Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng.
Bác Hồ với các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, ngày 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết không chỉ là đường lối chiến lược mà còn là mục tiêu lâu dài của cách mạng. Người chỉ rõ: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” [1].
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết quốc dân đồng bào để bảo vệ chính quyền cách mạng, chiến thắng thù trong, giặc ngoài. Vì vậy, phải đại đoàn kết dân tộc để làm cho “quần chúng Nhân dân được tự do, độc lập hoàn toàn và cho mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập” [2].
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp một lần nữa quay trở lại xâm lược, mở rộng ra các vùng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở phía Bắc vĩ tuyến 16, quân đội Tưởng tìm cách can thiệp vào chính trị nước ta, hòng thỏa hiệp để xứ Đông Dương trở về tay Pháp. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định thực dân Pháp là kẻ thù chính của Nhân dân Việt Nam, vì vậy phải: “Lập mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Mở rộng Việt Minh cho nó bao gồm mọi tầng lớp Nhân dân…” [3].
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai giúp Nhân dân huyện Kbang dựng lại nhà sau bão (Ảnh: Công Tiến).
Yếu tố then chốt để Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động toàn quốc kháng chiến là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ chủ nghĩa dân tộc truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, thúc giục cả dân tộc đứng lên kháng chiến với lập trường tư tưởng kiên định vì độc lập dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đồng thời là biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta: đường lối kháng chiến phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trương “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ [4]. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và nhanh chóng phát triển, thu hút được đông đảo quần chúng và được các lực lượng tiến bộ, chính phủ nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Cách mạng phát triển mạnh, Đảng ta đã tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh Nhân dân trường kỳ, toàn diện đánh dấu bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 - phá hủy chiến lược “Chiến tranh cục bộ” khiến Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; hay cuộc tập kích chiến lược mang tính hủy diệt bằng B52 đối với miền Bắc và thủ đô Hà Nội năm 1972; đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng cho chiến thắng của đại đoàn kết toàn dân tộc vì hòa bình, độc lập và tự do của đất nước dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong giai đoạn mới, Đảng ta khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [5].
Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” xác định, nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa người Việt Nam trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.
Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận thức về tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [6].
Phát huy giá trị đại đoàn kết dân tộc trong Quân đội hiện nay
Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc tiếp tục giữ gìn, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vừa là yêu cầu nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của Quân đội. Những năm qua, đội ngũ quân nhân phục vụ trong quân đội luôn nhận thức sâu sắc về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc và gương mẫu trong thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Trong giai đoạn 2003 - 2022, các cơ quan, đơn vị trong quân đội đã làm mới, sữa chữa, nâng cấp 145.636 km đường nông thôn; 202.305 km kênh mương nội đồng; cải tạo 3.879 km lưới điện; xây dựng 5.855 nhà văn hóa; 17.926 nhà ở chính sách cho người có công, hộ nghèo; làm 1.072 cầu các loại; 934 công trình nước sạch; xóa gần 3.000 nhà tạm, nhà dột nát [7].
Bộ đội Biên phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân (Ảnh: Công Tiến)
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu, chỉ đạo xử lý thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh; chủ động, nhạy bén đấu tranh, làm thất bại hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; xung kích, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn... nhất là phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19. Những kết quả trên cho thấy Quân đội đã góp phần củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Trong bối cảnh mới, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong Quân đội cần quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, mối quan hệ, giá trị lý luận và thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Mỗi quân nhân phải rèn luyện nếp sống chính quy, xây dựng chuẩn mực đạo đức, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; tiếp tục giữ vững và tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ, đoàn kết quân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, góp phần to lớn vào củng cố, phát triển đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước; chủ động nắm tình hình, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, xử lý kịp thời ý đồ chia rẽ Nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia hiệu quả chương trình xóa đói giảm ngèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát huy truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ toàn quân quyết tâm thực hiện các giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tăng cường thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân; củng cố nguồn sức mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
---------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 256
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 49
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 8, tr. 26
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 119
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 34
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 347
[7] Thùy Ngân: “Quân đội góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 30/9/2023, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quan-doi-gop-phan-tang-cuong-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-745076
Nguyễn Thu Trang
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)