chinh khach nga
Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12-7-1955

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của các nước yêu chuộng hòa bình thế giới, đặc biệt là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa mà đi đầu là “anh cả” Liên Xô. Từ năm 1950, Liên Xô chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra thời kỳ mới trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đặc biệt thời kỳ này Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mở rộng quan hệ quốc tế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người đã tìm mọi cách để giải tỏa sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc, đưa Việt Nam ra nhập cộng đồng thế giới. Từ năm 1950 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần sang thăm Liên Xô trong đó có những chuyến thăm chính thức và những chuyến thăm không chính thức. Sau khi được Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 02/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Liên Xô với mục đích yêu cầu nước bạn trợ giúp vũ khí, lương thực, thuốc men… để đánh thực dân Pháp. Trong chuyến thăm này, Người đã hội đàm với Xtalin về tình hình Việt Nam.

Trước đây, Liên Xô không hiểu rõ tình hình Việt Nam, sau khi nghe Người trình bày, Xtalin đã tán thành đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam. Trong chuyến đi này Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tham dự bữa tiệc có đầy đủ các nhà lãnh đạo Liên Xô như: Xtalin, Malencôp, Môtôlôp, Khơrútsôp... Đối với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những tình cảm đặc biệt thân thiết. Hàng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư chúc mừng các nhà lãnh đạo Liên Xô nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như Cách mạng Tháng Mười, Ngày thành lập Hồng quân Liên Xô hay ngày sinh nhật các nhà lãnh đạo Liên Xô… điều đó cho thấy tình cảm của Người với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô.

Năm 1953, sau khi Xtalin qua đời, mối quan hệ Liên Xô - Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốt đẹp đặc biệt mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô ngày càng gắn bó mật thiết, không chỉ là mối quan hệ bang giao giữa hai nước mà đó còn là mối quan hệ tình bằng hữu, tình đồng chí thắm thiết lâu năm của những người cộng sản Quốc tế. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về lại thủ đô Hà Nội. Người sống giản dị trong ngôi nhà của một người thợ điện (còn được gọi là nhà 54) sau đó là ngôi nhà Sàn trong Phủ Chủ tịch. Tại đây, với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã tiếp các đoàn khách quốc tế, những người bạn trên thế giới… Trong đó có những nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô đã rất nhiều lần sang thăm Người. Không chỉ là các cuộc thăm viếng ngoại giao mà tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách Nga còn được Người thể hiện qua những bức điện thăm hỏi nhân các ngày lễ, Tết, sinh nhật… của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Nga Xô Viết. Giai đoạn 1954 - 1969, là quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu những chuyến thăm chính thức Liên Xô trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong những chuyến thăm đó, Người luôn được các nhà lãnh đạo Đảng nhà nước Liên Xô như: K. E. Vôsôsilôp, N. X. Khơrútsôp, C. Brêgiơnhép... tiếp đón nồng hậu.

Giai đoạn 1954 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ mối quan hệ thâm tình, thân thiết nhât đới với các nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước Liên Xô phải kể đến đồng chí K. E. Vôsôsilôp - Chủ tịch Đoàn chủ tịch Liên Xô viết tối cao. Đồng chí K. E. Vôsôsilôp là người bạn lâu năm của Người. Trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ của Liên Xô, sinh nhật đồng chí Vôsôsilôp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi điện thăm hỏi, chúc mừng. Trong các ngày 26/02/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng đồng chí K. E. Vôsôsilôp, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 36 ngày thành lập Quân đội Liên Xô. Ngày 07/11/1954, nhân dịp kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới đồng chí K. E Vôrôsilôp - Chủ tịch Đoàn Xô viết tối cao Liên Xô. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam tổ chức nhân dịp này. Cũng nhân dịp Chính phủ Việt Nam ký kết thành công Hiệp định Giơnevơ, đồng chí K. E. Vôsôsilôp đã gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đã giành được. Ngày 01/01/1955, nhân dịp năm mới Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng tới đồng chí Vôrôsilôp và cũng năm đó Người cũng đã gửi điện mừng sinh nhật lần thứ 75 của đồng chí Chủ tịch với những tình cảm thân ái nhất.

Ngày 12/7/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đến thăm Liên Xô. Đây là đoàn đại biểu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến thăm đất nước Xô viết. Sân bay Sanêmêchiêvơ huy hoàng lộng lẫy cờ hoa và quốc kỳ của hai nước. Đây cũng là một cuộc tái ngộ lịch sử đã được ước nguyện giữa những người chiến sỹ vẻ vang của Cách mạng Tháng Mười với người lãnh tụ tối cao của Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là ước nguyện của đồng chí Manuin Xhri, người đỡ đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Bác từ Pháp sang Liên Xô công tác tại Quốc tế cộng sản. Tại điện Kremli, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những buổi hội đàm và ký kết những hiệp định đầu tiên với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô Vôrôsilôp về việc Liên Xô giúp đỡ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam, mở ra mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và văn hóa để từ đó không ngừng phát triển và củng cố. Tối ngày 14/7, tại cung Grigôri đồng chí Vôrôsilôp Chủ tịch Xô Viết tối cao đã mở tiệc lớn hoan nghênh đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bữa tiệc chiêu đãi có 600 đại biểu của 30 nước tham dự để chào mừng Bác. Kết thúc chuyến đi thăm Liên Xô trong buổi tiễn đưa đồng chí Vôrôsilôp lại có dịp nghe Người nói bằng tiếng Nga, những lời hàm súc như một ước nguyện thủy chung: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”1.

Sáng ngày 20/5/1957, Đoàn Đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra sân bay Gia Lâm đón đoàn. Trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp long trọng với nghi thức ngoại giao. Bên cạnh đó, Người có những buổi nói chuyện thân mật, tổ chức chiêu đãi Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp và các vị khách Liên Xô. Tại buổi chiêu đãi, Người ca ngợi những cống hiến của Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp đối với nhân dân Xô Viết, sự giúp đỡ của đồng chí đối với các Đảng Cộng sản anh em trên thế giới trong đó có Việt Nam. Để chào mừng đồng chí K. E. Vôrôsilôp và Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội vào 6 giờ 30 phút, ngày 21/5/1957. Chiều cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp và dự tiệc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp và các vị khách Liên Xô. Trong buổi đón tiếp thân mật đó, Chủ tịch Vôrôsilôp đã vui vẻ nói với Người rằng: “Năm nay tôi 76, còn đồng chí 67 tuổi, như vậy chúng ta là hai anh em”2. Đáp lại mối thâm tình đó trong diễn văn tiễn đưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ tặng đồng chí Vôrôsilôp: “Quan sơn muôn dăm một nhà. Vì trong bốn biển đều là anh em”3.

Ngày 13/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang thăm Liên Xô. Đón tiếp Người, Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp rất ân cần và thân mật thể hiện tình cảm đặc biệt giữa những người bạn cộng sản, giữa những người đứng đầu hai Đảng anh em. Cũng trong năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tại cung thể thao Lugiơniki ở Thủ đô Matxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ nước ta dự phiên họp đặc biệt của Chính phủ Xô Viết tối cao kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Trong chuyến thăm Liên Xô lần này, Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp đã rất nhiều lần đến thăm Người và Chủ tịch còn tổ chức tiệc chiêu đãi tiễn Người về nước. Đến tháng 8/1957, trong chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tranh thủ thời gian đến thăm đồng chí Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp. Tháng 3/1958, đồng chí K. E. Vôrôsilôp được bầu giữ vị trí cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng đồng chí.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nghỉ dưỡng ở Liên Xô, đồng chí K. E. Vôrôsilôp đã ra tận sân bay đón tiếp Người với tình cảm đặc biệt: “Đến sân bay đón Bác có đồng chí Vôrôsilốp cùng mấy đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao và trong Chính phủ. Hai lão đồng chí vồn vã ôm hôn nhau, vui vẻ truyện trò, rồi đồng chí Vôrôsilốp đưa Bác về nghỉ ở điện Kremli”4. Sau đó Người được nghỉ dưỡng ở biệt thự Lípki, một ngôi biệt thự sang trọng. Là một vị lãnh tụ nhưng Người luôn sống giản dị, không câu nệ các lễ tiết khi không phải là những hoạt động ngoại giao chính thức. Vì thế, trước khi sang Liên Xô để nghỉ dưỡng Người đã gửi điện yêu cầu các đồng chí Liên Xô để mình “đi như một người “du lịch” thường đi một cách giản dị, xin miễn tất cả các hình thức đón tiếp, yến tiệc, đăng báo, v.v... Nhưng khi đến Mátxcơva cũng như những nơi khác, các đồng chí lãnh đạo đều đón tiếp một cách rất thân mật, trọng thể và các báo đều đăng ảnh và tin”5. Không chỉ đón tiếp Người theo nghi lễ ngoại giao, đồng chí Vôrôsilốp còn mời Người về dự bữa cơm thân mật với gia đình mình: “Bác đến dự bữa cơm gia đình do đồng chí Vôrôsilốp mời. Cùng dự có đồng chí Micaian, mấy vị trong Bộ Chính trị, Chủ tịch Đoàn và Chủ tịch Xô viết tối cao...”6. Thời gian này, đang là mùa hè thời tiết Matxcơva thay đổi rất thất thường, biên độ nhiệt trong ngày thay đổi rất lớn, đồng chí Vôrôsilốp rất lo sợ sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng, đồng chí đã cho mời các bác sĩ đến khám cho Người. Vì biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ không đồng ý, nên Chủ tịch đã cười nói với Người rằng: “Cần phải khám sức khỏe, đó là ý kiến của Trung ương”7. Nghe vậy, Người vui vẻ tuân theo: “Trung ương đã chỉ thị, thì tôi xin tuân theo”8. Trong chuyến nghỉ hè, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm 9 nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết, để tiện cho mỗi lần di chuyển, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã bố trí một chiếc máy bay riêng cho Người, cử theo các đồng chí bảo vệ, trông nom sức khỏe, ăn uống cho Người. Ngày 06/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Kiép, Chủ tịch Vôrôsilôp đã ra tận sân bay để tiễn Người. Theo đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác Hồ đã kể lại rằng: “Ngày 21/7/1959, trước khi ra sân bay đi Êrêvan, Bác đến thăm đồng chí Vôrôsilôp… Bác và đồng chí Vôrôsilốp vồn vã ôm nhau, rồi khoác tay nhau, vừa đi, vừa nói chuyện rất thân mật, vui vẻ. Thấy hai vị lãnh tụ đều hồng hào khỏe mạnh, vui vẻ, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Grudia nói với chúng tôi: “Các bạn xem, đó là biểu hiện của tinh thần đoàn kết thân ái giữa hai dân tộc chúng ta”9. Khi Người được Trung ương Đảng sắp xếp nghỉ ở một biệt thự mang tên Bôđarốprusây ở giữa một khu vườn đầy hoa quả, cây cối, rộng 35 mẫu tây, đồng chí phụ trách trông nom biệt thự báo cáo với Bác: Cách đây 1 tháng, đồng chí Vôrôsilôp đã nghỉ mát ở đây, và khi ra về đã dặn dò rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ đến nghỉ hè ở đây, anh em phải chăm sóc Người thật chu đáo”10.

Khi đồng chí K. E. Vôrôsilôp kết thúc nhiệm kỳ giữa chức Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao vào tháng 5/1960, đã được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa, Huân chương Lênin và Huân chương vàng “Búa liềm”. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng niềm vinh dự tới người đồng chí. Đối với đồng chí Vôsôsilôp không chỉ đang đương chức mà ngay cả khi đã thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nhân dịp sinh nhật lần thứ 70, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ gửi điện chúc mừng đồng chí.

Bên cạnh đồng chí Vôsôsilốp thì N. X. Khơrutsôp cũng là người bạn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đồng chí Khơrutsôp lên làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục giữ mối quan hệ anh em, Liên Xô tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa các chuyên gia, viện trợ vũ khí, lương thực thực phẩm, khoa học kỹ thuật giúp miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Liên Xô giai đoạn này được coi là “anh cả” trong phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Ngày 23/8/1957, trong chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ có cuộc hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. X. Khơrutsôp tại thành phố Yanta. Đến ngày 01/11/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Liên Xô tham dự Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Matxcơva và dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhân dịp này Người đã có cuộc hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô N. X. Khơrútsôp. Tại buổi hội đàm với đồng chí Khơrútxốp, Người đã nhấn mạnh đến sự đoàn kết chặt chẽ giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam, khẳng định sự tin tưởng của Người đối với đồng chí Khơrútsôp. Trong buổi nói chuyện Người cũng không quên gửi lời thăm hỏi tới gia đình đồng chí Khơrútsôp. Ngày 03/7/1959, trong chuyến nghỉ hè ở Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành thời gian để đến thăm Bí thư Khơrútsôp. Đặc biệt trong chuyến dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1960, ngày 21/11 tại Điện Kremli, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc hội đàm quan trọng với đồng chí Khơrútsôp. Ngày 04/11/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsôp nhân kỷ niệm 44 năm Cách mạng Tháng Mười. Nhân dịp dự Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 09/11/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp xếp thời gian để hội đàm với Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. X. Khơrútsôp. Ngày 26/4/1962, Người lại gửi điện chúc mừng đồng chí N. X. Khơrútsôp nhân dịp được tái cử các chức vụ cũ. Đây cũng là thể hiện sự đồng tình ủng hộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Khơrútsôp ở cương vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sự quan tâm của Người đối với đồng chí Khơrútsốp không chỉ trên phương diện cá nhân mà đối với những thành tựu của nhân dân Liên Xô đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đồng chí Khơrútsôp, nhất là những thành tựu nổi bật và đi đầu của Liên Xô trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, mỗi dịp Liên Xô phóng thành công tên lửa vũ trụ như năm 1959, 1961, 1963... Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsôp với những lời chúc tốt đẹp nhất.

Không những thế năm nào đến dịp sinh nhật của đồng chí Khơrútsốp, Bác cũng đều gửi thư chúc mừng như: Ngày 16/4 là ngày sinh nhật của đồng chí Khơrútsôp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng sinh nhật... Nếu không gửi được điện thư, Người lại cho cách riêng để thể hiện tình cảm của mình, ví như: “Năm 1964, nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của đồng chí Khơrútsốp, Người cho mời đồng chí Đại sứ Liên Xô đến gặp và gửi lời chúc mừng miệng đến nhà lãnh đạo Liên Xô Khơrútsôp khiến đồng chí Khơrútsôp rất xúc động”11. Việc làm của Người dù rất nhỏ nhưng luôn mang ý nghĩa lớn, giản dị nhưng rất chân thành thể hiện tình cảm của Người đối với bạn bè quốc tế.

Trong các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ mối quan hệ chặt chẽ với đồng chí L. I. Brêgiơnhép, một nhà cách mạng tiêu biểu của Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II. Đến năm 1956, L. I. Brêgiơnhép được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1964, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Đối với đồng chí L. I. Brêgiơnhép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là nhà lãnh đạo Đảng xuất sắc của Liên Xô trong những năm 60 của thế kỷ XX. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi trong mối quan hệ quốc tế, đặc biệt trong các phe các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Trung Quốc đang có những bất đồng. Thời kỳ này Đảng cộng sản Liên Xô dưới sự lãnh đạo của đồng chí L. I. Brêgiơnhép đã tiếp tục thực hiện chính sách giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa anh em nhất là Việt Nam, một dân tộc đang phải tiến hành cùng một lúc hai nhiệm vụ ở hai miền Nam Bắc. Trong một bài nói chuyện của mình, đồng chí L. I. Brêgiơnhép cũng đã khẳng định: “Vlađimia Ilích Lênin ở nước Nga Xô Viết và đồng chí Hồ Chí Minh ở Việt Nam, các lãnh tụ vĩ đại của cách mạng đã đặt cơ sở cho hai nước chúng ta đã thúc đẩy một cách quyết liệt sự phát triển của hai nước chúng ta và vạch ra đường lối của chúng ta. Chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta trung thành với đường lối ấy”12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần gửi điện chúc mừng đồng chí Brêgiơnhép nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Cách mạng Tháng Mười Nga như: Bức điện gửi ngày 02/11/1963, ngày 04/11/1964, ngày 05/11/1965 … Nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng phát xít Đức, Người cũng không quên gửi điện chúc mừng đồng chí Brêgiơnép. Ngày 17/12/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của đồng chí L. I. Brêgiơnép “nhân danh cá nhân tôi gửi đến đồng chí lời chúc mừng thân thiết nhất”13. Người luôn giữ mối liên hệ đặc biệt đối với đồng chí L. I. Brêgiơnép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những cống hiến của đồng chí đối với nhân dân Xô Viết và sự giúp đỡ đối với nhân dân Việt Nam.

Mỗi khi nhắc đến đồng chí L. I. Brêgiơnhép, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên kỷ niệm cảm động khi Người sang nghỉ dưỡng ở Liên Xô năm 1959. Ngày 12/7/1959, khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình đồng chí Xulốp ở một ngôi biệt thự trên một rừng thông, đồng chí L. I. Brêgiơnhép đã đưa cả gia đình đến thăm Người. Tại đây “Bác và cả gia đình đồng chí L. I. Brêgiơnhép cùng nhau dạo vườn, nói chuyện, ca hát, chụp ảnh rất thân mật, vui vẻ”14. Đấy là những biểu hiện tình cảm sâu sắc của tình đồng chí Quốc tế vô sản nhưng lại rất chân tình, thân mật, kính trọng và vô cùng giản dị gần gủi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ mối quan hệ thân thiết, thường xuyên thăm hỏi, gửi điện chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô như: A. I. Micaian Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô; A. Côxưgin Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô; I. Vanđrôpôp Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, A. N. Sêlêpin, N. Potgoócnưi,...

Đảng Cộng sản Liên Xô đã đánh giá những hoạt động xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng, phong trào cách mạng thế giới nói chung. Vì thế, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao quyết định tặng Người Huân chương Lênin. Đáp lại niềm vinh dự và tình cảm cao đẹp đó, ngày 06/11/1967 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô. Bức điện Người nêu lên niềm vinh dự tự hào khi được Nhà nước Liên Xô tặng người Huân chương Lênin, nhưng Người cũng bày tỏ ý nguyện của mình: “... Tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”15.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Liên Xô luôn được Người coi trọng, chú trọng vun đắp để ngày càng tốt đẹp hơn. Đó không chỉ là mối quan hệ giữa hai Đảng, hai dân tộc anh em mà đó còn là mối thâm tình của những người chiến sỹ cộng sản Quốc tế, của những người anh em đã từng giúp Bác trong những ngày tháng hoạt động cách mạng gian khổ ở nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho tình cảm quốc tế cao đẹp, đặc biệt đối với những nhà lãnh đạo Xô Viết, những tình cảm nồng hậu đó không phải đơn thuần là những ứng xử ngoại giao mà nó xuất phát từ lòng chân thành, sự biết ơn sâu sắc đối với các chính khách nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung đã luôn ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Những tình cảm của Người đối với các chính khách quốc tế nói chung và Liên Xô nói riêng là sự biểu hiện sự đoàn kết quốc tế “bốn phương vô sản đều là anh em” trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình nhân loại và tiến bộ xã hội.

ThS. Lường Thị Lan, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)

Chú thích:
1. Báo Nhân Dân, số 257 từ ngày7/11/1954.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.9, Tr.106
3. Theo tài liệu của đồng chí H.Đ.L
4, 5, 6, 7. Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr 151
8, 9. Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr160.
10. Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr196-197.
11. Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr196-197.
12. Êcôbêlép, Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên Hà Nội, H.1985, tr3 76-377
13. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, T.7, Tr.262.
14. Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr182.
15. Hồ chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr200-201.

Bài viết khác: