Khi sinh thời, một phương thức quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo các ngành, các đơn vị là viết thư động viên, giáo dục hay trực tiếp đến thăm hỏi, kiểm tra, huấn thị. Qua các bài viết, bài nói đó, Người nêu ra những quan điểm cụ thể, súc tích, làm kim chỉ nam trong tu dưỡng xây dựng và công tác của mỗi ngành. Nằm trong hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh - di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về giao thông vận tải đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giao thông vận tải, nhắc nhở nhiệm vụ những người làm công tác giao thông vận tải luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Thời kỳ đầu cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã rất chú trọng đến vấn đề làm sao tạo dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng. Theo hồi ký của đồng chí Chu Văn Tấn, trong những ngày gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, Bác rất quan tâm đến các đường hành lang ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Sơn Tây, đường Đại Từ về Phổ Yên. Bác thường bảo phải lo củng cố con đường đó. Thậm chí, trên giường bệnh, Bác luôn hỏi: “Các chú có thấy giao thông liên lạc là mạch máu không? Việc thông suốt từ trên xuống dưới là do giao thông”. Rồi Bác lại tỏ ý mong mỏi: “Phải lo củng cố tốt đường giao thông để Trung ương lên kịp, quyết định vận mệnh Tổ quốc. Làm cách mạng phải biết tranh thủ thời cơ từng giờ từng phút, phải khẩn trương, không thể trì trệ. Tất cả đường lối, chủ trương lúc này phải thông suốt từ Bắc chí Nam”1.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giao cho nhân sĩ Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng. Cũng từ đây, hệ thống giao thông thực sự trở thành tài sản của người Việt Nam, phục vụ người dân nước Việt Nam và được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngày 25/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 26 quy định những hành vi phá hoại tài sản công như: cầu cống, đường giao thông, đê đập, dây điện thoại... bị coi là trọng tội, sẽ bị truy tố và phạt tù từ 2 đến 10 năm hoặc xử tử, không kể chính phạm hay tòng phạm2. Ngày 26/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời ban bố Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, gồm 10 điều thưởng và 10 điều phạt cho nhân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm, trong đó quy định tội tự ý phá hoại giao thông sẽ bị xử tử.
Vị trí, vai trò quan trọng của giao thông vận tải được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong nhiều bài viết, bài nói, chỉ thị của Người. Đặc biệt, đặt trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập lại phải bước vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, ngành giao thông vận tải phải thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng: Vận tải quân, lương phục vụ cho kháng chiến Nam Bộ và các chiến trường; Phá hoại cầu đường ngăn chặn quân địch tiến quân đánh chiếm các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến; Thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; Sửa chữa, mở đường các vùng tự do, vùng kháng chiến và đi sâu vào các vùng hậu cứ của địch để phục vụ các chiến dịch đánh địch trên khắp các chiến trường đồng thời gia tăng phục vụ sản xuất; Vận tải hàng hoá, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945-1954... Trong Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” ngày 05/11/1946, để động viên nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phải “động viên giao thông” nhằm chắp mối liên lạc, làm sao cho xe cộ được đầy đủ, đường thủy lục tiện lợi, giao thông và thông tin nhanh chóng3. Ngày 01/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các đồng chí Trung bộ chỉ thị “phải giữ vững giao thông, liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ với Nam Bộ và Bắc Bộ. Giao thông là mạch máu của mọi việc, giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”4. Hình ảnh sinh động “giao thông - mạch máu” không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm công tác giao thông vận tải trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Người còn sử dụng hình ảnh này trong bài báo “Công tác cầu đường” đăng báo Nhân Dân số 119, từ ngày 21 đến 25/6/1953 “Cầu đường là mạch máu của đất nước” và trong thư gửi cho Hội nghị cán bộ ngành giao thông công chính ngày 16/9/1953: “Công tác giao thông vận tải, nhất là công tác sửa chữa đường cầu, rất là quan trọng. Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng”5.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, vì vậy giao thông vận tải cũng là giao thông nhân dân. Tại Đại hội Thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (ngày 24/3/1966), Người nhấn mạnh: “Muốn chiến đấu tốt, muốn sản xuất tốt, muốn đời sống nhân dân được bình thường thì giao thông vận tải phải làm tốt. Nếu giao thông có chỗ nào đó nghẽn lại thì nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp ngay đến chiến đấu, đến sản xuất, đến đời sống của nhân dân”. Người căn dặn các cán bộ ngành giao thông vận tải, về chuyên môn, muốn làm cho tốt, thì phải dựa vào nhân dân: “Bác có theo dõi về giao thông vận tải, chỗ nào các cô, các chú đối với nhân dân tốt, thì nhân dân sẽ hết lòng hết sức giúp đỡ. Vì vậy, giao thông vận tải ở chặng đường ấy tốt, vùng ấy tốt”6.
Thật vậy, tuy không đến được tất cả các công trường, các tuyến đường giao thông, các đơn vị trong ngành, nhưng phong trào thi đua sản xuất của ngành giao thông vận tải luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, theo dõi. Người không quên gửi thư động viên và dành những tình cảm đặc biệt đối với những cán bộ, công nhân viên tiêu biểu của ngành như anh Nguyễn Văn Thường (công nhân cầu đường ở Xí nghiệp Cầu 2), tổ giao thông Trần Thị Lý hay tấm gương quần chúng như bà cụ Năm (Cao Bằng) dù 83 tuổi vẫn xung phong sửa đường... Ngày 28/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương tinh thần lao động quên mình của cán bộ, công nhân, đồng bào và chiến sĩ tham gia làm đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan nhân dịp hoàn thành tuyến đường chỉ sau 4 tháng, trong khi cũng con đường ấy trước kia người Pháp phải mất hơn 10 năm mới làm xong. Người nhấn mạnh những ý nghĩa to lớn của việc hoàn thành đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan như giúp cho việc khôi phục kinh tế của ta được dễ dàng, làm cho nước ta càng gần gũi Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn khác...”7. Một năm sau đó, Người ký Sắc lệnh số 272-SL thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội đại tu đường sắt Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới Cảng Hải Phòng - thương cảng quan trọng hàng đầu, cửa ngõ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong 9 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thành phố Hải Phòng, Cảng Hải Phòng là nơi vinh dự 3 lần được Người đến thăm. Trong cả 3 lần ấy, khi nói chuyện với các cán bộ, công nhân, thủy thủ, Người đều nhắc đến tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất. Ngày 30/5/1957, nói chuyện với công nhân, thủy thủ tàu HC15 cảng Hải Phòng, gắn với hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nghèo, hàng hóa, máy móc ở cảng là do các nước bạn giúp đỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở anh chị em phải tập trung sản xuất để có năng suất bốc dỡ cao, sử dụng hết công suất máy móc, bảo quản hàng hóa tốt, cải tiến chế độ quản lý về mọi mặt, giữ gìn an toàn con người, an toàn bến cảng. Muốn vậy, anh chị em phải đoàn kết, làm việc dân chủ, tôn trọng tổ chức kỷ luật, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bên cạnh đó, vì thành phố Hải Phòng có hải cảng, hằng ngày có nhiều khách quốc tế, tiếp xúc với nhiều người trên thế giới nên phải nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân.
Từ đặc thù của ngành giao thông vận tải có nhiều lĩnh vực: giao thông thủy, giao thông bộ, có xe, có cầu, có phà..., Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành phải ra sức thi đua với nhau làm cho giao thông: “Một là thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục” đồng thời phải cảnh giác, phải giữ gìn bí mật. Năm 1962, trong Thư gửi Hội nghị tổng kết công tác giao thông vận tải nông thôn và miền núi, Người thẳng thắn phê bình: “làm đường chưa chú ý phục vụ sản xuất, chưa kết hợp chặt chẽ giao thông với thủy lợi” và yêu cầu ngành giao thông “phải lấy phục vụ sản xuất là chủ yếu; Phải biết dựa vào nhân dân làm là chính” đồng thời “các cấp ủy (tỉnh, huyện, xã) phải quan tâm đúng mức, chỉ đạo chặt chẽ, không được khoán trắng cho cán bộ chuyên môn”8.
Nhắc nhở, phê phán những việc làm chưa tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời động viên, biểu dương những điển hình tích cực và tặng thưởng huy hiệu của Người. Trên báo Nhân dân số ra ngày 24/4/1952, dưới bút danh C.B, Người viết bài Nữ anh hùng giao thông, ca ngợi sự tích anh hùng của chị D, phụ trách trạm giao thông bí mật, sáu lần bị địch bắt, vẫn khôn khéo đối phó, không để lọt tài liệu vào tay địch. Không chỉ có vậy, gặp chị tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người còn tặng chị một cái đồng hồ và gửi gắm niềm mong mỏi: “Cô sẽ dùng nó để đi những đường thư thật đúng hẹn”9.
Xúc động và cảm phục biết bao vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, tuy bận trăm nghìn công việc lớn lao hệ trọng của đất nước nhưng lại rất sâu sát, quan tâm cụ thể đến những thuận lợi, những khó khăn trong từng công việc của ngành giao thông vận tải, nhất là đời sống của anh chị em cán bộ, công nhân của ngành. Tháng 01/1965, nghe tin đã 4 tháng mà công nhân làm đường ở Đèo So, tỉnh Bắc Kạn chưa được trả lương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cả lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng liên đoàn lao động lên gặp Người, đề nghị thành lập đoàn kiểm tra đến các công trường thăm hỏi, xem xét giải quyết cụ thể tại chỗ, sớm khắc phục tình trạng trên. Người yêu cầu cách kiểm tra không được quan liêu, không được báo trước. Đoàn kiểm tra phải “ba cùng” với công nhân và tìm cách giải quyết tại chỗ. Vấn đề nào khó chưa giải quyết được thì báo cáo với các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương. Người còn căn dặn cụ thể: “Tết Nguyên đán sắp tới, nên mang theo quà, sách báo tặng các công trường. Các cô chú chú ý kiểm tra xem việc tổ chức lao động thế nào, có đủ công cụ cải tiến chuẩn không? Các cháu công nhân ăn uống có đủ tiêu chuẩn không? Ở vùng núi giá rét lắm, các cháu có đủ áo ấm không?...”. Và thế là chỉ ít ngày sau, rất nhiều vấn đề quan hệ đến công việc lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần, tiền lương... của hàng nghìn nam nữ thanh niên công nhân trên công trường xây dựng cầu đường đã được giải quyết theo lời dặn của Bác.
Để nói đến sự quan tâm có ý nghĩa chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giao thông vận tải của đất nước, không thể không nói đến con đường Trường Sơn huyền thoại - tuyến giao thông chiến lược, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Sự huyền thoại của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn không chỉ ở vai trò đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà còn là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung. Chính vì vai trò to lớn của tuyến chi viện chiến lược này mà mỗi khi các đồng chí phụ trách Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong... về Hà Nội hoặc chuẩn bị vào Trường Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi lên trực tiếp báo cáo với Người về tình hình của tuyến chi viện này. Bác đặc biệt quan tâm đến đời sống của bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân hỏa tuyến và nhân dân nơi có tuyến đường đi qua. Năm 1965, do nhu cầu của các chiến trường, đường Trường Sơn sẽ được mở rộng cho xe chạy, sẽ khai thông nhiều tuyến, nhiều nhánh mới. Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông tăng cường cho Binh đoàn Trường Sơn (tức Đoàn 559) 2.000 thợ cầu đường có trình độ chuyên môn cao và 5.000 nam nữ thanh niên xung phong. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, nguyên Bộ trưởng và đồng chí Nguyễn Tường Lân, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trước khi vào Trường Sơn nhận chức Tư lệnh kiêm Chính ủy và Phó tư lệnh Đoàn 559 được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Tường Lân kể: “Buổi sáng hôm đó - tôi còn nhớ rất rõ, trông Bác nghiêm trang và hơi buồn hơn những lần khác mà tôi được gặp. Bác Hồ hỏi anh Tuệ và tôi, trong số 5.000 thanh niên xung phong có bao nhiêu cháu gái, cháu tuổi cao nhất và cháu tuổi nhỏ nhất là bao nhiêu. Rồi Bác nói với chúng tôi, phải đưa các cháu gái vào nơi gian khổ, bom đạn là một việc Bác không muốn, nhưng con trai ra trận hết, không có cách nào khác. Bác nói các cháu thanh niên xung phong ở gia đình có bố mẹ, anh chị em là nơi nương tựa, chăm sóc, chúng tôi phải thay cha mẹ các cháu yêu thương, chăm sóc các cháu, hạn chế đến cùng mọi khó khăn, gian khổ do chiến tranh gây ra cho các cháu, đặc biệt là các cháu gái. Bác dặn phải mua sách báo, nhạc cụ cho các cháu trai và phải lo đủ kim chỉ cho các cháu gái may vá, lo đủ bồ kết cho các cháu gái gội đầu...”10. Thực hiện lời căn dặn của Bác, đồng chí Phan Trọng Tuệ và Nguyễn Tường Lân đã đưa vào Trường Sơn một số vật phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ thanh niên xung phong, nhất là kim, chỉ, lược và đồ dùng vệ sinh cho các chiến sĩ gái.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động ngành giao thông vận tải Việt Nam đã luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh những công nhân mở đường phục vụ các chiến dịch tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy không được đầu tư nhiều về tài chính, chỉ với những dụng cụ thô sơ là cuốc, xẻng, choòng, búa nhưng sức dân, sự đoàn kết và dũng cảm của toàn quân, toàn dân đã mở ra những kỳ tích của ngành giao thông: mở được nhiều tuyến cho xe trâu, xe đạp thồ, ngựa thồ và phá thác, khai thông đường thủy để vận chuyển bằng thuyền, mảng... giữ vững mạch máu giao thông lên Điện Biên thông suốt, bảo đảm vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm theo yêu cầu của mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến công vĩ đại của dân tộc. Tiếp nối truyền thống đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngành giao thông vận tải Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng với tất cả những con đường có thể mở được, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển, nhất là trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ đến tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với ngành giao thông vận tải, chúng ta không thể không nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ những con đường ra tiền tuyến, với tinh thần “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, “Sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, không quản hy sinh gian khổ cho những chuyến hàng chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ: các Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Tri Ân, La Thị Tám, Nguyễn Thị Bằng; Các Liệt sỹ Lê Viết Lân, Hoàng Lộc, 10 nữ liệt sỹ TNXP Đồng Lộc, 12 nữ liệt sỹ Truông Bồn và 668 cán bộ, chiến sỹ, công nhân, đội viên thanh niên xung phong Cục Công trình đã hy sinh anh dũng trên mặt trận Giao thông vận tải tuyến lửa khu 4 anh hùng. Tên tuổi và sự nghiệp của họ tô đẹp thêm truyền thống anh hùng của ngành giao thông vận tải và mãi mãi đi vào lịch sử như một bản hùng ca để cho thế hệ hôm nay và mai sau tưởng nhớ về một thời oanh liệt, đầy đau thương, nhưng không bao giờ quên.
Ngày nay, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, ngành giao thông vận tải đã cố gắng vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và càng cao của sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của nhân dân. Với những thành tựu to lớn đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tham gia ủng hộ của toàn xã hội và sự nỗ lực của ngành góp phần quan trọng vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa để cho nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ThS. Vũ Thị Kim Yến
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Tâm Trang (st)
Chú thích:
1. Bác Hồ sống mãi, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 1, tr.593.
2. Học viện Chính trị Quốc gia Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.162.
3. Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13/12/1946.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.93.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.236.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.71.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.347-348.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.523-524 .
9. Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975, tr.107.
10. Báo Lao động, số ra ngày 19/5/1994.