Việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đã tổ chức cho nhóm họa sĩ, điêu khắc cùng đoàn làm phim đi tham quan, tìm hiểu thực tế những nơi Bác đã từng sống và làm việc để cảm nhận sâu sắc thần thái, về tâm hồn và sự nghiệp vĩ đại của Người...
Trọn niềm kính thương
Ròng rã hơn hai năm trời, từ khi có đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (tượng đài Bác Hồ), nhóm làm tượng đã đi qua những nơi in dấu chân Bác, nơi Bác từng sống và làm việc, giúp cho nhóm có cảm xúc chân thật hơn, cảm nhận được những gì thần thái nhất về tâm hồn và sự nghiệp vĩ đại của Người. Đến nay, tượng đài Bác Hồ đã hoàn thiện, được dựng trong không gian kiến trúc mở với trụ sở HĐND, UBND Thành phố và tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày khánh thành tượng đài Bác Hồ vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người. Tượng đài trở thành một biểu tượng đặc biệt của thành phố, xứng đáng với tầm vóc và nhân cách ngời sáng của Người.
Kể chuyện về tượng đài Bác Hồ, đạo diễn phim tài liệu Trần Quốc Sơn cũng là người tham gia theo chân nhóm làm tượng, cho biết, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) bám sát, ghi lại những hình ảnh, những phác đồ ý tưởng tượng đài. Toàn bộ hành trình này được gói ghém trong một bộ phim tài liệu (ba tập) về tượng đài Bác Hồ và sẽ được phát sóng trên kênh HTV9 trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người. Đạo diễn Trần Quốc Sơn chia sẻ: “Phim và tượng đài được hình thành từ ý hai câu thơ nổi tiếng của Nhà thơ Tố Hữu: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Tình cảm ấy, tấm lòng ấy của Bác đối với miền Nam ruột thịt và miền Nam dành cho Bác là mãi mãi, là thiêng liêng, bất diệt”.
Bến cảng Sài Gòn, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, để rồi sau bao nhiêu năm bôn ba, Người trở về đã mang theo ánh sáng cách mạng, mang theo sứ mạng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột, lầm than. Thành phố mang tên Người nay đã bừng lên ánh sáng của một đô thị văn minh, trong một đất nước độc lập, tự do... như chính mong ước của Người.
Miền Nam trong trái tim Bác, Bác trong tình cảm miền Nam nói chung và mong ước của người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng, đã được gửi gắm vào những đôi tay tài hoa của các nhà điêu khắc. Tròn 40 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tượng đài Bác Hồ trong lòng người dân TP Hồ Chí Minh được thể hiện qua những lần tham khảo ý kiến nhân dân trước khi có quyết định dựng tượng. Tượng đài của Bác, dáng đứng của Bác là dáng đứng của nhớ mong, của niềm kiêu hãnh, của thành phố mang tên Người.
Phim... theo tượng
Ba tập phim tài liệu về tượng đài Bác Hồ thể hiện niềm tự hào, dáng đứng của Bác là dáng đứng vĩnh cửu trong trái tim của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, người dân miền Nam. Nội dung phim được kể bằng hình ảnh không tuân theo trục dọc của thời gian, mà đó là những hình ảnh mang theo niềm mong ước của Bác.
Tập một có tiêu đề: “Sài GònThành phố Hồ Chí Minh hôm nay”, đó là một đô thị đã bừng lên sức sống mãnh liệt của một thành phố trẻ, năng động, luôn hướng về tương lai.
Xây dựng kịch bản xoay quanh nỗi niềm nhớ mong miền Nam da diết của Bác, dù Bác đã đi xa nhưng những người con của thành phố này luôn ước mong đón Bác trở về trong vòng tay yêu thương để báo công với Bác, để kể với Bác về những điều mới mẻ, kỳ diệu của thành phố này. Sẽ chẳng bao giờ kể xiết tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào miền Nam đối với Bác. Sẽ chẳng có thể so sánh điều gì thiêng thiêng, cao cả hơn tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác... ”.
Với bất kỳ họa sĩ nào khi thể hiện hình tượng của Bác, ai cũng mang trong lòng mình một kỳ vọng, một tình cảm thiêng liêng. Đọc tài liệu về Bác, xem phim về Bác, tranh vẽ về Bác, nhưng có lẽ với người nghệ sĩ, ai cũng hiểu chất liệu tạo nên hồn cốt, sự tinh túy trong tác phẩm nghệ thuật chính là cuộc đời thật.
Với Bác, lối sống giản dị, nếp sinh hoạt đời thường đã tạo nên sự vĩ đại trong nhân cách và tâm hồn của vị lãnh tụ. Có thể cảm nhận được rõ chiều cao, bề rộng của tượng đài, không phải bằng thước tấc, mà bằng tình yêu Tổ quốc lớn lao và lòng tự hào dân tộc vô bờ của mỗi người con đất Việt nói chung, người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng với đất nước, với Bác Hồ. Đó cũng chính là khát vọng của các họa sĩ gửi vào tác phẩm của đời mình, tác phẩm về Bác Hồ (thể hiện trong tập 2: “Miền Nam trong trái tim Bác, Bác trong trái tim miền Nam” ).
Trước khi tượng đài Bác Hồ tại TP Hồ Chí Minh được lựa chọn, với sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo thành phố đã tổ chức cho nhóm họa sĩ, điêu khắc gia đi tham quan, tìm hiểu thực tế những nơi Bác đã từng sinh sống và làm việc (thể hiện trong tập 3 "Đón Bác trở về").
Ao cá này, Nhà sàn này bao nhiêu năm trôi qua nhưng dường như vẫn còn in bóng dáng Người. Bác Hồ đã sống và làm việc tại đây từ tháng 12-1954 đến tháng 9-1969. Trong 15 năm ấy, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc, dân chủ, vì hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
Tượng đài Bác Hồ được đúc bằng hợp kim đồng, chân đế tượng là khối đá tảng đặc vĩnh cửu. 40 năm, 40 mùa hoa nở và trong trái tim của mỗi người con thành phố bao giờ cũng dành những đóa hoa đẹp nhất, rạng ngời nhất dâng lên Bác, đón Bác trở về.
Bác đã trở về trong ngày vui đại thắng. Bác đứng đó uy nghi và thân thương với bàn tay đang vẫy chào. Cái vẫy tay thể hiện sự mong mỏi của Người một lần trở lại miền Nam, về nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước và cũng là lời chào của Người với miền Nam trong mùa Xuân đại thắng./.
Việt Ngữ
Theo nhandan.com
Minh Thu (st)