Ngày 27/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn năm 2024 thay thế Luật Công đoàn năm 2012. Luật Công đoàn năm 2024 có 06 chương, 37 điều (tăng 04 điều so với Luật hiện hành) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật có một số điểm mới cơ bản sau:
1. Bổ sung quy định lao động người nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam
Điều 5 Luật Công đoàn năm 2024 quy định việc gia nhập và hoạt động công đoàn được áp dụng với các đối tượng sau:
(1) Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
(2) Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
(3) Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật Công đoàn 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quy định lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (Khoản 2 Điều 5). Ngoài ra, người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam vẫn có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Quy định chặt chẽ về gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp
Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 6 Luật Công đoàn 2024 đã quy định các điều kiện chặt chẽ về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Công đoàn 2024, hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gồm:
- Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam;
- Bản sao các văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
- Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động;
- Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;
- Văn bản, thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành viên của tổ chức mình có liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
Trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 6 Luật Công đoàn 2024.
3. Quy định cụ thể về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam (04 cấp công đoàn)
Luật Công đoàn năm 2012 chỉ quy định: Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, Điều 8 Luật Công đoàn năm 2024 quy định cụ thể Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 04 cấp, gồm:
(1) Cấp trung ương: là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
(2) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm: liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
(3) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm: Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại (2); công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
(4) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
4. Bổ sung quyền giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn
Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung thêm quyền giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn tại Điều 16 và Điều 17. Theo đó, giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát.
Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn.
Bên cạnh đó, công đoàn cũng có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động (Điều 17).
5. Bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn
Điều 30 Luật Công đoàn năm 2024 bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn như sau:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
6. Duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn là 2%
Điểm đáng chú ý về tài chính công đoàn, tại Điều 29 Luật Công đoàn 2024 vẫn quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động (điểm b khoản 1 Điều 29). Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chăm lo tốt hơn cho người lao động.
7. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn
- Bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Khoản 4 Điều 33).
- Bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khoản 5 Điều 33).
- Bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn, sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Công đoàn. Ở những nơi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, số kinh phí công đoàn dành cho cấp cơ sở được phân phối cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo số thành viên của tổ chức này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số tiền đóng, tổng số người lao động tại doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 4, khoản 5 điều 31 Luật Công đoàn năm 2024)./.
Huyền Trang (tổng hợp)