Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

 

Những đồng chí có dịp được ở gần Người, khi tận mắt được chứng kiến bữa ăn của vị Chủ tịch Nước, đều nhận xét, Người vẫn nhớ từng món ăn của quê hương. Trên mâm cơm, vẫn bát canh, quả cà, miếng cá kho hoặc miếng thịt kho, tuyệt nhiên không thấy những món ăn đặc sản...

Người dân Nghệ An hiếu học, cần cù, chịu khó, nhân ái, vị tha... tất cả những nền tảng đó đã hình thành nên nhân cách Hồ Chí Minh ngay từ thuở niên thiếu. Lớn lên, được sự dạy dỗ, chỉ bảo nghiêm khắc của cha, sự yêu thương của mẹ và nhất là sự kèm cặp, dạy bảo của người ông ngoại, dấu ấn quê hương, gia đình đã in đậm trong tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dù bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước; dù trong ngục tối lao tù của thực dân, đế quốc hay trong gian khổ của cuộc trường kỳ kháng chiến nhưng lúc nào, Người cũng đau đáu nỗi lòng nhớ về quê hương nơi có những người thân yêu nhất của mình.

Những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ... có vinh dự được sống gần gụi với Người đều có chung một nhận xét: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người con của quê hương xứ Nghệ, từ thuở niên thiếu đến lúc về già; từ người thanh niên yêu nước đến khi trở thành lãnh tụ, Người vẫn mang đậm phong cách quê hương qua từng suy nghĩ và việc làm.

Như chúng ta đều biết, sau khi giải phóng Thủ đô, cuối năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Người đã khước từ ngôi nhà sang trọng, đến ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện và sau đó là ngôi nhà sàn - ngôi nhà đã đi vào huyền thoại.

Trong tư tưởng và tình cảm của Người, sự giản dị, đơn sơ trong cuộc sống là sự chí công, vô tư, vượt lên hết thảy mọi sự ham muốn vật chất đời thường và đó cũng là sự cần kiệm trong cuộc sống, một đức tính tốt đẹp của người dân xứ Nghệ.

Những đồng chí có dịp được ở gần Người, khi tận mắt được chứng kiến bữa ăn của vị Chủ tịch Nước, đều nhận xét, Người vẫn nhớ từng món ăn của quê hương. Trên mâm cơm, vẫn bát canh, quả cà, miếng cá kho hoặc miếng thịt kho, tuyệt nhiên không thấy những món ăn đặc sản, xa cách với người lao động bình thường.

Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: "Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hòa ở một con người".

Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay, vẫn lưu giữ bộ quần áo ka ki Người mặc lúc sinh thời. Trước đây, khi thấy Người mặc bộ quần áo ka ki cũ, các đồng chí phục vụ có ý đề nghị thay bộ mới hơn, Người nói: "Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi".

Xí nghiệp May 10 của Tổng cục Hậu cần gửi biếu Bác bộ quần áo ka ki mới, Bác nhận, song Người gửi lại để xí nghiệp làm phần thưởng thi đua cho anh chị em công nhân.

Trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian để tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi cá... Quanh ngôi nhà Bác ở là một khu vườn với nhiều loại cây hoa trái. Hàng dâm bụt - gợi nhớ quê nhà, những khóm mộc, khóm nhài và đặc biệt là cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng Bác.

Chiều chiều, sau giờ làm việc, Người lại cùng các chiến sĩ Cảnh vệ chăm lo từng gốc cây, cắt tỉa từng khóm lá.

Giờ đây, khi Người đã đi xa, nhân dân trong nước và bầu bạn quốc tế đến viếng thăm nơi ở và làm việc của Người lúc sinh thời, ai ai cũng ngậm ngùi xúc động, cảm phục một tấm gương hy sinh tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn.

Có những câu chuyện hết sức cảm động, đó là vào dịp lễ, Tết và kỷ niệm ngày sinh của Bác, Người không muốn tổ chức chúc tụng rườm rà và Người đã chủ động bố trí những chuyến đi công tác xa. Đá Chông là địa điểm được Người đến nhiều nhất.

Trong bối cảnh, miền Nam chưa được thống nhất, đế quốc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Đá Chông làm nơi sơ tán, làm việc của Trung ương khi cần thiết.

Đây là một địa danh nằm dưới chân núi Ba Vì, thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Nơi đây có rất nhiều những tảng đá thon nhọn tựa như những mũi chông, ngọn mác từ dưới đất mọc lên, có thể vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn Đá Chông, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và xây dựng khu làm việc của Trung ương và Bác Hồ. Công trình được đặt mật danh là "Công trường 5".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng công trình, nhiều lần Người đã lên kiểm tra, biểu dương tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cán bộ, bộ đội và nhân dân địa phương. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sơn Tây có vinh dự được đóng góp một phần công sức vào việc xây dựng công trình quan trọng này. Từ năm 1958 đến năm 1960, Công trường 5 được hoàn thành, đưa vào sử dụng và được đổi tên là K9.

Từ năm 1960 đến năm 1969, K9 do Văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên K9 nhiều lần để làm việc và tiếp khách. Vào những ngày lễ hoặc sinh nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật từ Hà Nội lên Đá Chông.

Thời gian Bác làm việc ở Đá Chông có hai vị khách quốc tế đặc biệt được Bác tiếp, đó là Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp và bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

Sau khi Bác qua đời, K9 đã được chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác trong chiến tranh và được đổi tên là K84 (1969 - 1975). Giai đoạn này, K84 được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý.

Ngày nay, mỗi khi đến tham quan khu di tích, được đi trên con đường rèn luyện sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, chúng ta còn thấy những cây bông bụt khá to được trồng hai bên đường. Đó chính là hàng cây Bác đã cho trồng từ khi xây dựng khu căn cứ để gợi nhớ đến những cây trồng trong vườn nhà ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn.

Lên cầu thang, trước khi vào phòng nghỉ của Bác, chúng ta gặp một chiếc bể nhỏ chứa nước để Bác tắm. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại rằng: Khi làm công trình phụ, Bác đã nhắc nhở các đồng chí thiết kế xây cho Bác một chiếc bể nhỏ đựng nước trong nhà tắm; mặc dù trong nhà tắm đã có vòi sen, két nước tự động, nhưng Bác vẫn muốn có một chiếc bể nhỏ, để mỗi lần tắm, Bác múc từng gáo nước giội lên người như lúc nhỏ, mẹ Bác vẫn múc từng gáo nước tắm cho Bác.

Nhiều người đến khu di tích Đá Chông và được nghe giới thiệu về những hiện vật đã gắn liền với sinh hoạt đời thường của Bác đã không cầm nổi nước mắt, nhất là tình cảm của Bác với quê hương và gia đình.

Tuy Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập, noi theo. Những hiện vật như vẫn còn ấm hơi Người, sẽ là những điều kỳ diệu để minh chứng cho một con người vĩ đại nhưng rất giản dị, khiêm tốn và rất đời thường.

Ban Biên Tập

Bài viết khác: