Sự kiện ký kết Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Việt Nam, mà còn là dấu mốc trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Sự kiện ký kết Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam 27/1/1973 - văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, trong đó, Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhấn của dân tộc Việt Nam - không chỉ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Việt Nam, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973). (Ảnh tư liệu)
Cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh lâu dài gian khổ nhưng rất hào hùng của ngoại giao Việt Nam đi đến thành công cũng có vai trò, sự hỗ trợ tích cực của những người bạn Pháp yêu chuộng hòa bình, công lý. Từ các nhà lãnh đạo thành phố, cho tới người lái xe, người nấu bếp phục vụ đoàn đàm phán …, và dù đóng góp công khai hay thầm lặng, họ đã cùng Việt Nam làm nên lịch sử.
Trong số khá nhiều địa điểm ứng cử, Paris cuối cùng đã được chọn là nơi tiến hành đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và đến nay, 45 năm đã trôi qua, có thể khẳng định rằng không ở đâu hai đoàn đại biểu của Việt Nam có được những lợi thế và sự hậu thuẫn to lớn đến như thế khi đến đàm phán tại Paris.
Nhà sử học Alain Ruscio nhận định: "Không phải vô tình mà Việt Nam đã chọn Paris, trong số nhiều thành phố ứng cử viên khác. Chính sách của chính quyền De Gaulle, trong đó có tuyên bố tại Phnom Penh 1966, cho thấy thái độ khá rõ ràng của chính phủ Pháp đối với chính sách can dự, gây chiến tranh của nước Mỹ. Người Pháp cũng không muốn chiến tranh; trước đó là chế độ thực dân đã dẫn đến cuộc chiến của Pháp chống lại Việt Nam chứ không phải ý nguyện của người Pháp. Người dân Pháp yêu hòa bình. Lúc đó tôi còn trẻ lắm nhưng đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình tại Pháp chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ muốn người Việt Nam phải khuất phục, muốn đưa Việt Nam trở lại thời đồ đá, nhưng đã không thể làm được. Các cuộc đàm phán dù rất dài và khó khăn nhưng đã dẫn đến thất bại cuối cùng của Mỹ".
Con số 52 tổ chức hữu nghị thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam đã nói lên sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Pháp yêu chuộng hòa bình đối với Việt Nam. Đúng như sau này đã có ý kiến cho rằng nước Mỹ không chỉ thua trên bàn đàm phán hay trên chiến trường mà trước hết đã thua trên các đường phố!
Nơi đoàn đàm phán ở tại Choisy-le-Roi
Tại Choisy-le-Roi, nơi cách đây 45 năm, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lưu lại suốt gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, giờ đây vẫn còn đó những dấu ấn của lịch sử với căn nhà đoàn đàm phán từng ở; một quảng trường lớn mang tên "Hiệp định Paris" được khánh thành vào năm 2013 và biểu trưng hòa bình cao vút giữa nền trời Choisy-le-Roi, như lời khẳng định tình hữu nghị với Việt Nam mãi còn nơi đây.
Nhiều nét Việt vẫn được lưu giữ trên từng con phố của Choisy-le-Roi và mới đây, thị trưởng thành phố đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Đại sứ Việt Nam tại Pháp vì những đóng góp cho tình hữu nghị Pháp – Việt nói chung, tình hữu nghị giữa thành phố Choisy-le-Roi với quận Đống Đa nói riêng.
Tại Choisy-le-Roi ngày nay, bên cạnh những cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản, có những con người rất bình thường như bà Jéanine Rubin, một trong những người từng tình nguyện phục vụ bữa ăn cho đoàn đàm phán Việt Nam 45 năm về trước.
Bà Rubin kể lại: "Khi ấy, tôi đang làm phục vụ trong trường học, Đảng Cộng sản đề nghị tôi làm việc tình nguyện hỗ trợ cho đoàn đàm phán của Việt Nam, và tôi đã đồng ý. Dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng những cảm nhận lúc đó về đoàn sau này đã là động lực khiến tôi quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia các hoạt động hữu nghị Pháp - Việt cho đến bây giờ. Tôi đã có những kỷ niệm rất đẹp mà tôi ghi nhớ trọn đời".
Cựu thượng nghị sỹ Hélène Luc tự hào kể lại rằng, từ khi còn là một cô bé 15 tuổi, bà đã xuống đường ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, bà và chồng bà, cố phó thị trưởng, rồi thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi đã hỗ trợ hết mình cho đoàn đại biểu của Việt Nam.
Ngôi nhà tại Verriere le Buisson nơi bà Nguyễn Thị Bình và một số thành viên đoàn đàm phán từng ở
Tại Verierre le Buisson, vẫn còn đó ngôi nhà từng là nơi ở của bà Nguyễn Thị Bình và một số thành viên đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vợ chồng ông bà Pierre Gueguen, người từng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho tòa nhà, vẫn nhớ như in những kỷ niệm về một "gia đình Việt Nam" thực sự mà ông cảm nhận được khi gắn bó với các thành viên trong Đoàn đàm phán của Việt Nam.
Pierre Gueguen - Nhân viên an ninh tại Verriere le Buisson vẫn lưu giữ các kỷ niệm về đoàn đàm phán
"Đó là niềm vui đối với tôi khi được làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho Đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt Nam. Chúng tôi thường có 6 người chia làm hai ca bảo vệ an ninh trong khuôn viên ngôi nhà. Ngôi nhà nằm ở giữa hai tòa biệt thự, xung quanh các hàng rào khá thấp, nên chúng tôi luôn phải canh phòng rất kỹ nhất là ban đêm. Chúng tôi gặp những người Việt Nam rất thân thiện, con gái tôi cũng từng được tới tham dự Tết cùng với đoàn, được bà Bình trò chuyện thân mật. Cuộc đời tôi may mắn được là một phần nhỏ trong những ngày lịch sử ấy" ông Pierre Gueguen chia sẻ.
Nhà làm phim Daniel Rousselle
Dấu ấn vĩ đại của lịch sử vẫn còn mãi với ví dụ điển hình là các bộ phim tài liệu của nhà làm phim Daniel Rousselle về các cuộc đàm phán bí mật căng thẳng nhưng cũng đầy tài tình về chiến lược ngoại giao tiếp tục tạo sức hút mạnh mẽ với công chúng. Với ông Rousselle, câu chuyện kỳ diệu về tình người giữa nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam là một điều thôi thúc ông làm bộ phim. Bộ phim này đã vinh dự được trao giải nhất Giải thông tin đối ngoại toàn quốc.
"Câu chuyện này cũng thực sự kỳ diệu ở tình đoàn kết giữa đoàn đàm phán với người dân trong vùng; về tình cảm của những người bạn Pháp, từ người phục vụ đoàn đến người lái xe, người bảo vệ, đội chăm sóc y tế… Đó còn là sức mạnh tổng lực của hàng trăm người cùng giúp đỡ hai đoàn miền Bắc và miền Nam, như trong một gia đình thực sự. Câu chuyện làm tôi rung động tận trái tim, nói về hành trình giành lấy hòa bình, dù là một hành trình dài, đầy khó khăn, nhưng đó là một câu chuyện hòa bình và nhân văn mà tôi muốn kể", ông Rousselle cho biết thêm.
Đúng như nhận định của nhà làm phim Daniel Rousselle, hàng trăm con người, đa số là thành viên Đảng Cộng sản, có người làm theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng có người tự hành động theo trái tim mình, họ đã có những việc làm cụ thể, bằng nhiều hình thức khác nhau, tự nguyện và không chút vụ lợi ủng hộ Việt Nam.
Nhớ lại những ngày cùng các sinh viên người Việt 45 năm trước hỗ trợ các đoàn đàm phán, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Thư ký Hội Người Việt Nam tại Pháp, cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp hiệu quả với các sinh viên Pháp vào thời đó.
Ông Tùng cho biết: “Trong thời gian còn là sinh viên, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp có nhiều liên hệ với các bạn sinh viên Pháp và quốc tế, nói cho họ biết rõ mục đích cuộc đấu tranh của Việt Nam nên được các bạn sinh viên rất ủng hộ, cùng các sinh viên Việt Nam đi biểu tình. Đã có những lúc, các hội sinh viên Pháp, các công đoàn (CGT) của Pháp tham gia bảo vệ an ninh cho các cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt, không để các cuộc biểu tình bị phá hoại”.
Cùng tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Việt kiều khi đó, cô Thu Lê xúc động nhớ lại cảm xúc của mình trong ngày 27/01/1973: “Nhớ lại những cảm xúc lúc đó, đầu tiên tôi thấy mình sung sướng và hãnh diện vô cùng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cờ Việt Nam bay trên các con đường của nước Pháp một cách tự do, hào hùng như thế”.
45 năm đã qua đi, giống như nhiều thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam năm xưa, những người bạn Pháp hay những người Việt tại Pháp khi ấy nay cũng người còn, người mất hoặc già yếu. Nhưng lịch sử ghi nhận họ - với những hành động cá nhân như những mảnh ghép riêng rẽ - đã tạo thành bức tường thành vững chắc cùng ý chí của nhân dân Việt Nam bảo vệ thành công hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Lịch sử không bao giờ quên những đóng góp của họ./.
Theo https://vov.vn/
Minh Nguyệt (st)