Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò, vị trí của vấn đề cán bộ. Vì thế Người có những yêu cầu rất cao và có những chỉ dẫn hết sức sáng suốt về vấn đề này.

Với tư cách là chủ thể

Tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là cái gì trừu tượng, cao xa mà là những điều bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu, nhưng thực hiện được nó phải có ý chí rèn luyện rất cao.

Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa; không có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; là người luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể lên trên hết, biết giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể; là người liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân; bằng lời nói và hành động của mình làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó tuyên truyền và vận động nhân dân một cách có hiệu quả; là người có ý thức tổ chức, kỷ luật cao, không độc đoán chuyên quyền, tự cho phép mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Ý thức tổ chức, kỷ luật phải được thể hiện cả trong suy nghĩ lẫn trong hành động, cả trong cách nói năng lẫn trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày.

Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì nghĩ, nói và làm phải thống nhất. Nhân dân thường đánh giá cán bộ thông qua những lời nói và việc làm cụ thể hằng ngày. “Nói một đằng, làm một nẻo” là điều tối kỵ đối với người cán bộ. “Một sự bất tín vạn sự bất tin”, người cán bộ một khi đã không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chỉ là người “vô tích sự, không làm nên trò trống gì”.

Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người có ý thức tự phê bình và phê bình rất cao. Phê bình phải đi liền với tự phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cái căn bệnh thường thấy của cán bộ là chỉ biết phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình, không tự phê bình một cách thật thà, nghiêm chỉnh. Người chỉ rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”(1). Người còn nói thêm: “Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”(2). Quán triệt tư tưởng này của Chủ tịch Hồ  Chí  Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đặc biệt nhấn mạnh tới những khuynh hướng tiêu cực cần phải tránh trong việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là: “vuốt ve ca tụng”, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc lợi dụng phê bình để mạt sát, nhục mạ, xúc phạm nhau,...

Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người có lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, hủ hóa, tham nhũng, không có tư tưởng đặc quyền, đặc lợi. Ngay từ những năm đầu khi ta mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ  Chí  Minh đã nghiêm khắc chỉ ra những biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên về mặt này.

Theo Người, người cán bộ có đạo đức nhưng lại phải có tài. Cán bộ chỉ có đức mà thiếu tài thì cũng chẳng khác nào “những ông bụt ngồi ở trong chùa”. “Tài”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm cả năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Muốn có được những năng lực đó, người cán bộ phải chịu khó học tập, rèn luyện, trước hết là học tập lý luận Mác - Lê-nin, sau đó phải chịu khó lăn lộn trong thực tiễn. Bởi vì theo Người, lý luận luôn được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động.

Có đức, có tài vẫn chưa đủ. Người cán bộ còn phải có cả phong cách công tác khoa học. Theo Người, muốn có phong cách công tác khoa học phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái; chống bệnh ham chuộng hình thức, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai; chống cách làm việc theo lối bàn giấy, ngồi một nơi “chỉ tay năm ngón”, không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,...

Với tư cách là khách thể

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức và những người trực tiếp làm công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu phải:

Hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ. Bởi vì có hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ mới bố trí và sử dụng đúng cán bộ; mới phát hiện đúng ai là cán bộ tốt, ai là cán bộ xấu, ai là người có tài, ai là kẻ bất tài; mới kích thích được mặt tích cực và hạn chế được mặt tiêu cực trong con người cán bộ,... Muốn đánh giá đúng cán bộ phải căn cứ vào những chuẩn mực nhất định. Những chuẩn mực đó có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng. Thí dụ, trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ hàng đầu của người cán bộ là nêu gương trong cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, phấn đấu hy sinh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thì trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ hàng đầu của người cán bộ lại là cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo lôgíc đó thì ngày nay, cán bộ phải là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, có thái độ đúng đắn đối với công cuộc đổi mới, có kiến thức và năng lực thực hiện đường lối đổi mới.

Khéo dùng cán bộ. Khéo dùng cán bộ thể hiện ở chỗ đặt người đúng việc, vì việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc; tức là “nồi tròn úp vung tròn” chứ không thể “nồi tròn úp vung vuông”. Người thường căn dặn: Chúng ta phải nhớ rằng, người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của họ và giúp họ chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp các thế hệ cán bộ một cách đúng đắn. Chủ tịch Hồ  Chí  Minh thường nói: Trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập cho nên tiến bộ rất nhanh. Vì vậy, Người luôn căn dặn: “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú”’ với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”(3). Muốn dùng cán bộ cho đúng còn phải hết sức khách quan, công tâm và phải chống tư tưởng “địa phương chủ nghĩa”, “óc bè phái”, “óc hẹp hòi”, “ai hẩu với mình dù họ nói không đúng cũng nghe, họ không có tài cũng dùng; còn ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”...

Có gan cất nhắc cán bộ. Có gan tức là phải mạnh dạn. Sở dĩ Người nói như thế vì chúng ta thường quá rụt rè, quá khắt khe trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Có gan không có nghĩa là làm vội, làm ẩu, làm liều. Người thường nói: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”(4). Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi đề bạt, bổ nhiệm, mà sau khi đề bạt, bổ nhiệm còn phải tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ họ để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Có lên, có xuống, có vào, có ra” trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ nói chung là đúng. Song, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là điều “vạn bất đắc dĩ”. Người nói: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”(5)

Trên đây chỉ là một số yêu cầu lớn, rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác cán bộ, còn toàn bộ tư tưởng của Người về vấn đề này có thể khái quát lại trong những cặp từ mà Người vẫn hay dùng là: “hiểu biết”, “khéo dùng”, “mạnh dạn”, “nâng cao”, “nghiêm khắc”, “thương yêu”.

Quán triệt đầy đủ tinh thần của những cặp từ đó đã là điều khó. Cái khó hơn là thực hành đúng nội dung của nó. Muốn vậy, đòi hỏi những người trực tiếp làm công tác cán bộ, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị phải có thái độ thật khách quan, công tâm, không mảy may xen động cơ cá nhân mới có thể xem xét cán bộ một cách đúng đắn, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng việc.

Nói chung, lâu nay chúng ta đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý Mác-xít - Lê-nin-nít và những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Chính vì thế mà Đảng và Nhà nước ta có một đội ngũ cán bộ về cơ bản là tốt, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, sự hoạt động, phát triển của đội ngũ cán bộ và hiệu quả của sự hoạt động đó còn phụ thuộc rất nhiều vào đường lối chính trị, vào tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý... Đó chính là những nguyên nhân khách quan tác động khá toàn diện đến người cán bộ.

Không thể đặt người cán bộ ra ngoài mối quan hệ với đường lối chính trị của Đảng. Đường lối chính trị của Đảng sai thì đương nhiên không thể có đội ngũ cán bộ tốt. Đường lối sai sẽ làm cho người cán bộ mất hết phương hướng và đẩy hàng loạt cán bộ vào chỗ sai lầm. Tình hình thực tế của nhiều đảng cộng sản và công nhân quốc tế trong những thập niên cuối của thế kỷ XX đã chứng minh điều đó.

Không thể đặt người cán bộ ra ngoài mối quan hệ với tổ chức và cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, bởi những thứ đó ảnh hưởng không nhỏ tới phương hướng và mục tiêu hành động của họ, điều khiển họ, thậm chí buộc họ phải hành động như thế này chứ không thể như thế khác. Nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống quản lý kinh tế khoa học, phù hợp với quy luật kinh tế theo đúng nguyên tắc sản xuất thì đó sẽ là điều kiện rất quan trọng buộc người cán bộ phải quan tâm đến hiệu quả kinh tế của sản xuất, phải đi sâu nắm vững cơ cấu và quá trình sản xuất, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ và khả năng quản lý,... Trước đây vì chúng ta cứ mò mẫm, lúng túng mãi trong cơ chế mang nặng tính hành chính, quan liêu, bao cấp, do đó đã hình thành một cách tự nhiên lớp cán bộ quan liêu, làm ăn tùy tiện, kế hoạch thực hiện đến đâu hay đến đó. Khi chuyển sang cơ chế quản lý mới, do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên một số chính sách, chế độ quản lý chưa hoàn chỉnh, có nhiều thiếu sót, sơ hở để cho một bộ phận cán bộ không tốt lợi dụng, nhũng loạn, đục khoét của công. Đây là một vấn đề cấp bách đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước  ở Trung ương và các ngành, các cấp cần cố gắng khắc phục.

Không thể đặt cán bộ ra ngoài mối quan hệ với pháp luật. Trong một tổ chức, trong công việc, mối quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo; nhưng đối với pháp luật, cả hai đều là công dân, hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Song thực tế lại có không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo phạm tội thì xử nhẹ, tội đáng đưa ra tòa nhưng lại chỉ xử lý nội bộ còn cán bộ bình thường thì bị xử nặng, thậm chí có trường hợp xử phạt cả người vô tội. Tình trạng không công bằng và không công minh trước pháp luật, nếu cứ tiếp diễn thì không thể hạn chế được những biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong đội ngũ cán bộ.

Muốn làm tốt công tác cán bộ, một mặt phải quán triệt những nguyên lý Mác-xít  - Lê-nin-nít và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ; mặt khác, phải tiến hành đồng bộ hàng loạt những biện pháp tích cực, khoa học. Nếu không như vậy, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào tình trạng: trên lý thuyết thì đề cao lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng trên thực tế thì làm ngược lại./.

______________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 9, tr. 290

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 213

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 211

(4), (5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 281 - 282

Nguyễn Tiến Hải

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: