Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân, các nhóm xã hội có ý nghĩa quan trọng trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay.
Xử lý hài hòa lợi ích - một nội dung quản lý phát triển xã hội
Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu tổng quát định hướng phát triển đất nước được đưa ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo quan điểm hiện đại, một nước phát triển không chỉ hùng mạnh về kinh tế, mà xã hội cũng phải đạt được trình độ phát triển bền vững tương xứng. Để đạt được mục tiêu này, quản lý phát triển xã hội có vai trò quan trọng.
Quản lý phát triển xã hội là sự tác động có định hướng, có tổ chức của các chủ thể (Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cộng đồng, nhóm xã hội và cá nhân…) đến khách thể (biến đổi xã hội, con người, cộng đồng xã hội, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội, chức năng xã hội, cấu trúc xã hội, phân tầng xã hội, vấn đề xã hội, xung đột lợi ích, tình huống bất thường...) bằng một hệ thống thiết chế xã hội nhằm mục tiêu phát triển xã hội nhanh, hài hòa và bền vững.
Theo quan điểm này, quản lý phát triển xã hội được hiểu là sự tham gia của các chủ thể với vị trí, vai trò, năng lực, điều kiện, nhu cầu khác nhau… vào quá trình quản lý nhằm đạt mục tiêu đặt ra. Đồng thời, đối tượng hay khách thể của hoạt động quản lý được tiếp cận trong trạng thái động, trong mối liên hệ tổng thể, hệ thống, đồng bộ. Như vậy, để đạt được mục tiêu quản lý phát triển xã hội, cần thực hiện nhiều nội dung, trong đó, xử lý hài hòa lợi ích là một nội dung quan trọng. Bởi, lợi ích là một trong những động lực hoạt động của con người, của sự phát triển xã hội và là một trong những nội dung căn bản, có ý nghĩa quyết định bản chất các mối quan hệ trong xã hội. Thực chất các quan hệ xã hội, dù được xem xét ở góc độ nào, cũng là quan hệ lợi ích, là quan hệ giữa người với người trong các hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của mình.
Từ góc độ quản lý phát triển xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, xác lập mối quan hệ lợi ích của các chủ thể quản lý và khách thể quản lý phải bảo đảm sự hài hòa, bền vững của một tập hợp các quan hệ lợi ích đan xen, đa tầng bậc và phức tạp. Đó các mối quan hệ lợi ích: lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích văn hóa - xã hội, lợi ích môi trường và lợi ích quốc phòng - an ninh; lợi ích cá nhân và lợi ích cách mạng; lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, ngành, xã hội; lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần; lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế; lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; lợi ích của người lao động và lợi ích của người sử dụng lao động… Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, quản lý phát triển xã hội cần hướng đến là phải xử lý tốt các mối quan hệ lợi ích đó; phải phấn đấu thật sự bảo đảm hài hòa và thỏa mãn lợi ích chính đáng của các chủ thể, nhóm, giai tầng trong xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(1) và “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu(2).
Một số luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xử lý hài hòa quan hệ lợi ích
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Viện Quân y 7 (Hải Phòng), ngày 30-5-1957_Ảnh: TTXVN
Trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích trong xã hội. Điều này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng nước ta. Có thể nêu một số luận điểm thể hiện quan điểm xử lý hài hòa quan hệ lợi ích của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
Một là, việc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phải dựa trên sự hài hòa về lợi ích giữa các lĩnh vực, giữa mọi người với nhau. Hoài bão lớn nhất của Người là dân tộc Việt Nam hoàn toàn được độc lập, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc, ai cũng được thụ hưởng các lợi ích chính đáng. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Như vậy, mang lại lợi ích chính đáng cho mọi người, bảo đảm sự hài hòa lợi ích của cho tất cả mọi người chính là khát vọng tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa mới tạo cơ sở thực sự để người dân có cơ hội tiếp cận lợi ích và thỏa mãn lợi ích theo nhu cầu, điều kiện của mình. Bởi cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng triệt để, thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội một cách căn bản và tiến bộ dẫn đến sự thay đổi các mặt đời sống xã hội, đem giá trị của con người trả lại cho con người, coi con người là mục đích cao nhất. Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no mặc ấm, người khác mặc kệ, thế là không tốt. Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới đúng. Muốn như vậy, phải ra sức công tác, ra sức lao động sản xuất”(4). Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng xã hội “dân giàu”, mọi người cùng giàu có, cùng khấm khá thì những điều kiện để bảo đảm sự hài hòa lợi ích mới thực sự được hiện thực hóa: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn/ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm”(5). Quan điểm nêu trên khuyến khích người giàu phải “giàu thêm”, việc làm giàu của người này không đe dọa cơ hội phát triển của người khác, dĩ nhiên đó phải là làm giàu lương thiện, hợp pháp; người nghèo có quyền phát triển bằng nỗ lực phấn đấu vươn lên “đủ ăn”, rồi tiến lên “khá giàu”.
Ba là, để giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích, đặc biệt là giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi người là “chủ nghĩa cá nhân”, phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn; vì vậy, phải chống và phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong cán bộ, đảng viên, đó là chủ nghĩa “Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hòa vào với dân tộc”(6). Người khẳng định: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa… là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn. Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”(7). Nhấn mạnh việc đặt lợi ích cách mạng, lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất tôn trọng, quan tâm, chăm lo đến lợi ích cá nhân chính đáng của mọi người. Người nhắc nhở, “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Nhưng lại phải thấy rằng chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình. Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa”(8).
Bốn là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bảo đảm lợi ích hài hòa cho các chủ thể trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì phải tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các chủ thể. Người cho rằng, kinh tế tư bản của tư nhân “bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế”. Người đưa ra quan điểm công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi. Điều này không chỉ phản ánh quan hệ chủ - thợ, mà bao hàm cả quan hệ hợp tác giữa người quản lý, người sử dụng lao động và người lao động, nhất là trong điều kiện chính quyền đã về tay nhân dân, do Đảng lãnh đạo, thì quan hệ giai cấp không giống như trong chế độ cũ. Người nhấn mạnh: “Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức”(9). Người khuyến khích tầng lớp công - thương gia làm giàu chính đáng, hợp pháp, tích cực đóng góp cho cách mạng.
Năm là, để bảo đảm lợi ích của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng thân dân, vì lợi ích của nhân dân mà phụng sự. Bởi đó là mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Thực chất, bất kỳ đảng phái chính trị nào muốn đạt được mục tiêu đề ra đều phải tập hợp quần chúng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Sự khác nhau giữa các đảng chỉ ở mục đích cuối cùng, lý tưởng phấn đấu. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không vì mục đích tự thân: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(10). Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại diện cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Người viết: “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào. Điều đó ai cũng biết. Giai cấp công nhân chẳng những đấu tranh để tự giải phóng, mà còn để giải phóng cả loài người khỏi áp bức, bóc lột. Cho nên lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của nhân dân là nhất trí. Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp”(11). Người căn dặn cán bộ, đảng viên luôn phải thấm nhuần phương châm hành động: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(12).
Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xử lý hài hòa quan hệ lợi ích chính là kim chỉ nam cho quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay. Quản lý phát triển xã hội là vì lợi ích chính đáng của đa số chủ thể trong xã hội; là trách nhiệm tham gia của toàn bộ các chủ thể trong xã hội và thông qua hệ thống thiết chế xã hội.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xử lý hài hòa quan hệ lợi ích trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay
Hướng dẫn và phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo thuộc 2 huyện Hàm Yên, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cùng các nhà hảo tâm tổ chức
_Ảnh: TTXVN
Thực tế cho thấy, chúng ta càng phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thì càng phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Trong quá trình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng xuất hiện những bất cập, hạn chế. Tình trạng các chủ thể lợi ích thường có xu hướng củng cố, gia tăng lợi ích của mình với nhiều cách thức khác nhau, kể cả là không chính đáng, dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa các chủ thể. Những chỉ dẫn nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị khi chúng ta đang phải xử lý không ít các vấn đề xã hội nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đó là giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; giữa lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích văn hóa - xã hội… trong các chính sách, dự án đầu tư phát triển, nhất là trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, giữa người lao động và người sử dụng lao động…
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích trong xã hội đòi hỏi mọi suy nghĩ và hành động của chủ thể quản lý và khách thể quản lý phải cùng hướng đến sự thấu hiểu nhu cầu, năng lực và trách nhiệm trong việc phấn đấu vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sự thống nhất, hài hòa các lợi ích là động lực cho các chủ thể quản lý phát triển xã hội cùng tham gia một cách tự nguyện, chủ động, có trách nhiệm, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các chủ thể và khách thể quản lý phát triển xã hội. Để thực hiện tốt điều này, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên vì lợi ích của nhân dân mà phụng sự. Nâng cao hiệu quả tham gia quản lý xã hội của toàn bộ hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các giai tầng xã hội. “Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”(13), “giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”(14). Nâng cao đạo đức cách mạng, trách nhiệm nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”.
Thứ hai, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm giải quyết quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phải luôn xác định “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(15). Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích chung của quốc gia, dân tộc với lợi ích cá nhân, nhóm giai tầng xã hội. Bảo đảm lợi ích chính đáng và sự hài hòa về lợi ích trên tất cả các lĩnh vực, lợi ích cho tất cả mọi chủ thể xã hội.
Thứ ba, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn bộ xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu quản lý phát triển xã hội, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích. Hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo đối với việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý phát triển xã hội. Kịp thời phát hiện, giải quyết thỏa đáng, hài hòa các mâu thuẫn lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Bảo đảm mọi chủ thể trong xã hội đều được tiếp cận, thụ hưởng công bằng những thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước./.
ĐỖ VĂN QUÂN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản
Đàm Anh (st)
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 165 - 166, 96 - 97
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 627
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 593
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 81
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 54
(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 610, 610
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 267
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 289
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 607
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 21
(13), (14), (15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 43, 50 - 51, 27 - 28