Thứ năm, 02/05/2024

Chỉ mục bài viết

 

Thế là một lần nữa ông Nguyễn biệt tích.

Một lần nữa chúng tôi mất khâu chuyền.

Một câu châm ngôn Trung Quốc nói: “Một nhà hoạ sĩ vẽ giỏi không bao giờ vẽ nguyên cả một con rồng, mà vẽ con rồng khi ẩn khi hiện giữa những đám mây”.

Chúng tôi không phải là những nhà hoạ sĩ có tài.

Chúng tôi không để những đám mây trong tiểu sử của Hồ Chủ tịch, nhưng đến đây thì chúng tôi phải thú thật rằng đã mất mối câu chuyện.

May thay lần này, khâu chuyền thiếu không lâu. Chỉ trong thời gian ngắn, một người bạn Pháp đã kể cho chúng tôi nghe như sau:

Tuyết xuống nhiều, phủ một lớp dày trên chiếc tàu Xô-viết tên là X…, chiếc tàu vừa thả neo trước cửa biển Lê-nin-gờ-rát. Vị thuyền trưởng đưa cho một người Á - Đông trẻ tuổi một bộ áo quần lông và vừa nói vừa cười:

“Anh tạm dùng, sẽ trả lại tôi khi nào anh không cần đến nữa.”

Người Á - Đông trẻ tuổi cảm ơn, mặc áo quần ấm và đợi.

Hai người thuỷ thủ trẻ tiến đến và nói với người Á - Đông:

“Nếu anh cho phép, chúng tôi đưa anh đến trụ sở.” Người Á - Đông bắt tay các cán bộ và thuỷ thủ trên tàu.

Đến trụ sở thì một cán bộ ra tiếp, mời ngồi, mời một điếu thuốc lá Nga, dài bằng hai ngón tay, và nói:

“Xin đồng chí cho biết tên.”

“Tôi là Nguyễn.”

“Đồng chí muốn đi đâu?”

“Tôi muốn đến đây, đến Nga.”

“Đến có việc gì, đồng chí vui lòng cho biết?”

“Để gặp đồng chí Lê-nin.”

“Rất đáng tiếc không thể gặp đồng chí Lê-nin, vì Người vừa mới mất hôm kia” - người cán bộ vừa nói vừa lau nước mắt.

“Trời ơi! Đồng chí Lê-nin mất rồi sao?”

Ông Nguyễn sửng sốt và vô cùng cảm động. Người cán bộ hỏi tiếp:

“Theo lời thuyền trưởng, đồng chí đi tàu… không có giấy phép?”

“Đúng, tôi bí mật.”

“Và đồng chí cũng không có giấy tờ gì cả?”

“Không.”

“Đồng chí có biết ai ở đây không?”

“Ở Pa-ri, tôi co biết những sinh viên người Nga Mi-kai-lốp-sky (Mikailovsky), Pê-tô-rô (Pétoro) v.v.”

“Tôi muốn nói một người nào hiện nay ở Nga?”

“Tôi biết mấy đồng chí Pháp hiện nay ở Mạc-tư-khoa.”

“Những đồng chí nào?”

“Đồng chí Ca-sanh và đồng chí Cu-tuya-ri-ê.”

“Đồng chí quen hai đồng chí ấy không?”

“Có.”

“Đồng chí muốn viết thư cho họ không?”

“Tôi rất muốn.”

“Thế đồng chí viết thư đi, tôi sẽ chuyển.”

Ông Nguyễn viết thư, và đưa cho người cán bộ. Người cán bộ nói:

“Cám ơn! Bây giờ tôi sẽ dẫn đồng chí đến khách sạn. Đồng chí sẽ ở đấy chờ thư trả lời.”

***

Ông Nguyễn được dẫn đến khách sạn Quốc tế.

Ở đây ông Nguyễn được ăn ngủ tử tế, mặc dầu lúc bấy giờ nước Nga còn thiếu thốn mọi thứ.

Sau những ngày đi tàu sóng gió, ông Nguyễn rất bằng lòng được ở một căn phòng rộng rãi, ăn uống đầy đủ, sách báo không thiếu.

Ông Nguyễn bắt đầu học tiếng Nga.

Hai ngày sau, một người Pháp trẻ tuổi Pôn đến tìm ông Nguyễn. Đây là một người bạn thân của ông Nguyễn. Vừa thấy nhau, hai người ôm quàng lấy nhau và hôn nhau.

“Anh đấy ư?” - Pôn hỏi.

“Vâng tôi đây”, ông Nguyễn trả lời.

“Anh làm thế nào mà đến đây được?”

“Như thường lệ thôi, bằng cách bí mật.”

“Anh đến đây vào lúc đang buồn. Lê-nin vĩ đại vừa mới mất.”

Hai người bạn im lặng một lát, buồn rầu. Rồi Pôn nói tiếp:

“Anh thấy xứ này thế nào?”

“Tôi thấy rất rét. Ngoài ra không biết chuyện gì khác, vì tôi hứa với người cán bộ là không ra khỏi khách sạn.”

“À! Đúng thế, ở đây rất nghiêm ngặt, vì có nhiều do thám ngoại quốc tìm cách lọt vào nước này.”

“Còn anh, Pôn, anh làm gì ở đây?”

“Suýt nữa tôi quên nói cho anh biết nhiệm vụ của tôi. Chính bác Ca-sanh đã bảo tôi đến đây xem có đúng anh không, và đưa anh đến Mạc-tư-khoa.”

“Thế thì chúng ta đi ngay. Tôi không muốn mất nhiều thì giờ ở khách sạn này mặc dầu thịt rán và thuốc lá rất ngon.”

“Gavaris po rutski?” (Anh biết nói tiếng Nga rồi sao?)

“Đa!” (Vâng)

Hai người cùng cười và vỗ đùi nhau. Pôn đứng dậy và nói:

“Được, tôi đi giải quyết việc anh. Nếu mọi việc xong xuôi, có thể ngay chiều nay chúng ta lên tàu.”

Mạc-tư-khoa, được nhiều người yêu và cũng nhiều kẻ ghét, cách Lê–nin-gờ-rát sáu trăm cây số. Mạc-tư-khoa ở trên bờ sông Mátxcơva. Chính ở đây năm 1812, Napôlêông vừa là người thắng trận vừa là kẻ bại trận. Thắng trận vì Napôlêông đã chiếm được thành phố, bại trận vì nhân dân Mạc-tư-khoa đã quyết tâm hy sinh tất cả, tự tay đốt cháy thành phố, lửa đã đuổi Napôlêông; rét, đói và du kích đã tiêu diệt đại quân của Napôlêông.

Hy sinh thành phố lớn của mình, thực hiện chiến thuật tiêu thổ, nhân dân Mạc-tư-khoa đã quyết tâm hy sinh tất cả, tự tay đốt cháy thành phố, lửa đã đuổi Napôlêông; rét, đói và du kích đã tiêu diệt đại quân của Napôlêông.

Hy sinh thành phố lớn của mình, thực hiện chiến thuật tiêu thổ, nhân dân Mạc-tư-khoa đã thắng Napôlêông.

Đây là một thành phố theo kiểu Mông Cổ, hoàn toàn khác hẳn những thành phố ở Châu Âu.

Kờ-rem-lanh ở trên một ngọn đồi, bên bờ sông Matxcơva, giữa thành phố Mạc-tư-khoa. Chung quanh có thành bao bọc, ở giữa những tháp chuông lóng lánh ánh mặt trời và điện Kờ-rem-lanh cửa mạ vàng, khảm ngọc. Trước kia vua chúa ở đây, Bây giờ những lãnh tụ nước Nga chỉ ở trong những nhà tầm thường. Còn Kờ-rem-lanh để làm phòng hội nghị.

Muốn đến thăm Kờ-rem-lanh, phải có giấy phép đặc biệt.

Mộ Lê-nin dựa vào thành Kờ-rem-lanh, quay mặt ra phía Hồng trường vĩ đại. Mộ xây bằng cẩm thạch đen. Lê-nin nằm trong một quan tài bằng pha–lê như một người đang ngủ; suốt ngày, từng đoàn nhân dân đến viếng mộ của vị lãnh tụ kính mến. Và khi bước ra, người nào cũng rưng rưng nước mắt.

Có những kẻ cho nước Nga là một địa ngục. Có những người thì bảo nước Nga là một thiên đường. Đối với ông Nguyễn, nước Nga nhất định không phải là một địa ngục, nhưng lúc bấy giờ cũng chưa phải là một thiên đường mà là một nước đang xây dựng có nhiều ưu điểm, nhưng tất nhiên chưa kịp sửa chữa hết những khuyết điểm. Đây đó, người ta còn thấy những vết thương do chiến tranh để lại như những cảnh trẻ mồ côi, thiếu nhà ở, thiếu lương thực, v.v. Song những vết thương đang được hàn gắn dần dần. Khắp nơi, người ta phấn khởi, hy sinh, hăng hái làm việc.

Vừa xem xét vừa nghiên cứu nước Nga, ông Nguyễn không quên đây là một nước đã trải bốn năm chiến tranh thế giới và một năm nội chiến, những cuộc chiến tranh đã làm tổn thương đến tận cơ sở. Ông Nguyễn cũng không quên so sánh nước Nga mà cuộc cách mạng đang tiến tới với nước Việt Nam bị nô lệ đã mấy mươi năm.

Ông chú ý nhất đến chế độ xã hội của nước Nga. Ở đây mọi người ra sức học tập, nghiên cứu để tiến bộ. Chính phủ thì giúp đỡ khuyến khích nhân dân học tập. Ở đâu cũng thấy trường học. Các nhà máy đều có lớp học, ở đây con em thợ thuyền có thể học nghề, thợ không lành nghề có thể học để trở thành lành nghề, thợ lành nghề có thể học để trở nên kỹ sư. Như thế nhà máy tự đào tạo lấy cán bộ chuyên môn của mình. Đây là mônt chế độ rất hay. Trong những nông trường tập thể, tính chất người nông dân Nga khác với nông dân các nước: về pháp luật ruộng đất là của nhà nước nhưng thực tế do nông dân sử dụng. Chính phủ cho những nông trường tập thể mượn máy cày. Trong nông trường tập thể, mọi làm chung và chia sản phẩm theo công làm của mỗi người.

Có một số nông trường tập thể rất giàu, mà người ta gọi là nông trường triệu phú. Những nông trường này có trường học sơ cấp và trung cấp, thư viện, nhà chiếu bóng, sân vận động, nhà thương, phòng nghiên cứu nông nghiệp, nơi chữa máy móc v.v. Những nông trường này đã biến thành những thành phố nhỏ.

Những người ốm đau được săn sóc không mất tiền, đây cũng là một điều ông Nguyễn hết sức phục. Và ông nghĩ đến những đồng bào đáng thương của mình, đau ốm không có tiền thuốc. Thực dân Pháp khoe khoang đã tổ chức những nhà thương. Thật ra mỗi tỉnh lỵ mới có một nhà thương, mà không bao giờ chữa cho những người không có tiền.

Ở Đông Dương, người ta tính hơn mười vạn người mới có một thầy thuốc.

Vì ông Nguyễn rất yêu trẻ con nên ông nghiên cứu kỹ vấn đề nhi đồng ở Nga.

Lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần thầy thuốc đến thăm nhiều lần. Người mẹ được nghỉ hai tháng trước và sau khi sinh đẻ, vẫn được lương. Mỗi nhà máy có một chỗ nuôi trẻ do những thầy thuốc và nữ y tá trông nom. Người mẹ làm thợ cứ vài giờ lại được nghỉ việc trong mười lăm phút để cho con bú. Những đứa trẻ ngoài chín tháng có thể gửi ở những vườn trẻ, có thấy thuốc chăm sóc.

Buổi sáng, khi đứa trẻ đến, thầy thuốc khám và cân. Rồi nữ y tá tắm cho nó và bận áo quần sạch sẽ của vườn trẻ. Khi mới đến và hai giờ chiều nó được uống sữa, mười giờ sáng và bốn giờ chiều được ăn cơm. Mỗi đứa trẻ có một cái giường nhỏ để nghỉ trưa từ mười một giờ đến một giờ chiều. Có những bàn ghế và đồ dùng nhỏ hợp với trẻ em. Trang hoàng thì có những chậu hoa và những bức tranh vui vẻ thú vật chim chóc, cây cối hoặc những chuyện trẻ em.

Tất cả đồ chơi đều do vườn trẻ cung cấp. Trẻ em ngoài bốn tuổi, bắt đầu học đếm và học những chữ cái với những đồ chơi. Ví dụ đếm bàn ăn, chúng vừa chia những nĩa nho nhỏ hoặc những cái bát nhỏ cho các bàn vừa đếm một, hai, ba, bốn v.v. Có những khối gỗ nho nhỏ sơn nhiều màu và có nhiều chữ vừa là đồ chơi vừa là sách học. Trẻ em lớn tuổi hơn có những đồ chơi khác. Chúng có đủ đồ để học vẽ, học nặn. Có một mảnh vườn con để tập trồng trọt.

Trẻ em được tự do làm theo ý thích của chúng. Chỉ khi nào đứa trẻ đã làm xong hoặc chơi xong, lúc bấy giờ các người phụ trách mới phê bình hoặc gợi ý.

Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan.

Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân.

Hết giờ làm việc, cha mẹ đến tìm con. Thường thường các em muốn ở lại vườn trẻ, không thích về nhà.

Có thể gửi trẻ vào vườn trẻ cho đến tám tuổi, trẻ em bắt đầu đi học. Học sinh mỗi buổi sáng được một bữa ăn uống không mất tiền.

Ngoài trường học, thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em.

Các thành phố lớn đều có cung văn hoá của thiếu nhi. Đây là một lâu đài rộng lớn, có đủ các thứ để cho trẻ có thể vừa chơi vừa học. Ở đây có văn chương, nhạc, thiên văn, hoá học, nhà hát, trò chơi, v.v. cho đến cả tàu điện, ô–tô và xe lửa. Mỗi một thứ đó đều do một nhà chuyên môn giảng giả cho trẻ em.

Kết quả của lối giáo dục tự do này rất tốt.

Ví dụ: Một em mười hai tuổi đã tự mình làm được một máy vô tuyến điện tí xíu có thể để trong hộp diêm, em khác mười bảy tuổi đã giúp được việc cho đài thiên văn Mạc-tư-khoa.

Ở cửa biển Ô-đét-xa, có mấy chiếc tàu nhỏ mà nhân viên từ người chỉ huy cho đến người cầm lái đều là các em thiếu nhi.

Trong một thành phố khác, có một đường xe lửa dài năm cây số của thiếu nhi do thiếu nhi điều khiển.

Các thành phố đều có thư viện và hàng sách đặc biệt cho trẻ em.

Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Tờ Sự thật thiếu nhi ở Mạc-tư-khoa có một số lớn biên tập viên và thông tin viên trẻ em với độ một triệu bạn đọc nhỏ.

Những trẻ em đặc biệt có thiên tài được chính phủ giúp đỡ. Ví dụ: Chính phủ đã giao cho những giáo sư âm nhạc phụ trách năm trẻ em có khiếu âm nhạc. Trong cuộc thi âm nhạc quốc tế ở thủ đô nước Bỉ, những em này đã được giải thưởng nhất, ba, tư, và hai giải khuyến khích.

Về mùa hè, thiếu nhi được nghỉ một tháng ở những nơi nghỉ mát ngoài biển hoặc trên rừng thông. Những nhà nghỉ mát đều như những cung điện rất sang. Bữa ăn ngon và nhiều. Sau một tháng chơi và nghỉ, các em nặng thêm từ hai đến bốn ki–lô.

Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con. Vì vậy sự sinh đẻ tăng lên rất mau và nạn chết yểu giảm xuống rất thấp.

Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên tổ quốc Việt Nam. Trái lại ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Nga. Ông nhớ lại một hôm. Xa-rô (Sarraut), bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đã nói với ông: “Nước Pháp rất khoan hồng. Nước Pháp rất muốn làm những việc cải cách. Nhưng nước Pháp sẽ không tha thứ những người nào từ Pa-ri đến Mạc-tư-khoa, từ Mạc-tư-khoa đến Quảng Châu và từ Quảng Châu đến Đông Dương (y vừa nói vừa lấy ngón tay vẽ một bản địa đồ trên mặt bàn) kiếm cách gây nên những sự rối loạn”.

Mặc dầu những lời doạ dẫm của Xa-rô, ông Nguyễn vẫn tìm đường qua Trung Quốc để về nước. Mục đích của ông trở về nước là để truyền bá lý trưởng mà ông đã học ở Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái.

*

Bây giờ ông Nguyễn ở Trung Quốc, ông bắt đầu đi bán thuốc lá và bán báo để sống. Khi mới đến, ông Nguyễn còn cảm thấy tiếng vang của một việc xảy ra ở Quảng Châu. Mấy tháng trước đây, một thanh niên cách mạng Việt Nam, Phạm Hồng Thái, đã ném một quả bom vào Méc-lanh đến Sa Diện, một tô giới quốc tế gần Quảng Châu. Méc–lanh thoát chết. Nhưng liệt sĩ Phạm Hồng Thái phải tự vẫn trên sông Châu Giang.

Việc đó tuy nhỏ, nhưng nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân.

Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp càng ra sức bóc lột Đông Dương. Chương trình bóc lột này được dự tính tỷ mỉ trong quyển sách của An–be Xa–rô (Albert Sarraut): Khai thác thuộc địa. Toàn thể nhân dân đau khổ vì sự bóc lột đó. Thuế má và tạp dịch tăng lên. Ruộng đất của nhiều làng bị bọn chủ đồn điền Pháp chiếm đoạt. Pháp thi hành chính sách gây nạn đói để làm cho nông dân bần cùng. Giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản Việt Nam bị nghẹt thở vì sự áp bức nặng nề của tư bản thuộc địa. Một giai cấp thợ thuyền mới ra đời. Từ 1862, tiếng súng kíp của đội quân Cần Vương chống với đại bác của bọn xâm lược Pháp, cuộc chiến đấu đó vẫn tiếp tục. Nó tiếp tục năm 1885 dưới sự lãnh đạo của cụ Phan Đình Phùng, năm 1887 dưới sự lãnh đạo của cụ Hoàng Hoa Thám, năm 1917 dưới sự lãnh đạo của ông Lương Ngọc Quyến và nhiều nhà chí sĩ khác, có một lúc tạm yên sau Đại chiến lần thứ nhất. Và bây giờ tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu.

Trung Quốc cũng bị các tập đoàn quân phiệt chia sẻ bọn này được đế quốc giúp đỡ. Nhưng lòng yêu nước của nhân dân Trung Quốc bắt đầu thức tỉnh. Lời kêu gọi của bác sĩ Tôn Dật Tiên bắt đầu truyền bá. Một phong trào dân tộc vĩ đại bắt đầu. Trước hết là cuộc đấu tranh chống Nhật, liên hợp tất cả các giai cấp trong nước. Sau đó là sự tẩy chay Anh ở Hương Cảng do công nhân phát động. Rồi đến đội quân Bắc phạt chống bọn quân phiệt để thống nhất Trung Hoa, do bác sĩ Tôn Dật Tiên và những người đồng chí của ông lãnh đạo.

Ông Nguyễn tìm vào cuộc vận động này.

Đọc quảng cáo trên tờ Quảng Châu nhật báo, ông tìm đến làm phiên dịch cho ông Bô-rô-đin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và của chính phủ Quảng Châu. Ông dịch những tờ báo Trung Quốc ra tiếng Anh. Ông để hết tâm lực nghiên cứu chính trị Trung Quốc.

Ba nguyên tắc của bác sĩ Tôn Dật Tiên là:

Dân tộc độc lập

Dân quyền tự do

Dân sinh hạnh phúc

Vừa nghiên cứu làm việc để sống, ông Nguyễn vẫn ra sức làm việc cho tổ quốc mình. Ông bắt đầu tổ chức đồng bào Việt kiều ở Trung Quốc. Tổ chức này gọi là “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí”.

Để tuyên truyền, ông xuất bản một tờ tuần báo: Thanh niên.

Được sự cộng tác của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Nguyễn tổ chức “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á- Đông”.

Trong tổ chức này, có người Việt Nam, người Triều Tiên, người Inđônêxia v.v.

Đoàn thể này giống “Hội liên hiệp thuộc địa” mà ông Nguyễn đã tổ chức ở Pa-ri.

Được sự cộng tác của đảng Cộng sản Trung Quốc, quân đội cách mạng của bác sĩ Tôn Dật Tiên đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bọn quân phiệt lần lượt bị đánh bại. Trong một thời gian ngắn, chính quyền Quốc dân đảng Quảng Châu đã lan rộng khắp nửa Trung Quốc.

Hoạt động của “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” bắt đầu lan vào trong nước. Thực dân Pháp gián tiếp giúp đỡ rất nhiều. Vì sao vậy?

Trong khi tài liệu và báo chí của ông Nguyễn bí mật lọt vào nước rất khó khăn, thì bọn thực dân làm to chuyện để yêu cầu đàn áp. Đó là một quảng cáo rất tốt cho công việc của ông, làm cho đồng bào chú ý, làm cho họ càng thích được nghe tuyên truyền cách mạng.

Hơn nữa, thực dân Pháp đã phạm một sai lầm là bắt nhà lão sĩ yêu nước Phan Bội Châu, lúc bấy giờ ở Trung Quốc, và muốn kết án tử hình cụ Phan. Tất cả nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại vụ án này và yêu cầu thả cụ Phan. Chưa bao giờ có một phong trào quần chúng rộng rãi như vậy. Đầy là một dịp tốt cho ông Nguyễn tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước.

Muốn ru ngủ và lung lạc người Việt Nam, thực dân Pháp cử Va-ren (Alexandre Varenne), đảng viên Đảng Xã hội Pháp làm toàn quyền Đông Dương. Lúc đầu, một số người Việt Nam phấn khởi, nhất là một số thanh niên.

Nhưng Va-ren ngay từ đầu thi hành chính sách hết sức phản động. Người Việt Nam sớm tỉnh ngộ và vì vậy sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của ông Nguyễn: “Muốn tự giải phóng, phải trông vào lực lượng của mình”.

Nhà lão ái quốc Phan Chu Trinh ở Pháp trở về Việt Nam. Về được một năm thì cụ mất. Từ Bắc chí Nam, nhân dân ta tổ chức đám tang rất lớn. Bọn cầm quyền Pháp can thiệp cấm những cuộc truy điệu và bắt bớ những thanh niên, sinh viên hăng hái nhất trong cuộc vận động đó. Sự can thiệp này đã thổi thêm ngọn lửa yêu nước và một lần nữa giúp cho sự tuyên truyền yêu nước của ông Nguyễn và của hội Thanh niên.

Ông Nguyễn mở những lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu. Những thanh niên Việt Nam phần lớn là học sinh trốn ra dự những lớp này để học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Học xong họ lại bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, và tổ chức nhân dân.

Thực dân Pháp ở Đông Dương thù ghét phong trào cách mạng Trung Quốc. Họ sợ mất quyền lợi của họ trong ba tỉnh: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Từ lâu họ đã có tham vọng chiếm ba tỉnh này. Đầu thế kỷ XX, Đu-me (Paul Doumer), toàn quyền Đông Dương đã viết: “Những tỉnh này phải là của chúng ta. Chúng ta bắt đầu xâm lược ba tỉnh ấy bằng kinh tế, bằng chính trị, và cuối cùng bằng quân sự, nếu cần…”.

Để hoàn thành kế hoạch xâm lược này, thực dân Pháp đã làm đường sắt Vân Nam - Hải Phòng, chiếm Quảng Châu Loan và Sa Diện. Khi thấy phong trào giải phóng dân tộc phát triển, thực dân Pháp hết sức lo sợ. Họ gọi đội quân Quốc dân đảng là “Hồng quân”. Khi đội quân này lan đến gần biên giới Trung - Việt thì thực dân Pháp kiếm cách ngăn trở. Họ ném bom thành phố Long Châu. Phong trào dân tộc Trung Quốc có lợi cho cuộc vận động cách mạng Việt Nam. Mặc dầu sự kiểm soát chặt chẽ của thực dân Pháp, những chi bộ “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” vẫn được thành lập trong khắc nước.

Năm 1927, khủng hoảng chính trị nổ ra trong nội bộ Quốc dân đảng. Cuộc Bắc phạt thu nhiều thắng lợi. Chính phủ Quảng Châu trở thành chính phủ của toàn Trung Quốc và dời đến Nam Kinh. Quốc dân đảng phản động bắt đầu khủng bố đảng Cộng sản và công nông. Mặc dầu ông Nguyễn chỉ chuyên chú đến phong trào Việt Nam, chính phủ Quốc dân đảng nghi ngờ ông, và muốn ám hại ông.

Một lần nữa ông lại mất tích.

Ông Nguyễn đi đâu. Không ai biết. Những đồng chí của ông cũng bị nghi ngờ và bị Quốc dân đảng bắt bỏ tù.

Chúng tôi lại mất mối một lần nữa…

Ở Trung bộ Xiêm, gần sông Mê Nam, có một xóm Việt kiều. Đây là những người nông dân và những người bán hàng rong. Người thì cấy lúa, trông khoai. Người thì đi bán diêm, vải, thuốc men, v.v.

Họ có một nhà trường để dạy tiếng Xiêm, tiếng Việt cho con em họ. Ở giữa phòng học, trên cao treo ảnh vua Xiêm. Thấp hơn một tí, treo ảnh Phạm Hồng Thái. Những người Việt kiều này là những người yêu nước. Họ tôn kính người thanh niên yêu nước đã hy sinh tính mạng vì tổ quốc.

Mỗi ngày, công việc xong, họ họp nhau trong sân trường. Đàn ông, đàn bà và trẻ con ngồi thành vòng tròn, một người cán bộ gầy gò, đứng dậy và với một giọng chậm rãi rõ ràng, đọc cho họ nghe một bài báo hoặc một chương sách. Mọi người yên lặng nghe. Khi người này đọc xong, anh hỏi mọi đã hiểu chưa, và anh giải thích những điểm chưa được rõ.

Buổi họp xong, họ hát những bài ca yêu nước. Và các cụ già kể chuyện chiến tranh du kích. Đây là những người du kích đã chống Pháp dưới sự lãnh đạo của cụ Phan Đình Phùng hoặc cụ Hoàng Hoa Thám. Họ trốn sang Xiêm để tránh sự bắt bớ của người Pháp. Thỉnh thoảng, người cán bộ thường đọc sách báo lại đi vắng. Vai đeo bị, như những người đi buôn hàng rong, anh ấy đi đến những nơi có Việt kiều, để tuyên truyền và tổ chức.

Người Xiêm mộ đạo Phật và rất hiền lành. Đến tuổi nào đó, con trai phải đi tu ở chùa mấy tháng. Vì vậy trong nước có hàng ngàn nhà sư. Sư rất được nhân dân kính trọng. Và được nhân dân nuôi. Mỗi ngày họ chỉ ăn một bữa, vào mười một giờ sáng. Chị em mang cơm đến chùa. Sư cứ việc ăn không cảm ơn ai. Họ chỉ cảm ơn Phật tổ. Khi sư ăn xong, cơm rau còn lại khách qua đường có thể ăn, cũng không phải cảm ơn ai. Những người đưa cơm đến rất sung sướng được dịp bố thí. Họ tin rằng bố thí được nhiều thì càng được nhiều phúc đức.

Nhờ thế mà ông Nguyễn (tức người cán bộ thường giảng dạy sách báo) và những người bạn của ông có thể đi đường không tốn tiền cơm.

Nếu không gặp những người khách đói, người đưa cơm đem một phần cơm thức cho chim ăn. Vì họ sợ mang hết về thì xúi quẩy.

Ngoài việc cuốc đất, đi buôn, ông Nguyễn còn làm công việc tuyên truyền và tổ chức. “Hội Thân ái Việt Nam” thành lập, một tờ tuần báo Thân ái được xuất bản. Trước kia ở Trung Quốc, ông Nguyễn từ phương Bắc tuyên truyền về nước. Bây giờ ở Xiêm, ông tuyên truyền về nước từ phương Tây.

Những hoạt động của ông, dù hết sức cẩn thận, cũng không thể hoàn toàn giữ bí mật. Ở đâu có Việt kiều là tổ chức trường học cho trẻ em. Ở đâu có trường học, là nơi đó cha mẹ tụ họp để nghe đọc báo và bàn bạc công việc. Nạn cờ bạc, cãi nhau bớt hẳn, Người lớn giúp nhau công việc. Trẻ em không ngỗ nghịch nữa. Nạn mù chữ dần dần thanh toán hết. Nói tóm lại có một sự thay đổi lớn trong Việt kiều ở Xiêm.

Trước tiên, người Pháp nghi ngờ, và về sau chúng đoán là ông Nguyễn ở đâu trong vùng này nhưng không biết đích xác ở đâu. Chúng cho mật thám đi tìm. Nhưng trong bọn mật thám có một người khá. Người này tin cho ông Nguyễn biết, ông bày cho anh ta cách khai báo để làm cho bọn Pháp tin.

Gặp khi nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động.

Ở đây có một chuyện đáng kể lại: Trên bờ sông Cửu Long về phía Xiêm có một số khá đông Việt kiều. Người Pháp rất chú ý đến họ. Chúng đặt rất nhiều mật thám để kiểm soát họ. Khi dò được những người Việt Nam yêu nước, chúng báo cảnh sát Xiêm đi với chúng để bắt những người cách mạng.

Người Xiêm rất tốt với người Việt Nam nhưng không muốn có sự phiền phức ngoại giao cho nên họ miễn cưỡng đối với Pháp. Song những vụ bắt bớ này ít có kết quả, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân Xiêm. Một hôm một người cán bộ bị mật thám đuổi, chạy vào một nhà Việt kiều. Nhà đi vắng chỉ còn một em bé chín tuổi, đồng chí ấy vừa vào, thì bọn mật thám ập tới. Em bé liền lấy một cái nón đội lên đầu và đưa một dây thừng buộc trâu cho người cán bộ.

Và rất thản nhiên, em bé trách: “Đã trưa rồi mà chú không tìm trâu, mẹ mắng chết”.

Người cách mạng đội nón, cầm dây thừng, khoác áo tơi, yên lặng ra khỏi nhà qua trước mặt bọn mật thám đang sục sạo.

Sau việc này người ta hỏi em bé:

“Em có biết người cán bộ ấy không?”

“Không, em không biết, nhưng người ấy giống một chú thỉnh thoảng đến nhà em và dạy em hát.”

“Tại sao em lại bảo chú ấy đi tìm trâu?”

“Em cũng không biết tại sao. Nhưng em sợ nếu chú ấy ở trong bếp sẽ bị mật thám bắt mất.”

Một điểm cần nhắc lại là kiều bào ta ở Xiêm luôn luôn đoàn kết với nhân dân Xiêm và tôn trọng pháp luật của nước Xiêm, cho nên được người Xiêm yêu mến.

Còn nữa

Theo sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, Nxb Chính trị quốc gia

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: