Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

1. Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018.

Theo đó, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em mẫu giáo 05 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định tại Nghị định này làm Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 145/2018/NĐ-CP và hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Nghị định nêu rõ, trường hợp trẻ em mẫu giáo 05 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định tại Nghị định này đồng thời thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chỉ phải nộp bổ sung Đơn đề nghị miễn học phí.

Trình tự thủ tục xét duyệt hồ sơ, chi trả, cấp bù kinh phí miễn học phí thực hiện theo quy định như đối với các đối tượng được miễn học phí quy định tại Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Nghị định số 145/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018. Chính sách miễn học phí cho trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi quy định ở trên được thực hiện từ năm học 2018 - 2019 (từ ngày 01/9/2018).

2. Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2018.

Quy định mới tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng như sau:

1. Sửa đổi khoản 2 Điều 23a như sau:

“2. Có ít nhất 01 nhân sự quản lý nội dung thông tin và 01 nhân sự quản lý kỹ thuật.”

Theo quy định cũ trong Nghị định số 27/2018/NĐ-CP thì điều kiện về tổ chức, nhân sự đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội như sau:

1.Điều kiện về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin.

a) Có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ;

b) Có bộ phận quản lý nội dung thông tin.

2. Điều kiện về nhân sự bộ phận kỹ thuật.

Bộ phận quản lý kỹ thuật có tối thiểu 01 người đáp ứng quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.” (Điều 23a)

Quy định mới của Nghị định số 150/2018/NĐ-CP cho thấy quy định chặt chẽ, yêu cầu cao hơn của pháp luật về bảo đảm nội dung thông tin, kỹ thuật của trang tin điện tử.

3. Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2018.

Theo quy định mới tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 và có đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng thêm một khoản tiền được tính theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

vb12
Ảnh minh họa: Internet

Nghị định này ra đời nhằm mục đích hỗ trợ nhóm đối tượng lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Nghị định quy định: Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

Nghị định số 153/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, Nhà nước sẽ căn cứ vào mức lương hưu sau điều chỉnh dựa theo bảng trên để tính toán ở những lần điều chỉnh lương hưu sau này cho người lao động, theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội.

4. Thông tư số 97/2018/TT-BTC ngày 30/10/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2018.

Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (các cơ quan Trung ương), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được bố trí từ dự toán ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư, các nội dung chi gồm: Chi viết, biên soạn, dịch tài liệu phục vụ việc học tập; chi mua tài liệu phục vụ học tập; chi hội nghị, hội thảo; chi công tác chỉ đạo, kiểm tra; chi công tác thông tin, tuyên truyền; chi sơ kết hằng năm và tổng kết toàn khóa; chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình; chi văn phòng phẩm; các khoản chi khác.

Về mức chi, Thông tư nêu rõ, mức chi cho nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với nội dung chi chưa có mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng mức chi của các nhiệm vụ, nội dung chi có tính chất tương tự đã được cấp có thẩm quyền quy định, có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, trong phạm vi dự toán được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Một số mức chi quy định như sau:

- Chi viết, biên soạn tài liệu: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

- Chi biên dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại: Thực hiện theo mức chi dịch thuật quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

- Chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

5. Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2018.

Theo Quyết định này, họp, hội nghị (gọi chung là họp) bao gồm: Họp tham mưu, tư vấn; họp giải quyết công việc; họp chuyên môn; họp giao ban; họp điều phối xử lý công việc; họp tập huấn, triển khai; họp sơ kết, tổng kết; họp chuyên đề; họp trực tiếp; họp trực tuyến.

Các cuộc họp được tổ chức phải bảo đảm các nguyên tắc như: Giải quyết công việc đúng thẩm quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Tuân thủ pháp luật, tập trung dân chủ; công khai, minh bạch và bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Không làm ảnh hưởng đến các hoạt động công vụ khác của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và tổ chức theo quy định của pháp luật…

Căn cứ vào nội dung, quy mô, thành phần tham dự, điều kiện phương tiện kỹ thuật, công nghệ, người chủ trì cuộc họp quyết định hình thức tổ chức họp trực tiếp hoặc họp trực tuyến bảo đảm hiệu quả, thuận lợi, tiết kiệm và bảo đảm bí mật nhà nước. Người chủ trì cuộc họp phân công cơ quan, đơn vị chuẩn bị nội dung cuộc họp, bao gồm thành phần tham dự, thời gian, nội dung cuộc họp và chuẩn bị phương án kết luận cuộc họp nếu cần thiết. Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp người chủ trì họp quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự.

Thời gian tiến hành một cuộc họp được quy định như sau:

- Họp giao ban, họp giải quyết công việc, họp tham mưu, tư vấn, họp điều phối không quá một phần hai ngày làm việc.

- Họp chuyên môn từ một buổi làm việc đến 01 ngày, trường hợp đối với những đề án, dự án lớn, phức tạp thì có thể kéo dài thời gian hơn.

- Họp sơ kết, tổng kết công tác không quá 01 ngày.

- Họp chuyên đề không quá 01 ngày tùy theo tính chất và nội dung của chuyên đề.

- Họp tập huấn, triển khai từ 1 đến 2 ngày.

Để tiết kiệm thời gian, bảo đảm chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc, đơn vị chủ trì tổ chức họp, người chủ trì cuộc họp và người tham dự cuộc họp phải hoàn thành tốt những trách nhiệm của mình.

Quyết định cũng quy định cụ thể các cuộc họp, tổ chức cuộc họp, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan trong việc tổ chức cuộc họp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2018 và thay thế Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Bãi bỏ Điều 22 và Điều 23 Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 53/2006/QĐ-TTg ngày 08/3/2006, Điều 21, Điều 22 Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành kèm theo Quyết định số 75/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006; các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 10 Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày 13/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Khánh Linh (tổng hợp)

 

Bài viết khác: