Thứ năm, 02/05/2024

Vào khoảng tháng 10 năm 1948, tôi và anh Trần Quang Huy đang trong Thường vụ Liên khu uỷ Liên khu 10, được điều về công tác ở Trung ương. Anh Huy làm Chánh Văn phòng cho Tổng Bí thư Trường Chinh, còn tôi làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, lúc đó đóng ở vùng Chợ Đồn, Bắc Kạn. Sống trong rừng, ở lán, dân thưa thớt, lương thực khó khăn, nên việc ăn uống rất kham khổ. Gạo không đủ, phải độn thêm sắn, thức ăn chỉ có măng và rau rừng, muối vừng, thỉnh thoảng có dăm con cá khô chuyển từ vùng xuôi lên, sức chúng tôi đang khỏe nên ăn thường không đủ no. Về mùa rét, ai mang được áo ấm ở khu về thì mặc, còn thì bên quân đội phát cho áo trấn thủ và quần áo lính màu xanh cỏ úa để chống chọi với giá rét sương muối mùa đông ở miền núi. Công tác ở Văn phòng Trung ương lúc đó rất vất vả, người thì ít, phương tiện thiếu thốn mà công việc nắm tình hình ở các tỉnh và Liên khu thì nhiều và khó khăn, nhất là những khi địch hành quân chiếm đóng và khi ta mở chiến dịch, nhưng mọi người đều say sưa làm việc không kể ngày đêm, một lòng tin tưởng ở trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Cuối năm 1951, ta mở chiến dịch ở vùng Liên khu 3, việc báo cáo tình hình mặt trận và xin ý kiến giải quyết công việc lên đồng chí Trường Chinh và Bác Hồ phải được tiến hành cấp tốc không kể ngày đêm. Lán của Văn phòng Trung ương cách lán Tổng Bí thư khoảng 500m, còn cách lán của Bác Hồ đến 5,6km đường rừng núi. Mùa đông ở miền núi trời chóng tối. Một lần vào 7 giờ tối, chúng tôi đốt lửa để sưởi ấm. Đến giờ liên lạc điện đài, nhân viên mật mã dịch bức điện báo (lúc đó chỉ có điện báo, chưa có điện thoại) của Bộ Tư lệnh tiền phương gửi lên Bác Hồ qua Văn phòng Trung ương. Nhiệm vụ của tôi là phải đưa tận tay Bác báo cáo của mặt trận, xin ý kiến của Bác, đem về thảo công điện, đưa lên đồng chí Trường Chinh duyệt lại và gửi điện báo cho Tư lệnh mặt trận lúc đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Trời tối mịt mùng, gió bấc thổi rít từng cơn, sương muối xuống thấm lạnh. Tôi bảo một cán bộ Văn phòng đốt đuốc và cầm súng bảo vệ cùng lên đường đến lán của Bác Hồ. Men theo chân ba quả đồi, lội qua hai suối cạn, mất khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được quả đồi có lán của Bác. Tôi đã quen ra vào lán Bác nên bộ đội bảo vệ ở dưới không phải đưa lên. Lán của Bác là một ngôi nhà sàn nhỏ, xung quanh có rào gỗ che kín để đề phòng thú dữ. Phía dưới, cạnh cầu thang gỗ lên sàn là giường nằm của người bảo vệ Bác. Sàn lát nứa, có kê một bộ bàn ghế nơi làm việc. Khi chúng tôi bước lên sàn, dưới ánh sáng ngọn đèn bão, Bác vẫn đang làm việc, mình khoác chiếc áo pa-đờ-xuy dạ cũ. Chúng tôi cất tiếng chào, Bác đứng lên ngay và hỏi chúng tôi:

- Có điện ở mặt trận gửi về phải không, chú đưa đây.

Tôi rút bức điện trong túi áo rét đưa Bác, rồi ngồi xuống sàn nứa. Sau khi cầm bức điện, chưa xem, Bác bảo chúng tôi:

- Các chú có đói thì xuống bếp của Bác, xem có còn gì thì “càn quét” nốt đi!

Bác biết rất rõ đời sống của chúng tôi, cơm ăn không đủ no, lại đi bộ mấy kilômét đêm hôm, chắc thế nào cũng đói, nên đã rất thân tình bảo chúng tôi ăn thêm cho đỡ đói để lấy sức làm việc. Tôi cùng đồng chí cán bộ Văn phòng xuống bếp, đốt đèn, mở chạn, thấy nồi cơm trộn sắn vẫn còn cùng ít cá kho. Tôi vục bát xới cơm, ăn với cá kho tưởng như thuở bé đi học về đang đói, được mẹ xúc cho bát cơm nguội, chan với nước cá kho tương, không gì ngon bằng.

Sau khi ăn cơm thu dọn xong, chúng tôi lên nhà đợi ý kiến của Bác. Thường lệ báo cáo từ mặt trận gửi về đều ghi kết quả của trận đánh, thiệt hại của ta và địch, phản ứng của chúng, việc làm tới và phương hướng tiếp tục của ta. Bác thường đọc rất kỹ, có lần khi đọc tới số thương vong của ta, Bác hỏi lại tôi xem điện báo nhận có cẩn thận không. Bác cân nhắc rồi ghi ý kiến chỉ thị tiếp tục việc làm, căn dặn chu đáo mọi tình thế. Lần này, Bác bảo:

- Bức điện này hôm nay không khẩn cấp, các chú không phải về ngay, nằm lại ở đây mà ngủ, sáng mai về cũng được.

Hai chúng tôi vừa đi đường mệt mỏi nghe Bác nói không phải về ngay, cho ngủ lại đây, thì liền nằm lăn ra ngay giữa sàn nứa, ôm nhau mà ngủ. Trời rét, không chiếu, không chăn nhưng chúng tôi cũng ngủ ngay được, chẳng còn biết trời đất là gì nữa. Chúng tôi ngủ một mạch cho đến sáng, mãi đến khi Bác đánh thức tôi mới mở mắt thì thấy trên mình có chiếc chăn sợi Nam Định của Bác đắp cho hai anh em không biết từ lúc nào. Khi chúng tôi lăn ra sàn nằm thì Bác vẫn ngồi làm việc, cũng không biết Bác đi ngủ lúc nào hay làm việc cả đêm. Trời rét như vậy, Bác lại chỉ có một chiếc chăn chiên Nam Định mỏng manh, tuổi Bác đã cao, làm việc nhiều, sức khoẻ lại yếu hơn chúng tôi, vậy mà Bác đã nhường để đắp cho chúng tôi thì Bác làm sao chịu được rét và ngủ được? Tôi cảm động, thẫn thờ nhìn Bác hồi lâu, suy nghĩ nhưng không dám hỏi. Tôi đánh thức cán bộ văn phòng cùng đi dậy để chuẩn bị ra về. Bác đọc lại lời ghi, đưa giấy cho tôi và dặn:

- Bác đã ghi các ý kiến giải quyết vào đây rồi, chú nhớ ghi trong công điện đây là ý của Bác và cả của chú Thận (tức đồng chí Trường Chinh) gửi chú Văn nhé.

Tôi đón nhận tờ giấy của Bác trao, chào Bác rồi ra về, lòng bàng hoàng sung sướng, nhớ lại đêm qua Bác bảo ăn thêm cơm cho khỏi đói, bảo ở lại chỗ Bác ngủ cho khỏi mệt, lại nhường chăn và đắp cho khỏi rét giữa đêm đông giá lạnh. Tôi như được sống trong gia đình, được sự chăm sóc của bàn tay người mẹ hiền. Chính những lời chỉ bảo ân cần và tình thương của Bác trong những năm được gần gũi Bác, đã thúc giục tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong kháng chiến và mãi mãi sau này.

Theo Nguyễn Văn Kha kể Nguyễn Thế Long ghi Báo Đại Đoàn kết, số 66, tháng 12-1998.

http://www.baotanghochiminh.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: