối với Tây Nguyên là bức thư của Người gửi Hội nghị Các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19/4/1946. Người Tây Nguyên mãi mãi không quên lời dạy của Bác: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau…Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Lời dạy của Người như truyền thêm sức mạnh cho đồng bào vững niềm tin vào Đảng, đoàn kết đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, giữ lấy núi rừng Tây Nguyên thân yêu.

bác ho voi tay nguyen
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bên tượng đài Bác Hồ

            Năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, Bác Hồ lại gửi điện thăm hỏi đồng bào, chiến s và cán bộ Tây Nguyên. Trên bức điện, Người ghi: “Kính nhờ cụ Y Bih Alêô, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên, chuyển”. Người vui mừng được biết: “Quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người căn dặn: “Đồng bào và chiến sỹ Tây Nguyên đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến”. Và tỏ lòng tin tưởng: “Tây Nguyên nhất định cùng cả nước tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Thực hiện lời dạy của Người, quân và dân Tây Nguyên cùng với cả nước đã làm nên trận đánh lịch sử giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

            Trong hàng triệu đồng bào Tây Nguyên, có không ít người con ưu tú đã vinh dự được gặp Bác. Người đầu tiên có được niềm vinh dự ấy có lẽ là ông Y Ngông Niê Kđăm. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I và là Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội. Trong buổi họp đầu tiên Quốc hội ra mắt ngày 2/3/1946, bác sỹ Y Ngông còn nhớ như in lời phát biểu của Bác Hồ trước Quốc hội của nước Việt Nam mới: “Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của người Kinh và người Thượng…”. Những năm sau đó, với cương vị công tác của mình, ông còn vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm cách mạng của ông.

            Người con thứ hai của Tây Nguyên được gặp Bác là ông KSor Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Tháng 5 năm 1946, ông ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên các dân tộc Việt Nam và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Đó là một ngày đầu tháng 6, ông và ông Y Ngông Niê Kđăm được vào gặp Bác. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm tình hình đồng bào Tây Nguyên. Bác nói chúng ta phải đoàn kết đánh Pháp mới bảo vệ được nền độc lập, Tây Nguyên là một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất. Bác xòe bàn tay và giải thích: “Một bàn tay hoàn chỉnh phải có năm ngón, thiếu một ngón là một bàn tay không hoàn chỉnh. Một ngón tay đau thì cả bàn tay cũng đau”. Những lời dạy đó của Người mãi mãi khắc ghi trong lòng các thế hệ con cháu Tây Nguyên.

            Rất nhiều những người con ưu tú khác của Tây Nguyên cũng đã vinh dự được gặp Bác như Anh hùng Núp, cụ Thiếu tướng Y Blôk Êban, cụ Y Bih Alêô, ông Ksor Krơn, Nghệ sĩ nhân dân Y Brơm, Nhà giáo ưu tú Nay Hwin… Cụ Y Bih Alêô, nguyên là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khẳng định: “Tình cảm của Bác Hồ đối với các dân tộc Tây Nguyên là sức mạnh vô biên, luôn luôn tràn đầy như nước sông Ba và cao như ngọn núi Cư Yang Sin. Chúng tôi nhớ lời Bác Hồ và uống rượu cần thề với nhau sẽ mãi mãi đi theo con đường của Bác vạch ra để giải phóng quê hương”.

            Hàng vạn đồng bào Tây Nguyên khác không có cái may mắn được trực tiếp gặp Bác, nhưng họ vẫn được Bác truyền thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù để giữ lấy từng tấc đất của buôn làng thân yêu. Với tấm lòng chân thật, đồng bào Tây Nguyên đáp lại ân tình của Bác bằng niềm tin yêu son sắt, lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đối với vị cha già của dân tộc.

            Anh hùng lực lượng vũ trang A Vai kể câu chuyện về A Vân, một trai làng của dân tộc Pakô, bị địch bắt tra khảo, đánh đập rất dã man, đau đớn nhưng không hề kêu than lấy một lời. Trước khi hy sinh A Vân đã gọi A Vóoc Hồ 3 lần. Khi A Vai ra thăm miền Bắc, các già làng căn dặn mãi: “Nếu được gặp A Voóc Hồ, con không biết nói điều gì thì cứ kể chuyện A Vân và cây Tyo kia cho A Vóoc Hồ nghe là đủ, vì đó là tấm lòng của người Pakô chúng ta đối với A Vóoc Hồ”. Già làng Ama Ril là một du kích dũng cảm thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Buôn Ngô (huyện Krông Bông) đã giữ ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc do cán bộ tặng như một báu vật. Mấy lần buôn làng bị cháy, bọn địch càn đi quét lại, nhưng Ama Ril vẫn giữ trọn tấm ảnh và lá cờ vì đó là niềm tin của ông, của Buôn Ngô đối với Bác Hồ và cách mạng.

            Những câu chuyện như thế có rất nhiều ở các buôn làng kháng chiến thời chống Pháp cũng như chống Mỹ. Tình cảm của Bác đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quý hơn chiêng, đẹp hơn cả hoa ê pang. Và tình cảm của đồng bào đối với Bác cũng thật sâu sắc:

Người Êđê chưa gặp mặt Bác Hồ

Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ

Bởi vì:

Người cứu dân tộc mình

Cho suối đánh đàn, cho hoa Gơ-ma nở

Cho nương đầy lúa, rẫy đầy khoai

Cho núi sông đầy cá nước hoa ngàn

Cho con gái cườm đeo quanh cổ

                   (Ca dao dân tộc Êđê)

Người đó là Hồ Chí Minh, là Bok Hồ của Tây Nguyên.

Nguyễn Duy Xuyên
Theo baodaklac.vn
Kim Yến(st)

 

Bài viết khác: