“Dám làm” là phẩm chất đặc biệt, được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay. Ngược lại với “dám làm” là sợ trách nhiệm, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng mà không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần nghiên cứu, vận dụng quan điểm cán bộ phải “cả gan làm việc”(1) của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng và rèn luyện phẩm chất “dám làm” của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay.

can bo 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng cơ khí Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1964)_Nguồn: hochiminh.vn

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất “cả gan làm việc” ở người cán bộ

“Cả gan làm việc” là quan điểm độc đáo, đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dũng khí, bản lĩnh, phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ, là yêu cầu đặc biệt, ở tầm cao về phẩm chất, nhân cách của người cán bộ trong mối quan hệ với công việc. Phẩm chất này giúp người cán bộ có đủ dũng khí, dám vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng suy nghĩ và hành động cá nhân chủ nghĩa, “có gan” đứng ra đảm nhận, phụ trách công việc, dám dấn thân vì lợi ích chung của tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân… Tựu trung, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ “cả gan làm việc” được thể hiện ở một số nội dung sau:

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện ở sự sáng suốt trong lựa chọn, sử dụng và bố trí, tin dùng cán bộ, dám giao việc cho cán bộ cấp dưới. Theo Người, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền “phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”(2). Khi thấy rõ phẩm chất, năng lực của cán bộ, thì phải tin tưởng và giao việc cho họ, bởi vì: “Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài; bên cạnh đó, sử dụng cán bộ phải thật sự thận trọng: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”. Nghĩa là, trước khi cất nhắc cán bộ không xem xét kỹ về khả năng và trình độ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ một cách thích đáng, để khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Người nói, một cán bộ bị “nhấc lên”, “thả xuống” ba lần như thế thì “hỏng cả đời”.

Biểu hiện "cả gan làm việc" của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu còn là ở chỗ phải tin tưởng vào cán bộ cấp dưới, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ. Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm”(4). Đặc biệt, phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu còn được thể hiện ở tinh thần “dám” bứt phá, đổi mới sáng tạo, bản lĩnh, quyết đoán; mạnh dạn “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, “dám” vứt bỏ những gì của ngày hôm qua đã không hợp thời nữa, thay đổi cách thức công tác. Cán bộ lãnh đạo phải coi trọng và có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ cấp dưới dám nói, dám đề ra sáng kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc; đồng thời, nghiêm khắc phê bình cán bộ có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, sợ trách nhiệm... Khen phải đúng, khen để tạo động lực cho cán bộ phát huy năng lực, tinh thần làm việc, dám nói, dám làm; đồng thời, không được khen quá mức, dễ gây ra sự chủ quan. Người cán bộ lãnh đạo phải “thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(5).

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người chỉ huy.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất “cả gan làm việc” của người chỉ huy là sự quyết đoán, sắc sảo, nhạy bén, mưu trí, táo bạo, dũng cảm, có dũng khí, gan góc, gặp việc gì cũng phải có “gan” làm, có “gan” chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù; mưu lược, biết địch, biết ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu, chiến thắng quân thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”(6). Muốn “cả gan làm việc” thì người chỉ huy phải có đầy đủ các phẩm chất Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung. Trí là phải có đầu óc sáng suốt để nhìn mọi việc rõ ràng, để suy xét cho đúng. Tín là phải làm cho người ta tin mình. Ví dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn có nghĩa là tự tin vào sức mình, nhưng không phải là tự mãn, tự cao. Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh. Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch đã đầu hàng, ta phải khoan dung. Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, chớ tham danh vọng, tham sống. Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”(7). Người yêu cầu, người làm công tác tổ chức - cán bộ phải làm tốt khâu phát hiện và lựa chọn, đào tạo cán bộ; không được thiên tư, thiên vị, không phân biệt người trong hay người ngoài Đảng, mà phải lựa chọn được người thật sự có đức, có tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”(8). Trong sử dụng cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải có lập trường, bản lĩnh để cán bộ cấp dưới mạnh dạn đưa ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc, đổi mới sáng tạo; người làm công tác cán bộ phải có gan cất nhắc cán bộ và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người làm công tác tổ chức - cán bộ cần phải liêm chính, trong sáng, công tâm trong đánh giá ưu điểm của người cán bộ; đồng thời, sẵn sàng giúp đỡ cán bộ khắc phục hạn chế, yếu kém của họ. Người nhắc nhở: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”(9). Người phê phán cách dùng người không hợp lý làm cho cán bộ không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ kiểm tra.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ kiểm tra được thể hiện ở việc dũng cảm tự phê bình và phê bình, mạnh dạn, có dũng khí, vì lợi ích chung của tập thể để nói lên hạn chế của tổ chức, cơ quan, cá nhân mà không e ngại, sợ va chạm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ kiểm tra phải “cả gan nói”, tức là mạnh dạn chỉ ra khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và của cả cấp trên, trên cơ sở khoa học, với tinh thần xây dựng, nhằm mục đích khắc phục, sửa chữa khuyết điểm để làm việc cho tốt hơn. Người cán bộ kiểm tra cần “cả gan” phê bình cấp trên, nhưng phải trên nguyên tắc chân thành, đúng mực. Người cán bộ kiểm tra phải có thái độ dứt khoát trong việc xem xét và “cả gan” xử phạt những cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm với nguyên tắc không có trường hợp ngoại lệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”(10).

Xây dựng phẩm chất “dám làm” của đội ngũ cán bộ hiện nay

Phẩm chất “dám làm” của người cán bộ - sự kế thừa, phát triển quan điểm “cả gan làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về mặt ngữ nghĩa, “dám làm” không phải là cụm từ mới và xa lạ với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến phẩm chất “dám làm” của các lực lượng khác nhau trong xã hội. Với đội ngũ cán bộ, Người cho rằng, “vì không hiểu biết nên không dám làm”(11); đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu cán bộ. Với quần chúng nhân dân, Người cho rằng: “Quần chúng dám làm, dám nói, do đó mà thật sự mở rộng dân chủ”(12). Đối với lực lượng vũ trang nhân dân, Người chỉ rõ nhiệm vụ của người làm tướng là phải: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung; theo đó, phẩm chất “dám làm” được coi như là “Dũng”, có nghĩa là “không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh”(13). Người nhắc nhở, yêu cầu: “Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến”(14). Như vậy, “dám làm” cũng còn có nghĩa là tự biết mình, biết người, biết bản chất và đòi hỏi của công việc, hiểu biết lòng dân để có thể vượt qua ranh giới của bản thân, vượt qua trạng thái tâm lý cá nhân. Đó là biểu hiện của dũng khí, lòng quả cảm, tinh thần tiên phong, xung kích của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Để đạt được phẩm chất “dám làm” thì cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ để dám đối diện, sẵn sàng làm việc khó, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cả gan làm việc” được Đảng, Nhà nước ta quán triệt, kế thừa và phát triển vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng và được hội tụ trong phẩm chất “dám làm” của người cán bộ trong tình hình mới. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nêu rõ, sự khôi phục hệ thống của Đảng là kết quả từ công tác có sáng kiến của các đảng bộ và các chiến sĩ hạ cấp. Đến Đại hội IV, Đảng yêu cầu, cán bộ nhà nước phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, có sáng kiến, có năng lực tổ chức thực tiễn; đồng thời, phải nhiệt tình, tận tụy, hy sinh, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Tại Đại hội VI của Đảng, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đặt ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực phù hợp, luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thông suốt và chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, có kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, có tính tổ chức và kỷ luật cao.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Hội nghị Trung ương khóa VIII thống nhất thông qua Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18-6-1997, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ ở nước ta đã từng bước trưởng thành và phát triển. Ngày 19-5-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Quan điểm của Đảng là: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”(15). Thực chất đây vừa là yêu cầu, vừa là hệ giá trị trong phẩm chất, nhân cách của người cán bộ, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện ở cả suy nghĩ và việc làm, trách nhiệm và nghĩa vụ trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

“Cả gan làm việc” khác với làm liều, làm bừa, làm ẩu và thói vô trách nhiệm.

Trong bối cảnh mới hiện nay, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên được thể hiện qua các mối quan hệ cơ bản, đó là: Với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; đối với công việc; đối với bản thân, gia đình; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị. Trong đó, “dám làm” là một phẩm chất đặc biệt, là dũng khí của người cán bộ, thể hiện năng lực, bản lĩnh, trình độ, trí tuệ, lòng kiên trì gan góc khi đối diện với công việc, nhất là công việc khó và trong khi làm nhiệm vụ được giao.

can bo 2
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thi công dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: chinhphu.vn

Phẩm chất “dám làm”, “cả gan làm việc” của người cán bộ là mạnh dạn, quyết định, quyết đoán thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao trên cơ sở đã nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; hiểu sâu sắc về thực tiễn công việc, môi trường làm việc, phân tích và nắm chắc thuận lợi, khó khăn trong triển khai công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương; hiểu thông suốt về truyền thống, văn hóa, tập tục, hương ước địa phương; luôn đặt lợi ích của tập thể nơi mình công tác lên trên hết, trước hết; chấp nhận dấn thân, không vì lợi ích của cá nhân, người thân, gia đình mình; mạnh dạn bỏ cách nghĩ, cách làm đã cũ, không còn phù hợp. “Dám làm” còn là dám đương đầu trực diện với khó khăn, thử thách; có lúc phải chấp nhận rủi ro trong công việc, để chấn chỉnh tổ chức, cá nhân về tinh thần, thái độ, trách nhiệm; không ngừng đổi mới phương thức quản lý, cách làm, giảm thiểu phiền hà, chặn đứng tham nhũng, lãng phí, tăng cường dân chủ, minh bạch trong công việc; tin vào suy nghĩ, việc làm của mình, tin vào sự chính nghĩa, sức mạnh đoàn kết của mọi người.

“Dám làm”, “cả gan làm việc” còn thể hiện ở thái độ, ý thức, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của người cán bộ, “dám” đứng mũi chịu sào, không tranh công, đổ lỗi, dám nhận trách nhiệm về mình và chịu trách nhiệm đến cùng với công việc. Khi đã “dám làm”, thì tận tụy, chủ động, đổi mới sáng tạo, khoa học, trung thực, dân chủ, kỷ cương, phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng, không ngừng học hỏi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, dám đổi mới sáng tạo, đột phá vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì lợi ích của nhân dân. Người cán bộ “dám làm”, “cả gan làm việc” luôn xung phong đi đầu, mạnh dạn, táo bạo, quyết đoán, vượt lên mọi rào cản để làm đúng, duy trì đúng, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng thực chất công việc, vì lợi ích chung.

Ở chiều ngược lại, những cán bộ kém về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, kém rèn luyện, không chịu tu dưỡng đã nhân danh tiêu chí “dám làm” và “cả gan làm việc” để có những suy nghĩ và việc làm tiêu cực. Ở họ, suy nghĩ và việc làm đều mang nặng “lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân, chỉ lo vun vén cho người thân, gia đình, cánh hẩu; vì thế mà, có bản chất liều lĩnh, hay “làm liều”, “coi trời bằng vung”, coi thường pháp luật, tự cho mình, “nhóm lợi ích” của mình là một “vùng cấm”, mà không ai và tổ chức nào có quyền động chạm đến. Những đối tượng này luôn làm việc vô nguyên tắc, vô tổ chức kỷ luật, làm theo ý muốn cá nhân, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, cứ có lợi ích cho bản thân, gia đình, người thân, phe cánh là làm.

Giải pháp tiếp tục xây dựng phẩm chất “dám làm” ở đội ngũ cán bộ hiện nay

Xây dựng phẩm chất “dám làm”, “cả gan làm việc” ở đội ngũ cán bộ trong bối cảnh hiện nay không phải là việc làm “một sớm, một chiều”, càng không thể đào tạo, tiến hành một cách cấp tốc mà có được. Bởi vì, đó là quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, khắc phục từng bước yếu kém và khuyết điểm, tư tưởng giáo điều, bảo thủ hoặc cực đoan, duy ý chí, chủ nghĩa kinh nghiệm để đi đến cái đúng, cái chân lý. Việc làm này cần vượt qua nhiều rào cản, từ phía chủ quan và khách quan; tuy nhiên, chủ quan vẫn là nhân tố chính. Thực tế cho thấy, ở những điều kiện, hoàn cảnh có tính chất bước ngoặt, quyết định sự thành công hay thất bại của công việc, thì vai trò, sự quyết đoán của người cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, là rất quan trọng.

Hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra yêu cầu rất cao và luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ năng lực, tinh thần đổi mới sáng tạo, quyết đoán, để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn công việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Có rất nhiều khó khăn, rào cản tạo cho người cán bộ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không “dám làm” những việc mình nghĩ, chưa dám bứt phá, tiên phong đi đầu, phá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, cái đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Một trong những rào cản đó là còn thiếu chính sách, pháp luật cụ thể khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, còn có rào cản thuộc về nhân tố chủ quan từ chính mỗi cán bộ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ ngại học, ngại rèn luyện, ngại va chạm, chậm đổi mới, không dám sáng tạo, luôn duy trì cách nghĩ cũ, cách làm cũ, tôn sùng kinh nghiệm, ẩn mình vào tập thể, dựa vào tập thể, ỷ lại tập thể. Một số cán bộ có tư tưởng “bình quân chủ nghĩa”; thậm chí, có những công việc cơ quan, đơn vị, địa phương giao cho thì không biết làm như thế nào, không biết triển khai từ đâu, không biết tham khảo xin ý kiến như thế nào..., nên không dám nhận, viện mọi lý do để né tránh, đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ.

Để xóa bỏ những rào cản trên và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phẩm chất “dám làm” ở đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, trước hết tự bản thân mỗi cán bộ cần luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, không dao động trước khó khăn, kiên định với mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng và dân tộc; có tinh thần cầu tiến bộ, ham học hỏi, không bảo thủ, gia trưởng, luôn lắng nghe ý kiến phê bình, tham mưu, góp ý của quần chúng nhân dân. Tinh thần, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ cần thường trực sự đổi mới sáng tạo, quyết đoán, bứt phá; luôn nuôi dưỡng trong mình dũng khí vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Mỗi cán bộ phải có ý thức tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trước hết; nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói và làm phải thống nhất; đặc biệt, phải vượt qua được trạng thái tâm lý “sợ làm sai”, “sợ bị xử lý trách nhiệm”, “sợ bị gánh hậu quả”, nhất là cán bộ giữ trọng trách ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cần nghiên cứu, mạnh dạn và đột phá trong việc tạo ra hành lang pháp lý, có chế độ, chính sách đặc biệt để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ “dám làm”, “cả gan làm việc”, đổi mới sáng tạo trong làm việc. Trong điều kiện cho phép, với chức trách, quyền hạn, cần thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ có cách nghĩ, cách làm đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nhân lực, vật lực, huy động những điều kiện cần thiết để cán bộ có điều kiện thuận lợi làm việc, đem lại hiệu quả cao, lợi ích cho tập thể, nhân dân.

Cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, cần thống nhất và tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung(16); từ đó, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân của đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cấp ủy các cấp cần gắn chặt nội dung này với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, kiên quyết chống lại tư tưởng, quan điểm xuyên tạc, hành động sai trái đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc khuyến khích, động viên cán bộ “dám làm”.

Phẩm chất “dám làm” là sự kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ phải “cả gan làm việc” trong điều kiện hiện nay. Đó là một trong những phẩm chất không thể thiếu trong chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hy sinh vì lợi ích chung, khi được tập hợp, đoàn kết lại trong một tập thể thống nhất chắc chắn sẽ tạo ra sức mạnh, biến thách thức thành cơ hội để đạt tới những mục tiêu tốt đẹp; thể hiện bản chất và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã kiên định lựa chọn./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 323

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 319

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 320

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 320

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 316

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 320

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 315 - 316

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 94

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 324

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 295

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 290

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 594

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 70

(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 187

(16) Như: Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị, “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29-9-2023, của Chính phủ, “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

 

TS TRẦN QUỐC CƯỜNG

Trung tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Cộng sản

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: