Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - bộ phận hợp thành Tư tưởng của Người - có nội hàm rất rộng, phong phú, biểu hiện ở nhiều giác độ, nhất là trong các văn bản chỉ đạo, bài nói, bài viết về quân sự hoặc liên quan đến quân sự của Người. Bài viết không đề cập toàn bộ Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, mà chỉ nêu và phân tích một số nội dung của tư tưởng này qua bài thơ “Học đánh cờ”1.

Chúng ta biết, đánh cờ tướng có nhiều điểm giống như đánh trận, người cầm quân trong đánh cờ cũng như người cầm binh trong đánh trận, đòi hỏi phải “túc trí, đa mưu”, có nghệ thuật dụng quân cao thì thắng, dụng quân thấp thì thua. Có lẽ vì thế Bác viết bài thơ về đánh cờ, hàm ý truyền bá tư tưởng, nghệ thuật quân sự cho những người Cộng sản Việt Nam nói riêng, các thế hệ người Việt Nam nói chung phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Bài thơ “Học đánh cờ” là một trong những bài của tác phẩm “Ngục trung Nhật ký”, còn gọi là “Nhật ký trong tù” được Bác viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt, giam tại nhà tù Quảng Châu. Bài thơ gồm 12 câu, sau 2 câu đề dẫn: Tù túng đem cờ học đánh chơi/ Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài thì những câu thơ còn lại chủ yếu đề cập về tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự được biểu đạt qua ngôn từ cờ tướng (xe, tốt,…). Tựu chung Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh thể hiện trong bài thơ gồm những nội dung lớn sau:

1. Nghệ thuật tác chiến với hai hình thức tiến công (tấn công), phòng ngự và nghệ thuật vận dụng yếu tố thời gian trong chiến tranh, mà tiêu điểm là thần tốc. Tiến công và phòng ngự là hai hình thức tác chiến cơ bản của lực lượng vũ trang, của quân đội, cũng là nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự. Hai hình thức tác chiến này còn có những biến thể đồng dạng, như: phản công là một dạng của tiến công, phòng thủ là một dạng của phòng ngự. Đề cập về hai hình thức tác chiến này và nghệ thuật vận dụng yếu tố thời gian trong tác chiến, Bác viết: Tấn công, thoái thủ nên thần tốc/ Chân lẹ, tài cao ắt thắng người; hay tấn công, phòng thủ không sơ hở. Mặc dù tiến công và phòng ngự là hai loại hình tác chiến khác nhau, có đặc điểm, nguyên tắc tác chiến và yêu cầu riêng, nhưng theo Người nó có điểm chung trong tổ chức hoạt động tác chiến là phải thần tốc, có như vậy mới giành được thắng lợi. Đây là nghệ thuật vận dụng yếu tố thời gian trong chiến tranh. Trong tác chiến tiến công phải thần tốc, nhanh chóng, mau lẹ mới tạo được bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, không kịp tổ chức phòng bị, lâm vào thế bị động, lúng túng, dẫn tới vỡ trận, bại trận. Cuộc tiến công thần tốc đại phá quân Thanh tại Thăng Long năm 1789 của Quang Trung – Nguyễn Huệ, cũng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những trận đánh như vậy, hơn thế còn là những trận quyết chiến chiến lược, trong đó yếu tố thần tốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đối với phòng ngự (phòng thủ, thoái thủ), yếu tố thần tốc cũng quan trọng không kém. Bởi có tranh thủ được thời gian, thần tốc, nhanh chóng, mau lẹ tổ chức chuẩn bị mọi mặt (lực lượng, hệ thống công sự, trận địa,…) mới không những không phạm sai lầm, sơ hở, mà còn tạo lập được thế trận liên hoàn, vững chắc để đánh bại các cuộc tiến công của địch. Yếu tố thần tốc quan trọng là vậy, nhưng cũng không vì thế mà lạm dụng coi đó là “chìa khóa vạn năng” mở ra thắng lợi; trái lại, việc vận dụng thực hiện cách đánh thần tốc nhanh hay chậm còn tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhất là tình hình địch để có quyết định chính xác. Ví như, việc thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 dẫn tới thắng lợi quyết định, thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo, “tài cao” của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận, đồng thời là minh chứng điển hình về nghệ thuật vận dụng yếu tố thời gian trong tác chiến. Bác Hồ của chúng ta có tư duy quân sự rất sắc sảo, logic, chặt chẽ khi viết: Chân lẹ, tài cao ắt thắng người. Cuộc cờ cũng như cuộc chiến, là sự đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa hai bên. Vì thế, chân lẹ tức là nhanh, thần tốc, còn phải tài cao mới thắng được người. Do khuôn khổ giới hạn trong một bài thơ nên Bác không thể diễn giải một cách thấu đáo, đầy đủ tài cao là thế nào, mà chỉ có thể nêu khái quát như vậy. Mỗi người có thể có cách hiểu khác nhau, nhưng xét ở góc độ nghệ thuật quân sự thì người tài cao phải chăng là người giỏi ứng biến theo hoàn cảnh, giỏi “dụng binh, tạo thế”, “mưu, kế, thế, thời”, hoặc tinh thông “binh pháp, trận pháp” theo cách nói của bậc tiền nhân, nghĩa là người có tư chất quân sự hiếm có.

2. Tư tưởng chiến lược tiến công, kiên quyết tiến công để giành thắng lợi từng bước, tiến tới, giành thắng lợi hoàn toàn. Với vai trò lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo. Tư tưởng quân sự của Người luôn thống nhất và là nền tảng Tư tưởng quân sự của Đảng, đó là tư tưởng chiến lược tiến công, được thể hiện rõ qua hai câu thơ: Phải nhìn cho rộng, suy cho kĩ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công. Hai câu thơ này là nội dung quan trọng nhất, bao trùm nhất của bài thơ, bởi nó vừa cho thấy tầm nhìn chiến lược của Người, vừa thể hiện rõ Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh – Tư tưởng chiến lược tiến công. Trong nội dung tư tưởng này câu hỏi đặt ra là tại sao phải tiến công, “kiên quyết không ngừng thế tiến công”? Bởi, thứ nhất, xét đến cùng, chỉ có tiến công mới giành được thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh, còn phòng ngự là tạm thời, trong từng thời điểm, thường là trong thời kỳ đầu chiến tranh, kế tiếp đó phải nhanh chóng chuyển sang phản công, tiến công để giành thắng lợi. Lịch sử chiến tranh nói chung, lịch sử giữ nước của dân tộc ta nói riêng minh chứng rõ điều đó. Thứ hai, có ở thế tiến công, kiên quyết tiến công chúng ta mới từng bước giành được quyền chủ động tác chiến trên chiến trường, đẩy địch vào thế bị động đối phó. Phải quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công, khi lực lượng ta nhỏ cũng kiên quyết tiến công, khi lực lượng đã lớn mạnh càng phải tiến công và ngay trong phòng ngự, phòng thủ cũng phải luôn chủ động – phòng ngự tích cực, chuẩn bị cho phản công, tiến công địch khi có điều kiện. Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng, ai nắm quyền chủ động chiến lược thì sẽ thắng, ai ở vào thế bị động chiến lược tất yếu sẽ bại, có chăng chỉ là vấn đề thời gian. Đó là trong đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự, còn nếu nói rộng hơn là đấu tranh cách mạng cũng tương tự như vậy, cách mạng phải luôn ở thế tiến công, bởi theo Các Mác phải “cách mạng triệt để”, “cách mạng không ngừng” bằng phương thức tổng hợp với sự kết hợp chặt chẽ của nhiều hình thức đấu tranh mới thành công. Thứ ba, vấn đề rất quan trọng là phải nhận thức thật đầy đủ, quán triệt thật sâu sắc Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và của Đảng ta - tư tưởng chiến lược tiến công. Nếu nói gọn là tư tưởng tiến công cũng không sai, nhưng như thế sẽ không thật rõ và đầy đủ. Điểm nhấn ở đây là cụm từ “chiến lược”, nghĩa là tư tưởng tiến công được quán triệt ở cả ba cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Tuy nhiên, riêng với cấp chiến lược, tư tưởng này biểu hiện tập trung và thống nhất với loại hình tác chiến tiến công - tiến công chiến lược, theo đó chúng ta không chủ trương phòng ngự chiến lược. Còn đối với cấp chiến dịch, chiến thuật thì khác ở chỗ về tư tưởng là tư tưởng tiến công, nhưng về hình thức tác chiến thì lại có thể là tiến công hoặc phòng ngự. Và, ngay trong phòng ngự cũng phải quán triệt tư tưởng tiến công, đó là dạng phòng ngự chủ động, tích cực, có sự kết hợp đan xen cả tác chiến phòng ngự, phòng thủ và tác chiến tiến công chứ tuyệt nhiên không phải dạng phòng ngự bị động, chỉ duy nhất có tác chiến phòng ngự. Điều đó phần nào lý giải cho việc tại sao xuyên suốt bài thơ khi đề cập đến hình thức tác chiến này Bác chỉ dùng cụm từ “phòng thủ”, “thoái thủ”, thay vì “phòng ngự”. Cho nên nói Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và Đảng ta là tư tưởng chiến lược tiến công là vì thế.

3. Nghệ thuật vận dụng yếu tố “thế, thời” đạt đến trình độ đỉnh cao trong tác chiến. Thế và thời là hai yếu tố, hai nội dung cơ bản của nghệ thuật quân sự, luôn được coi trọng vận dụng trong quá trình tác chiến. Bác viết: Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công. Chúng ta biết quân xe là quân mạnh nhất và quân tốt là quân yếu nhất trên bàn cờ. Nếu không nhìn rộng, nghĩ kỹ mà đi quân lạc nước thì “hai xe đành bỏ phí”; trái lại, nếu nghĩ sâu, đi đúng thì “một tốt cũng thành công”. Đó là chuyện “thế, thời” trên bàn cờ, cũng như trong cuộc chiến, thậm chí chỉ đi lạc một nước là hỏng cả ván cờ và thua cả cuộc chiến. Thế ở đây là thế trận, thế công, thế thủ, thế địa hình, thế bố trí lực lượng,… có lợi cho ta, bất lợi đối với địch. Thế có lợi đó (lợi thế) có thể xuất hiện ngay từ đầu chiến tranh, nhưng thường là giai đoạn giữa hoặc cuối cuộc chiến tranh. Đó là sự chuyển hóa về thế trận, lực lượng, cục diện chiến trường và có được kết quả đó là bởi hành động chủ quan của ta kết hợp với nhân tố khách quan đem lại. Còn thời là thời cơ tác chiến (chiến lược, chiến dịch), cũng có thể là thời điểm nổ súng tiến công (chiến thuật) quyết định thắng lợi. Tương tự như yếu tố thế, thời cơ thường không xuất hiện nhiều và thường do ta tạo ra là chính kết hợp với sự tác động của nhân tố khách quan. Do đó, khi đã tạo và nắm được thời cơ thì vấn đề cốt yếu là phải tận dụng tốt thời cơ bằng hành động kiên quyết, mau lẹ để giành thắng lợi. Nếu không sẽ rất khó khăn trong cuộc chiến. Vì thế, nghệ thuật vận dụng yếu tố “thế, thời” cực kỳ quan trọng: được thời có thế thì lực lượng nhỏ trở thành lớn, yếu thành mạnh, mất biến thành còn; nếu mất thời, không thế thì an trở thành nguy. Sự chuyển hóa đó thay đổi nhanh như trở bàn tay.

Bác Hồ viết bài thơ “Học đánh cờ”, tác phẩm “Ngục trung nhật ký” khoảng năm 1942-1943, khi chưa nổ ra cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nghĩa là chưa qua thực tiễn chiến tranh. Vậy mà Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã hàm chứa những nội dung nghệ thuật quân sự đặc sắc, có giá trị cao đến thế, thật là điều hiếm có. Tư tưởng đó trở thành nền tảng Tư tưởng quân sự của Đảng ta – tư tưởng chiến lược tiến công – được Đảng nhất quán thực hiện và bổ sung, phát triển trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Như đã đề cập, nội hàm Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh rất sâu rộng. Trên đây chỉ là một số nội dung được thể hiện trong bài thơ “Học đánh cờ” của Người, trong đó nội dung bao trùm nhất, đặc sắc nhất là tư tưởng tiến công – “kiên quyết không ngừng thế tiến công”.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII); Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động noi theo, làm theo Hồ Chí Minh – tấm gương sáng của các thế hệ người Việt Nam. Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt vấn đề trên có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, không những là trách nhiệm, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ kính yêu. Trong đó, điều thiết thực nhất là phải thường xuyên trau dồi, nghiên cứu, học tập, làm theo Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, làm cho di sản vô giá ấy luôn tỏa sáng trong toàn quân, trong lòng dân tộc. Đồng thời qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược không ngừng nâng cao trình độ lý luận quân sự, nghệ thuật quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ,… ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Mạnh Hà

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Đức Thi (st)

_________

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 325.

Bài viết khác: