Đổi mới là một trong những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực một tư duy đổi mới và thực hành đổi mới. Học tập và noi gương Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
“Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”
Tư tưởng “đổi mới” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ sớm trong nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói, nổi bật là “Đường kách mệnh” (năm 1927), “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đời sống mới” (năm 1947), “Dân vận” (năm 1949), đặc biệt là trong bản Di chúc thiêng liêng (năm 1965-1969). Từ các bài viết, bài nói của Người đã toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Người chỉ rõ: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Tuy vậy, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa và phát triển, “cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh mục đích của đổi mới là vì nước, vì dân và đổi mới phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và giải quyết hiệu quả những đòi hỏi của thực tiễn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của đổi mới là nhân dân. Người luôn căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân." Người cũng nhắc nhở, đổi mới là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ và phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp: “đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn, do vậy, phải có kế hoạch thật tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo, thực hiện chắc chắn”.
Có thể thấy rằng, quan điểm đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giản dị, dễ hiểu nhưng vô cùng sâu sắc. Tư tưởng đổi mới là cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp truyền thống của dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Đạo đức đổi mới là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phong cách đổi mới là kiên định, sáng tạo, thực tiễn, hiệu quả. Đó là những giá trị vĩnh hằng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Và không chỉ nói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hành động. Hơn nữa còn hành động quyết liệt. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới thấm vào toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người, xuyên suốt, nhất quán từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời. Ngay từ năm 1911, khi đất nước còn đắm chìm trong đêm dài nô lệ, Người đã quyết định đi tìm chân lý cứu nước, với một hướng đi mới, một phương pháp tiếp cận mới, phương thức hành động mới. Đó là đi về phương Tây, tiếp thu những trào lưu tư tưởng mới, khảo nghiệm những cuộc cách mạng điển hình trên thế giới; rồi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra chân lý cứu nước và con đường giải phóng cho dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, kế thừa những kinh nghiệm, nghệ thuật trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nhân loại, cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (năm 1941) đến khi Người về với thế giới người hiền (năm 1969) là một công cuộc đổi mới liên tục của Đảng, của nhân dân ta theo sự dẫn dắt của Người.
Soi sáng sự nghiệp đổi mới của Đảng ta, nhân dân ta
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo lời Người dạy, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp, không nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không phủ định sạch trơn… với mục tiêu: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng, an ninh, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)… Văn kiện các đại hội Đảng, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương các nhiệm kỳ từ năm 1986 đến nay cũng luôn nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đường lối đổi mới của Đảng luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trải qua hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, nước ta đã và đang đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Với bản lĩnh và trí tuệ của mình, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tìm tòi, sáng tạo và xây đắp nên nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một kỳ tích vĩ đại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cách mạng và dân tộc Việt Nam; mở ra thời kỳ mới, thời kỳ hình thành, phát triển nền CNH, HĐH đất nước.
Sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã bứt phá ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn được duy trì ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,80%; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên mạnh mẽ, đạt trên 4.000 USD năm 2022. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có bước phát triển tích cực. Chúng ta đã xây dựng thành công bước đầu một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Từ một nước nhập siêu trở thành xuất siêu và xuất siêu liên tiếp trong 7 năm (2016-2022). Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa để lại nhiều dấu ấn với sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu sang nhiều “thị trường khó tính”. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày càng khởi sắc, phát triển, làng quê Việt Nam đang khoác lên mình bộ áo mới, đầy sức sống. Đặc biệt, dịch vụ và du lịch phát triển nhanh. Bộ mặt đất nước từng ngày thay da đổi thịt. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được dầu tư mở rộng, hiện đại. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã thu hút được trên 500 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia trên thế giới. Ký kết nhiều Hiệp định thương mại quan trọng với các đối tác lớn trên thế giới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng trong các tổ chức khu vực và quốc tế như: ASEAN, Liên hợp Quốc, WTO… Những đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong các tổ chức này ngày càng được các nước ghi nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của thế giới. Đó là những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng tạo đà để nhân dân ta tiếp tục tạo nên thành công mới trong các giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, đất nước ta bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, với những thời cơ, vận hội lớn đan xen, và với không ít khó khăn, thách thức. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, phấn đấu “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng ta chủ chương tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc ta trên con đường đổi mới./.
Theo TTXVN
Tâm Trang (st)