Không chỉ đúc kết đưa ra tư tưởng về chữ Liêm, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức mẫu mực về thực hành liêm khiết của người cán bộ, đảng viên hết lòng vì nước, vì dân.
Người coi trọng chữ Liêm
Ngay từ thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra những yêu cầu về tư cách một người cách mạng phải có, như “vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất...”(1). Sau này, trong quá trình lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, vì theo Người, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2), “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(3).
Người đã coi “tứ đức” là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc. Người khẳng định:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”(4).
Trong ngũ thường của Nho giáo, các bậc minh quân thường chỉ bàn về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, không bàn về liêm. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người bàn đến nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Người định nghĩa trong “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(5). Theo Người, liêm là một phẩm chất không thể thiếu của mọi công dân, bất kỳ ở cương vị nào, từ người cán bộ, người có tiền, có quyền đến người buôn bán, người cày ruộng...
Người viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”(6). Người mở rộng đối tượng cần thực hành chữ liêm không chỉ bó hẹp trong quan lại như chế độ phong kiến mà là tất cả mọi công dân: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp...
Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM... Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN. Có KIỆM mới LIÊM được”(7). Theo Người, ngược với Liêm là bất liêm. Người viết: “Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”.
Người nhận diện rõ các hành động bất liêm của các thành phần từ công chức chính quyền, binh sĩ đến dân gian: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư. Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu, chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ. Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào. Người cày ruộng, không ra công đào mương, mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng. Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào. Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình. Đều là tham lam, đều là BẤT LIÊM. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều làm trái với chữ LIÊM”.
Người chỉ ra hệ lụy xấu xa của việc bất liêm: “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”. Người dẫn lời của Khổng Tử, Mạnh Tử: “Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không Liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”(8).
Bác Hồ về nước. Tranh của TRỊNH PHÒNG
Người đề cao cơ chế kiểm soát, giáo dục và thực thi pháp luật: “Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên”(9). Theo Người, đối tượng phải kiểm soát trước tiên là những người có chức quyền, vì: “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Một việc rất quan trọng để chống tham ô, tham nhũng của cán bộ, là nâng cao dân trí cho nhân dân.
Người viết: “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”. Để chống việc cán bộ tham ô, nhũng nhiễu dân chúng, cùng với nâng cao dân trí, nêu cao đạo đức công vụ thì đồng thời pháp luật phải nghiêm: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng mỗi người phải nhận ra, bất liêm là một điều rất xấu hổ, kẻ bất liêm là có tội với nước, với dân, trong đó, người cán bộ có vai trò quan trọng trong việc nêu gương: “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”(10).
Suốt đời sống liêm khiết, trong sạch
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(11).
Ngay từ hồi còn hoạt động bí mật ở nước ngoài hay sau này là lãnh tụ tối cao, 24 năm liên tục nắm giữ quyền lực chủ chốt của Đảng và đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng chữ liêm. Người là tấm gương của một người cộng sản suốt đời sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, liêm khiết, trong sạch.
Những năm 1923-1924, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, mặc dù điều kiện làm việc và môi trường rất tốt, bản thân được cấp trên chú ý và đánh giá rất cao, song những điều ấy không giữ được Người bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Trái lại, Người nhiều lần tìm gặp lãnh đạo bày tỏ nguyện vọng về nước để tuyên truyền và tổ chức phong trào cách mạng. Người nói rõ trong thư gửi các đồng chí cùng hoạt động ở Pháp năm 1923: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(12).
Trong những ngày hoạt động ở Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc, Người sống hòa mình với đồng chí, đồng bào, chịu mọi kham khổ, thiếu thốn. Các đồng chí ở gần Người kể: Những ngày ở Pắc Bó, Người bị kiết lị nặng, thuốc thang không có, anh em chỉ chữa cho Người bằng các bài thuốc dân gian. Một ưu tiên duy nhất Người được hưởng là khi nấu cơm, đồng chí Lộc chắt ít nước cơm để bồi dưỡng cho Người(13).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về Hà Nội, khi kêu gọi đồng bào sẻ cơm, nhường áo để cứu giúp người nghèo, bản thân Bác và Cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đều gương mẫu 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa 1 bơ gạo chuyển vào Quỹ cứu tế. Bác được mời đi ăn cơm, nhỡ bữa cơ quan nhịn thì Bác kiên quyết tự nhịn vào hôm sau.
Năm 1946, trả lời nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(14).
Năm 1954 về sống tại Phủ Chủ tịch, Người từ chối ở trong ngôi nhà toàn quyền, mà chọn cho mình ngôi nhà của người thợ điện. Năm 1958, khi duyệt thiết kế ngôi nhà sàn, Người yêu cầu chỉ làm hai phòng, không làm vệ sinh khép kín, không làm gỗ tốt, cửa mở ra xung quanh để hòa với thiên nhiên.
15 năm ở Phủ Chủ tịch Hà Nội, Người dành hơn 700 lần đi thăm cán bộ, bộ đội, công nhân, nông dân. Với bộ quần áo nâu giản dị, đôi dép lốp quen thuộc, Người đến với mọi người, không ưa tiền hô, hậu ủng, đón rước linh đình. Người không coi mình là lãnh tụ tối cao, mà suốt đời tâm niệm làm một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào, làm tròn trọng trách nhân dân ủy thác.
Tháng 7-1968, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: Ngày thành lập Đảng, Ngày Quốc khánh, Ngày sinh Lênin và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi biết tin này, Bác đề nghị “Bác chỉ đồng ý ba phần tư nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”(15).
Đoàn đại biểu các nước đến thăm Việt Nam hay Người đi công tác nước ngoài, thường biếu Bác các đồ lưu niệm. Những tặng phẩm đó, Bác đều chuyển cho Văn phòng vào sổ và bảo quản. Chính vì vậy, sau ngày Người qua đời, Văn phòng Phủ Chủ tịch đã bàn giao cho Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh hàng nghìn hiện vật là đồ tặng phẩm của Bác Hồ. Đi công tác các địa phương, Người thường từ chối quà tặng, cho dù đấy chỉ là yến gạo, bộ quần áo.
Người không có gia đình riêng cũng như tài sản riêng, mọi phương tiện phục vụ Người làm việc và đồ dùng sinh hoạt đều là những đồ vật thông thường và giản dị. Sau 79 năm sống trên đời, Người ra đi về cõi vĩnh hằng mà trên ngực không một tấm huân chương, nhưng Người để lại cho dân tộc cả một cơ đồ và một tấm gương về người cộng sản suốt đời giữ trọn chữ liêm, sống liêm khiết, trong sạch, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân./.
(1), Hồ Chí Minh toàn tập, nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 2, tr.280
(2), Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 5, tr.280
(3), (5), Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 5, tr.309, 292
(4), (6), (7), (8), (9), (10), (11), Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 6, tr.117, 126, 127, 128
(12), Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 1, tr.209
(13), Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(14), Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 4, tr.187
(15), Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, 2005, t2, H, tr.220.
Tiến sĩ CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)