Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó Người để lại cho chúng ta một mẫu mực về sự tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức Việt Nam. Ảnh minh họa
Từ xưa, ông cha ta có triết lý sâu sắc: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “Phi trí bất hưng”, “Chiêu hiền đãi sĩ”, “Tìm lẽ trị bình, lấy tuyển nhân tài làm gốc”. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, trên một tấm bia Tiến sĩ có ghi: “Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước phồn thịnh. Khi yếu tố này kém cỏi thì đất nước suy yếu. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ trí thức nước ta. Dù bằng nhiều cách biểu đạt khác nhau, song Người luôn đề cao vai trò, trân trọng và động viên đội ngũ này đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tháng 6-1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội, nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài. Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”[1]. Tháng 7-1947, trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ trung ương là người trí thức”. Người nhấn mạnh: “Những người trí thức tham gia cách mạng rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”[2]; “anh em văn hóa và trí thức là lớp tiên tri tiên giác”. Người còn giải thích rõ: “Có một thành kiến không đúng tưởng Đảng và Chính phủ không trọng trí thức. Mà chính anh em cán bộ cũng có cảm tưởng như vậy. Sự thật không phải như thế. Chính là những đảng cách mạng lại càng trọng trí thức: Vì muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư,... Tóm lại, cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức. Nhưng trọng trí thức như thế nào? Không phải tất cả đều trọng. Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân... Vì sao Đảng và Chính phủ ta lại trọng trí thức? Vì Đảng và Chính phủ muốn xây dựng nước dân chủ nhân dân, như phát triển văn hóa, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, xây dựng kỹ nghệ”[3]. “Do vậy, Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ra trí thức mới từ lớp công nhân, nông dân ra. Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”[4].
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y. Ảnh minh họa
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp kiến quốc, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Chúng ta cần nhất bây giờ là: Kiến thiết ngoại giao; kiến thiết kinh tế; kiến thiết quân sự; kiến thiết giáo dục. Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”. Năm 1948, Người lại viết bài “Tìm người tài đức”, nói rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Người còn bày tỏ quan điểm: “Đảng và Chính phủ rất mong muốn, rất cố gắng mà đoàn kết với tầng lớp trí thức, đoàn kết lâu dài trong kháng chiến, trong kiến quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa. Đảng và Chính phủ thành tâm giúp trí thức tiến bộ mãi lên trên bước đường vẻ vang đó, đồng thời đào tạo trí thức ở trong công nông ra. Không phải dùng cách “đưa áo nâu lên, áo trắng xuống” hay “vắt cam vứt xác”. Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến, kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần... Cái đó anh em trí thức cần phải rõ. Không phải là đoàn kết nhất thời. Trên đây là thái độ, mục đích của Đảng đối với anh chị em trí thức”[5].
Với niềm tin vững chắc vào đội ngũ trí thức nước nhà và tương lai của đất nước, Người cho rằng, “Xã hội tương lai là một xã hội không có phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Vì văn hóa ngày càng cao lên thì thói quen của trí thức ngày càng hợp với lao động”. “Thói quen” và “lao động” mà Người nói ở đây chính là tác phong làm việc khoa học. Coi trọng, tin tưởng và sử dụng đội ngũ nhân tài, trí thức là quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì, Người tin tưởng và sử dụng đội ngũ này bằng cả tấm lòng kính trọng và sự phát huy tài năng, chứ không phải bằng danh lợi. Theo Người, nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài ngày càng phát triển, càng nhiều thêm. “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt vào làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”[6]. Người còn căn dặn: “Rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”.
Có thể nói, lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức nước nhà là chất keo gắn kết để đội ngũ này yên tâm, tự nguyện đóng góp, cống hiến tài năng và sức lực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Với nhãn quan sáng suốt, Người đã quy tụ được những nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, điển hình là các ông: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Phan Anh, Vũ Đình Tụng, Phạm Bá Trực, Vũ Đình Hòe,... Những cuộc tiếp xúc của Người với các nhân sĩ, trí thức đã để lại cho họ những tình cảm sâu sắc và suy nghĩ đẹp đẽ. Cần nói thêm rằng, các nhân sĩ, trí thức, trong đó có nhiều người là quan lại, trí thức chế độ cũ, khi tiếp xúc với Người, đều biết rõ Người là người cộng sản, nhưng vì Người chân thành, tin tưởng và biết làm giàu thêm nhiệt tình cách mạng, biết khơi dậy trong họ những khả năng tiềm tàng, xóa bỏ mặc cảm, hướng họ vươn lên cống hiến tài năng, trí tuệ cho dân, cho nước, nên họ rất phấn khởi, sẵn sàng đem tài năng và trí tuệ cống hiến cho đại nghĩa của dân tộc.
Là linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tập hợp mọi lực lượng, mọi người yêu nước, tiến bộ dưới ngọn cờ của Đảng, của dân tộc. Với tư tưởng và đạo đức trong sáng, Người kêu gọi, động viên và khuyến khích những nhân tài, trí thức, những nhà khoa học, Việt kiều yêu nước tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Hòa vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, đội ngũ trí thức nước nhà đã nhanh chóng trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng. Trong số đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, như Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Lương Định Của, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch,... Nói về sức cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức Việt Nam, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - một trong số trí thức ở nước ngoài về nước cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến Người sang Pháp năm 1946, tâm sự: “Đặc biệt đối với chúng tôi là những trí thức ở nước ngoài mới về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác chú ý đi sâu vào tâm tình, khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở bản thân, tin ở tập thể, ở cách mạng nhất định thắng lợi... Lời nói thân yêu của Bác đã cảm hóa và chinh phục trái tim chúng tôi”[7]. Còn Giáo sư Tôn Thất Tùng cho biết: “Tôi ở một thành phần mà con đường duy nhất là đi đến phản cách mạng, thế mà nhờ sự giáo dục của Đảng, tôi lại được thưởng huân chương. Hôm nay ở ngực tôi, không phải chỉ có một huân chương mà nhiều huân chương, tôi lại được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Làm sao trong buổi này tôi lại không cảm động được, không nhắc đến công ơn của Đảng, của Bác”[8].
Người ta nói nhiều, viết nhiều về sức cảm hóa, sức hấp dẫn, sức thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi tiếp xúc với Người, ai cũng thấy ở Người một tấm lòng rộng mở, chân thành và bình dị. Người thường mở đầu câu chuyện bằng những lời nói và cử chỉ làm cho người đối thoại, dù là nhân sĩ, trí thức, hòa ngay vào bầu không khí cởi mở, bị cuốn hút bởi những tình cảm chân thành và thân ái, bởi Người sống giữa mọi người. Ngay từ năm 1923, khi trò chuyện với Người, nhà báo Xô-viết Ô-xíp Man-đen-xtam đã có nhận xét: Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đội ngũ trí thức nước ta đã cùng nhân dân chịu đựng khó khăn, gian khổ, hy sinh, có những đóng góp xứng đáng và khẳng định vị trí của mình trong lịch sử dân tộc. Ngày nay, đội ngũ trí thức nước nhà ngày càng được bổ sung đông đảo, phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo trong nước và nước ngoài, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có cả bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Họ có tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức càng quan trọng hơn bao giờ hết. Năm 2008, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về trí thức, trong đó khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”9. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức, nhằm phát huy vai trò và năng lực của đội ngũ này để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn lực nội sinh, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trước hết, cần thực hiện tốt một số nội dung mà Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra:
- Phát triển nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn, đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, các lĩnh vực mũi nhọn.
- Phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn tri thức của con người Việt Nam và khai thác tri thức của nhân loại. Triển khai mạnh mẽ lộ trình phát triển kinh tế tri thức.
- Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Có chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ trí thức, đồng thời có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài.
- Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan, cán bộ nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước.
- Bản thân đội ngũ trí thức cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong rèn luyện, phấn đấu, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, năng động, nhạy bén; không ngừng tăng cường đoàn kết, hợp tác, phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 156, 235.
3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 32-33, 36, 39.
6. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 39.
7, 8. Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999, tr. 93-94, 40.
9. Văn kiện Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 90-91.
PGS, TS. Lê Văn Yên
(Theo Tạp chí Cộng sản)
Khúc Thị Lan Hương (st)