Trong quá trình tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến các điều kiện, yếu tố đặc thù của châu Á nói chung; của Đông Dương và Việt Nam nói riêng để đảm bảo chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ thành công khi vận dụng vào thực tiễn châu Á, Đông Dương và Việt Nam. Đó là sự tiếp biến khoa học, thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng và đổi mới sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Những thành công vĩ đại của cách mạng Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay luôn ghi nhận dấu ấn công lao, đóng góp mang tính quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đi tiên phong trong việc kết hợp hài hòa các yếu tố dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại để xây dựng và thực hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

quan diem nguyen ai quoc
Ảnh tư liệu.

Từ khi hình thành về lý luận (cuối thế kỷ XIX) cho đến khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công (năm 1917), chủ nghĩa xã hội (CNXH) tồn tại chủ yếu ở châu Âu. Chịu sự chi phối của điều kiện, hoàn cảnh khi đó (giữa thế kỷ XIX), C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho rằng CNXH chỉ ra đời ở những nước tư bản phát triển. Sau đó, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định: CNXH thắng lợi ít nhất cũng phải ở một nước tư bản (kể cả nước tư bản trung bình). Trong bài Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (viết năm 1847), Ph.Ăng-ghen cho rằng: “Vì vậy, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Trong mỗi một nước đó, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển nhanh hay chậm, là tùy ở chỗ nước nào trong những nước đó có công nghiệp phát triển hơn, tích lũy được nhiều của cải hơn và có nhiều lực lượng sản xuất hơn”(1).

Do sự thay đổi của lịch sử và sự tiến bộ của phong trào cách mạng, đến năm 1877, C.Mác và Ph.Ăng-ghen bổ sung rằng cách mạng sẽ nổ ra ở phương Đông mà Nga là nước tiên phong. Trong Thư gửi Phri-đrích A-đôn-phơ Doóc-gơ ở Hô-bô-ken, C.Mác đã viết: “…Lần này cách mạng sẽ nổ ra ở phương Đông vốn cho đến nay vẫn là thành trì chưa bị đụng đến và là đội quân dự trữ của thế lực phản cách mạng”(2). Tuy nhiên, quan điểm này không được quan tâm và nhắc đến nhiều. Đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX, vấn đề này lại được đặt ra và chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đưa vấn đề này ra để bàn luận.

Trong bài Đông Dương đăng trên Tạp chí La Reveu Communiste, số ra ngày 15/5/1921, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt ra một vấn đề lớn cho các nước thuộc địa ở châu Á, trong đó có Việt Nam: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không”(3). Với nhãn quan chính trị sắc sảo và sự hiểu biết sâu rộng, trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các nước châu Á một cách toàn diện cả về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, Người đi đến kết luận: “Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”(4). Những điều kiện đó thể hiện qua một số quan điểm sau:

Thứ nhất, về cơ sở lịch sử, văn hóa ở các nước châu Á.

Ở các nước châu Á, từ rất sớm đã hình thành những quan điểm mang tính chất xã hội chủ nghĩa, tương đồng, gần gũi với CNXH hiện đại như tư tưởng về xã hội đại đồng, công bằng tài sản, giáo dục và đề cao giá trị nhân văn; tư tưởng phải đấu tranh cho hạnh phúc của con người, đề cao nhân dân; đề cao tinh thần yêu nước, yêu hòa bình tự do; đề cao tinh thần tập thể, cố kết cộng đồng... những tư tưởng này đã sớm phát triển và trở thành cơ sở thuận lợi để tiếp nhận tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Ngoài ra, các nước phương Đông cũng chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo. Một số quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Lào… coi Phật giáo là quốc đạo; ở Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar… thì Phật giáo chiếm ưu thế lớn trong đời sống tinh thần của xã hội với hàng triệu phật tử. Phật giáo với tư tưởng nổi bật về tự do, bình đẳng xã hội và khát vọng giải phóng con người khỏi bi kịch cuộc đời, luôn nêu cao thiện tâm, bình đẳng, bác ái cho mọi người và coi đó như là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của đời sống xã hội. Những tư tưởng này có những điểm tương đồng với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa nên đã giúp tư tưởng về CNXH dễ dàng được thừa nhận và tiếp thu ở các dân tộc phương Đông. Đây là cơ sở để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chứng minh, lý giải chủ nghĩa cộng sản thích ứng dễ dàng hơn ở các quốc gia châu Á.

Thứ hai, về cơ sở kinh tế, xã hội của các nước châu Á.

Không chỉ nghiên cứu về cơ sở lịch sử, văn hóa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh còn phân tích tình hình chính trị và phong trào đấu tranh yêu nước hiện thời của các nước điển hình châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, các nước ở Đông Dương và cơ sở kinh tế, xã hội của các nước phương Đông để khẳng định chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á. Người phân tích rằng, gần 5.000 năm nay ở phương Đông đã có “chế độ tỉnh điền” với đặc trưng là: “Chia đất đai trồng trọt theo hai đường dọc và hai đường ngang. Như vậy sẽ có chín phần bằng nhau. Người cày ruộng được lĩnh mỗi người một phần trong 8 miếng, miếng ở giữa tất cả đều cùng làm và sản phẩm được sử dụng vào việc công ích. Những đường phân giới được dùng làm mương dẫn nước”(5). Dưới chế độ thực dân Pháp và thực dân nửa phong kiến, lúc đó nhiều nơi nông dân Việt Nam đã bị tước đoạt hết ruộng đất, buộc phải đi làm thuê cho bọn địa chủ, tư bản, thực dân và trở thành tiền thân của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay.

Từ những khảo cứu công phu, sâu sắc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận cuộc đấu tranh giai cấp ở đây không diễn ra giống như ở phương Tây. Người cho rằng: “Về phía người lao động, đó là sự không giác ngộ, sự nhẫn nhục và kết quả là thiếu tổ chức… nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có tài sản gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa”(6). Người khẳng định: “Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”(7). Để trả lời câu hỏi: với tính chất xã hội ở phương Đông không giống phương Tây như vậy thì liệu chủ nghĩa Mác có thể du nhập thành công được hay không, Người lý giải: “Mai đây, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây làm đổi thay phương Đông thì đấu tranh giai cấp có trở nên quyết liệt không? Đại thể là có, nếu xét gương của Nhật Bản. Thật ra là có, vì sự Tây phương hóa ngày càng tăng và tất yếu phương Đông; nói cách khác, chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”(8).

Như vậy, dù cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông khác với phương Tây và ở phương Đông thì chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn, nhưng nếu chủ nghĩa tư bản xâm nhập vào phương Đông thì đó sẽ là một điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa Mác được tiếp nhận vào các nước phương Đông dễ dàng hơn. Do đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản”, đó là một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời, vì “Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xô-viết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(9), còn sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới.

Từ phân tích về giai cấp xã hội các nước phương Đông và Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà C.Mác ở thời mình không có được. Người cho rằng: “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông, đó chính là nhiệm vụ của các Xô viết”(10). Tại sao lại như vậy, Người nêu rõ: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(11). Qua đây cho thấy, Người đã phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể của các nước phương Đông và Việt Nam một cách khoa học và sáng tạo. Điều này cũng chứng minh quan điểm của Người hoàn toàn xa lạ với cái gọi là khuynh hướng xét lại chủ nghĩa Mác mà các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá hiện nay.

Thứ ba, sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản ở châu Á.

Cuối thế kỷ XIX, hầu hết các quốc gia ở châu Á đều là thuộc địa hoặc thuộc địa nửa phong kiến đặt dưới sự cai trị của đế quốc thực dân. Chúng không chỉ ra sức vơ vét của cải, tài nguyên của các nước thuộc địa mà còn đàn áp dã man các phong trào yêu nước và dìm các phong trào yêu nước ấy trong bể máu. Đặc biệt, ở Đông Dương, nơi bị thực dân Pháp xâm lược, thống trị dã man, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(12).

Sự nhận định này dựa trên thực tiễn của cách mạng Việt Nam và trải qua quá trình khảo nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, các mô hình nhà nước tư bản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ bản chất tàn bạo của nghĩa tư bản. Đứng trên góc độ của người thuộc địa, góc độ của các dân tộc bị áp bức, Người đã phê phán một cách có căn cứ và hết sức sâu sắc về chủ nghĩa đế quốc và đã chỉ ra rằng: “Hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các nước thuộc địa hơn là ở chính quốc”(13). Đây là cống hiến quan trọng vào việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”(14). Chính vì vậy, các nước châu Á không thể lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa - chế độ đày đọa và bóc lột tận xương tủy.

Thứ tư, khát vọng của nhân dân các nước thuộc địa và bản chất tốt đẹp của CNXH.

Nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa có khát vọng mãnh liệt là muốn được giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách áp bức, thống trị của đế quốc, thực dân, giành lại độc lập chủ quyền, phấn đấu đến cùng cho nền độc lập của Tổ quốc và xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân trở thành người làm chủ, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Khát vọng này của nhân dân các nước thuộc địa hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của CNXH, chủ nghĩa cộng sản đó là xây dựng một xã hội mới: “Một thế giới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người”(15). Nghiên cứu về CNXH, Người nêu rõ: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(16).

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rõ mục đích của CNXH là tất cả vì lợi ích của đông đảo những người lao động. CNXH là một xã hội mới mà “trong đó mọi người được sung sướng, ấm no”; “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(17). Người khẳng định, CNXH là một xã hội hướng tới phục vụ lợi ích vật chất và tinh thần của đông đảo những người lao động. Người lao động là những người sản xuất ra phần lớn của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của xã hội, vì vậy họ phải được hưởng thụ một cách xứng đáng những giá trị mà họ tạo ra. Điều đó đã chứng minh, chính từ bản chất tốt đẹp của CNXH phù hợp với khát vọng của nhân dân các nước thuộc địa cũng là cơ sở cho sự thâm nhập của CNXH, chủ nghĩa cộng sản vào châu Á nói chung một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những vấn đề còn thiếu để có thể tuyên truyền CNXH, chủ nghĩa cộng sản vào châu Á, đó chính là sự tự do được hành động và công cụ để tuyên truyền: “Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động: tự do báo chí, tự do du lịch, tự do dạy và học, tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hóa thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man)”(18). Vì vậy, Người chỉ ra rằng: “Tôi khẳng định rằng ngày mà thanh niên An Nam biết rằng ở Mátxcơva có một trường đại học cho người phương Đông học miễn phí, sẵn sàng tiếp đón họ…”(19). Điều này như một sự khẳng định về việc chủ nghĩa Mác hoàn toàn dễ dàng có thể xâm nhập vào châu Á và nếu được truyền bá một cách tự do thì thanh niên ở phương Đông nói chung và thanh niên An Nam nói riêng sẽ tích cực học tập để trở thành những người cộng sản chân chính, và quay trở về để truyền bá CNXH, chủ nghĩa cộng sản ở dân tộc mình.

Thực tiễn đã chứng minh, khi chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào các nước phương Đông, thì rất nhiều đảng cộng sản và các đảng theo xu hướng cộng sản đã được thành lập ở các nước đó. Thực tế đó đã chứng minh dự báo, nhận định thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về những điều kiện dễ dàng cho sự du nhập thành công của chủ nghĩa cộng sản vào châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, cũng như sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và một thế giới cộng sản chủ nghĩa tương lai./.

----------------------------

Ghi chú:

(1) Mác, Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2002, tr.472.

(2) Mác, Ăngghen, Toàn tập, tập 34, Nxb CTQG, H.2002, tr.405.

(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14),(18),(19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.45, tr.47, tr.47, tr.508-509, tr.509, tr.509, tr.513, tr.510, tr.510, tr.40, tr.296, tr.48, tr.496, tr.518.

(15) Sđd, tập 12, tr.70.

(16),(17) Sđd, tập11, tr.610, tr.604.

Đoàn Mạnh Đồng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo tcnn.vn

Hà An (st)

Bài viết khác: