Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là “khâu then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của cách mạng Việt Nam.

van dung tu tuong
Ảnh tư liệu

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(1). Quan điểm bao trùm và xuyên suốt trong sử dụng, bố trí cán bộ của Người là phải đảm bảo sáu nguyên tắc căn bản: Thứ nhất, phải hiểu biết rõ cán bộ. Thường xuyên xem xét, đánh giá cán bộ để phát hiện, sử dụng nhân tài và loại bỏ người thoái hóa, biến chất. Thứ hai, phải cất nhắc cán bộ cho đúng. Không dùng đúng tài của người có tài thì cũng không được việc. Phải tránh sai lầm trong cất nhắc cán bộ. Thứ ba, phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Nên phải biết tùy tài mà dùng người cho đúng. Thứ tư, phân phối cán bộ cho đúng, dùng người đúng chỗ, đúng việc. Thứ năm, phải tạo điều kiện, cơ hội cho họ phát huy hết khả năng vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải luôn luôn kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ, giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi lúc họ làm được việc. Chăm sóc, động viên họ khi họ hoặc người thân trong gia đình họ ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn. Thứ sáu, phải thương yêu, giữ gìn, bảo vệ cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu ra năm phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ. Một là, chỉ đạo: Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hai là, nâng cao: luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ. Ba là, kiểm tra: thường xuyên kiểm tra để giúp họ sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Bốn là, cải tạo: khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp cho họ sửa chữa. Năm là, giúp đỡ: phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ để làm việc. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần cán bộ và sự thân ái đoàn kết, tính đạo đức, tính nhân văn trong Đảng(2).

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ đơn giản, dễ hiểu, nhưng cũng mang tầm bao quát rộng lớn để mọi người đều hiểu và nhận xét, đánh giá đúng vai trò của từng khâu, từng mắt xích trong công tác cán bộ. Người cho rằng: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm”(3). Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực sự là người “đủ đức, đủ tài”, “chí công vô tư” trong việc giúp đỡ, dìu dắt cán bộ để họ ngày càng tiến bộ về đạo đức, chuyên môn và hiệu quả công việc. Người chỉ rõ: “Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy, và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều tiêu chí về cán bộ, về rèn luyện đạo đức cách mạng: cán bộ là “công bộc” của nhân dân; đức là “gốc”, đức quyết định thành công của cán bộ, giúp cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. “Đức” của cán bộ là đạo đức cách mạng, thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; ở lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và với chế độ xã hội chủ nghĩa; ở trình độ giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đức của cán bộ, công chức, viên chức còn được thể hiện ở sự trong sáng, trung thực, không cơ hội, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gắn bó với Nhân dân, luôn khiêm tốn, giản dị, cầu thị; luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Với bản chất là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, những giá trị đạo đức nghề nghiệp hướng tới xây dựng nền công vụ phục vụ Nhân dân từng bước được Nhà nước hoàn thiện trong nhiều quy định về tư tưởng, đạo đức và pháp luật. Hệ thống pháp luật ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn các quy định về công vụ, công chức. Nhiều nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức từng bước được thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật cho chuẩn mực hành vi trong quá trình thi hành công vụ.

Từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam, đây là văn bản có tính pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ công chức. Kế thừa và phát triển những quy định tiến bộ đó, khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 quy định trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao...

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng trở nên cấp bách, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

THỰC TRẠNG ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THỜI GIAN QUA

Đạo đức công vụ là hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ nhằm hướng tới xây dựng nền hành chính trách nhiệm, công tâm, trong sạch, tận tụy và chuyên nghiệp. Đạo đức công vụ luôn gắn với quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, những điều cán bộ, công chức được làm và không được làm; cách ứng xử khi thực thi công vụ. Đạo đức công vụ không tự nhiên mà có, mà phải trải qua quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện trong quá trình thực thi công vụ.

Nâng cao đạo đức công vụ là công việc thường xuyên nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được trau dồi, bồi dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng trong quá trình thực thi công vụ. Đó không chỉ là công việc của cán bộ, công chức, viên chức mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức. Nhìn chung, phần lớn cán bộ, công chức luôn có ý thức rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có thái độ tôn trọng, tận tâm, tận lực, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, chịu sự giám sát và được Nhân dân tin tưởng.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu cả về năng lực và phẩm chất; một bộ phận không nhỏ, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Không ít cán bộ, công chức vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có lúc còn tùy tiện, gây khó khăn cho người dân; chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của “người đầy tớ trung thành của nhân dân”; một số cán bộ còn chưa thực sự thể hiện mối quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ…

Sau 36 năm đổi mới, nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn trước, thể hiện rõ nét nhất ở năng suất lao động cao, tạo tốc độ tăng trưởng khá và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiềm lực quốc gia. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng; số lượng chuyên gia giỏi, có uy tín trong các lĩnh vực còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tương xứng với yêu cầu công việc; tính chủ động, ý thức trách nhiệm còn thấp; khả năng quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức vướng vào tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân; kỷ luật hành chính lỏng lẻo, bản lĩnh thiếu vững vàng, bộc lộ những yếu kém, bất cập. Đảng ta đánh giá: “Đội ngũ cán bộ hiện nay xét về chất lượng, số lượng, cơ cấu nhiều mặt chưa ngang tầm với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Năng lực và phẩm chất của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất”(5)… đã làm ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của người dân.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HIỆN NAY

Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã và đang đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức một cách toàn diện, cả số lượng, chất lượng và cơ cấu, cả phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác, nhất là việc nâng cao đạo đức công vụ gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong bốn nội dung lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới(6)...; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức cách mạng, về đạo đức công vụ; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(7).

Hai là, thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, cải cách chế độ công vụ, công chức; loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà khi giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các quy định về trình tự, về thủ tục hành chính tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát để kịp thời ngăn ngừa cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.

Ba là, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân trong việc nâng cao đạo đức công vụ. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, hành vi trong hoạt động công vụ... Từng bước đổi mới và cải cách công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng, đến việc giải quyết các chế độ, chính sách theo đúng quy định.

Bốn là, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; thông qua học tập, rèn luyện và thực tiễn để tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ. Khuyến khích tính năng động, sáng tạo, đổi mới của cán bộ, công chức, viên chức; trọng dụng người tài, thực hiện tốt nguyên tắc công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm. Cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm cuộc sống, tạo động lực cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu và cống hiến.

Năm là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế phù hợp để người dân giám sát nhằm hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và định kỳ các hoạt động công vụ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, khen thưởng, động viên kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, những cán bộ, công chức luôn nêu cao tinh thần đạo đức công vụ, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.

ThS Trần Cao Anh - Học viện Chính trị khu vực III,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước

Hà An (st)

Ghi chú:
(1),(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.166, tr.175.
(3) Sđd, tập 2, tr.280-281.
(4) Sđd, tập 4, tr.51-52.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.58-59.
(6),(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.423, tr.433.

 

Bài viết khác: