Thứ tư, 18/12/2024

            Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đem hết trí tuệ và tinh thần, tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử. Sau hai năm xây dựng (1973- 1975), Lăng Bác được khánh thành với kiến trúc độc đáo trên nền không gian và môi trường thoáng đãng. Mỗi viên gạch, phiến đá, hàng cây, khóm hoa là sự nâng niu của từng con người, vùng quê, để Bác Hồ yên nghỉ nơi đây giữa lòng dân tộc Việt Nam. Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, của Nhà nước, trở thành địa chỉ thiêng liêng, hấp dẫn của đồng bào cả nước và khách quốc tế, là nơi nhân dân ta đến viếng Bác, tham quan Lăng, nơi đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia và bầu bạn trên thế giới. Trồng cây xanh quanh Lăng Bác chính là kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời cũng thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Cho đến nay đã có 78 tỉnh thành, đơn vị, cá nhân đã gửi tặng 157 loại cây thế, cây cảnh và hàng ngàn cây xanh, cây ăn quả quý trồng ở khu vực Lăng Bác.                                           

Cây xanh quanh Lăng Bác là một bộ phận của Lăng hòa vào hình khối và không gian kiến trúc Lăng, làm cho khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tô điểm cho công trình một cách hài hoà nhưng không lấn át. Toàn bộ cây bóng mát, cây trang trí, cây hoa, cây cảnh được trồng theo mảng lớn: Hình khối rõ ràng, đối xứng, đường nét vuông vức, kích thước tỷ lệ phù hợp với kiến trúc của Công trình Lăng. Mọi công việc giữ gìn, tôn tạo, bố trí hàng ngàn cây cảnh, cây thế, cây hoa ở nơi Bác Hồ yên nghỉ phải đảm bảo tính khoa học với những yêu cầu nghiêm ngặt, công phu và tỉ mỉ nhằm làm nổi bật nội dung tư tưởng của kiến trúc Lăng Bác, thể hiện tính dân tộc, hiện đại, giản dị và trang nghiêm.

Mỗi loại cây, tượng trưng cho mỗi địa phương, vùng miền của đất nước, được đưa về trồng quanh Lăng Bác có dáng thế đẹp, có hương sắc gần gũi thân quen với quê hương, đất nước, tiêu biểu cho mọi miền, mọi vùng để gợi lên hình ảnh của cả nước quây quần bên Bác, nhằm nâng niu dòng suy tưởng ở mỗi người về vị lãnh tụ vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình vì dân, vì nước.

Trên thềm đá trước cửa Lăng nổi bật hai cây Đại cổ thụ, là loại cây sống bền bỉ hàng thế kỷ, tượng trưng cho sự thanh khiết, thiêng liêng, là hình tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng khi khánh thành Lăng Bác. Cây có dáng đẹp cả lúc mới trồng và khi trở thành đại thụ, cao năm đến bảy mét. Mùa hè nắng chói gắt, cũng là thời điểm cây ra nhiều lá xanh, hoa trắng thơm ngát, nở từ trước ngày sinh nhật của Bác Hồ đến sau ngày Bác đi xa.

cay-hoa-cay-anh-2016-1
Cây Đại do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng khi khánh thành Lăng Bác

Mặt trước hai Lễ đài phù hợp với dáng vẻ uy nghi của bề mặt Lăng, 18 cây Vạn tuế được trồng trông như hàng tiêu binh đứng trang nghiêm ngày đêm giữ yên giấc ngủ của Người, tạo cảm giác trang trọng và thiêng liêng. Vạn tuế là cây sống lâu năm, thân thẳng mập, tán lá mềm mại tỏa đều quanh thân như những chiếc nấm xanh quanh năm. Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã gửi về những cây Cọ để trồng thành hàng trên hai khán đài tạo nên cảnh quan xanh mát độc đáo, mang nét đẹp của miền trung du đang xòe ô che nắng. Tầm cao của cây không vượt quá hai mét nên không cản tầm nhìn của Lễ đài phụ.

Trước hai bên Lễ đài là 10 bồn hoa được trồng thay đổi theo từng mùa, với màu sắc đỏ, vàng hoa nở quanh năm. Nối tiếp hai bên Lễ đài là vườn Tre, lấy giống từ Lam Sơn, Thanh Hóa, ngọn uốn cong mềm mại tạo nên những nét thanh thoát, đơn sơ, màu xanh quanh năm. Một loài cây vừa biểu hiện cho tinh thần con người Việt Nam, vừa tạo vẻ đẹp cho Lăng Bác. Cây Tre ấy đã đi vào tâm hồn mỗi người dân Việt và là biểu tượng cho cốt cách con người Việt Nam từ ngàn đời nay. Đây là mảng cây chuyển tiếp giữa công trình Lăng với không gian thiên nhiên xung quanh, làm cho toàn bộ công trình thêm hài hoà và sinh động.

cay-hoa-cay-anh-2016-2
Vườn tre  được lấy giống từ Lam Sơn, Thanh Hóa)

Trên thềm đá sau Lăng là những bồn hoa vuông vức, trồng những cây hoa thơm, được đồng bào các dân tộc mang về trồng, mang màu sắc tinh khiết, sâu lắng tâm hồn như: Hoa Nhài, Nguyệt quế, Dạ hương,... những bồn hoa thay nhau nở bốn mùa, ngày đêm dâng lên Bác hương thơm sắc đẹp, tượng trưng cho tấm lòng của toàn dân đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Mỗi người chúng ta, tưởng nhớ đến Bác Hồ, ai cũng ao ước không những được vào Lăng viếng Bác mà còn được vào thăm ngôi Nhà sàn, thăm vườn cây ao cá của Bác, tham quan khu vực Lăng Bác.

Phía sau Lăng là một vườn cây cảnh rộng lớn, chạy theo chiều dài của Công trình Lăng Bác để nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, thăm cảnh quan của khu vực Lăng. Những bông hoa của mọi miền đất nước đua nhau nở, những hàng cây đứng bên nhau nhắc chúng ta nhớ lời Bác dạy “Đoàn kết”. Quanh vườn là những  cây cảnh, cây bóng mát của nhân dân cả nước dâng lên Bác, địa phương nào cũng mong muốn cây của mình được trồng bên Lăng Bác, trong đó có nhiều loại giống cây quý như: Cây Sứ đỏ, Dầu nước của Thành phố Hồ Chí Minh; Me thế của Đồng Nai, Nhất Chi Mai của Tây Nguyên; cây Đa thế của tỉnh Hải Dương; cây chè San tuyết của tỉnh Hà Giang; cây hoa Giấy thế của tỉnh Lâm Đồng; cây Nguyệt quế của tỉnh Bến tre; Tường vi, hoa Cúc, Đào bích, cây Sanh thế trên 100 năm tuổi của Hà Nội; cây Ngọc bút, Phượng vĩ của Hải Phòng; cây Ngọc lan của Lạng Sơn; cây Trúc của Sơn Tây; cây Cọ của Phú Thọ; cây Hải đường, Vạn tuế của Hà Nam, Mai vàng của thành phố Huế; đặc biệt nhân dân Đồng Tháp đã gửi về trồng cây Mai Chiếu Thủy hơn 100 năm tuổi có thế thăng long; nhân dân tỉnh Quảng Ninh dâng lên Lăng Bác cây Sanh thế trên 100 năm tuổi; cây khế 135 năm tuổi của tỉnh Cần Thơ; cây Me thế trên 100 năm tuổi của tỉnh Bình Định; cây cà phê 65 năm tuổi của tỉnh Đắc Lắc, trong vườn là những ô trồng hoa hồng bạch, hồng đỏ thắm. Các loại cây hoa, cây cảnh quý của các địa phương gửi tặng, xuất xứ từ nhiều vùng sinh thái, mang đậm bản sắc của mọi miền từ Nam ra Bắc được hội tụ bên Lăng Bác. Đặc biệt tô điểm cho bức tường lưu niệm là hàng Râm bụt hoa màu đỏ từ Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, quê hương của Bác Hồ và hàng cây Ngọc lan thẳng tắp, cao vút nở hoa trắng ngà, như một bức tường thành đúc bằng hương thơm giữ gìn không gian Lăng Bác.

cay-hoa-cay-anh-2016-3
Cây thế, cây cảnh của nhân dân các tỉnh, thành gửi tặng

Đường Hùng Vương rộng lớn thẳng tắp chạy dài từ hai hướng, dẫn đến Quảng trường Ba Đình, nơi đây diễn ra các cuộc duyệt binh, diễu binh, diễu hành của chiến sĩ, đồng bào chào mừng những ngày Lễ trọng đại của dân tộc; hai bên vỉa hè đường Hùng Vương trồng cây Chò nâu, đây là loại cây được chọn từ đất Tổ Hùng Vương, trung du Bắc Bộ. Năm 1974, khi đường Hùng Vương bắt đầu thi công, thì từ trên rừng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chọn những cây cao 5 mét bứng thành gốc cây to nặng hàng tấn dùng tre nứa bó chặt gốc đưa về trồng bên Lăng Bác. Đây là loại cây to, cao hai ba mươi mét tỏa bóng mát khu vực rộng lớn. Cây Chò nâu tượng trưng cho khí phách kiên cường, lòng dũng cảm của nhân dân ta suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, thảm cỏ thiên nhiên màu xanh lục của 210 ô cỏ Gừng đưa từ miền Nam ra trồng, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, tạo nên màu sắc đẹp, chịu được nắng gắt, kết hợp với hệ thống tưới phun bán tự động, làm dịu mát không khí Quảng trường Ba Đình. Khu vực vườn Hồng trên đường Bắc Sơn quanh năm rực rỡ và thơm ngát bỡi các loại hoa Hồng quý. Cuối vườn Hồng đường Bắc Sơn được xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Những cây Ban hoa trắng và Ban hoa tím được đồng bào các dân tộc Điện Biên đưa từ rừng núi Tây Bắc về trồng hai bên đường Bắc Sơn, con đường lớn đối diện Quảng trường Ba Đình. Cây có hình dáng đẹp, nhiều cành nhánh tạo nên những đường nét phong phú sinh động. Cạnh hoa Ban là hai hàng cây Dầu nước của Nam Bộ thân thẳng tròn đều vươn cao hơn hai ba mươi mét, biểu trưng cho khí phách hiên ngang bất khuất của người dân mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Giữa vườn Hồng đường Bắc Sơn được trồng những cây Đào Nhật Tân đặc trưng của Hà Nội, có dáng hình cầu trồng đối xứng, tạo nên cảm giác trang nghiêm, ấm cúng, hòa quyện với hoa Hồng đỏ rực rỡ sau mỗi độ Tết đến Xuân về.

cay-hoa-cay-anh-2016-4
Hoa Ban tím được đồng bào các dân tộc Điện Biên gửi tặng

Phố Ông Ích Khiêm, con đường nối liền Lăng Bác với Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh, được trồng những cây Phượng vĩ của nhân dân Thành phố Hải Phòng gửi tặng, cứ vào đầu mùa Hè hoa nở đỏ rực cùng với màu cờ tháng Năm mừng sinh nhật Bác. Gần đây, được Ban Quản lý Lăng trồng thêm đường Xoài được lựa chọn những cây to, cao vút tán rộng để tỏa bóng mát cho nhân dân từ mọi miền Tổ quốc vào Lăng viếng Bác. Cuối vườn sau Lăng được trồng hai cây Đa cổ thụ được lấy giống từ  cây Đa Tân Trào lịch sử nay đã tỏa bóng mát. Đặc biệt tiếp giáp giữa Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong khuôn viên Chùa Diên Hựu - Chùa Một Cột còn được trồng cây Đa do Bà cố Thủ tướng Inđira Ganđi trồng và cây Bồ đề có nguồn gốc từ cây Bồ đề Đức Phật Thích Ca tọa thiền và tu thành đạo, được Tổng thống Ấn Độ tặng Bác Hồ nhân dịp Bác sang thăm Ấn Độ năm 1958. Cây xanh quanh Lăng Bác đã làm vơi đi với cái nắng chói chang của mùa Hè, với bao nỗi niềm của cuộc sống, cảm nhận môi trường trong lành, đem lại cho mỗi người khi đến Lăng Bác sự thanh thản, bình yên.

cay-hoa-cay-anh-2016-5
Đường xoài tỏa bóng mát cho nhân dân vào Lăng viếng Bác

Cây và hoa bên Lăng Bác tạo thành một không gian cảnh quan rộng lớn, nối liền khu Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trong một chỉnh thể kiến trúc chặt chẽ, thống nhất. Thực hiện Đề án 2341 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham mưu đề xuất và được sự nhất trí của Thủ tướng Chính phủ tiến hành cải tạo nâng cấp hạ tầng tuyến phố đi bộ; cải tạo nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; đổi mới, nâng cao chất lượng trang trí cảnh quan khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa của cả nước, góp phần xây dựng nơi đây thành một khu vực xanh, sạch, đẹp, ấn tượng của Thủ đô Hà Nội và của cả nước; vừa gần gũi vừa trang nghiêm, linh thiêng thể hiện tấm lòng đời đời biết ơn của nhân dân ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu./.

Đặng Đình Bình

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN&MT

Bài viết khác: