Tròn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta lập nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này một lần nữa cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt làm nên thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước nhà.
Ngày 16-4-1952, trước trận “Điện Biên Phủ trên không” hai mươi năm, nước Mỹ cho bay thử thành công chiếc máy bay B.52 đầu tiên do hãng Boeing sản xuất và tuyên truyền rùm beng cho loại “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Sau 20 năm, năm 1972, B.52 đã được qua 8 lần cải tiến từ B.52A đến B.52G, B.52H. Mỗi chiếc B.52G hoặc H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12-1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi 3 đến 10 giây đồng hồ. Đi kèm B.52 là một lực lượng máy bay F4 hộ tống tạo thành một “hàng rào không thể chọc phá”. Nhưng điều chủ yếu nhất, nguy hiểm nhất và gây nhiều khó khăn nhất cho đối phương là hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh tạo thành chiếc “áo giáp điện tử” che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B.52 thành một “máy bay tàng hình”. Hoa Kỳ cho rằng “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B.52 bất khả xâm phạm”.
Máy bay B.52 thực sự là kho bom đạn bay trên không.
(Ảnh Tư liệu – Internet)
Ngày 18-6-1965, đế quốc Mỹ cho 30 chiếc B.52 từ đảo Gu-am giữa Thái Bình Dương bay vào "rải thảm" khu căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát. Đây là lần đầu tiên B.52 được sử dụng ở Việt Nam. Giặc Mỹ muốn dùng “con ngáo ộp” B.52 để hăm dọa chúng ta.
Nhưng chỉ một tháng sau, ngày 19-7-1965, trong chuyến thăm Trung đoàn 324, bộ đội Phòng không - Không quân đóng tại Tam Đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân Việt Nam đã lên tiếng trả lời bọn xâm lược: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B.52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
Lời khẳng định ấy của Bác, cùng chỉ thị của Bộ Chính trị và mệnh lệnh Bộ Quốc phòng sau này, đã trở thành niềm tin và động lực để quân và dân ta tạo nên chiến thắng lịch sử của trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội cuối năm 1972.
“Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B.52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” - Thể hiện quyết tâm của Bác, cũng là quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến chống trả đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, câu nói này cũng thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược tài tình.
Riêng đối với Quân chủng Phòng không - Không quân, lời dạy của Bác đã củng cố lòng tin và tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sĩ trong toàn quân chủng nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đánh thắng những bước leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Hơn thế nữa, lời dạy của Bác thực sự đã đặt nền móng cho tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng không, nghệ thuật tác chiến phòng không của chúng ta. Ngay sau khi Bác đến thăm, theo chỉ thị của Đảng ủy Quân chủng, Cục Chính trị Quân chủng đã hướng dẫn các đơn vị phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ học tập và làm theo lời dạy của bác, thi đua lập công, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bản chỉ thị nêu rõ những yêu cầu của đợt phát động: 1) Nêu cao quyết tâm chiến đấu, kiên định vững vàng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm chiến đấu, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. 2) Quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến “Đánh thắng trận đầu, đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng”, phát huy quân sự dân chủ, tăng cường rèn luyện năng lực chỉ huy, trình độ kĩ thuật để bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, tiết kiệm đạn, trước mắt nhanh chóng đưa số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lên 400 chiếc.
Dù kẻ địch có huy động lực lượng đông đảo quân lính với những vũ khí tối tân để tấn công, “Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa”, có đông hơn nữa thì “ta cũng đánh”. “Ta cũng đánh” là lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của Bác kính yêu. Sở dĩ Người có thể khẳng định mạnh mẽ như vậy là xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc truyền thống yêu nước quý báu đã có từ hàng nghìn năm nay của dân tộc ta; thấu hiểu ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược của những người con mang dòng máu Lạc Hồng. Đó là quyết tâm của Bác, quyết tâm của Đảng cũng như của nhân dân ta, dù thế nào “ta cũng đánh” và “đã đánh là nhất định thắng”.
“Phải đánh thắng B.52” là mối quan tâm đặc biệt của Bác và cũng là quyết tâm của quân dân ta. Năm 1962, mười năm sau khi chiếc B.52 đầu tiên ra đời, trong lần gặp đồng chí Phùng Thế Tài nhân dịp đồng chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không, Bác hỏi:
“Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú biết gì về B.52 chưa?
Thấy đồng chí Tài lúng túng, Bác cười độ lượng:
“Nói thế thôi, chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay trên cao mười cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B.52 này”.
Để có vũ khí trừng trị được B.52, Bác đặt vấn đề với Liên Xô chi viện cho Việt Nam vũ khí tên lửa phòng không. Dưới sự giúp đỡ của nước bạn, Trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2 đầu tiên mang phiên hiệu H36 ra đời.
Tháng 4-1965, Mỹ quyết định dùng Sư đoàn Không quân chiến lược số 3 đóng ở đảo Guam tiến hành chiến dịch ném bom mang tên “Cung sáng” vào miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho bộ binh Mỹ trong các cuộc hành quân trên bộ. Ngày 18-6-1965, 30 máy bay B.52 cất cánh từ Guam ở trung tâm Thái Bình Dương vượt gần 9.000 km với 16 giờ bay liên tục, thực hiện cuộc ném bom “rải thảm” lần đầu tiên trên thế giới vào căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (phía Tây Bắc Sài Gòn). Cùng với bom là những tờ truyền đơn in hình chiếc B.52 với đủ kích thước, tính năng của nó và đã gây tác dụng tâm lý nhất định. Một số cán bộ ở miền Nam ra công tác miền Bắc khi kể về những trận rải thảm của B.52 đã tỏ ra phân vân, lo lắng. Vì, chỉ cần 10 chiếc B.52 lọt vào Hà Nội cũng đủ gây tổn thất nặng nề không lường hết được. Chính vì vậy mà Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến loại máy bay này. Việc xây dựng quyết tâm dám đánh và quyết thắng B.52 được đặt ra ngay từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay B.52 đánh phá ở chiến trường miền Nam.
Ngày 24-7-1965, Trung đoàn tên lửa H36 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ chiếc F4C trên bầu trời Hà Tây. Một ngày sau, ngày 25-7-1965, hạ tại chỗ thêm một máy bay trinh sát không người lái BQM34A ở độ cao 19 km. Hai chiến công đầu của bộ đội tên lửa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt: Nó khẳng định khả năng tên lửa Việt Nam trị được B.52 đã ở trong tầm tay. Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Hà Tây và ký lệnh thưởng 2 Huân chương Quân công hạng Ba cho 2 Tiểu đoàn 63 và 64 đã trực tiếp lập công. Ngày 12-4-1966, máy bay B.52 lần đầu tiên ném bom đèo Mụ Giạ ở Tây Nam Quảng Bình, mở đầu việc đánh phá của B.52 ở miền Bắc nước ta. Ít lâu sau, B.52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội. Bác mời đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân lên báo cáo tình hình và trực tiếp giao nhiệm vụ cho quân chủng: “Máy bay B.52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B.52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không- Không quân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô năm 1966. (Ảnh Tư liệu – Internet)
Các đồng chí trong Quân uỷ Phòng không - Không quân báo cáo Bác ý định đưa lực lượng tên lửa, ra-đa vào chiến trường phía Nam tìm cách bắn rơi máy bay B.52, để củng cố ý chí quyết thắng và xây dựng niềm tin đánh thắng B.52 cho bộ đội. Người suy nghĩ rồi thong thả nói: “Đúng, muốn bắt cọp phải vào tận hang”. Tháng 5-1966, một số đơn vị tên lửa, ra-đa và những cán bộ có kinh nghiệm của quân chủng đã được cấp tốc đưa vào chiến trường. Trung đoàn tên lửa H38 (biệt danh Đoàn Hạ Long) - đơn vị hoả lực đầu tiên nhận trọng trách lớn lao này, đã kịp thời cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ, vượt qua nhiều chặng đường hiểm trở đầy ác liệt của bom đạn Mỹ để tới Vĩnh Linh vào đầu năm 1967. Các chiến sĩ đã anh dũng nằm ngay trong tầm đạn pháo mặt đất, pháo biển của địch phục kích bắn B.52. Một số đơn vị ra-đa đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn đưa máy lên tận đỉnh Trường Sơn để nghiên cứu phát hiện B.52. Đưa tên lửa vào Vĩnh Linh là chặng đường đầu tiên trên con đường dài đi đến chiến thắng B.52. Nghe tin 1 trung đoàn tên lửa SAM-2 của ta vào Vĩnh Linh, Lầu năm góc hoảng sợ và quyết tiêu diệt những bệ phóng của ta bằng mọi giá. Các khí tài của ta bị bom, đạn Mỹ đánh hỏng nặng. Biết đơn vị gặp khó khăn, Bác thường xuyên quan tâm thăm hỏi xem có biện pháp khắc phục chưa.
Ngày 09-02-1967, Bác Hồ thăm bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam.
(Ảnh Tư liệu – Internet)
Ngày 17-9-1967, Phân đội tên lửa 84, Đoàn H38 lần đầu tiên chỉ trong vòng ba mươi phút đã kịp thời phát hiện và bắn rơi 2 chiếc B.52 trên bầu trời Vĩnh Linh. Nhận được tin vui từ Vĩnh Linh ra, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân muốn báo tin ngay đến Bác vì Người đã cho phép gọi điện thoại trực tiếp đến bất cứ lúc nào cần thiết. Trời đã khuya, sợ Bác thức giấc, đồng chí Tư lệnh đã gọi cho đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) thì được biết Bác vẫn chưa ngủ. Đồng chí quay số 01 (mật danh điện thoại của Bác), Bác nhận ra giọng đồng chí Phùng Thế Tài và hỏi ngay: “Chú Tài đấy à? Có việc gì thế? Bắn rơi B.52 rồi phải không?”
Việc Bác đoán trước đã bắn rơi B.52 là xuất phát từ niềm tin tuyệt đối của Người vào lòng dũng cảm, trí tuệ, khả năng sáng tạo của bộ đội ta. Từ ngôi nhà sàn, Bác đã tự tay viết thư khen quân và dân Vĩnh Linh anh hùng và ký Lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84 thuộc Trung đoàn tên lửa H38 là đơn vị trực tiếp đã lập công.
Bước leo thang của Mỹ đã lên đến đỉnh. Chúng tổ chức những chiến dịch không quân liên tục đánh phá quyết liệt Thủ đô. Bộ Tư lệnh Phòng không -Không quân được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trong tình huống địch sử dụng B.52. Vào một buổi tối mùa Xuân năm 1968, tại ngôi nhà sàn, Bác Hồ nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo về một cuộc chiến căng thẳng, khốc liệt sắp diễn ra: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy nhiệm vụ cuả chú rất nặng nề”.
Đúng như lời dự đoán của Bác, ngày 17-12-1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ II, sử dụng không quân chiến lược B.52, tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.
Trong suốt 12 ngày đêm vần vũ trên bầu trời Hà Nội, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (tính đến tháng 12/1972) cho cuộc tập kích này: gần 1/2 số máy bay chiến lược B.52 của toàn nước Mỹ (193 chiếc trên tổng số 400 chiếc), gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 chiếc trên tổng số 3041 chiếc) cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác. Chúng đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Tờ báo lớn nhất của Anh, the Daily Mirror đã bình luận rằng: "Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ".
Đế quốc Mỹ toan tính rằng, bằng sự tàn sát dã man của B.52, chúng có thể buộc nhân dân ta phải khuất phục. Nếu đế quốc Mỹ thành công trong cuộc tập kích bằng B.52 thì hậu quả thật khôn lường. Báo Pháp Nhân đạo viết: "Tấn thảm kịch Việt Nam đang trải qua cho ta hương vị của cái mà trái đất chúng ta sẽ nếm trải nếu nước đế quốc mạnh nhất đặt được nền thống trị độc tôn của nó!”. Thế nhưng, "thần tượng B.52" - con át chủ bài trong bộ ba chiến lược của đế quốc Mỹ đã phải sụp đổ trước ý chí kiên cường và trí tuệ thông minh tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 12 ngày đêm, lưới lửa phòng không dày đặc của ta đã xé tan xác 81 máy bay của giặc Mỹ, trong đó "siêu pháo đài bay" B.52 là 34 chiếc, F111 - 5 chiếc và 42 máy bay chiến thuật khác, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có nhiều giặc lái B.52.
Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%. Vậy mà trong cuộc tập kích không quân chiến lược cuối tháng 12-1972 này tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay (25%), khiến các nhà quan sát quân sự Mỹ phải thú nhận: "Cứ cái đà mất máy bay, người lái này và nếu Mỹ còn tiếp tục ném bom thì chỉ đến ngày 28 tháng 4 năm 1973 toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ ở vùng Đông Nam Á sẽ hết nhẵn". Người Mỹ cũng đã phải cay đắng thừa nhận rằng: “B.52 đã được tung ra chiến trường với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy!”. Chính Ních-xơn cũng đã phải cay đắng thừa nhận về thất bại thảm hại này trong hồi ký của mình: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”.
Xác pháo đài bay B.52 chất đống ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh tư liệu - Internet)
Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7h sáng ngày 30/12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 27-01-1973 Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.
“Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mĩ nhất định thua. Lúc này mà còn phân vân, tàu địch to, tàu ta nhỏ, máy bay địch nhiều, súng ta ít, liệu có đánh được không? Đó là biểu hiện quyết tâm chưa cao. Tuy không dám tự nhận là sợ địch, nhưng chính là sợ địch. Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mĩ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng… Ta phải có lòng tin sắt đá ở Đảng. Đảng đã nói: “Nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là nhất định thắng… Đánh nhau có hi sinh, có gian khổ, nhưng bền gan, vững chí thì cuối cùng ta nhất định thắng, giặc nhất định thua”. Lời của Bác tựa như lời sông núi, thấm sâu vào trái tim mỗi người dân Việt Nam, cổ vũ, thôi thúc quân dân ta vững niềm tin tất thắng kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược. Đoàn kết một lòng, quân dân thống nhất, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã kiên cường, dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” vang dội, đánh một đòn chí mạng vào kẻ thù xâm lược, khiến chúng phải thua một cách “tâm phục, khẩu phục”.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trao cờ cho các đơn vị lập công xuất sắc trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
(Ảnh tư liệu - Internet)
Đã bốn thập kỷ qua đi nhưng những bài học vô giá về tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám đánh và quyết thắng mà Bác Hồ để lại từ trận “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” vẫn còn vẹn nguyên giá trị và sẽ giúp cho dân tộc ta vững tay lái khi ra biển lớn trong quá trình hội nhập quốc tế hôm nay.
Thu Hiền (Tổng hợp)