Thứ sáu, 29/03/2024

11. Trả lời điện của một nhà báo nước ngoài (3-1948)

Hỏi: Thưa Chủ tịch, tôi kính trọng chúc Chủ tịch nǎm mới muôn sự tốt lành và rất cảm ơn Chủ tịch trả lời câu hỏi sau đây:

1. Kết quả nǎm đầu của cuộc kháng chiến thế nào. Và triển vọng nǎm nay sẽ thế nào? Trong nǎm nay có thể đi đến hoà bình không?

2. Theo tin Pháp, ông Bôlae có nói rằng: Ông Bảo Đại chịu nhận điều kiện quân đội Việt Nam sẽ ở dưới quyền chỉ huy của Pháp. Tin ấy có thực không?

Nếu Chủ tịch vui lòng cho biết vấn đề gì thêm thì tôi rất cảm ơn.

Trả lời:

Tôi cảm ơn ngài về lời chúc nǎm mới. Và tôi xin chúc ngài một nǎm mới tốt đẹp.

1. Trong nǎm kháng chiến vừa qua, quân đội Pháp đã mất hơn 60.000 người chết và bị thương với một số phi cơ, tàu thuỷ và vũ khí. Quân đội Việt Nam mất 1/6 số đó, vì chúng tôi đánh theo lối du kích.

Kết quả quân Pháp chiếm đóng những thành phố như Huế, Hà Nội, Hải Phòng và một vài nơi khác. Nhưng 95% lãnh thổ Việt Nam vẫn ở dưới quyền Chính phủ Việt Nam.

Triển vọng nǎm nay là cuộc chiến tranh có thể gay go hơn. Song dù phải hy sinh và cực khổ mấy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng quyết kháng chiến đến cùng để tranh kỳ được thống nhất và độc lập thực sự.

Thực dân Pháp thường phao ra những tin không đích xác. Ông Bôlae muốn nói gì thì nói. Song ông Vĩnh Thuỵ là Cố vấn của Chính phủ Việt Nam. Ông ấy không thể đàm phán hoặc hành động gì trước khi Chính phủ Việt Nam đồng ý. Vả chǎng nếu quân đội và ngoại giao Việt Nam ở dưới quyền Pháp tức là Việt Nam chưa được độc lập hẳn và vẫn là thuộc địa của Pháp. Điều kiện như thế thì ngoài bọn phản quốc ra, không có một người Việt Nam chịu nhận, Cố vấn Vĩnh Thuỵ cũng vậy.

Hơn 80 nǎm dưới quyền thống trị của Pháp, nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ lần nữa.

2. Tôi chỉ thêm ý kiến này: Trong cuộc Thế giới đại chiến lần thứ hai, các nước dân chủ đã hy sinh hàng triệu người để giữ tự do dân chủ cho thế giới.

Trong Hiến chương Đại Tây Dương, các nước đã trịnh trọng tuyên bố thừa nhận các dân tộc độc lập. Hiến pháp của nước Pháp cũng tuyên bố rằng: Nước Pháp sẽ không dùng vũ lực với các dân tộc khác.

Thực dân phản động Pháp gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam tức là chúng đã phá hoại Hiến chương Đại Tây Dương. Chúng đã phá hoại Hiến pháp của nước Pháp. Nhân dân Việt Nam bất đắc dĩ phải kháng chiến để tranh thống nhất và độc lập. Thế là nhân dân Việt Nam tôn trọng Hiến chương Đại Tây Dương, theo một tôn chỉ cùng các nước dân chủ.

Ở các nước Âu Mỹ cũng như ở các nước khác vẫn có những người dân chủ lên tiếng bênh vực Việt Nam. Song những tiếng đó vẫn còn thưa thớt. Tôi mong rằng những đoàn thể dân chủ ở các nước cũng như ở Pháp sẽ ủng hộ Việt Nam một cách thiết thực hơn.

Nước Mỹ và nước Anh thừa nhận Phi Luật Tân và n Độ, Miến Điện độc lập. Hai cường quốc đó đã cho nước Pháp một bài học chính trị rất khéo và quang minh. Nếu thực dân Pháp vẫn khư khư giữ chặt tham vọng cũ thì chúng sẽ thất bại. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng.

Chào ngài
Tháng
3 nǎm 1948
HỒ CHÍ
MINH

12. Trả lời phỏng vấn của báo Fères d’Armes (25-5-1948)

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

Trả lời: Điều ác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

Trả lời: Điều thiện.

- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?

Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất?

Trả lời: Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

Tháng 5 năm 1948

13. Trả lời phỏng vấn của ông Êli Mâysi, phóng viên hãng tin Mỹ I.N.S (5-1948) 

1. Hỏi: Đối với những lời quả quyết của ông Uyliam Bulít vừa rồi đǎng trên báo “Life”, Chủ tịch nghĩ thế nào? Chủ tịch có nghĩ rằng những lời ấy đã quyết định chính sách của Pháp từ bấy đến nay không?

Trả lời: Rất có thể những hoạt động của ông Bulít có ảnh hưởng ít nhiều đến chính sách của nước Pháp đối với Đông Dương.

2. Hỏi: Hiện giờ những triển vọng về một sự thoả hiệp giữa Chính phủ Ngài và Chính phủ Pháp như thế nào? Ngài có nghĩ rằng các cầu liên lạc giữa đôi bên đều đổ hết không?

Trả lời: Chiến tranh sẽ chấm dứt ngay khi nào nước Việt Nam được độc lập và thống nhất thực sự. Dù cầu có đổ người ta vẫn có thể xây lại được cầu.

3. Hỏi: Nếu cuộc chiến đấu lại gay go trong thời gian sắp tới thì Ngài tính sẽ trông cậy vào những sự hỗ trợ nào trong thời gian sắp tới ?

Trả lời: Chúng tôi bao giờ cũng trông cậy vào chúng tôi và vào cái cảm tình tích cực của các người dân chủ thế giới, trước hết của các người dân chủ Pháp.

4. Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết đại thể chính sách của Việt Minh hiện nay đối với Bảo Đại, với nước Pháp và với một vài yếu tố khác theo như lập trường Mỹ ?

Trả lời: Bảo Đại hay là ai đi nữa cũng không thể đi ngược lại con đường của toàn thể dân tộc đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc. Chúng tôi chiến đấu chống thực dân Pháp nhưng bao giờ cũng là bạn của nước Pháp dân chủ.

Dân tộc Mỹ đã từng chiến đấu anh dũng để được độc lập và đã có độ lượng công nhận nền độc lập của Phi Luật Tân, tất nhiên phải đồng tình với nước Việt Nam tranh đấu giành độc lập.

Tháng 5 nǎm 1948

14. Trả lời các nhà báo sau phiên họp đầu nǎm 1949 của Hội đồng Chính phủ (1-1949)

1. Kết quả cuộc họp Hội đồng Chính phủ

Chính phủ đã kiểm điểm kỹ càng những thành công và những khuyết điểm trong nǎm vừa qua. Và đã chuẩn y những chương trình cùng kế hoạch của các bộ trong nǎm 1949.

Khẩu hiệu mới của tất cả chúng ta là: Tất cả mọi ngành hoạt động đều nhằm vào kháng chiến thắng lợi.

2. Kháng chiến sang giai đoạn thứ hai

Sự thất bại của Pháp và sự thắng lợi của ta ở Việt Bắc 1947 đã mở đầu giai đoạn thứ hai.

Hiện nay, nhiệm vụ của Chính phủ, của quân đội và của nhân dân ta là ra sức thực hiện chiến lược cầm cự và chuẩn bị tổng phản công, để đi đến thắng lợi cuối cùng.

