Tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng, một hệ thống tư tưởng lý luận, khoa học được trải nghiệm qua thực tiễn cách mạng vĩ đại suốt gần thế kỷ qua của Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, đã được chứng minh sâu sắc, soi sáng cho con đường cách mạng nước ta vượt qua mọi gian nan thử thách để tới thắng lợi vẻ vang. Tư tưởng ấy, ý chí ấy, khát vọng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn bao giờ hết cần được khơi dậy trong tư tưởng, tình cảm, tinh thần ý chí nghị lực mỗi người cán bộ, đảng viên, nhân dân Việt Nam, tạo sức mạnh vô song xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trên toàn thế giới trong thời đại văn minh, hiện đại.
Một góc TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu
Ý CHÍ, KHÁT VỌNG TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Với ý chí, khát vọng lớn lao và tư duy sáng tạo, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước bằng cách “xem người ta làm thế nào để rồi trở về giúp đồng bào mình”. Người đi tìm con đường đúng đắn, phù hợp, không cầu viện, thể hiện ý chí tự lực, tự cường, khát vọng lớn lao, tầm nhìn thời đại. Người ra đi với khát vọng lớn lao: “Tìm tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Sau khi đi qua nhiều nước, thâm nhập cuộc sống, đấu tranh của các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, Người rút ra kết luận: Trên thế giới hàng tỷ người này, các dân tộc, màu da khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ có hai hạng người đó là kẻ đi áp bức và người bị áp bức. Nguyễn Ái Quốc đứng về phía những người bị áp bức và bênh vực, bảo vệ họ.
Đi qua Pháp, Mỹ, Anh, rồi lại trở về Pháp, tại Paris, năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, tìm hiểu về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Ngày 18/6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Người gửi Bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles ký tên Nguyễn Ái Quốc, đòi những quyền tự quyết dân tộc là sự kiện thức tỉnh tất cả các dân tộc Đông Dương, làm rung động bầu trời đen tối Việt Nam bấy lâu nay.
Suốt mấy chục năm hoạt động sôi nổi, đầy gian khổ ở nước ngoài trong sự kham khổ, thiếu thốn, đe dọa ve vãn, lôi kéo, săn lùng, tù đầy của kẻ thù, Nguyễn Ái Quốc luôn sắt son một ý chí: “Cái tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập. Người nhiều lần khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”… Ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải thức tỉnh đồng bào, đánh thức toàn dân tự mình mà giải phóng cho ta; tự mình mà thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.
Nguyễn Ái Quốc đọc được toàn văn tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Người sung sướng nhận thấy: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Cùng với đó là kết quả hành trình trải nghiệm sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc trong những hoạt động của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Pháp, hâm mộ Cách mạng Tháng Mười Nga và nhiều hoạt động chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1).
Ý CHÍ, KHÁT VỌNG GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, XÂY DỰNG TỔ QUỐC VĂN MINH, CƯỜNG THỊNH, HẠNH PHÚC
Tìm thấy con đường cứu nước sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể là cuộc cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin bằng nhiều cách: Tổ chức bồi dưỡng cán bộ, viết sách, báo… làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về trách nhiệm tự giải phóng mình.
Ngày 3/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh chiến lược: đánh đuổi đế quốc, đánh đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Cùng với việc phân tích, nắm vững thời cơ thế giới và trong nước, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang, động viên lực lượng của toàn dân. Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Hồ Chí Minh có thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Người nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dạy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(2). Hưởng ứng lời kêu gọi non sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước một lòng cùng nhau đứng dậy làm cuộc cách mạng Tháng Tám lay trời chuyển đất thành công, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á do nhân dân làm chủ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là thành quả cuộc đấu tranh kiên cường của cả dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là kết quả của ý chí tự lực tự cường, khát vọng độc lập tự do phát triển đất nước của Hồ Chí Minh được cả nước noi theo. Người khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, độc lập, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người dân. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, thế nước như ngàn cân treo sợi tóc. Đó là nạn đói, nạn dốt, giặc ngoại xâm… Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa thể hiện ý chí, nghị lực, bản lĩnh vượt qua những thử thách quyết liệt để thực hiện khát vọng giữ vững độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh dân tộc.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước” là ý chí, khát vọng của Người được hun đúc, bùng dậy từ truyền thống yêu nước hàng nghìn năm cũng như sức mạnh của mọi người dân toàn dân tộc Việt Nam kiên quyết đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo kết hợp chặt chẽ kháng chiến và kiến quốc với ý chí, niềm tin, khát vọng: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đuổi sạch bóng quân thù, thực hiện khát vọng Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng phồn vinh hạnh phúc. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn lại trải qua cuộc chiến tranh kéo dài, đi lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của bạn bè, các nước đã có hình thức, bước đi thích hợp, vượt qua muôn vàn gian khó trở thành nước tiến bộ, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp theo việc thực hiện những tư tưởng của Người, Đảng và nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới suốt hơn 35 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ảnh Văn Dương.
TIẾP TỤC KHƠI DẬY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào thế kỷ XXI, hội nhập với thế giới hiện đại, thời kỳ công nghệ 4.0 cùng biết bao nhiêu biến động ở trong nước và quốc tế khó lường. Để vượt qua những khó khăn thách thức của thời đại, đưa dân tộc ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tập trung vào những nội dung chính như sau:
Một là, tiếp tục đi sâu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cùng với việc tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách toàn diện, đúng đắn, đầy đủ, nghiêm túc, vấn đề đặt ra có tính chiến lược là đặc biệt nhấn mạnh đi sâu, hiểu kỹ, để suy nghĩ, làm theo, tạo cho mình phong cách, lối sống có ý chí, nghị lực, bản lĩnh thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thấu hiểu ý chí tự lực, tự cường, khát vọng của Hồ Chí Minh về phát triển đất nước trong suốt chặng đường lịch sử đầy bão táp, mỗi cá nhân sẽ tự xây dựng, bồi dưỡng, hình thành củng cố niềm tin vững chắc cho ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cho mình góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chỉ có học tập, làm theo một cách tự nguyện, tự giác, chân thành, thực tâm với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng của Hồ Chí Minh trong mỗi cá nhân có kết quả, mới tạo sức mạnh vô song đưa đất nước ta đi nhanh, đi mạnh, đi vững chắc trong mỗi bước đường tới phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kiên quyết khắc phục lối học hình thức, bề ngoài, để có chứng chỉ bằng cấp…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội. (Ảnh: TTXVN)
Hai là, phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở rộng các quan hệ toàn cầu.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành thắng lợi các cuộc cách mạng vĩ đại đều gắn với cách mạng thế giới. Nhưng cốt lõi, sức sống tư tưởng của Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn là “tự ta giải phóng cho ta”; là ý chí tự lực, tự cường; là không cầu viện, dựa dẫm vào bên ngoài mà tự lực cánh sinh là chính.
Ba là, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, biến các mục tiêu thành hiện thực, nâng cao đời sống nhân dân.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, của các cấp uỷ Đảng đều xác định những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đưa nước ta tiến lên xây dựng một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc; một Việt Nam hùng cường, một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã luôn là khát vọng mãnh liệt của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam. Khát vọng ấy đã hiệu triệu, khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc tinh thần đoàn kết và sưc smạnh của nhân dân toàn dân tộc, làm nên những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong quá trình bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.
Thành tựu hơn 35 năm đổi mới là kết quả đáng tự hào nhưng cũng đặt ra những kỳ vọng, những trách nhiệm, những thách thức lớn lao cùng với những đòi hỏi cụ thể trước mắt, lâu dài đối với mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, khát vọng phát triển Việt Nam giàu mạnh hùng cường lại càng mãnh liệt và sục sôi hơn bao giờ hết.
Để biến khát vọng thành hiện thực, chúng ta phải thấm sâu ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận rõ con đường phía trước, thấy được những khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm tiến tới tầm nhìn năm 2045. Đây là sự chỉ đạo của Đảng có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước, định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Tầm nhìn cũng khẳng định đường lối chiến lược cách mạng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tính liên tục xã hội ở nước ta; bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn, là tâm huyết, trí tuệ, niềm tin của “ý Đảng, lòng dân”. Chiến lược phát triển tổng thể trong giai đoạn tới là phát triển nhanh, mạnh, bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó chú trọng vào bốn trụ cột chính gồm: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thống nhất, bất biến trong tư tưởng, tình cảm, ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn dân nước ta. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, niềm tin và ý chí đồng lòng của toàn dân là nhân tố quan trọng nhất, có tính quyết định để đạt tới mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Càng đi sâu vào công cuộc đổi mới, hội nhập với thế giới, càng đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nảy sinh, thì sự hội tụ “ý Đảng, lòng Dân” và tấm gương về ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng thể hiện rõ ánh sáng chỉ đường, củng cố niềm tin vững chắc cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Mục tiêu phát triển tổng quát là cơ sở bảo đảm sự kiên định, ý chí tự lực tự cường và khát vọng lớn lao về định hướng phát triển đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các chủ trương, đường lối phát triển đất nước.
Để khơi dậy ý chí, khát vọng của mọi cán bộ, các tầng lớp nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thường xuyên bám chắc các mục tiêu chiến lược trong quá trình phát triển của Việt Nam để góp phần thực hiện thiết thực, hiệu quả, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phát huy ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; 3) Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu giữa thế kỷ thứ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
PGS.TS. Trần Quang Nhiếp
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Đàm Anh (st)
---
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 1, tr.209.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.596.