Trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta dễ nhận thấy một nội dung quan trọng, khẳng định tầm nhìn của Người về công tác tuyên truyền, là thứ vũ khí sắc bén trong mọi cuộc đấu tranh. Đó là lĩnh vực báo chí. Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; “nghệ thuật viết” để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị. Trong đó, Người chỉ rõ: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Đặc biệt hơn, Người quan tâm, dành nhiều tâm huyết để nói về đạo đức, phong cách, nhân phẩm của đội ngũ người làm báo nói chung và người làm báo chí cách mạng nói riêng.
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết báo từ năm 1919. Người trở thành một cây bút sắc bén của các tờ báo: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Dân chúng, Tạp chí cộng sản. Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập ra tờ báo Thanh niên - tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên ở Việt Nam do chính Người chỉ đạo. Đối với Người, làm báo chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. Chính vì vậy, Người đã tổ chức xây dựng tờ báo này theo quan điểm Lê-nin-nít về báo chí vô sản. Người cũng luôn đặt ra các câu hỏi “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” để đạt được mục tiêu tối thượng là ngòi bút phải khơi dậy được tinh thần giác ngộ, cổ vũ toàn dân làm cách mạng giải phóng dân tộc. Người luôn nhắc nhở: “1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. 2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. 3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. 4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. 5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận... Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần”1...
Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Người phê bình các báo: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta; Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng; Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau...” và Người căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”2. Trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi (24/4/1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Hay trong lần đến thăm báo Nhân Dân (ngày 18.1.1957), Người căn dặn “anh chị em phóng viên phải viết đúng, viết hay. Nếu viết sai hay in sai phải đính chính. Nhà báo cần biết ngoại ngữ và phải thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau3.
Trong bài báo cuối cùng mang tên “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác yêu cầu các nhà báo phải tự hỏi: “Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem (…) Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy (…) Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại (…) Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi”4. Phong cách viết báo của Người thường đi thẳng vào đề, làm rõ tư tưởng trung tâm sự kiện bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, ngôn ngữ thông tin đại chúng. Ở Người, báo chí vừa mang tính cách mạng, tinh thần chiến đấu vừa mang tính nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh đó, Người quan niệm: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” hay “Cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”5. Bởi vậy, lập trường chính trị của người làm báo, nhất là báo chí cách mạng là yếu tố, phẩm chất hàng đầu của nhà báo cách mạng. Người cũng yêu cầu: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”6. Vì vậy, tinh thần chiến đấu trong báo chí luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng, quán triệt đội ngũ những người làm báo trong suốt chặng đường làm báo.
Báo chí cách mạng là một bộ phận của cuộc chiến đấu cách mạng. Chính bản chất chiến đấu của sự nghiệp cách mạng quyết định tính chiến đấu của báo chí cách mạng, chiến đấu để đánh đổ kẻ thù xâm lược, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, vì lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng, chiến đấu để xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Chiến đấu còn có ý nghĩa đánh bại những đòn tiến công và phản kích của các thế lực thù địch, đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp (chân, thiện, mỹ) đẩy lùi và khắc phục các thói hư, tật xấu trong xã hội và trong mỗi con người.
“Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí” gồm 10 điều được Đại hội lần thứ VI, Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 3/1995) thông qua:
|
Có thể nói, ngay từ khi thành lập đến nay, Đảng ta không những lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí phát triển mà còn coi báo chí là sản phẩm văn hóa quý báu của Đảng và dân tộc. Các thế hệ người làm báo đã có những đóng góp tích cực, phụng sự cho sư nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đổi mới, phát triển đất nước. Ho vừa phản ánh thực tiễn, vừa góp phần cải tạo thực tiễn; vừa thông tin, vừa hướng dẫn dư luận và định hướng hành động cho công chúng vì chân lý, phục tùng chân lý. Điều đó đúng như Bác Hồ đã chỉ dạy: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”. Những người làm báo thực sự là đội ngũ tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân7.
Những tư tưởng, quan điểm của Người về báo chí cách mạng luôn là hạt nhân của nền báo chí Việt Nam hiện đại. Tư tưởng của Người là một hệ thống các quan điểm lý luận và thực tiễn lớn lao, có tác dụng soi đường, chỉ lối và định hướng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Mặc dù ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi chặng đường của dân tộc có những yêu cầu nhiệm vụ, tính chất phản ánh, nội dung tuyên truyền khác nhau nhưng tựu chung lại báo chí là phụng sự Tổ quốc, phục vụ cuộc sống và lợi ích của nhân dân. Chỉ giản đơn như vậy nhưng nó thể hiện vai trò, sức chiến đấu mạnh mẽ của báo chí và đội ngũ những người làm báo chân chính./.
Tâm Trang
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà báo: |
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, t5, tr.345-346
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, T10, tr 615-616
3. Báo Nhân Dân số ra ngày 11.3.2001
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr298
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t7.480
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.166
7. Nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 21/7/1956.