3. Trung Quốc và Nam Dương với ta

Thực dân Hà Lan lừa gạt Nam Dương làm cho đồng bào càng thấy rõ rằng: Chủ trương trường kỳ kháng chiến của ta là rất đúng, và do đó càng thêm kiên quyết kháng chiến.

Sau kinh nghiệm đau đớn ấy, nhân dân Nam Dương đang tích cực tranh đấu cho đến thắng lợi.

Nhân dân Trung Hoa là một phần nhân dân toàn thế giới. Dân chủ Trung Hoa thắng lợi, ắt sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới mà Việt Nam ta là một bộ phận.

4. Thái độ ta đối với Vĩnh Thuỵ

Ông Vĩnh Thuỵ đã trịnh trọng thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Chính phủ.

Nếu ông ấy cam tâm buôn dân bán nước, thì ông ấy sẽ bị tội phản quốc như những kẻ phản quốc khác.

5. Tin đồn hiệp ước giữa Mao – Hồ

Thực dân Pháp chẳng những phao tin, mà lại đǎng hẳn hoi lên báo một bản hiệp ước bí mật giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Điều sau cùng của bản hiệp ước ấy là người Trung Quốc và người Việt Nam có thể lấy nhau làm vợ chồng được!

Việc này tỏ rằng:

- Bọn thực dân rất hoang mang, sợ bóng, sợ gió.

- Chúng có bệnh nói láo “vô trung sinh hữu”.

- Chúng khinh dân Pháp và người thế giới, tưởng nói dại, nói dột thì họ cũng nghe.

- Chúng muốn dùng tài liệu giả dối ấy để cầu cứu với nước khác, vì chúng tự thấy thất bại đã đến nơi rồi.

Tục ngữ ta có câu: Chó dại cắn quàng, là thế.

6. Càng gần thắng lợi càng phải gắng

Với hoàn cảnh thuận lợi trong thế giới, với tình hình gay go ở nước Pháp, với sự tiến bộ về mọi mặt của nước ta, bây giờ ta chắc chắn thắng lợi hơn bao giờ hết.

Nhưng càng gần đến thắng lợi thì càng nhiều sự khó khǎn. Vậy, tôi cần nhắc lại rằng: Chúng ta tuyệt đối chớ chủ quan, chớ khinh địch. Nhân dân, quân đội và Chính phủ cần phải đẩy mạnh tinh thần thi đua ái quốc, cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, để nắm chặt lấy thắng lợi về ta.

Tháng 1 năm 1949

15. Trả lời Hãng thông tấn Anh Roitơ (2-2-1949)

1. Hỏi: Đối với cuộc đàm phán giữa cựu hoàng Bảo Đại với Chính phủ Pháp, lập trường của Chủ tịch là thế nào?

Trả lời: Chúng tôi không nhìn nhận những cuộc đàm phán ấy.

2. Hỏi: Người ta có thể cứ coi cựu hoàng Bảo Đại vẫn giữ chức tối cao Cố vấn của Chính phủ Việt Nam không?

Trả lời: Ông ta đã tự cách chức ấy rồi.

3. Hỏi: Nếu Bảo Đại trở về Việt Nam với những hiệp định Chính phủ Pháp cho Việt Nam độc lập và thống nhất, thì thái độ của Cụ sẽ thế nào?

Trả lời: Xin ông xem câu trả lời số 1 và số 2.

4. Hỏi: Nếu những hiệp định ấy sẽ làm cho thoả mãn những nguyện vọng của dân Việt Nam thì sự quyết định của Cụ sẽ thế nào?

Trả lời: Xin ông xem những câu trả lời trên.

5. Hỏi: Đối với tình hình hiện tại ở nước Tàu, lập trường của Cụ là thế nào? Nếu ông Mao Trạch Đông sẽ đứng đầu Chính phủ Trung Hoa, thì thái độ của Chính phủ Cụ sẽ thế nào?

Trả lời: Vì điều kiện địa lý, lịch sử, kinh tế, v.v. đã mấy nghìn nǎm, dân tộc Việt Nam và dân tộc Trung Hoa như là bà con thân thích. Chính phủ Trung Hoa nào được nhân dân Trung Hoa ủng hộ thì Chính phủ Việt Nam sẽ thừa nhận Chính phủ ấy.

Tháng 2 năm 1949

16. Trả lời phỏng vấn báo France Soir (28-2-1949)

1. Hỏi: Theo ý Chủ tịch, những điều lợi mà Bảo Đại đã thu được ở Hạ Long, Cannơ và Ba Lê có làm thoả mãn nguyện vọng Việt Nam không?

Trả lời: Chỉ có độc lập thật sự và thống nhất thật sự mới có thể làm thoả mãn nguyện vọng Việt Nam .

2. Hỏi: Theo ý Chủ tịch giữa Chính phủ Chủ tịch với Bảo Đại có thể có thoả ước hay không?

Trả lời: Trong một nước, làm gì có thoả ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra.

3. Hỏi: Nếu có thể có thoả ước, thì điều kiện thoả ước phải như thế nào?

Trả lời: Xem câu trả lời số 2.

4. Hỏi: Những việc xảy ra ở Trung Hoa có thể làm thay đổi tình hình Đông Dương không? Chủ tịch liên lạc với ông Mao Trạch Đông như thế nào?

Trả lời : Những việc xảy ra ở Trung Hoa có thể làm thay đổi tình hình Đông Dương hoặc nhiều hoặc ít. Tôi chưa có liên lạc gì với ông Mao.

5. Hỏi: Chủ tịch nhận xét về những vụ chuyển biến ở Nam Dương và thái độ Mỹ đối với Nam Dương như thế nào?

Trả lời: Theo tôi, những việc xảy ra ở Nam Dương là nghiêm trọng. Còn về thái độ Mỹ đối với Nam Dương xin ông hỏi các nước đương sự.

Ngoài ra để các bạn của ông hiểu rõ, tôi xin nói thêm: Từ trước tới nay, nhân dân Việt Nam bao giờ cũng sẵn sàng hợp tác thân mật với nhân dân Pháp. Và cũng như nhân dân Pháp, nhân dân Việt Nam quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập và thống nhất thật sự cho Tổ quốc.

Tháng 2 năm 1949

17. Trả lời nhà báo Mỹ Harôn Ixắc (3-1949)

1. Hỏi: Theo ý Cụ, thì cuộc đàm phán giữa Pháp và Bảo Đại sẽ thế nào?

Trả lời: Chúng tôi không cần biết đến cuộc “đàm phán” ấy.

2. Hỏi: Theo ý Cụ, thì có thể cǎn cứ trên những điều Pháp đã nhượng cho Bảo Đại để sửa đổi mối quan hệ giữa Chính phủ Cụ với Bảo Đại không?

Trả lời: Giữa một tư nhân với Chính phủ cả nước bầu lên, thì có gì là sửa đổi mối quan hệ?

3. Hỏi: Trong một thời gian gần đây, lực lượng Việt Nam có thể đánh quỵ Pháp được không? Và theo tình hình hiện tại, thì bao giờ cuộc đánh ấy sẽ đến?

Trả lời: Chắc chắn có thể đánh qụy thực dân. Bao giờ thời cơ đến, tôi sẽ nói với ông.

4. Hỏi: Theo ý Cụ, thì tình hình nước Tàu sẽ có ích cho cuộc độc lập của Việt Nam không?

Trả lời: Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam.

5. Hỏi: Theo ý Cụ, thì Việt Nam sẽ được Tàu giúp hay không và giúp bằng hình thức gì?

Trả lời: Xin ông xem câu trả lời trên.

6. Hỏi: Nói chung, thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng Tàu thế nào?

Trả lời: Cũng như các nước khác, tình hình Tàu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ít hay nhiều. ảnh hưởng thế nào, thì chỉ có tương lai mới có thể nói.

7. Hỏi: Các báo chí thường nói rằng: Việt Nam có thể trở nên một nước chư hầu của Nga. Họ lại nói: Việt Nam là cộng sản hoặc là do cộng sản chi phối. Theo ý Cụ thì thế nào?

Trả lời: Đó là tuyên truyền láo của thực dân. Chính phủ Việt Nam gồm có đại biểu các đảng phái, như tôn giáo, dân chủ, xã hội, mác xít. Có nhiều Bộ trưởng không vào đảng phái nào. Lại có một vị hoàng tộc. Sao gọi được là cộng sản chi phối.

8. Hỏi: Cụ có sợ Việt Nam thành một nước chư hầu của nước nào không?

Trả lời: Không, tôi không sợ.

9. Hỏi: Theo ý Cụ, thì vì cớ gì mà có sự gay go giữa Mỹ và Nga. Sự gay go ấy có thể giải quyết bằng cách hoà bình, hay là không thể tránh khỏi xung đột? Cái gì đã ngǎn trở sự thoả hiệp giữa Nga và Mỹ ?

Trả lời: Sự hiểu lầm, đó là cớ chính. Theo ý tôi, thì có thể tránh xung đột. Vì sự hiểu lầm nó ngǎn trở hai nước ấy thoả hiệp.

10. Hỏi: Mục đích của Mỹ đối với thế giới là gì? Mục đích của Nga là gì?

Trả lời: Mỹ “Mácsan hoá” thế giới. Nga không “Mácsan hoá” thế giới.

11. Hỏi: Chính sách Mỹ ở Á Châu thế nào?

Trả lời: Chỉ đứng về phía Việt Nam mà nói, thì chúng tôi tiếc rằng Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người chúng tôi, phá phách xứ sở chúng tôi.

Tháng 3 năm 1949

18. Trả lời điện phỏng vấn của ông Oantơ Brit (3-1949)

1. Hỏi: Với điều kiện gì thì Cụ nhận Liên Hợp quốc can thiệp vào việc Việt Nam?

Trả lời: Tôi tiếc rằng chúng ta không gặp nhau, sau đây là trả lời cho những câu hỏi của ông:

- Độc lập và thống nhất thật sự của Việt Nam.

2. Hỏi: Cụ có nói rằng Việt Nam sẽ ở trong khối Liên hiệp Pháp. Điều này sẽ có những nhân nhượng gì trong sự hoàn toàn độc lập.

Trả lời : Phải…Nhưng không phải Liên hiệp Pháp trong hình thức thiên lệch của nó hiện nay, và với điều kiện là không hại đến sự hoàn toàn độc lập.

3. Hỏi: Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?

Trả lời: Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi.

4. Hỏi: Việt Nam công khai tuyên bố rằng trong 24 vị trong Chính phủ, 4 vị là cộng sản. Thế thì 4 vị ấy có ảnh hưởng đặc biệt, hay là cũng như các vị khác?

Trả lời : Tất cả các Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam đều cộng đồng phụ trách và ảnh hưởng quân bình.

5. Hỏi: Một khi độc lập đã thành công, về mặt quốc tế, Cụ sẽ đưa Việt Nam đứng với Nga và các nước đồng minh của Nga hay là với dân chủ phương Tây, hay là theo chính sách độc lập của mình?

Trả lời : Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn.

6. Hỏi: Việt Nam có tự do, ngôn luận không (ngoài những ngôn luận phản quốc và thân thực dân Pháp)?

Trả lời : Có.

7. Hỏi: Vì kết quả cộng sản thắng lợi ở Tàu, Cụ có kế hoạch hoặc đang chuẩn bị kế hoạch gì về sự cộng tác với Chính phủ mới sẽ thành lập ở Tàu không?

Trả lời : Luôn luôn có sự cộng tác giữa nhân dân Tàu và Việt, bất kể Chính phủ Tàu theo hình thức nào.

Trả lời tháng 3-1949.

(Còn nữa)

Theo cpv.org.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: