Thứ tư, 22/05/2024

Chỉ mục bài viết

 61. Từ tấm áo Bác Hồ

Tám giờ sáng ngày 08-01-1959 từ phía Hà Nội có một đoàn ô tô con nối tiếp nhau bon bon chạy xuôi quốc lộ 5, đến cổng Xí nghiệp May 10 thì dừng lại. Những người trông thấy Bác đầu tiên đã cảm động reo lên "Bác! Bác Hồ...". Tin Bác đến truyền nhanh qua các phân xưởng, mọi người chạy xô ra vây quanh Bác. Bác vào thăm phân xưởng may 3 trước. Bác mặc bộ quần áo kaki đã bạc màu, cổ vấn khăn quàng màu hạt dẻ sọc trắng, chân đi đôi dép lốp. Hồi đó, xí nghiệp đang có phong trào "Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh". Bác đến bên chị Trà thấy có cờ xanh, Bác hỏi:

- Cờ xanh của cô là cờ gì?

Chị thành thật thưa Bác:

- Thưa Bác, cháu vừa bị mệt mấy hôm nên mới đạt mức cờ xanh thôi ạ.                                                                      - Bác cười, rồi nói như có ý động viên chị:

- Thế bây giờ cô phải phấn đấu để giành lá cờ đỏ chứ!

Đi hết dãy máy, Bác rẽ sang phân xưởng cắt. Bác nói đại ý:

- Trong phong trào thi đua của ta, các cô chú cần tìm ra những cải tiến mới. Có thế mới nâng cao được năng suất, nhất là nghề may hiện nay.

Sau khi Bác về thăm xí nghiệp, thấy bộ quần áo Bác mặc đã cũ, anh chị em công nhân bàn may bộ quần áo mới gửi biếu Bác. Đồng chí Phạm Huy Tăng nghĩ: "Hàng ngày mình cắt may bao nhiêu bộ quần áo đẹp, mà quần áo Bác như vậy sao đành lòng!". Mấy ngày sau anh em mang bộ quần áo mới gửi lên biếu Bác. Bác gửi thư cho xí nghiệp khen ngợi những cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên chức xí nghiệp. Trong thư Bác viết: "Bác cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ quần áo. Bác đã nhận rồi. Nay, Bác gửi bộ áo ấy về xí nghiệp để làm giải thưởng thi đua...". Từ đó tấm áo của Bác trở thành phần thưởng cao quý và những lời dạy của Bác trở thành nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ở đây. Tấm áo của Bác được trưng bày trong phòng truyền thống, bên cạnh lá cờ thi đua lấp lánh 17 tấm Huy chương của Quốc hội và Chính phủ tặng đã ghi đậm thành tích 30 năm xí nghiệp làm theo lời Bác.

(Theo Nguyễn Hồng Phối - Trần Đình Thảo, Báo Nhân Dân, ngày 13-5-1980).

62. Thăm Trường thương binh hỏng mắt

Đêm ấy (ngày 11-12-1956) cả trường tôi họp lại vui văn nghệ đón giao thừa. Giữa cuộc vui, bỗng tôi (Hoàng Văn Vượng) nghe thấy tiếng kêu: "Bác đến, Bác Hồ đến đấy". Cả hội trường lặng đi một giây. Có nhiều tiếng hỏi lại, rồi cả hội trường ào lên tiếng vỗ tay, tiếng reo mừng lộn xộn. Nhiều đồng chí lần tìm đường đi làm xô cả ghế vào nhau. Tôi đang ôm cây đàn viôlông chuẩn bị biểu diễn nên lúng túng cứ đứng lên ngồi xuống. Tôi cố lắng nghe xem Bác đã vào hội trường chưa, Bác đi đến chỗ nào rồi, nhưng xung quanh tôi ồn ào quá không thể nào nghe được. Bỗng một giọng ấm áp vang lên trước mặt tôi: Thôi, thôi, các chú đừng hoan hô nữa cho mệt sức. Ngồi xuống ghế cả đi.

Trời! Thì ra tôi lại là người được ngồi gần Bác nhất lúc ấy. Tôi nghe tiếng, biết là Bác đang đứng gần tôi lắm, rất gần, đến nỗi tôi có cảm giác nếu mình giơ tay sẽ chạm Bác. Những lời Bác hỏi han không khác gì người cha đi xa trở về với đàn con. Bác hỏi cặn kẽ đến các món ăn ngày Tết, hỏi về sức khỏe, tình hình học tập của chúng tôi. Một đồng chí xin phép được hỏi thăm Bác hồi này có được khỏe không ? Bác cười: Thế các chú có muốn Bác khỏe không ?

Chúng tôi đồng thanh trả lời: - Thưa Bác, có ạ!

Bác nói tiếp: Nếu muốn cho Bác khỏe, Bác vui thì các chú phải giữ gìn sức khỏe, chăm học tập. Các chú tàn nhưng không phế.

Giọng Bác cảm động và âm vang. Chúng tôi như muốn nuốt từng lời căn dặn của Bác. Khi Bác chào tạm biệt ra về, tiếng vỗ tay, tiếng hô: "Bác Hồ muôn năm!" lại vang lên khắp hội trường. Bỗng tôi nghe thấy tiếng một đồng chí đề nghị, giọng run run: Thưa Bác, Bác đến chúng cháu được nghe lời Bác nhưng không nhìn thấy Bác được, Bác cho phép chúng cháu được sờ râu Bác một chút!

Tiếng chân Bác dừng lại, tôi biết Bác đang rất xúc động, về sau có đồng chí kể lại lúc ấy Bác ứa nước mắt. Cả hội trường lặng đi, tôi nghe rõ cả tiếng tim mình đập. Trời ơi giá mà được ôm lấy Bác một chút, được sờ chòm râu mát rượi của Bác một chút lúc này... Khi còn sáng mắt cháu chỉ được nhìn hình ảnh của Bác mà chưa được gặp Bác lần nào... Nhưng nghĩ lại thấy như vậy không ổn. Bác còn bận trăm công nghìn việc, nếu hàng trăm con người như chúng cháu cứ mỗi người giữ Bác lại một phút như vậy sao được. Dường như nhiều đồng chí khác cũng nghĩ như tôi nên tuy trong lòng nuối tiếc nhưng cũng chủ động lên tiếng xin thôi nguyện vọng trên. Bác còn đứng lại căn dặn thêm chúng tôi rồi mới ra về...

(Trích trong cuốn "118 chuyện kể về Bác Hồ")

63. Ngày 19 tháng 5 năm 1946

- Anh chị em đến chúc thọ tôi phải không?

Đó là câu hỏi đầu tiên của Chủ tịch khi Cụ vào phòng khách. Sau khi vui vẻ mời chúng tôi ngồi, Cụ tiếp ngay:

- Cái ông nhà báo nào công bố ngày sinh của tôi thật đáng phạt. Trước hết tôi chưa thấy cái già là cái gì, ngoài năm mươi tuổi chưa gọi là già. Sau nữa, chúng tôi đang ở kỳ công tác, chưa phải lúc cần đến hình thức lễ nghi như chúc thọ.

Buổi sáng mùa Hè hôm đó, nước da của Chủ tịch ánh một màu hồng khỏe mạnh, và đôi mắt sáng ngời, quả thật là đôi mắt của một thanh niên.

Có mấy đoàn thể cùng vào chung để chúc thọ, giới thiệu đến Ủy ban Vận động đời sống mới, Cụ bỗng hỏi lại:

- Đời sống mới là ai?

Đóng khung câu chuyện, Cụ hỏi dồn dập, chăm chú không cho chúng tôi lảng sang vấn đề khác. Buổi chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng biến thành một cuộc thảo luận ráo riết và thân mật về đời sống mới.

- Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?

- Thưa Cụ, tôi đáp, chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức... nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính" chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ...

- Cổ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa bây giờ mình ăn cũng cổ à?

Không khí trở nên náo nhiệt, vui vẻ. Lời nói của Chủ tịch làm nở một tiếng cười chung.

- Thưa Cụ! - Tôi trả lời bằng cách nói tiếp câu mình đang nói dở - Sau mấy buổi họp, Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ 3 nguyên tắc cho đời sống mới là: Dân tộc, dân chủ, khoa học.

Chủ tịch như ngơ ngác trước những danh từ to lớn của tôi. Thực tình tôi lo: Nếu Chủ tịch không hiểu thì quần chúng hiểu sao đây. Mà quả thật, Cụ đứng hẳn về phía quần chúng. Cụ nói:

- Hay lắm, nhưng phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Dân quê đã mấy người hiểu rõ thế nào là dân chủ, khoa học. Tôi hỏi thật chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm gì trước?

Mọi người nhìn nhau và riêng tôi không giấu nổi vẻ bối rối. Tôi nói về tuyên truyền, tổ chức... Cụ lắng nghe. Một họa sĩ ngồi đối diện với Cụ ở cuối bàn, lặng lẽ ghi trên giấy hình ảnh của Chủ tịch hòa nhã. Khi tôi nói hết, Cụ lắc đầu nhìn tôi, nhìn mọi người, tay gân guốc vỗ vào bụng và nói:

- Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không? Mà muốn ăn thì phải làm gì?

- Phải làm việc - Một anh bạn nói.

- Đúng, phải làm việc, phải siêng năng, thế là "cần" đấy. Ừ, muốn dùng cái tiếng gì rõ hơn cũng được, nhưng điều cốt yếu là khẩu hiệu phải thiết thực. Ví dụ bây giờ vận động tập thể thao mà lại hô hào đánh tennít thì đã mấy người có tiền mua quả bóng, cây vợt? Ở đây, ngay trước Bắc Bộ phủ nhiều anh em cứ ra đường chạy, tập luyện với nhau, không tốn mấy mà vẫn khỏe, vui lắm. Phải thiết thực như thế mới được, mà đừng nên tung ra nhiều khẩu hiệu quá. Ít mà thực hiện được đến nơi đến chốn thì hơn. Sau nữa, muốn cho việc vận động có kết quả, thì người vận động phải làm gì?

Cả bọn chúng tôi, người bàn thế này, người bàn thế khác. Cụ chậm rãi nói một cách nghiêm trang:

- Mình phải làm gương - Và sợ chúng tôi hoài nghi, Cụ nhắc lại:

- Mình phải làm gương.

Cụ đưa mắt nhìn mọi người như để căn dặn điều đó.

... Đến đây, Cụ đứng dậy vì có khách đang chờ.

(Nguyễn Huy Tưởng, trích trong cuốn "Bác Hồ với văn nghệ sĩ")

64. Người chỉ huy dàn hợp xướng

Khu vườn Bách Thảo đêm ấy sống động hẳn lên trong ánh sáng và sắc màu của hàng vạn thanh niên Thủ đô liên hoan văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Đoàn nhạc giao hưởng chúng tôi gồm 120 diễn viên ngồi rải ra trên một bãi cỏ rộng, vẫn bị nuốt đi trong hình vòng cung của dàn hợp xướng gồm hơn 800 anh chị em thanh niên sinh viên các trường đại học.

Khoảng 8 giờ tối, khi chúng tôi đang tập lại vài câu nhạc cho thuần tay, các bạn hợp xướng đang thử lại giọng thì từ đầu kia Bách Thảo nổi lên tiếng reo hò, rồi tiếng vỗ tay cứ từng đợt, từng đợt nổi dậy như sóng cồn. Dường như có một nỗi vui mừng đặc biệt gì khiến những tràng vỗ tay như không tuỳ thuộc ở ý muốn của người vỗ mà lại lên xuống theo từng nhịp thở hồi hộp của cả một rừng người.

Chúng tôi vui mừng lộ ra nét mặt. Đúng là Bác đến! Không thể có một sự tiếp đón say mê nồng nhiệt đến thế, trừ khi là đón Bác.

Tiếng vỗ tay cứ gần rồi lại ra xa, kéo dài giây phút hồi hộp của chúng tôi. Nhưng kìa! Đúng Bác rồi! Nếu không được căn dặn từ trước có lẽ chúng tôi đã ùa ra mà vây lấy Bác.

Những sóng điện tử muôn màu sắc rọi sáng các tầng lá, làm cho cây lá như được tạo ra bằng một thứ ngọc bích mỏng tang xao động. Từ trong vòm lá cây thần thoại ấy, Bác đi ra. Bác mặc áo bà ba lụa trắng, tay áo rộng phớt phơ. Râu và tóc Bác bạc trắng như bông. Phong thái ung dung của Bác thật hài hòa với quang cảnh lúc đó. Bác giống như một ông tiên trong giấc mơ ngày bé của tôi bước ra, đang dạo chơi trong khu vườn của Người.

Cái cảm giác về sự thuần khiết trong sáng toát ra ở Bác lúc này đâu phải chỉ cách ăn mặc, ở phong thái ung dung của Bác cùng với quang cảnh đêm hội gây ra, mà còn như toát ra từ cả cuộc đời giản dị thanh cao, cả tấm gương vằng vặc về đạo đức cách mạng của Bác. Đằng sau tôi phía dàn hợp xướng có tiếng xuýt xoa:

- Bác đẹp quá!

Bác đi về phía chúng tôi. Các đồng chí đi cùng và các đại biểu Đảng bạn lễ độ đi sau Bác vài bước. Các đồng chí tổ chức thấy Bác và các đồng chí cùng đi đông quá, vội chạy ngược chạy xuôi lo tìm ghế cho Bác và các đại biểu. Nhưng gom góp lại cũng chỉ được hơn chục cái, ai ngồi ai không?

Vừa lúc đó, Bác đã nhanh nhẹn bước tới. Hình như việc giải quyết linh hoạt các khó khăn lớn nhỏ đã thành thói quen đối với Bác, Bác thân mật cười với chúng tôi rồi ngồi ngay xuống bãi cỏ phía trước. Các đại biểu Đảng bạn đi sau đều theo Bác mà ngồi xuống cả. Ban Tổ chức thở phào trút được mối lo. Số ghế ít ỏi đã chuẩn bị, đâm ra lại thừa. Anh Nguyễn Hữu Hiếu, chỉ huy chúng tôi, trình bày bài ca ngợi Đảng và ca ngợi Bác. Chưa bao giờ chúng tôi biểu diễn trong trạng thái say mê đến thế! Âm hưởng bài hát ca ngợi Bác chưa dứt, niềm say mê của chúng tôi chưa kịp lắng xuống thì Bác đã đứng lên, tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chờ nghe tiếng nói hồn hậu của Bác và phần lớn chúng tôi chỉ được nghe qua Đài Truyền thanh.

Nhưng không, Bác không nói chuyện với chúng tôi. Bác đến gần chỉ huy. Bác bước lên bục chỉ huy. Và trước nỗi vui thích đến muốn reo lên của chúng tôi, Bác cầm lấy đũa chỉ huy từ tay anh Nguyễn Hữu Hiếu. Chúng tôi càng thích thú khi thấy các đồng chí Đảng bạn xôn xao kinh ngạc. Nhiều đồng chí đứng lên, rồi tất cả đứng lên để nhìn cho rõ Bác hơn. Các đồng chí bạn ngạc nhiên là phải, vì trong quá trình hoạt động của Bác, mọi người chỉ biết Bác đã từng nấu ăn, viết báo, làm thợ ảnh, có ai nghe nói Bác biết chỉ huy nhạc bao giờ đâu, mà đấy lại là một dàn nhạc giao hưởng hiện đại với cả khối hợp xướng ngót nghìn người! Bác vẫn điềm tĩnh, vui vẻ hỏi chúng tôi:

- Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?

Không biết chúng tôi đã trả lời Bác hay đã mượn dịp này để hét lên cho hả cái vui đang chộn rộn trong lồng ngực. Tình cảm chúng tôi đối với Bác lúc ấy y như tình cảm của một bầy con đối với ông bố vui tính, một tình cảm thân thiết, kính yêu, không hề có một khoảng cách nào giữa chúng tôi và Bác.

Và chúng tôi đã đàn và hát bài Kết đoàn dưới sự chỉ huy của Bác. Bác đứng lên bục cao, xoay lưng về phía vườn Bách Thảo. Chúng tôi ngồi dưới nhìn lên, hình ảnh Bác lồng lộng in trên nền lá cây rực rỡ những chùm đèn. Tay áo lụa của Bác vung vào khoảng ánh sáng đó hay chính toàn thân Bác đã phát ra vầng ánh sáng muôn màu? Tôi còn như nhìn thấy cả những ánh lung linh mắt thường không thể thấy được trong trái tim của hàng vạn thanh niên Thủ đô đang quần tụ quanh Người.

Từ bao nhiêu năm nay, Bác đã chỉ đạo cả một dàn hợp xướng vĩ đại tựa lưng vào Trường Sơn nhìn ra biển rộng, hát lên bản trường ca giành độc lập, tự do. Từ bao nhiêu năm nay bản trường ca đó không lúc nào ngớt tiếng súng, tiếng bom như những tạp âm cứ xen vào định làm nhòa giai điệu. Nhưng dưới sự chỉ đạo tình tài của Bác, tiếng hát cứ cất cao, cuồn cuộn, xoáy trào...

Bác không dặn dò gì chúng tôi, nhưng Bác bảo chúng tôi hát bài Kết đoàn và chúng tôi đã tự hát lên lời dặn dò của Bác. Chúng tôi đang sống trong niềm vui say nồng nhiệt nhất dưới cánh tay Người, thì Bác đã trao lại chiếc đũa chỉ huy vẫy tay chào chúng tôi và nhanh nhẹn đi khuất vào cái rừng ánh sáng mà từ đây Bác đã đi ra. Chúng tôi những muốn đứng cả dậy chạy theo Người, nhưng... bài hát Người đã bảo chúng tôi hát, chúng tôi không có quyền bỏ dở, nhiệm vụ Người giao, chúng tôi phải hoàn thành.

(Theo Vân Long, trích trong "Bác Hồ với thanh niên")

65. Bác đến thăm Văn Miếu

Tôi nhớ mãi chiều Tết Nguyên đán năm Nhâm Dậu (ngày 05-02-1962) một ngày nắng ấm đẹp nhất của những ngày Tết ở Thủ đô ta.

Khoảng 11 giờ trưa, tôi vừa xuất hành sang Văn Miếu về được mấy phút thì có tiếng gõ cửa.

Tôi ra đón: Người đầu tiên đến xông nhà tôi năm ấy lại là một đồng chí công an chưa hề quen biết. Sau những lời chúc mừng theo phong tục của chủ và khách, câu chuyện đầu Xuân bên chén trà thơm trở nên thân mật, xoay quanh nội dung chương trình văn nghệ tại Văn Miếu sẽ khai mạc vào mười bốn giờ. Đồng chí công an nói nhỏ, báo trước một tin vui là Trung ương sẽ đến dự, rồi bắt tay tôi ra về.

Tôi thầm nghĩ miên man. Biết đâu đấy, Bác sẽ đến cũng nên. Tôi đoán rằng Bác thấy báo đăng tại Văn Miếu có ngâm thơ và hát ca trù mừng Đảng, mừng xuân, mà Bác thì chắc chắn chưa được nghe hát ca trù vì thuở thiếu thời Bác ở Huế và Sài Gòn là những nơi không có ả đào, nay Bác sẽ đến Văn Miếu để chúc Tết đồng bào và thưởng thức di sản tinh thần độc đáo của dân tộc. Và tôi cứ khấp khởi mừng thầm điều mình vừa dự đoán.

Mới hơn 13 giờ một chút, các nghệ nhân, diễn viên và nhạc công đã có mặt đông đủ tại phòng khách đặt trong hai gian của dãy Hữu vu. Sau lời chúc Tết, tôi báo tin vui đột xuất và yêu cầu mọi người sẽ biểu diễn hết sức mình cho thật kết quả trước Trung ương Đảng. Ai nấy đều phấn khởi, nét mặt rạng rỡ thêm. Như linh tính báo, tôi ra Khuê Văn Các đón.

Một lát sau, có tiếng còi ô tô. Tôi ngoảnh nhìn, chạy vội ra thì thấy Bác, đúng Bác rồi. Chao ôi sung sướng! Bác đương ung dung bước qua cổng lớn, bước chân thoăn thoắt đi giữa hai hàng hoa tươi vào cửa Đại Trung.

- Bác, Bác ạ! - Tôi xúc động chào Bác không rõ lời và đi theo sau chân Bác, bên cạnh đồng chí bảo vệ. Đằng sau có mấy cháu nhỏ lon ton chạy theo vui vẻ lạ thường. Qua gác Khuê Văn, vòng một bên giếng Thiên Quang, Bác hỏi có bao nhiêu bia, dựng từ bao giờ?

- Thưa Bác, bia dựng từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484) còn 82 tấm bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ trở lên. Đáng lẽ ra phải có 116 bia, vì mỗi khoa thì dựng một bia. Các bia này có khắc tên nhiều danh nhân lịch sử như Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Thậm...

Bác dừng lại nhìn bao quát cả hai dãy bia một lượt rồi bước qua cửa Đại Thành vào khu chính tẩm có nhà Đại Bái và Hậu Cung.

Khi Bác bước xuống sân Văn Miếu, các cụ phụ lão và nhân dân đương ngồi các dãy ghế sát thềm Bái Đường mới biết Bác đến, tất cả mọi người đứng dạy ùa ra đón Bác, tíu tít vây quanh Bác, mừng vui khôn xiết.

Bác vẫy tay mời các cụ phụ lão và đồng bào cùng ngồi.

Bác nhìn khắp lượt, ra hiệu cho các cháu thiếu nhi cũng ngồi xuống.

Tôi kính cẩn đưa Bác bản chương trình các tiết mục ngâm thơ và hát ca trù mừng Bác, mừng Đảng, mừng Xuân mới, có ghi rõ nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc gần 60 tuổi, Quách Thị Hồ ngoài 50 và giới thiệu với Bác hai bà đang ngồi gần micro, Bác gật gù tán thưởng. Tôi liếc nhìn hai bà thật xúc động được vinh dự đặc biệt, lần đầu tiên trong đời hát trực tiếp cho Bác nghe.

Ông Vũ Đình Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội điều khiển chương trình biểu diễn.

Các nghệ nhân hào hứng vô cùng, diễn xuất đạt hơn hẳn mọi lần trước.

Đến tiết mục thứ 6, hay thứ 7 gì đó, sau khi ông Khoa vừa dứt lời giới thiệu "Bà Hồ hát ca trù” thì Bác giơ tay đính chính một cách rất vui và dí dỏm: "Phải nói rõ thế này cho đúng: "Bà Quách Thị Hồ hát ca trù" kẻo các cụ phụ lão cười cho. Bác Hồ đã không có vợ thì lấy đâu ra Bác gái".

Mọi người cười sảng khoái, phục tài Bác ứng xử, rất mau lẹ, sắc sảo, và thoải mái hồn nhiên. Hôm ấy, Bác rất vui, ngồi xem từ đầu đến cuối. Trước khi đứng lên, Bác còn ứng khẩu đọc hai câu thơ tặng các cụ phụ lão Thủ đô:

"Tuổi già nhưng chí không già

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh".

Sau đó Bác còn đi xem mấy di vật quý giá trong Bái Đường như bức hoành phi "Cổ kim nhật nguyệt" và quả chuông Bí chung có khắc tên Nguyễn Nghiễm (thân phụ thi hào Nguyễn Du) và cái trắc tải bằng gỗ chạm trổ rất tinh vi, mặt trước có năm chữ Hán xếp chéo nhau, đọc thành "chiêm tại tiền, hốt tại hậu" (nhìn thấy đằng trước, thoắt ra đằng sau), mặt sau cũng có năm chữ Hán xếp chéo nhau "ngưỡng di cao, toản di kiên" (ngửa trông càng cao, càng mài càng rắn).

Rồi Bác ung dung sang cổng bên, phía phố Văn Miếu, lên xe về Phủ Chủ tịch, như minh họa ý nghĩa mười chữ Hán khắc nổi công phu trong trắc tải mà Bác vừa ngắm nghía rất tâm đắc.

(Trích trong "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội")

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: