Xét về mặt tích cực, hiếu học là một nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế, kịp thời đón nhận những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật tân tiến của thế giới, chiếm lĩnh đỉnh cao về trí tuệ của nhân loại.
Học để đưa dân tộc ta, đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như kỳ vọng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở. Ảnh tư liệu.
VỊ TRÍ HIẾU HỌC TRONG BẢNG XẾP HẠNG CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM
Trong các năm 2008-2010, Đề tài cấp Nhà nước với chủ đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập” được triển khai thực hiện. Sau khi nghiệm thu thành công, Đề tài được xuất bản thành sách chuyên khảo do Ngô Đức Thịnh chủ biên. Trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước về hệ giá trị tổng quát, cuốn sách đưa ra một danh sách gồm 19 yếu tố được xem là giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, được xếp theo thứ tự bảng chữ cái, gồm: 1) Anh hùng; 2) Cần cù; 3) Chí công vô tư; 4) Chịu khó/nhẫn nhục; 5) Đoàn kết; 6) Giản dị trrong lối sống; 7) Hiếu học; 8) Khoan dung tôn giáo; 9) Lạc quan; 10) Rộng lượng/quý khách; 11) Sáng tạo; 12) Thương người; 13) Tinh tế trong ứng xử; 14) Trung thực; 15) Vì nghĩa; 16) Ý chí tự cường; 17) Ý thức cộng đồng; 18) Yêu gia đình, làng xóm; (19) Yêu nước.
Qua điều tra thực tế tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành một bảng xếp hạng giá trị văn hóa Việt Nam theo nhận thức của người dân Việt Nam nói chung ở thời điểm đầu thế kỷ XXI, trong đó, giá trị hiếu học đứng thứ 6 ở câu hỏi về truyền thống đã có và đứng thứ 4 ở câu hỏi truyền thống hiện nay vẫn còn được lưu giữ. Có nghĩa là, hiếu học đang được người dân Việt Nam hiện nay nhận thức là một trong những giá trị văn hóa nổi bật nhất của Việt Nam.
Như vậy, bằng con số định lượng của cuộc điều tra trên phạm vi rộng này, lần đầu tiên, hiếu học được xác nhận là một trong những giá trị văn hóa Việt Nam nổi bật nhất cả trong quá khứ và hiện tại.
Xét trên toàn cảnh khu vực châu Á, hiếu học cũng là một giá trị nổi trội. Giá trị châu Á gồm 4 yếu tố chính, đó là: hiếu học (đề cao giáo dục, đức tính ham học); cộng đồng (đề cao trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng); cần cù (yêu lao động); huyết thống (tôn trọng quan hệ gia đình, huyết thống). Trong đó, hiếu học được đặt lên hàng đầu.
Xét về mặt tích cực, hiếu học là một nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế, kịp thời đón nhận những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật tân tiến của thế giới, chiếm lĩnh đỉnh cao về trí tuệ của nhân loại. Học giả Việt Nam đều đánh giá rất cao truyền thống hiếu học của người Việt Nam. “Đứng từ góc độ xã hội hiện đại, cách tiến thân bằng học chữ và chế độ thi cử thể hiện tính dân chủ và tiến bộ. Bất cứ ai đã là người dân của quốc gia, không kể xuất thân giàu sang hay nghèo hèn, thượng lưu hay bần dân, nếu học giỏi thi đỗ thì có thể ra làm quan và có thể leo lên tới bậc thang cao nhất của xã hội đương thời. Điều này, hoàn toàn khác với những xã hội theo đẳng cấp,...”(1).
Nhưng ở góc nhìn mang tính tự phản tỉnh, bản thân hiếu học như quan niệm vốn có về hiếu học của người Việt Nam trong bối cảnh làng, xã truyền thống trước đây và trong xã hội đương đại, hiếu học là kiểu học gạo (nói dân dã)(2), hay học để làm quan (nói quan phương), lại là một trở lực không nhỏ, thậm chí có thể khiến nền giáo dục và khoa học - kỹ thuật Việt Nam lạc điệu so với thế giới, tự thu mình vào một khoảng trời riêng.
NGUỒN GỐC CỦA TƯ DUY “HỌC ĐỂ LÀM QUAN”
Trong bối cảnh xã hội làng, xã Việt Nam truyền thống, hầu như không có ranh giới phân biệt quá lớn giữa bốn hạng người trong “tứ dân”: sĩ, nông, công, thương. Một người con có trí thông minh và lòng hiếu học sinh trưởng trong một gia đình nông, qua việc đỗ đạt trong hệ thống khoa cử, có thể bước vào tầng lớp sĩ. Khi đi học, người học sinh ấy sẽ được cấp học điền (ruộng học) hay bút điền (ruộng bút) từ số công điền của làng. Khi đỗ đạt, được vinh quy về làng. Khi nghỉ hưu, có thể trở lại làng để vui thú với ruộng vườn và chòm xóm. Khi mất, có thể được thờ ở đình để trở thành thành hoàng, hoặc được khắc tên truyền đời ở văn chỉ. Bằng nhiều hình thức khác nhau, hiếu học được khích lệ và ca tụng, trở thành một phương cách để chuyển đổi thân phận. Trở thành kẻ sĩ là giấc mơ của cả làng xóm và của mỗi gia đình trong làng xóm thời xưa.
Giấc mơ trở thành kẻ sĩ ấy vốn có căn nguyên từ Khổng giáo. Tư tưởng “học nhi ưu tắc sĩ” (học mà giỏi thì làm quan) của Khổng giáo được xem như là mục đích tối thượng của việc học. Người ta cố gắng bằng mọi cách để học, học cho thật giỏi, để có thể một ngày được ra làm quan. Làm quan là mục đích tối thượng và cũng là động lực chính cho việc học. Học không chỉ để khám phá, tìm tòi sâu sắc về mặt trí tuệ, mà cốt là để có được bằng cấp cho việc đổi đời và tiến thân. Nhìn vào nội dung học và nội dung thi cử trong quá khứ, từ rất lâu, bản thân các đại trí thức nước Việt, như Lê Quý Đôn hay Phan Huy Chú, đã phê phán đó là lối học chuộng hư văn, không có thực chất, học chỉ để đi thi. Bản thân các vị đó đã mong muốn một nền giáo dục trọng thực học. Từ trong truyền thống của Nho giáo, Lê Quý Đôn đã đề cao tinh thần “cách vật trí tri” hay “trí tri tại cách vật”, có nghĩa là “muốn có tri thức đầy đủ nhất định phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, tỉ mỉ các sự vật” hoặc “phải nghiên cứu sự vật tới cùng”. Sau này, tư duy học chỉ để đi thi tiếp tục bị các tri thức cấp tiến đầu thế kỷ XX, như các nhà giáo dục trong Hội Trí Tri hay Đông Kinh Nghĩa Thục phê phán và đòi loại bỏ.
Sau những cuộc cách mạng xã hội lớn lao của thế kỷ XX, có những lúc tựa như nhiều yếu tố của quá khứ bị chìm lấp hay vĩnh viễn bị chôn vùi, Nho giáo tưởng chừng đã không còn mảnh đất tồn tại, nhưng không phải vậy, ngay ngày hôm nay, ở đầu thế kỷ XXI, chúng ta vẫn chứng kiến những nối dài, thậm chí có khi còn được đẩy cao hơn của tư tưởng “học nhi ưu tắc sĩ”.
Hơn ba thập niên đã qua, chúng ta kêu gọi đổi mới tư duy để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với thế giới. Đồng thời, khi bước ra vũ đài quốc tế, như một thôi thúc nội tại, chúng ta cũng nhấn mạnh đến việc trở về cội nguồn, tìm lại và phát huy truyền thống dân tộc. Những mặt tích cực của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam, nhất là trong phạm vi giáo dục gia đình, được tái hiện và coi trọng.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở hai xã vùng cao biên giới là La Dê và Đắc Tôi của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, luôn phát huy truyền thống hiếu học.
THỰC HỌC
Để có được một đất nước mạnh thì chúng ta cần có từng quốc dân mạnh, và để có được từng quốc dân mạnh, chúng ta cần phải có triết lý giáo dục mạnh. Thế nào là “mạnh” thì lại cần những thảo luận sâu hơn nữa. Ở đây, trước hết đưa một gợi ý: hãy thử đổi mới toàn diện, để đặt lại tiêu điểm của giáo dục từ học để làm quan, sang học để làm người, học trước hết để làm một công dân tốt. Việc này chắc chắn sẽ đưa đến những bước chuyển lớn, không chỉ trong giáo dục, mà trong cả ý thức dân tộc chi phối đến mọi lĩnh vực (pháp luật, kinh tế, ngoại giao…).
Một trong những ví dụ tiêu biểu là trường hợp Nhật Bản, một đất nước có diện tích và dân số khá tương đồng với Việt Nam. Cùng nằm trong vùng Đông Á, từng chịu ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, nhưng Nhật Bản từ trong truyền thống không thu nạp cũng như coi trọng khoa cử. Ở đất nước này, không có những kỳ thi hương, thi hội, thi đình, không có lối học chuộng hư văn, không có bảng vàng bia đá đề danh các vị tiến sĩ mặc dù vẫn có thánh đường thờ Khổng Tử. Kẻ sĩ ở Nhật Bản, từ trong truyền thống, đã coi trọng vào thực tài và thực lực. Một người thợ có thể suốt đời và truyền đời chú tâm vào nghề - sinh ư nghệ, tử ư nghệ - để làm ra những sản phẩm tuyệt kỹ. Một đất nước đã được xây dựng nên từ những người thợ lành nghề và yêu nghề như vậy.
Về Nho giáo, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) - nhà tư tưởng được xem là đã khai sinh ra Nhật Bản hiện đại ngày nay, là nhà giáo dục của thời Minh Trị có tư tưởng ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với nước Nhật thời cận đại - vừa chỉ ra những ảnh hưởng tốt của nó đối với sự trưởng thành của văn minh Nhật Bản, đồng thời cũng chỉ ra những tác hại lớn của nó.
Về công lao của Nho giáo nói chung, Fukuzawa viết: “Không phải chỉ ở Nhật Bản thì sự học mới bị suy thoái vào thời chiến. Ở châu Âu, suốt từ thời Trung cổ tăm tối cho đến thời phong kiến, học thuật là độc quyền của giới tu hành và chỉ được mở rộng cho đại chúng kể từ sau thế kỷ XVII. Mặt khác, cách học khác nhau giữa phương Đông và phương Tây. Nếu phương Tây lấy thực nghiệm làm chính thì Nhật Bản coi trọng học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử. Sự khác nhau giữa học lý thuyết và học thực tế không thể được đánh giá dựa trên cùng một thang giá trị, cũng như không thể phê phán nền học thuật phương Đông này. Nhờ có Phật giáo và Nho giáo mà dân tộc Nhật Bản đã thoát khỏi thế giới mông muội, đến được với trình độ văn minh như bây giờ. Đặc biệt sự thịnh đạt của Nho giáo thời cận đại đã góp công rất lớn để gột rửa những mê muội trong tâm trí con người, nhờ đập tan các lý thuyết hão huyền dối trá (…) vốn ăn sâu trong xã hội. Ở điểm này thì có thể nói Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn”(3). “Nếu không có Nho giáo thì nước Nhật đã không đạt đến trình độ văn minh như ngày hôm nay. Ở phương Tây có khái niệm refinement (tinh luyện), nghĩa là rèn đúc nhân tâm để trở nên tao nhã - tinh tế, ở điểm này thì đóng góp của Nho giáo là rất lớn”(4).
ĐOẠN TUYỆT VỚI “HỌC GẠO” HAY “HỌC ĐỂ LÀM QUAN”
Ngày nay, chúng ta không cần thiết và không nên rập khuôn máy móc những gì mà các quốc gia xung quanh đã làm từ đầu thế kỷ XX, nhưng triết lý giáo dục mạnh chính là điều mà chúng ta đang thiếu. Trước hết, chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại truyền thống hiếu học lâu nay của chúng ta. Hiếu học trong giáo dục của chúng ta lâu nay thực chất không phải là “yêu sự học” hay “yêu tìm tòi sáng tạo về tri thức, trí tuệ”, mà đa phần là nhắm đến bằng cấp và danh vọng, tức là yêu bằng cấp và yêu danh vọng.
Trong những đánh giá gần đây, có một số phản biện thẳng thắn của các học giả đương đại về các truyền thống văn hóa của người Việt Nam, trong đó, có đề cập hiếu học. Thậm chí, có ý kiến đã phát biểu rộng rãi ra công luận rằng: thực chất, hiếu học của người Việt chỉ là ngộ nhận, còn cần cù chỉ là huyền thoại.
Cũng có những tác phẩm đặt ra vấn đề rằng đức tính hiếu học của người Việt Nam vì đâu mà có? Và nếu có, truyền thống lâu đời ấy nảy sinh như thế nào, và ngày nay có còn được bảo tồn và tiếp nối không? Theo đó, tác giả viết: “Tôi chỉ xin bày tỏ một niềm tin rằng chừng nào tính hiếu học hãy còn thoi thóp trong một số người Việt bất chấp sự khinh miệt của xã hội, ta còn có thể hy vọng rằng sẽ có lúc nó được hồi sinh, vì đó là một trong những đức tính cao quý nhất của con người. Nhưng chỉ với điều kiện là chúng ta phải ra sức duy trì nó bằng tất cả tấm lòng, bất chấp xã hội, bất chấp thời cuộc, bất chấp cơ chế thị trường và những thói rởm đời đi đôi với nó, vì coi khinh học thức chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy vong của dân tộc”. Như vậy, hiếu học thực sự là một đức tính đáng quý của người Việt Nam, nhưng hiện nay người hiếu học thực sự còn rất ít.
Về hiếu học của người Việt Nam xưa, có học giả cho rằng: “Thời xưa người Việt đi học chỉ cốt để làm quan, cốt thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Vì vậy mà câu dạy con thường gặp là “Không học thì lớn lên đi cày!”. Còn hiếu học của người Việt Nam ngày nay “sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ai cũng cố gắng vào đại học, nhưng vào được rồi thì phần lớn sinh viên đều không muốn phải đọc nhiều, học nhiều, trong khi thích tranh thủ kiếm thêm vài cái bằng nữa. Nhiều người đi học hệ tại chức (vừa học vừa làm), thậm chí cả cao học, nghiên cứu sinh, cũng chỉ cốt lấy bằng nên mới sinh ra nạn “học giả bằng thật”... Sở dĩ người Việt đi học mà không coi trọng việc tiếp thu kiến thức, phương pháp học là do hàng loạt nguyên nhân. Thứ nhất, là do tầm nhìn gần - xưa học để đi thi, làm quan, nay học để đi thi, lấy bằng. Thứ hai, là do bệnh đối phó - chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt là đi thi. Thứ ba, là do bệnh sĩ diện, muốn bằng bạn bằng bè. Thứ tư, là do tổ chức xã hội kém, quản lý không nghiêm, cùng với lối sống trọng tình nên chỉ cần có bằng cấp và có quan hệ tốt thì dù dốt, dù năng lực kém cũng vẫn có thể có được địa vị cao trong xã hội…”(5).
“Sự khác biệt giữa hiếu học với hiếu danh thể hiện ở chỗ, người hiếu học đi học trước hết quan tâm đến việc nâng cao tri thức và năng lực, còn người hiếu danh đi học là nhằm để có địa vị cao trong xã hội. Ở các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo đều có tình trạng hiếu danh này. Song ở các nước Đông Bắc Á, nhờ xã hội được quản lý tốt nên muốn có địa vị cao thì phải có tri thức. Cộng thêm lối tư duy của người Đông Bắc Á vừa có tính chu toàn giống ta nhưng cũng vừa có tính phân tích giống phương Tây, đồng thời, họ cũng là những dân tộc thực sự cần cù, cho nên để có danh, họ phải học hành đến nơi đến chốn. Kết quả là, trong lịch sử, các quốc gia Đông Bắc Á đều có những phát minh khoa học, những sáng tạo đóng góp vào quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại. Khác với Đông Bắc Á, người Việt đi học nhưng ít quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức, tiếp thu phương pháp mà chỉ quan tâm nhiều đến việc lấy điểm, lấy bằng. Lấy được bằng rồi thì quan tâm đến việc dùng tấm bằng ấy để lấy được một địa vị, bất kể địa vị đó có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không”(6).
Ngược lại lịch sử, ở thời điểm năm 1931, nước Nhật Bản xây dựng trên nền tảng tư tưởng mà Fukuzawa khởi xướng đã có những bước tiến bộ thần tốc, trở thành một trong những liệt cường của thế giới sau khoảng 50 năm (1880-1930). Khoảng một nửa thế kỷ trước đó, khi Fukuzawa viết loạt sách Khuyến học hay Bàn về văn minh, bản thân ông đã công khai thừa nhận tình trạng Nhật Bản lúc đó là: 1) Hình thái quốc gia vẫn không thay đổi cho dù có biến đổi chính trị; 2) Nhân dân không tham gia vào việc chính trị; 3) Địa vị của dân chúng không được nâng cao; 4) Không có tôn giáo độc lập; 5) Không có nền học thuật độc lập; 6) Giới võ sĩ cũng không có khí khái độc lập; 7) Mất cân bằng quyền lực ngăn cản văn minh tiến bộ(7).
Có thể nói, những phê phán của học giả Fukuzawa đã góp phần to lớn vào việc thức tỉnh người dân Nhật Bản. Đặc biệt, tư tưởng giáo dục của Fukuzawa đã hướng đạo người Nhật Bản đến với thực học, gắn việc học với trách nhiệm quốc dân.
Hiện nay, nền khoa học giáo dục Việt Nam ở thế kỷ XXI cũng cần những hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ như vậy. “Cần cù là huyền thoại, hiếu học là ngộ nhận”, hay những phê phán tương tự như vậy được đưa ra công luận, đều cho thấy là chúng ta đang trong quá trình tự phản tỉnh sâu sắc để có thể tạo được những bước chuyển biến về chất trong tương lai./.
Xét trên toàn cảnh khu vực châu Á, hiếu học cũng là một giá trị nổi trội. Giá trị châu Á gồm 4 yếu tố chính, đó là: hiếu học (đề cao giáo dục, đức tính ham học); cộng đồng (đề cao trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng); cần cù (yêu lao động); huyết thống (tôn trọng quan hệ gia đình, huyết thống). Trong đó, hiếu học được đặt lên hàng đầu./.
____________________
(1) Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn học truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2010, tr. 240.
(2) “Học gạo” được Từ điển tiếng Việt giải thích là: cắm đầu học, không còn chú ý đến việc khác, chỉ nhằm học thuộc được nhiều (thường chỉ cốt để thi đỗ).
(3) (4) (7) Fukuzawa Yukichi: Bàn về văn minh, Nxb. Thế giới, H, 2018, tr.316, 332-333, 297.
(5) Phan Trần Thanh Tú: Một cách nhìn khác về truyền thống hiếu học, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 5/8/2016.
(6) Trần Ngọc Thêm: Cần cù là huyền thoại, hiếu học là ngộ nhận, báo điện tử Vietnamnet, ngày 17/12/2016.
PGS. TS. CHU XUÂN GIAO
Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Hà An (st)