Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo cán bộ, đảng viên về sự nguy hại của bệnh giáo điều, chủ nghĩa giáo điều trong học tập lý luận và công tác. Bài viết tiếp tục làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa ra một số giải pháp trong đấu tranh chống bệnh giáo điều lý luận để góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.

benh giao dieu
Ảnh tư liệu

Quan điểm của Hồ Chí Minh về biểu hiện của bệnh giáo điều lý luận và cách phòng, chống bệnh giáo điều lý luận

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của lý luận: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1). Người khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(2); “Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”(3).

Tuy nhiên, do lý luận có tính gián tiếp, trừu tượng cao trong phản ánh hiện thực, có thể chịu sự chi phối của một hệ tư tưởng nào đó nên lý luận có nguy cơ trở thành giáo điều, xa rời cuộc sống. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm mang tính phương pháp luận: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(4). Để vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người luôn trăn trở, rồi tự đặt ra nhiệm vụ: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(5). Người cũng khẳng định, chủ nghĩa Mác không phải là kinh thánh, là những công thức có sẵn, cứng nhắc, mà phải luôn xuất phát từ thực tiễn của đất nước để vận dụng lý luận đó vào nước ta cho phù hợp.

Sớm nhận ra bệnh giáo điều lý luận ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán lối tiếp thu lý luận và kinh nghiệm theo kiểu “thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc”(6)… “Trong khi các cô, các chú nghiên cứu tài liệu, không phải học cho thuộc lòng. Dù có thuộc từ đầu chí cuối mà không biết cách áp dụng vào thực tế thì thuộc cũng vô ích, đó là giáo điều”(7) - giáo điều về lý luận.

Người chỉ rõ, việc học tập và vận dụng kinh nghiệm của người khác, ngành khác, địa phương khác, nước khác vào thực tiễn một cách máy móc, cứng nhắc, thiếu sáng tạo và không tính tới những điều kiện thực tiễn lịch sử cụ thể là giáo điều kinh nghiệm, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, hiệu quả hoạt động cải tạo hiện thực: “Tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”(8). Phải biết khéo vận dụng kinh nghiệm. Không phải hễ thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích hai khuynh hướng đều dẫn tới sai lầm trong học tập kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(9). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Sai lầm nhất là khuynh hướng giáo điều, vì nó mượn những lời của Mác, Lênin, dễ làm cho người ta lầm lẫn”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giáo điều là trái với nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, nó có hại cho công cuộc cách mạng”(11). Vì vậy, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, học tập gắn với hành động thiết thực, hiệu quả, đấu tranh chống bệnh giáo điều.

Những chỉ dẫn, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bệnh giáo điều thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(12).

Thứ hai, cần quán triệt phương châm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”(13); “Không có lý luận như nhắm mắt mà đi… Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ… Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông… Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”(14). Những quan điểm này cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lý luận mà còn là một nhà hoạt động thực tiễn tài tình; vừa coi trọng lý luận, vừa coi trọng thực tiễn. Đây là hai yếu tố luôn tương tác, gắn kết chặt chẽ, có mối quan hệ biện chứng, bổ sung cho nhau để cùng hoàn thiện.

Thứ ba, “Chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”. Nghĩa là, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải theo tình hình thực tế của nơi đó và lúc đó, mà tổ chức thực hiện, tranh đấu. Trong từng giai đoạn, thời kỳ, đứng trước thực tiễn luôn biến đổi, cần lựa chọn phương pháp, bước đi phù hợp, sáng tạo. Người khẳng định: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(15).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống bệnh giáo điều của cán bộ, đảng viên hiện nay

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Điều này cho thấy, cái giá phải trả của quá trình từ chủ nghĩa giáo điều sang chủ nghĩa phiêu lưu chính trị, xa rời các nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác là rất nặng nề. Vì vậy, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý giá từ thực tế, vượt qua những khó khăn thử thách, vững bước đi lên và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn tình trạng bảo thủ, giáo điều. Điều đó đã khiến cho việc triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa sát hợp thực tiễn; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn rập khuôn, máy móc, thiếu tính sáng tạo… Tình trạng trên đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận và Nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ tới vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và niềm tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bệnh giáo điều xuất hiện và biểu hiện dưới dạng “hàn lâm”, “kinh viện”, xa rời thực tiễn, quá lạm dụng sách vở; nghiên cứu học tập lý luận nhưng không “tiêu hóa” được lý luận. Việc “sùng bái sách vở” chính là do đọc sách quá ít hoặc không đọc đến nơi đến chốn... Lối học tập đó sẽ dẫn đến sự hình thành trong tư duy một hình thức cực đoan, lối mòn, thể hiện ở những bài viết thoạt nhìn có vẻ giống như lý luận nhưng thực chất chỉ là sao chép suy nghĩ của người khác, chứ không phải là lập luận logic, có căn cứ khoa học và thực tiễn. Từ đó, xuất hiện tư tưởng coi thường lý luận hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Nói chỉ là nói lý luận suông, làm thì theo kinh nghiệm của cá nhân. Để học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đấu tranh, khắc phục bệnh giáo điều có hiệu quả, chúng ta cần hiểu rằng, “cái còn lại vĩnh viễn của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở phương pháp luận và những phương pháp, ở bản chất của vấn đề chứ không nằm ở hành vi, bởi hành vi chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp ở lúc này mà không phù hợp lúc khác”(16). Vì vậy, để đấu tranh với bệnh giáo điều ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cần thống nhất nhận thức về việc học tập lý luận nhằm nâng cao trình độ tư duy lý luận, chống giáo điều lý luận, tăng tính thực tiễn trong học tập lý luận: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin”, chứ không coi việc học tập lý luận là để gắn cái “mác”, để có cái “bằng”, học tập để nói cho “có vẻ” lý luận; học lý luận để biết “dăm câu ba chữ” dùng làm “trang sức” hoặc để lòe người khác mà không để vận dụng vào công việc cách mạng, công tác thực tiễn. Học lý luận nhằm “củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị”; nâng cao trình độ tư duy lên tầm lý luận; giải thích và chỉ đạo, hướng dẫn thực tiễn bằng lý luận. Học tập lý luận phải nhằm “mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”(17).

Hai là, phải quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phái giáo điều làm trái với chỉ thị của Lênin. Họ không phân tích rành mạch việc gì hết. Họ viết hoặc họ nói, đều là trống rỗng, họ gây nên một tác phong rất xấu trong Đảng”(18). Vì vậy, khi nghiên cứu, học tập và vận dụng kinh nghiệm của các nước, phải căn cứ vào thực tiễn đất nước ta để tìm ra hướng đi riêng cho mình; biết lựa chọn kinh nghiệm nào cho phù hợp, nếu không sẽ phạm phải giáo điều khi vận dụng kinh nghiệm. “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(19).

Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về việc quán triệt phương châm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Một trong những biểu hiện sinh động ấy thể hiện rõ nhất là trong khoảng 10 năm (từ năm 1955–1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện hơn 700 lượt thăm(20), tiếp xúc với cán bộ, các cụ phụ lão, bộ đội, công nhân, nông dân, giáo viên, bác sĩ, các cháu thanh, thiếu niên nhi đồng, thanh niên xung phong, các hợp tác xã, trường học… Nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn trở thành biện pháp cơ bản, hữu hiệu để ngăn ngừa, khắc phục bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm, bệnh chủ quan duy ý chí… và có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay.

Ba là, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận, làm giàu tri thức.

Phương thức, con đường để Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra được những kết luận mang tính khoa học cách mạng, đúng đắn và sáng tạo để soi sáng hoạt động thực tiễn cách mạng là: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”(21). Vì vậy, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, chúng ta phải thường xuyên chú trọng việc tổng kết kinh nghiệm để bổ sung và phát triển lý luận cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam có những thời cơ và thuận lợi mới, song cũng gặp không ít nguy cơ và thách thức cần nỗ lực vượt qua, do đó đòi hỏi phải thường xuyên tổng kết kinh nghiệm để bổ sung phát triển lý luận, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với giai đoạn cách mạng mới hiện nay./.

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.279.

(2),(14) Sđd, tập 5, tr.273, tr.274-275.

(3) Sđd, tập 6, tr.357.

(4),(5) Sđd, tập 1, tr.509, tr.510.

(6),(8),(9),(12),(13),(17),(19) Sđd, tập 11, tr.95, tr.97, tr.97-98, tr.92, tr.95, tr.95, tr.611.

(7),(10),(11),(18),(21) Sđd, tập 7, tr.494, tr.120, tr.600, tr.574, tr.120.

(15) Sđd, tập 10, tr.391.

(16) Mạch Quang Thắng, “Hồ Chí Minh đồng hành cùng dân tộc”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, tr.52.

(20) Phạm Tất Thắng, Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb CTQG-ST, H.2010, tr.63.

Tài liệu tham khảo:

1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H.1995.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG-ST, H.2015.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021.

5. Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2003.

6. Phạm Tất Thắng, Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb CTQG, H.2010.

7. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG-ST, H.2012.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung - Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Phan Tăng Tuấn - Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo tcnn.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: