Thứ sáu, 26/04/2024

Chỉ mục bài viết

Ngày 17/3

“Bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở”.

Ngày 17/3/1928, Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Thư từ Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc (bút danh “Wang”) viết về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ chống chính sách chia rẽ của đế quốc Anh với lời đánh giá: Chưa bao giờ, ngay cả trong thời kỳ mà phong trào bất hợp tác theo chủ trương của Găngđi lên tới tột đỉnh, tinh thần của đất nước lại sôi động đến mức đó.

Ngày 17/3/1945, Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn của Việt Minh họp mặt với Cơ quan Không trợ mặt đất (AGAS) của Mỹ đóng tại Côn Minh (Trung Quốc) để bàn về sự hợp tác chống phát xít Nhật trên chiến trường Đông Dương. Trước đó, cuối năm 1944, Trung úy Uyliam Sao (Shaw) của Mỹ lái máy bay bị Nhật bắn rơi ở nước ta được Hồ Chí Minh đưa sang trao trả cho quân Mỹ ở Trung Quốc. Phía Mỹ đã cử Trung úy S. Phennơ (Ch. Fenn) tiếp xúc với Hồ Chí Minh.

Trong hồi ức của mình, S. Phennơ kể: Tôi hỏi là ông muốn gì ở người Mỹ? Ông nói: Chỉ muốn họ công nhận tổ chức của ông. Tôi đã nghe phong thanh nhân vật này là cộng sản và tôi đã hỏi về điều đó. Ông Hồ nói rằng: Người Pháp gọi tất cả người Việt Nam mong muốn độc lập đều là cộng sản... Cuộc gặp đã dẫn đến thỏa thuận hợp tác cụ thể giữa hai bên trong mục tiêu chống phát xít Nhật ở Đông Dương.

Ngày 17/3/1950, trên đường từ Trung Quốc trở về nước, qua Thiên Giang, Bác Hồ làm bài thơ “Ngọ quá Thiên Giang” (Buổi trưa qua Thiên Giang):

“Đáo Thiên Giang, thuyết Thiên Giang,

Thiên Giang giang ngạn mãn xuân sương.

Thiên lưỡng địch xa thành hắc tận,

Hồng quân trực đáo Trấn Nam Quan”65.

Phan Văn Các dịch:

Đến Thiên Giang kể chuyện Thiên Giang,

Xuân tới bờ sông bát ngát sương.

Xe thù ngàn cỗ thành tro xám,

Hồng quân thẳng đến Trấn Nam Quan.

Ngày 17/3/1952, Bác Hồ có bài nói chuyện tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Bác nhấn mạnh: “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên... Muốn thành công cần ba điều kiện: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa và nhân hòa là chính..”66. Bài nói cũng đề cập bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở được... Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sỹ ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu.

Tối ngày 17/3/1958, Bác đi thăm các lớp bình dân học vụ ở phố Hàng Quạt và bãi Phúc Tân, Hà Nội, thăm hỏi và động viên những học viên là lớp người lao động nghèo cũng như các giáo viên đều là những người tình nguyện.

Ngày 17/3/1963, đến thăm Nhà ăn tập thể Kim Liên (Hà Nội), trong lời căn dặn cán bộ, nhân viên cửa hàng, Bác nói: Kim Liên nghĩa là “hoa sen vàng”. Đã là hoa sen thì phải thơm, thơm mãi và thơm thật xa. Phải làm sao ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê. Phải cố gắng bảo đảm sức khoẻ của công nhân, cán bộ.

Ngày 18/3

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi của mình”.

Ngày 18/3/1922, báo L’ Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng truyện ngắn có tên là “Rủi Ro - hay Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam” của Nguyễn Ái Quốc ký duới bút danh “Cu Li Xe”. Câu chuyện kể về thân phận khốn khổ của một người phu kéo xe bản xứ luôn bị những vị khách của mình là những nguời thực dân trong vai một cha đạo hay thủy thủ đối đãi một cách khinh miệt và bất công bằng những hành vi thô bạo như đá đít, quỵt tiền hay dùng vũ khí đe dọa.

