Thứ sáu, 03/05/2024

Trong bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, đưa ra khái niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.

Phù hợp với thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội

Qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rõ tính đúng đắn của đường lối đổi mới của Đảng ta, trong đó nổi bật là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là vì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra được sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng ta đã chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN để vừa kế thừa được thành tựu của nhân loại, đồng thời gạn lọc, loại bỏ điểm hạn chế của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, bổ sung những yếu tố tích cực của XHCN.

bai 4
Cảng Tân Cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: qdnd.vn

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả 3 mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ, vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ.

Do đó, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần...

“Dân giàu, nước mạnh” không phải là điều xa vời

Các thế lực thù địch, phản động không ít lần xuyên tạc, đả kích chủ trương của Đảng trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; trong xã hội cũng có lúc có ý kiến hoài nghi về chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những ý kiến trên cho rằng, yếu tố “thị trường” và yếu tố “định hướng XHCN” luôn đối chọi và triệt tiêu nhau, không thể cùng tồn tại.

Thế nhưng, thực tiễn Việt Nam trong suốt gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là trong những năm gần đây đã chứng minh tính đúng đắn của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nền kinh tế Việt Nam luôn nằm trong tốp những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500USD).

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng.

Mặc dù hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột và căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế thế giới, nhiều nước suy giảm tăng trưởng, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam thể hiện sức chống chịu tốt, luôn chủ động, linh hoạt tìm những động lực tăng trưởng mới, do đó, vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025. Fitch Ratings tin rằng, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể khoảng 7%/năm nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.

Nhờ những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế nên đời sống của người dân Việt Nam có xu hướng đi lên. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) vào năm 2023. Đến nay, có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và THCS, trạm y tế và mạng điện thoại. Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt khoảng 43%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở cả nông thôn và đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục-đào tạo, giao thông, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển mạnh mẽ.

Các quyền sở hữu tài sản của người dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm, tạo cơ hội cho người dân làm giàu chính đáng, đúng pháp luật. Theo báo cáo của Công ty Knight Frank-đơn vị tư vấn và thẩm định giá, nghiên cứu thị trường, số người siêu giàu tại Việt Nam (có từ 30 triệu USD trở lên) trong giai đoạn 2017-2022 đã tăng từ 583 người lên 1.059 người, tức là tăng 82% chỉ sau 5 năm. Theo World Data Lab, tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu, trong năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến năm 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 13% dân số (khoảng 13 triệu người) và có thể tăng lên 26% vào năm 2026.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Mặc dù sự thịnh vượng của Việt Nam chưa theo kịp các nước phát triển trên thế giới nhưng Việt Nam luôn ưu tiên thực hiện các chính sách để bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, nâng cao, gắn với sự chăm lo đầu tư phát triển các ngành y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ theo đúng tinh thần coi ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực này là quốc sách hàng đầu. Việt Nam hiện đã có 12,5 bác sĩ và 32 giường bệnh trên 1 vạn dân. Cùng với Trung Quốc, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục và đã đạt được sự phát triển rất ấn tượng trong lĩnh vực này.

Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2014. Số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần trong gần 40 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam mở rộng diện bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện, đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%); đồng thời tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023.

Từ đó, có thể thấy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thực sự là thành quả lý luận quan trọng của Đảng ta từ đầu thời kỳ đổi mới tới nay, là cơ sở để đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: