1. Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.
Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định này, thông tin định danh khách hàng là thông tin sau đây:
- Đối với khách hàng cá nhân: Họ và tên, mẫu chữ ký, chữ ký điện tử, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại, địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài đối với người nước ngoài, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (thông tin về thị thực đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài) của khách hàng hoặc của người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) và các thông tin có liên quan khác.
- Đối với khách hàng là tổ chức: Tên giao dịch đầy đủ, tên viết tắt, giấy phép hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương; địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử và thông tin quy định tại điểm a khoản này của người đại diện hợp pháp và các thông tin có liên quan khác.
Nghị định quy định tương đối chặt chẽ về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng. Cụ thể:
- Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong hai trường hợp: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; có sự chấp thuận của khách hàng.
- Ngân hàng không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng (mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập…) cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin…
2. Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2018.
Nghị định này quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, các trường phổ thông sẽ tiến tới học 2 buổi/ngày. Cụ thể, Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.
Ảnh minh họa/internet
3. Nghị định số 129/2018/NĐ-CP ngày 24/9/2018 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2018.
Theo đó, bãi bỏ 9 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm:
- Quyết định số 191-CP ngày 23/6/1980 của Hội đồng Chính phủ về hình thức xử lý đối với quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và những người có những hành vi phá hoại, cản trở việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự.
- Quyết định số 163-HĐBT ngày 23/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về thời hạn phục vụ tại ngũ của Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc dân tộc ít người.
- Nghị định số 58-HĐBT ngày 01/6/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập các tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng.
- Nghị định số 54-CP ngày 07/8/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ phục vụ của Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
- Nghị định số 17/2007/NĐ-CP ngày 01/02/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ phục vụ của Hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 54/CP ngày 07/8/1995 của Chính phủ.
- Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18/6/2002 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ.
- Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01/02/2007 của Chính phủ về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Nghị định số 38/2007/NĐ-CP ngày 15/3/2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
- Nghị định số 114/2011/NĐ-CP ngày 13/12/2011 của Chính phủ quy định về mẫu biểu trong xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Đồng thời bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu.
4. Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2018.
Nghị định này sửa đổi về điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật như sau:
- Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt pháp luật Việt Nam.
- Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) mùng 02/9/1945. Thời gian công bố tối thiểu là 05 năm đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 03 năm đối với “Giải thưởng Nhà nước” tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật hoặc Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
+ Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố.
Về tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau: Tác giả được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn:
- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng Giải Vàng, Giải A, Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.
Còn đối với tác giả được xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước: Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993: Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.
5. Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2018.
Nghị định quy định trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.
Về diện tích xây dựng, các trường nêu trên phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo.
Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu đặt ra là phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ và chăn gối màn để ngủ…
Tại những nơi chưa có mạng lưới trường mầm non đáp ứng yêu cầu, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhưng phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân xã, số lượng trẻ em trong các nhóm trẻ này tối đa chỉ là 7 trẻ.
6. Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 25/11/2018.
Theo Nghị định này, mức phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng được áp dụng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.
- Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng.
- Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
- Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định trên, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc cải chính công khai; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản.
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thu Hiền (tổng hợp)