Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Xuyên suốt trong tư tưởng, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử là do quần chúng Nhân dân sáng tạo ra, chứ không phải do vài ba cá nhân anh hùng nào. Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân".

Thấm nhuần tư tưởng Mácxit và trải qua thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và là nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng. Người cũng đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ các giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Trong bau troi
Bác Hồ luôn nhấn mạnh sự quan trọng đặc biệt của Nhân dân

Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể, cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã nói: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Do đó, "trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân". Từ đó, ta thấy nổi lên ở Hồ Chí Minh một tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá con người, một ý chí kiên quyết đấu tranh để giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đói nghèo, lạc hậu. Tình yêu thương của Người dành đến cho mọi kiếp người, mọi số phận. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết “Những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng của Bác, cũng như trong đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chí Minh luôn đối xử với người có lý, có tình. Trong tình yêu đó có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mọi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với kẻ lầm đường, lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy. Cụ Hồ nói rằng: “Người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa”.

Sinh thời, Người từng nói: "Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân", "dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân", "chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của Nhân dân và do Nhân dân tự xây dựng lấy" bởi dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Qua đó, có thể thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người - mục tiêu và con người - động lực là thống nhất, vì dân và do dân là thống nhất. Nhân dân là người giữ vai trò quyết định trên tất cả các lĩnh vực: Từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, từ những chuyện nhỏ có liên quan đến lợi ích của mỗi cá nhân đến những chuyện lớn như lựa chọn thể chế, lựa chọn người đứng đầu Nhà nước. Người dân có quyền làm chủ bản thân, nghĩa là có quyền được bảo vệ về thân thể, được tự do đi lại, tự do hành nghề, tự do ngôn luận, tự do học tập… trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Người dân có quyền làm chủ tập thể, làm chủ địa phương, làm chủ cơ quan nơi mình sống và làm việc. Người dân có quyền làm chủ các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội thông qua bầu cử và bãi miễn.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất, là trung tâm của mọi sự vật hiện tượng. Chính vì vậy nên mục tiêu cao cả nhất của Bác đó chính là “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.  Trong một buổi nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30-5-1946), Bác Hồ đã nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.

Xuất phát từ những quan niệm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền dân chủ trong Nhân dân.Người chỉ rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, dân là chủ và dân làm chủ bởi lẽ đơn giản là con người không ai không cần đến những nhu cầu vật chất, từ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc,… Vì thế, người dân chỉ thấy vị thế là chủ, làm chủ của mình, thấy được giá trị độc lập tự do khi được ăn no, mặc ấm. Vì thế “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Quan tâm đến lợi ích của Nhân dân phải thiết thực, cụ thể chứ không thể nói chung chung được. Vì Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, lợi ích gần, lợi ích xa, lợi ích riêng, lợi ích chung, lợi ích bộ phận, lợi ích toàn cục. Đối với Nhân dân thì không thể lý luận và chính trị suông được. Quan điểm lợi ích đều vì dân của Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát triển, cụ thể hóa trong Hiến pháp và các quan điểm “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay lấy “con người là mục tiêu và động lực chính của sự phát triển kinh tế - xã hội”, thực hiện một “chiến lược vì dân và do dân”.

Một quan điểm quan trọng gắn liền với lợi ích là: “Quyền hạn đều của dân”. Theo Hồ Chí Minh, tất cả mọi quyền hành, quyền lực đều thuộc về Nhân dân, do Nhân dân quyết định. Mọi công việc của chính quyền là do nhân dân ủy thác cho nên Nhân dân phải biết được những công việc của chính quyền, phải kiểm tra, kiểm soát được những việc làm của chính quyền. Vì thế,“vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh của chính Nhân dân đặt ra, vừa là yêu cầu khách quan của việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản.

Mặt khác, cần phát huy sức mạnh của Nhân dân. Người nhấn mạnh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh, mới dẫn đến thành công. Đoàn kết là đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần. Đoàn kết phải thông qua các tổ chức chặt chẽ để tập hợp các tầng lớp Nhân dân. Trong Di chúc Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực ký quý báu của Đảng và Nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Người, Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực kể từ ngày 01/1/2014, tiếp tục đề cao quyền con người và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.  Trong đó, đề cao chủ quyền Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến phápnhằm khẳng định bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”,  “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”, coi quyền lập hiến cao hơn quyền lập pháp, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến, thông qua quyền lập hiến của mình. Chủ quyền Nhân dân (quyền lực tối cao của Nhân dân) được thể hiện trước hết ở vai trò của Nhân dân đối với bản Hiến pháp: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này” và đối với tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Có thể nói, từ việc xác định dân là hạt nhân, là gốc của đất nước, tiến đến xem dân là con của đất nước và tiến hơn nữa coi việc dân được hưởng hạnh phúc tự do là tiêu chí quan trọng nhất của một nước độc lập, đó là các cung bậc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về nhận thức và phát huy vai trò của Nhân dân - với ý nghĩa là động lực chủ yếu - để giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Thực tiễn đã làm sáng rõ, ở đâu và khi nào Nhân dân thực sự được coi là nguồn động lực, là mục tiêu trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì ở đó, khi đó tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ổn định và phát triển thuận lợi; ngược lại, tình hình sẽ khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng, bất ổn. Và trong sựnghiệp đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng ta quán triệt vận dụng và phát triển. Bởi Nhân dân là động lực, là trung tâm trong “chiến lược phát triển toàn diện”, trong công cuộc xây dựng xã hội mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Tâm Trang

Bài viết khác: