Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

 

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm Ngày khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 - 29/8/2015), Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin giới thiệu bài viết “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi hội tụ tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn” của Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ yếu Tọa đàm: “Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất; người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa -Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.

 Trong khóa họp toàn thể lần thứ 24 tại Paris (Cộng hoà Pháp) từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 20 tháng 11 năm 1987, UNESCO đã thảo luận, xem xét và thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, cả thế giới mới có 21 nhân vật lỗi lạc trên thế giới đáp ứng tiêu chí chung nhất là “Những người để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại” được UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm. Đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 /19-5-1990), UNESCO đã chính thức tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất". Nghị quyết của UNESCO có đoạn nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Những lý tưởng của Người là hiện thân của nguyện vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Đồng thời, UNESCO đã khuyến nghị 159 quốc gia thành viên “Kết hợp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức những hoạt động đa dạng để tư­ởng niệm Người, để làm cho mọi ngư­ời hiểu được tầm vóc to lớn của những tư tưởng và sự nghiệp của Người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng đã trở thành nỗi niềm mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Lúc sinh thời, Bác Hồ rất mong muốn được vào miền Nam để gặp đồng bào, chiến sĩ miền Nam, và đồng bào miền Nam cũng ngày đêm mong mỏi được đón Bác vào thăm. Tuy nhiên, do quy luật ngặt nghèo của cuộc sống, Bác đã phải đi xa khi chưa thực hiện được niềm mong ước đó. Trước lúc Bác đi xa, trong Di chúc của mình, Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng yêu quý. Điều đó đặt ra một câu hỏi rất lớn cho Đảng, Nhà nước về một công trình có tầm vóc mang ý nghĩa chính trị, văn hóa gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đồng bào, chiến sỹ cả nước đều mong muốn Bác có một nơi an nghỉ vĩnh hằng, thể hiện được phần nào công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Như vậy “lòng Dân” “ý Đảng” đều thống nhất chung ở một điểm, đó là phải có một công trình mang tầm vóc lịch sử để lưu giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con cháu muôn đời sau.

lang-bac-noi-hoi-tu
Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay sau ngày tổ chức chu đáo và hết sức trọng thể lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ “Lòng dân – ý Đảng”, Đảng và Chính phủ ta đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho xây dựng công trình. Trong phiên họp ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơnChủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”.

Quyết định của Bộ Chính trị thể hiện tình cảm và tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; đồng thời cũng phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn lâu dài thi hài Bác được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Đoàn 69-đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay. Trong 6 năm (1969-1975), cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học y tế Liên Xô, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn của chiến tranh ác liệt và thời tiết khắc nghiệt để bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Bác, tạo ra những tiền đề rất quan trọng cho các giai đoạn tiếp theo của nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

lang-bac-noi-hoi-tu3
Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Song song với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến việc xây dựng Lăng của Người. Để chọn được một mẫu Lăng phù hợp và hiện đại nhất, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng và trưng bày mô hình để lấy ý kiến tham gia của toàn dân. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và cá nhân gửi dự thi; 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất đã được sơ tuyển và trưng bày. Ban Tổ chức đã triển lãm, lấy ý kiến cùng một lúc tại 5 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Việt Bắc và Tây Bắc. Đã có hơn 70 vạn lượt người đến xem và có hơn 3,5 vạn ý kiến. Nhiều ý kiến của các nhà kiến trúc, nhà văn hóa, các bậc lão thành cách mạng, đồng bào các tầng lớp nhân dân ở hai miền Nam Bắc, kiều bào ta ở nước ngoài đã gửi về đóng góp và bổ sung phương án xây dựng Lăng. Các ý kiến gợi ý đã được nghiên cứu để chọn ra một phương án thiết kế tốt nhất. Phương án này đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ chọn và đề xuất với Bạn hoàn chỉnh thiết kế; là phương án chính thức để trên cơ sở đó trao đổi với Chính phủ Liên Xô tiến hành làm thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật. 

Ngày 02 tháng 9 năm 1973, sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam ký kết, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, chính tại nơi mà 24 năm trước Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ được cử làm Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng. Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng được giao là lực lượng chủ công, nòng cốt trong quá trình tổ chức thi công. 

Cả nước hướng về công trình xây dựng Lăng Bác. Đóng góp sức người, sức của để xây dựng Lăng Bác như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương muốn dành những gì ưu tú nhất của quê hương để được dâng lên Người.

Sau chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là lúc Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị mọi mặt đón Bác về Lăng, để Bác cùng dự niềm vui chung của cả dân tộc. Đúng 20 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác từ Khu căn cứ K9 về tới Quảng trường Ba Đình. Đoàn cán bộ, chiến sĩ sau 6 năm vượt khó khăn, gian khổ giữ gìn thi hài trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, nay vô cùng ngỡ ngàng và lặng đi vì xúc động trước Công trình Lăng kỳ vĩ, hiện đại. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt giữa Quảng trường Ba Đình, trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, nơi hội tụ những di tích lịch sử của dân tộc. Chính tại nơi đây, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và nơi đây cũng sẽ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người và là nơi các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Hiếm có trên thế giới có một công trình nào lại quy tụ tất cả tấm lòng của nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới như Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một công trình kiến trúc vừa hiện đại, vừa dân tộc, trang nghiêm và giản dị như con người, cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không giống như các công trình vĩ đại khác trên thế giới, phải là nơi núi cao, sông rộng, kỳ tích tráng lệ … để thu hút tính khám phá, tìm hiểu của khách; cũng không có những chiến dịch “quảng bá” rầm rộ như những công trình kiến trúc mà các nước trên thế giới đã làm, nhưng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là điểm đến, niềm mong mỏi của mỗi người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. 

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, đồng bào và khách quốc tế đã có gần50 triệu lượt người, trong đó hơn 7 triệu lượt khách nước ngoài của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, nhờ thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế của đất nước có những bước phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, hệ thống hạ tầng giao thông được mở mang nên điều kiện đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn. Nhưng đó không phải là điều kiện quyết định về việc số lượng người đến viếng Bác, tham quan Lăng nhiều hơn, mà là xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng tha thiết của nhân dân mong muốn được về bên Người.

lang-bac-noi-hoi-tu2
Nhân dân vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống biết nhớ ơn cội nguồn, trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Đó chính là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn.

Quyết định đúng đắn và sáng suốt của Bộ Chính trị đối với việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Công trình Lăng của Người không những là quyết định hợp lòng dân mà còn thể hiện một tư tưởng chính trị: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người. Xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc – “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là tư tưởng lớn nhất, sâu sắc nhất, xuyên suốt nhất, làm nổi bật ý nghĩa chính trị tư tưởng của một công trình đặc biệt và là tư tưởng chỉ đạo mọi hoạt động của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc biệt tại khu vực Ba Đình gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa rất quan trọng, có tác dụng to lớn trong việc tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội của nhân dân ta, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thông qua các sinh hoạt chính trị và tổ chức các hoạt động tại Lăng Bác có tác dụng to lớn trong việc nâng cao ý thức chính trị, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân Việt Nam. Những năm qua tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình đã diễn ra các sinh hoạt chính trị, truyền thống như Lễ báo công, Lễ xuất quân, Lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn… Một số loại hình sinh hoạt chính trị mới như: Đặt hoa trước ngày cư­ới của nam nữ thanh niên, lễ khai giảng năm học mới của các trường phổ thông. Đặc biệt từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Nghi lễ Chào cờ hàng ngày đã được tiến hành trọng thể, trang nghiêm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghi thức này được tổ chức thành nề nếp và trở thành một nội dung sinh hoạt chính trị ăn sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô nói riêng và du khách đến tham quan khu vực, đã phát huy tốt tác dụng giáo dục truyền thống cho người dân Việt Nam. Biểu tượng của Tổ quốc với hình ảnh của Lãnh tụ được hoà quyện vào nhau càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là một công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa to lớn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – công trình của “lòng Dân – ý Đảng” sẽ trường tồn mãi cùng đất nước Việt Nam, là trái tim của trái tim Việt Nam, là nơi hội tụ những tinh hoa về kiến trúc và không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội – mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Là công trình trung tâm trong Cụm Di tích lịch sử – văn hoá Ba Đình, Lăng Bác đã trở thành địa chỉ hướng đến đầu tiên của du khách mỗi khi tới Thủ đô Hà Nội, là nơi hội tụ tình cảm và niềm tin của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam.

Về Lăng viếng Bác, tham quan Công trình Lăng của Người là một phần thưởng vô cùng quý giá của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động đó được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước đứng ra tổ chức. Bởi đồng bào, đồng chí được tham dự chuyến đi về Lăng Bác Hồ không chỉ cảm nhận sâu sắc rằng mình đang được xã hội ghi nhớ, tôn vinh, mà quan trọng hơn lại tự mình phải luôn giữ gìn nêu cao lòng tự trọng về phẩm giá của chính mình để không chỉ xứng đáng với quá khứ mà còn phải luôn luôn vươn lên hơn nữa trong cuộc sống hôm nay và mai sau. Vinh dự luôn đi cùng với trách nhiệm là giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc, của cách mạng là: Tận trung với nước, tận hiếu với dân, anh hùng, dũng cảm, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, công tác, có lòng nhân hậu, vị tha và nghĩa tình trong cuộc sống cộng đồng với đồng bào, đồng chí và ngay cả trong gia đình của mình.

Hành trình vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được tổ chức trang trọng, thành kính, song lại hết sức giản dị, tiết kiệm mà vẫn tạo được dấu ấn đậm nét và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam khi trực tiếp được tham dự các nghi thức, nghi lễ đó. Về với Bác Hồ là về với tư tưởng, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh. Về với Bác Hồ chính là khơi nguồn, để làm cho cái mạch nguồn truyền thống và giá trị truyền thống luôn được trong trẻo, để mỗi người chúng ta được tắm trong cái suối nguồn đó mà sáng mắt, sáng lòng hơn, xứng đáng với Bác Hồ kính yêu, xứng đáng với quá khứ vẻ vang và hào hùng của dân tộc và của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta tự hào về Đảng quang vinh và dân tộc anh hùng, vì Người là linh hồn của Đảng, là trí tuệ, phẩm giá, lương tâm và danh dự của dân tộc Việt Nam. Những ước vọng cao đẹp của Người sẽ được Đảng và nhân dân ta từng bước thực hiện thành công. Tư tưởng của Người luôn là ngọn đuốc sáng, soi đường cho nhân dân ta tiến về phía trước để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.  

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Ngày 22 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Ngày 08 tháng 3 năm 2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 122/NQ-QU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Đây là tiền đề để đơn vị triển khai những công việc cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội đã giao cho. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kế thừa những kinh nghiệm truyền thống của đơn vị, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trong đó nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hoàn thành xuất sắc; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ khoa học nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ y tế và kỹ thuật trong giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác và Công trình Lăng của Người, để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn./.

Thiếu tướng Phạm Văn Lập

 Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: