Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

         Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, mảnh đất đầu tiên Bác Hồ đặt chân khi trở về Tổ quốc (tháng 2 năm 1941) là Pác Bó, thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Từ đấy, Pác Bó nói riêng, Việt Bắc nói chung, in đậm trong thơ của lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh. Và bài thơ đầu tiên Bác Hồ viết sau khi về nước, cũng là bài ngợi ca cảnh đẹp Pác Bó:

                            “ Non xa xa, nước xa xa

                             Nào phải thênh thang mới gọi là

                             Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

                             Hai tay xây dựng một sơn hà”.(*)

           Bài này Bác Hồ đặt tên “Pác Bó hùng vĩ”, như thâu tóm toàn cảnh núi rừng, suối trong nơi đầu nguồn đất nước. Ai đến Pác Bó hẳn đã thấy cảnh sắc thiên nhiên nơi đây quả là đẹp. Từ ngoài đi vào men theo dòng suối trong, nhìn lên thấy ngọn núi cao sừng sững giữa rừng cây đại ngàn. Sau ngày về nước, Bác Hồ đặt tên cho con suối là suối Lê-nin, còn ngọn núi cao là núi Các-mác. Men dòng suối đi nữa vào trong hang Pác Bó rộng và thoáng, nơi Bác Hồ ở và làm việc khi mới về nước. Cũng ở Pác Bó, Bác Hồ còn có bài thơ khắc họa “Cảnh rừng Pác Bó” với những nét tả thực mà gợi, ai có dịp vào rừng xanh núi cao hẳn đều được chiêm ngưỡng cái cảnh này:

                            “Chung quanh xanh ngắt một màu

                             Hoa chen lá phủ, trên đầu bóng cây

                             Chim từng lũ, thú từng bầy

                             Thú kêu inh ỏi, chim bay là là

                             Giọng khe róc rách dưới nhà

                             Bên tường cảnh vẽ bức hoa bên mình”.

          Cảnh rừng Pác Bó đẹp như vậy, nhưng dẫu sao cũng mới dừng ở cảnh sắc thiên nhiên với những nét khắc họa chân thật và xúc động. Phải đến những năm sau, Tổng khởi nghĩa thành công, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, thiên nhiên và con người nơi núi rừng Việt Bắc trong thơ Bác Hồ mới thêm hòa quyện, ấm cúng hơn. Vẫn cảnh sinh hoạt giản dị nơi núi rừng như ngày còn ở hang Pác Bó: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵng sàng”, nhưng Việt Bắc chín năm kháng chiến đã trở thành “Thủ đô gió ngàn” rộn rã quân đi, khách đến, thì những buổi sinh hoạt cũng hết sức tự nhiên, chân thành, ấm cúng. Có thể thấy rõ điều đó khi đọc bài thơ đầu tiên Bác Hồ viết (năm 1947) sau khi trở lại căn cứ địa Việt Bắc, bài “Cảnh rừng Việt Bắc”. Mở đầu, Bác Hồ như không nén được cảm xúc, reo lên: “Cảnh rừng Việt bắc thật là hay/Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”. Quả là một thiên nhiên còn mang nhiều nét nguyên sơ. Không chỉ ở tiếng chim kêu, vượn hót mà ngay cả những sinh hoạt thường nhật của con người nơi núi rừng bạt ngàn Việt Bắc cũng tự nhiên, dân giã, thấm đẫm tình cảm với thiên nhiên, với con người, phù hợp với hoàn cảnh: “Khách đến thì mời ngô nếp nướng/Săn về thường chén thịt rừng quay”. “Cảnh rừng Việt Bắc” là bài thơ hay, không chỉ vẽ nên cảnh sắc thiên nhiên đẹp, “Non xanh, nước biếc tha hồ dạo”, mà người đọc còn thấy nét sinh hoạt giản dị, dân giã của Bác Hồ trong những năm tháng khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng cái để lại, lắng sâu trong người đọc qua “Cảnh rừng Việt Bắc” là niềm lạc quan, tin tưởng vào cách mạng nhất định thành công, với một lời hẹn chắc như đinh đóng cột: “Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Cũng năm 1947, Bác Hồ còn làm bài “Cảnh khuya”, có lẽ ra đời vào một đêm thanh vắng, Người trầm tư nghĩ suy công việc giang sơn. Bài thơ chỉ có bốn câu tả cảnh đêm khuya trong rừng sâu, có tiếng suối trong như tiếng hát, có ánh trăng lồng vào rừng cây, nhưng qua những dòng tả cảnh ấy, người đọc lại cảm nhận rõ sức làm việc của Bác Hồ không ngơi nghỉ, luôn nghĩ suy công việc nước nhà:

                             “Tiếng suối trong như tiếng hát xa

                             Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa                         

                             Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

                             Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

          Cũng một bài bốn câu, nhưng viết bằng chữ Hán, khoáng đạt và sâu đằm, mà ngày nay cứ đến Ngày thơ Việt Nam lại có hàng vạn người yêu thơ chăm chú lắng nghe, hoặc tìm đọc lại, bài “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu). Có lẽ Bác Hồ làm bài này vào đêm khuya rằm tháng Giêng “lồng lộng trăng soi”, con thuyền đưa Bác và những cộng sự đi trên sông họp bàn một việc “cơ mật”, mãi khuya mới về, trong cảnh thanh vắng lại có ánh trăng ngân:

                            “ Rằm xuân lồng lộng trăng soi

                             Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

                             Giữa dòng bàn bạc việc quân

                             Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”

          Bài thơ như bức họa phong cảnh đêm trăng lồng lộng soi xuống dòng sông, và dòng sông xuân nước trong ngăn ngắt như lẫn với màu trời xanh, lại càng thêm đẹp diệu huyền. Giữa cảnh sắc ấy, con thuyền nhẹ trôi trên dòng sông lặng ngắt như tờ, đưa những người đang chèo lái con thuyền kháng chiến của nhân dân ta đi trên dòng sông để suy tính những bước đi quyết định thúc đẩy cuộc trường kỳ kháng chiến mau đến thành công. Cũng như ở bài “Cảnh khuya”, thơ tức cảnh của Bác Hồ không dừng lại ở cảm xúc trước thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, mà còn đi sâu biểu hiện tâm trạng, suy nghĩ trước những vấn đề lớn của dân tộc, của thời đại. Thơ vì thế không tách cảnh với người, tả chỉ để mà tả, mà ngược lại, ở bài nào người đọc cũng dễ nhận ra nhà thơ tả cảnh là để tả người, tâm trạng con người, trong cảnh có tình, trong tình có cảnh, hòa quyện. Ngay ở bài thơ viết bằng chữ Hán, bài “Tặng Bùi Công” (tức cụ Bùi Bằng Đoàn) Bác Hồ viết rất thực, như chỉ kể về công việc của mình trong căn phòng nhỏ, nhưng vẫn in đậm cảnh sắc núi rừng với tiếng chim ca ríu rít và hương hoa ngào ngạt:“Xem sách, chim rừng sà bậu cửa/Lệnh phệ, nghiên mực bóng hoa lồng”. Một phong cảnh thiên nhiên như hòa với con người, khi ngồi đọc sách mà lại có chim bay vào đậu cửa, lúc ký công văn (phê), giấy tờ lại có bóng hoa la đà bên cửa sổ thì hẳn là ít nơi có cảnh này. Cũng một bài thơ Bác Hồ viết bằng chữ Hán, bài “Vô đề”, người đọc như thấy tận mắt cảnh đường rừng dồn dập bước chân các đoàn quân đi giữa rừng cây và rừng hoa, với từng đàn chim mỗi khi nghe chân người lại vội vã bay lên: “Đường non, khách tới hoa đầy/Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn”. Giữa cảnh núi rừng rộn rã tiếng chân đoàn quân đang tiến bước, Bác Hồ của chúng ta mới có phút thảnh thơi, sau khi đã bàn định xong công việc, nhưng ngay cả phút thảnh thơi ít có ấy, Bác cũng không dành cho riêng mình, mà Người vẫn nghĩ đến các cháu nhỏ trong cơ quan: “Việc quân, việc nước đã bàn/Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”. Đọc câu thơ này, hẳn không mấy ai không nghĩ tới ông già nông thôn hiền từ, nhân hậu, chăm vườn tược, yêu con trẻ. Bác Hồ của chúng ta là thế, bình thường và giản dị như bao người cao niên khác. Nhưng Người lúc nào cũng nghĩ đến mọi người, không chỉ với các cháu ở gần Bác, mà cả khi đi chiến dịch biên giới (1950), trèo lên ngọn núi cao quan sát mặt trận Đường số 4, thì cảnh núi rừng trùng điệp không làm Bác chùng gối mỏi chân, mà chỉ làm Bác Hồ càng thêm nghĩ tới các chiến sĩ đang vượt mọi khó khăn, dũng cảm tiến lên tiêu diệt lũ “sói cầy”. Bài thơ dồn dập, hừng hực khí thế: “Chống gậy lên non xem trận địa/Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu/Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. Có thể nói, trước phong cảnh hữu tình nơi núi rừng chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ ít khi nghĩ đến cuộc sống thường nhật của mình, lại càng ít nghĩ đến nghỉ ngơi vui hưởng cảnh sắc thiên nhiên nơi rừng xanh, núi cao, có chăng cũng chỉ như hẹn với lòng mình: “Kháng chiến thành công ta trở lại/Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Có một lần, trong bài “Đối trăng”, người đọc gặp Bác sau khi ngắm “trăng nhích bóng” ngoài sân, hẳn là cũng khuya lắm rồi, việc quân, việc nước đã bàn xong, Người mới đi nghĩ, và ngay cả khi ấy, Bác vẫn như cảm nhận rất rõ ánh trăng đang nhòm vào bên gối, một hình ảnh rất đẹp:

                   “Ngoài song trăng rọi cây sân

                   Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song

                   Việc quân, việc nước bàn xong

                   Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm.”

Chỉ đến khi cuộc trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi, hòa bình lập lại (1954), trong “Cảm hứng”, bài thơ cuối cùng Bác Hồ làm ở Việt Bắc, Người mới có phút giây thư nhàn cho phép mình “ngao du cùng tuế nguyệt” khi đón nàng thơ, bạn vẽ đến chơi:

                   Kìa bãi cát, nọ rừng thông

                   Nước nước, non non, khéo một vùng

                   Đang đợi nàng thơ cùng bạn vẽ

                   Đến chơi cảnh núi với tình sông

                 …Được phép ngao du cùng tuế nguyệt

                   Vì rằng kháng chiến đã thành công.

Thơ Bác Hồ làm những năm ở Chiến khu Việt Bắc, trước và sau Cách mạng Tháng Tám (1945), hầu như bài nào người đọc cũng gặp cảnh sắc thiên nhiên rừng xanh, núi cao, suối ngàn, đẹp một cách tự nhiên, kỳ ảo. Nhưng hình ảnh được nhà thơ lớn Hồ Chí Minh sử dụng nhiều có lẽ là ánh trăng: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya), “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” (Báo tin thắng trận). Ngay một bài thơ chữ Hán có bốn câu (Rằm tháng giêng), chỉ một ánh trăng nhưng được nhà thơ hai lần khắc họa với hai trạng thái khác nhau, lần thứ nhất, mở đầu là ánh trăng soi: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”, còn lần thứ hai, kết bài là ánh trăng ngân: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Nhưng có lẽ ở bài “Đối trăng” vừa dẫn, ánh trăng trong rừng cây được Bác Hồ quan sát kỹ lắm mới thấy được từng cái “nhích bóng” của trăng, làm cho cây thì như gần như xa, và như thế hẳn là khuya lắm rồi Bác mới đi nghỉ, và cả khi đi nghỉ Bác vẫn còn nghĩ suy công việc mới thấy “trăng nhòm”, “bên song” chứ. Qua ánh trăng trong thơ, người đọc phần nào thấy được sức làm việc của Bác Hồ, giữa phong cảnh hùng vĩ của núi rừng trong đêm khuya thanh vắng, Người vẫn suy tư công việc nước nhà. Trăng trong thơ Bác Hồ viết ở Việt Bắc là hình ảnh đẹp và giàu sức gợi cảm, làm tăng thêm trong lòng người đọc tình yêu Việt Bắc với núi cao, rừng sâu, suối trong, lại thêm ánh trăng ngân nữa thì đẹp biết chừng nào. Và đấy cũng là điều người viết dòng này muốn cùng bạn đọc lại thơ Bác Hồ làm thời kỳ Người ở căn cứ địa Việt Bắc./.

Ma Lệ Minh

Bài viết khác: