Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

 

Trong không khí rộn ràng khi Tết đến Xuân về, mỗi chúng ta lại nhớ tới cái “Tết” khác -  một mỹ tục do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khởi xướng từ cuối năm 1959, đó là “Tết trồng cây”. Quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, Bác đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:

“Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Từ lâu, câu thơ của Bác Hồ đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, kể từ đó cho tới nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp, mỗi dịp Xuân về là “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.

trong cay 1
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Li, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/02/1969

Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên nên từ những ngày hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn chú trọng tới việc xây dựng môi trường để bảo đảm cho điều kiện sống và công tác bí mật trong kháng chiến. Ở thời điểm đó, cơ quan thường xuyên phải di chuyển, Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên. Người coi việc sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề phải đấu tranh chống lại những tai họa của thiên nhiên, “quan tâm đến việc trồng cây” và bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Theo Bác, trồng cây ngoài ý nghĩa to lớn là để cho môi trường tự nhiên và quang cảnh đất nước trở nên tươi đẹp hơn thì còn ý nghĩa thiết thực nữa là để chuẩn bị lấy gỗ làm nhà ở cho nhân dân. Ngày 30-5-1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901, trong đó Bác chỉ ra: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây là công việc đó “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Tại thời điểm đó, Bác đã tính “ở miền Bắc có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây…Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Cuối bài báo, Bác Hồ đã viết Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của “Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. 

trong cay 2

Vào buổi sáng ngày 11/1/1960, không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân thật sôi nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.

trong cay 3
Cây đa Bác Hồ trồng ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) năm 1960, nay sum suê xanh tốt, tỏa bóng mát quanh năm. Ảnh  internet

52 mùa Xuân kể từ ngày ấy, Công viên Thống Nhất hôm nay đã trở thành một khu vui chơi giải trí lớn của Thủ đô Hà Nội. Cây đa nhỏ năm xưa Bác trồng giờ đã là một cây đa cổ thụ sum suê xanh tốt, tỏa bóng mát quanh năm.

Mùa Xuân năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề hết sức khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt.

Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều và  nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: Những cây gỗ to bị chặt đ đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừngPhải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.

Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Tết trồng cây là bài học lớn của Bác đ lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngày nay, trong bối cảnh trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán…..thì công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hơn 50 năm đã trôi qua, “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi truờng sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên đ phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau./.

Huyền Trang (Tổng hợp)

 

 

 

 

Bài viết khác: