Ngày 27/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là Luật Bảo hiểm y tế năm 2024). Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
So với Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 có một số điểm mới cơ bản sau đây:
1. Quy định về cơ quan thực hiện bảo hiểm y tế
Theo Khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024, quy định về cơ quan thực hiện bảo hiểm y tế từ ngày 01/7/2025 như sau:
- Cơ quan bảo hiểm xã hội có chức năng thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
- Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan bảo hiểm xã hội trong tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế.
2. Sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Khoản 10 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; giao Chính phủ quy định các đối tượng phát sinh khác sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, sẽ có 07 nhóm đối tượng tham gia, gồm:
(1) Nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng;
(2) Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;
(3) Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;
(4) Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;
(5) Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế;
(6) Đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại (1), (2), (3), (4), (5) theo quy định của luật, pháp lệnh.
(7) Chính phủ quy định đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại (1), (2), (3), (4), (5) và (6) bao gồm:
(i) Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được pháp luật quy định trước ngày 01/01/2025;
(ii) Đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại (i) sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Bổ sung thời hạn đóng bảo hiểm y tế chậm nhất đối với người sử dụng lao động
Khoản 13 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định bổ sung thời hạn đóng bảo hiểm y tế chậm nhất đối với người sử dụng lao động như sau:
- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng;
- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
4. Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử
Khoản 14 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định thẻ bảo hiểm y tế có mã số bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó thẻ bảo hiểm y tế sẽ được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và hai bản này có giá trị pháp lý như nhau. Mỗi người chỉ được cấp một mã số bảo hiểm y tế (hiện hành không có quy định về bản điện tử dành cho thẻ bảo hiểm y tế). Chính phủ sẽ là cơ quan quy định việc cấp thẻ bảo hiểm y tế bằng bản điện tử.
5. Khám chữa bệnh tại nhà cũng được hưởng bảo hiểm y tế
Khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 sửa đổi, bổ sung Điều 21 Luật hiện hành như sau:
Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí sau đây:
- Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
- Vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i, o và r khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp đang điều trị nội trú hoặc cấp cứu phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 27 của Luật này;
- Chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
6. Quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh
Khoản 17 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định mở rộng một số trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, gồm các trường hợp sau:
- Hưởng 100% khi khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong toàn quốc.
- Hưởng 100% khi khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc.
- Hưởng 100% phí khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 01/01/2025 đã được xác định là tuyến huyện.
- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.
- Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định, cho phép tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.
Bên cạnh đó, đối tượng hưởng quyền lợi về điều trị lác và tật khúc xạ của mắt có sự thay đổi (theo Khoản 18 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế 2024 là từ đủ 18 tuổi trở lên).
7. Quy định về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 đã điều chỉnh quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Khoản 21 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu hoặc cấp cơ bản; có quyền thay đổi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu trong 15 ngày đầu của mỗi quý; quy định khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế cho cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện.
Đồng thời, quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính (Khoản 22 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024).
8. Điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Khoản 27 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hi dự phòng và tổ chức hoạt động bảo hiểm y tế từ số tiền đóng bảo hiểm y tế. Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92% (quy định hiện hành là 90%), giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ bảo hiểm y tế xuống 8% (quy định hiện hành là 10%) trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng bảo hiểm y tế cho quỹ dự phòng.
9. Bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và các biện pháp xử lý
Khoản 33 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 đã bổ sung Điều 48a và Điều 48b nhằm quy định các trường hợp về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
(1) Chậm đóng bảo hiểm y tế
Chậm đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất quy định tại khoản 8 Điều 15 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48b Luật Bảo hiểm y tế 2008;
- Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm y tế 2008;
- Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 2 Điều 48b Luật Bảo hiểm y tế 2008.
(2) Trốn đóng bảo hiểm y tế
Trốn đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm y tế 2008 mà người sử dụng lao động không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn tiền lương quy định tại Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất theo quy định tại khoản 8 Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định của Chính phủ;
- Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Các trường hợp trên nếu có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế.
(3) Về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế:
Khoản 34 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm y tế bao gồm:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
- Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Ngoài ra, theo quy định của Luật, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế./.
Huyền Trang (tổng hợp)