Một năm sau, cũng trên tờ báo này, ngày 18/3/1923, đăng bài “Cuộc bạo động ở Đahômây”. Sau khi mô tả những diễn biến của các biến động chính trị tại thành phố Poúctô Nuvu (Porto Nouvo), thủ phủ thuộc địa này của Pháp ở Châu Phi, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng ta phải rút ra những kết luận nghiêm túc từ những sự kiện này, cụ thể là: Trong các thuộc địa, công nhân đã bắt đầu hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước Châu Âu, họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”67.

Ngày 18/3/1946, đúng vào ngày các đơn vị quân Pháp kéo vào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc (Leclerc), người đứng đầu lực lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương để bày tỏ quan điểm: “Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: Cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau... để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hòa bình cho thế giới”68.

Ngày 18/3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức phát động phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang” theo gợi ý của Bác Hồ. Phong trào đã thu hút hàng triệu phụ nữ tham gia với nội dung: Đảm đang sản xuất thay cho nam giới ra tiền tuyến; đảm đang việc nhà cho người thân yên tâm ngoài chiến trường; trực tiếp tham gia chiến đấu trong các lực luợng dân quân, du kích, tự vệ.

Tháng 3/1967, Bác viết hai bức thư gửi tới nhân dân Thụy Điển và Italia là những nơi đang diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong bức thư có đoạn: “Chúng tôi ở trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi không làm điều gì tổn hại cho nước Mỹ. Đế quốc Mỹ hãy chấm dứt sự xâm luợc của chúng và cuốn gói thì lập tức hòa bình sẽ được lập lại ở Việt Nam... Đế quốc Mỹ dù điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh đến mức nào, chúng tôi cũng quyết tâm đánh bại chúng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi của mình, vì sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa!...”69.

Ngày 19/3

“Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí”.

Ngày 19/3/1924, trên Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Đông Dương và Thái Bình Dương” phân tích mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc lôi cuốn giai cấp vô sản vào những xung đột dưới danh nghĩa lợi ích quốc gia. Vì thế, đây là “vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến” và đưa ra dự báo: “Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh... Những cuộc chiến tranh khác sẽ nổ ra vì vấn đề Thái Bình Dương, nếu giai cấp vô sản không cảnh giác”70.

Ngày 19/3/1950, trên đường từ Trung Quốc trở về Việt Bắc, Bác Hồ làm bài thơ chữ Hán “Cận Long Châu” (Đến gần Long Châu):

          Viễn cách Long Châu tam thập lý

          Dĩ văn pháo hưởng dữ cơ thanh

          Việt Nam dân chúng chân anh dũng

          Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành.

          Bản dịch của Phan Văn Các:

          Còn cách Long Châu ba chục dặm

          Nghe tàu bay rú, pháo gầm rung

          Nhân dân nước Việt anh hùng thật

          Diệt thù dựng nước ắt thành công.

Ngày 19/3/1951, trong thư khen ngợi quân dân Bình - Trị Thiên chống càn thắng lợi, Bác căn dặn: “Chúng ta phải cố gắng hơn nữa và phải nhớ rằng, ở Liên khu IV du kích là chính, vận động là phụ. Kháng chiến là trường kỳ gian khổ, rồi mới đến thắng lợi hoàn toàn”71.

 Ngày 19/3/1955, nhân ngày khai giảng, Bác Hồ viết thư gửi Trường Sư phạm Miền núi Trung ương: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: Là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: Là Tổ quốc Việt Nam".

 Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”72.

Ngày 19/3/1958, nói chuyện với Hội nghị mở rộng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác nêu ra: “… Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”73.

 Ngày 19/3/1967, Bác cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Binh chủng Đặc công và huấn thị với những chiến sỹ đặc biệt tinh nhuệ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt.

Các chiến sỹ đặc công được tin tưởng đặc biệt...

Cái gì cũng đặc biệt đối với đặc công. Chữ đặc biệt quán xuyến tất cả...

Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt.

Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thuần thục.

Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc.

Ở đây Bác thấy một loạt chữ đặc biệt, đặc biệt tất cả.

Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh.

Quyết tâm thắng địch, quyết tâm tiêu diệt địch cũng phải đặc biệt cao.

Đối với Đảng phải đặc biệt trung thành.

Đối với dân phải đặc biệt thân ái...”74.

Ban Biên tập (tổng hợp)

Còn nữa

          Chú thích

      65, 66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 22, 434.

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 170-171.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 208, 209.
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 251.
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 243-244, 247.
  5. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 30-31.
  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 496.
  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 137.
  8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 243, 244.

Bài viết khác: