Trong bài thơ “Theo chân Bác”, Tố Hữu viết: “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác/ Lên những tầng cao, thẳng cánh bay”. Chỉ hơn 1.000 từ với biết bao tình cảm, hoài bão, khí phách của vị lãnh tụ suốt đời vì việc Đảng, việc nước, việc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau bản Di chúc lịch sử.

Bác viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”

Ngày 15-2-1965, Bác Hồ về Côn Sơn. Người nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi. Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong thời điểm bước ngoặt lịch sử của dân tộc không phải là sự ngẫu nhiên. Sinh cách nhau 5 thế kỷ (1380-1890), hai nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự “gặp nhau” ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của nhân dân, nay đã “gặp nhau” như cuộc hẹn lịch sử định sẵn. Chuyến đi ấy hẳn là để chuẩn bị cho một việc quan trọng mà Người ấp ủ từ lâu.

Chỉ 3 tháng sau, dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, trong cái bình thường quen thuộc, Bác đã làm một việc khác lạ là bắt đầu viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ-thư ký của Người, công việc bắt đầu từ sáng thứ hai, ngày 10-5-1965. Hôm đó, trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Trong vườn Bác, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít. Nơi ngôi nhà sàn yên tĩnh dưới những tán cây cổ thụ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, mà với đức khiêm tốn của mình, Người gọi là “mấy lời”, “tóm tắt vài việc”...

Đúng 9 giờ, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên. 10 giờ, viết xong phần mở đầu, Bác gấp những tờ giấy lại, cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách và ung dung, thanh thản chuyển sang làm các công việc thường ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, của người hoạt động không biết mệt mỏi cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản. Những ngày tiếp theo, từ 11 đến 13-5, cũng vào khoảng thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ, Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14-5, do buổi sáng cần đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển việc viết “tài liệu” sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong “tài liệu” và cho vào phong bì. 21 giờ hôm đó, sau khi dự mít tinh của thiếu nhi Thủ đô chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong, về Phủ Chủ tịch, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mồng 10-5 nhớ đưa lại cho Bác”.

Thực hiện đúng lời Bác dặn, ngày 10-5-1966, đồng chí Vũ Kỳ đặt phong bì tài liệu lên bàn làm việc của Bác. Từ đấy, liền trong các năm 1967, 1968 và 1969, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời, qua đó thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết. Ngày 19-5-1969, Bác sửa lần cuối.

Như vậy, Bác dành nhiều tâm huyết để viết Di chúc. Tất cả chỉ hơn 1.000 từ với biết bao tình cảm, hoài bão, khí phách của vị lãnh tụ suốt đời vì việc Đảng, việc nước, việc dân. Toàn văn Di chúc được công bố sau khi Bác qua đời ngày 2-9-1969.

theo chan bac 1
Nhà báo Hà Đăng. Ảnh: TUẤN TÚ

Thông điệp cho hôm nay và mai sau

Như chúng ta đều biết, mục tiêu phấn đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó là một quá trình đấu tranh cách mạng, phải qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường. Cuộc đời hoạt động của Người đã hoàn thành được chặng đường ban đầu rất khó khăn và quan trọng, một bước cực kỳ thiết yếu của sự nghiệp xóa bỏ cái cũ, dựng nên cái mới. Nghĩa là còn rất nhiều việc phải làm. Hơn ai hết, Bác ý thức sâu sắc về điều cần căn dặn những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình.

Di chúc cùng toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô giá Người để lại cho Đảng và nhân dân ta, cho muôn đời sau. Và điều tôi muốn nêu lên trong bài báo này không phải là phân tích toàn bộ nội dung Di chúc, mà chỉ xin tóm lược những thông điệp của Người gửi vào trong Di chúc.

Thông điệp đầu tiên, quan trọng nhất, là vấn đề về Đảng, về đoàn kết trong Đảng. Tôi cho rằng, đây là tư tưởng lớn, là chủ thuyết xây dựng đảng cầm quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự đoàn kết trong Đảng chính là sức mạnh nội sinh của Đảng, sức mạnh đó không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ bên ngoài mang vào, mà đoàn kết trong Đảng phải được tạo nên trước hết từ những con người trong Đảng, từ mỗi cán bộ, đảng viên, từ mỗi tổ chức của Đảng, từ cấp chi bộ cho tới cấp Trung ương. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu trong Đảng không có sự thống nhất về lý tưởng và mục tiêu, về đường lối, chính sách, về tiêu chí và phẩm chất đạo đức, kỷ luật, làm sao Đảng có thể kết thành một khối, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực cùng làm nên sự nghiệp cách mạng? Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên sức mạnh quy tụ lực lượng, củng cố và nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng. Chính vì thế, Bác nói “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” là sự ví von rất hình ảnh, bởi khi mất đi con ngươi, con người sẽ chẳng còn nhìn thấy gì hết. Mà đánh mất sự đoàn kết trong Đảng chính là đánh mất đi sinh mệnh chính trị của Đảng.

“Nói đến bản Di chúc thì trước hết phải nói đến người viết ra nó. Đó là một con người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp bậc nhất trong thời đại ngày nay... Đó là một chiến sĩ phấn đấu không mệt mỏi trong 60 năm trời vì những mục tiêu cao quý của dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, một nhà hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, luôn luôn chủ động và nắm bắt thời cơ, nhằm đúng mục tiêu để tiến đến đích”.

Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG

 

Thông điệp thứ hai, với sự khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khát vọng và niềm tin tất thắng vào ngày miền Nam giải phóng, Nam-Bắc sum họp một nhà.

“Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to”.

Thông điệp thứ ba, Bác nhắc về con người, về việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Điều này cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và đầy nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người. Người căn dặn, Đảng cần quan tâm đến từng đối tượng, từ những người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ đến đoàn viên, thanh niên, nông dân, nhân dân lao động... Trái tim ấy, tấm lòng ấy thật “Chỉ biết quên mình, cho hết thảy”!

Đến thông điệp thứ tư, thể hiện nhãn quan và đức độ của một danh nhân văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ cộng sản trung thành với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Suốt đời phục vụ cách mạng, đến lúc chuẩn bị “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Bác vẫn mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục khối đoàn kết giữa các đảng anh em.

Và cuối cùng, khi nhắc đến “việc riêng”, Người để lại một thông điệp và cũng là yêu cầu vô cùng giản dị, khiêm nhường mà sau này, với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cũng như theo ý nguyện rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta không thể làm theo. Đó là khi Bác mất, “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Nhớ lời Bác dặn, cả nước đồng lòng

55 năm trước, nhân dân cả nước khóc thương tiễn đưa Bác, trời đất cũng nao lòng, “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Tiếng khóc và sự xúc động xuất phát từ con tim mỗi người dân Việt Nam.

Cũng ngày ấy đã vang lên trên Quảng trường Ba Đình lời dặn trong Di chúc của Bác Hồ, in sâu và lắng đọng từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ; đã vang lên lời thề của Đảng do đồng chí Lê Duẩn tuyên đọc, trong rừng cánh tay giơ cao của hàng chục vạn con người tỏ rõ quyết tâm thực hiện những điều Bác căn dặn. Đảng và nhân dân ta thề “nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.

theo chan bac 2
Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam duyệt đội ngũ. Ảnh: HOÀNG HÀ.

Mùa xuân đại thắng năm 1975, 6 năm sau ngày Bác đi xa, đất nước ta đã sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối. Năm 1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng hoạch định chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, với mong muốn vượt qua thời kỳ quá độ trong một thời gian không dài. Năm 1982, trước những khó khăn mới nảy sinh, cùng với những tín hiệu và nhân tố đầu tiên của đổi mới, Đại hội lần thứ V của Đảng đã điều chỉnh bước đi ấy. Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng mới của sự phát triển bằng việc đưa ra đường lối đổi mới toàn diện...

Từ đó đến nay, Đảng ta đã tiến hành 7 kỳ đại hội. Và cứ mỗi kỳ đại hội lại thêm một mốc son trên con đường đổi mới, với những quyết sách mang tầm chiến lược. Gần đây nhất, Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” tiến hành thành công đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới cho toàn dân tộc. Cho đến nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với nhiều kết quả tích cực.

55 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã có những bài học lịch sử và kinh nghiệm hết sức quý báu. Chúng ta tự hào báo cáo với Bác về những thắng lợi và thành tựu đạt được. Song chúng ta cũng xin nhận lỗi với Bác rằng còn chưa làm được nhiều điều Người căn dặn. Trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng quyền làm chủ của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm, chúng ta còn vấp phải một số sai lầm, khuyết điểm. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành trong nhiều năm qua chính là để Đảng ta khắc phục sai lầm và khuyết điểm, khôi phục và phát huy những phẩm chất cao đẹp vốn có, thực hiện đúng Di chúc của Bác Hồ, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân!

 

Nhà báo HÀ ĐĂNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: