Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh-hệ thống tư tưởng mang ý nghĩa và giá trị thời đại, thì việc đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Vấn đề này luôn là cốt yếu nhằm thống nhất những nhận thức chưa đúng, đồng thời phản bác sự xuyên tạc nhằm hạ thấp, phủ nhận những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dù vậy, vẫn còn những nhận thức chưa đúng, hiểu chưa thấu đáo, nhất là việc các thế lực thù địch lợi dụng tự do, dân chủ, lợi dụng sự phát triển của internet, mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí, một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đã vào hùa với sự xuyên tạc này.
Họ tìm mọi cách, dùng mọi lý lẽ khi nói và viết: Hồ Chí Minh du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép, máy móc Chủ nghĩa Mác-Lênin, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, cần từ bỏ nó để kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi-con đường tư bản chủ nghĩa...
Họ xuyên tạc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng của Người không được coi là một hệ thống. Dựa vào những luận điểm của Người có tính bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và bao hàm sự kế thừa những giá trị tư tưởng tiến bộ của nền cộng hòa Pháp và Mỹ, họ quy kết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản.
Họ đưa ra một góc nhìn phiến diện rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, không mang bản chất mác-xít, thậm chí đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ quan điểm chống phá sai trái ấy, họ đã sử dụng nhiều thủ đoạn để cố tình khiến dư luận có cái nhìn sai bản chất.
Những ý kiến trên là nhận thức rất sai trái và là sự xuyên tạc vô căn cứ. Cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam, là sự kết hợp nhuần nhuyễn Chủ nghĩa Mác-Lênin với giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Chính Chủ nghĩa Mác-Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, sinh động, giàu tính thực tiễn, có giá trị dẫn đường cho thành công của cách mạng Việt Nam. Giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện rất rõ “trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc...” như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18-2-1995 của Bộ Chính trị khóa VII đã khẳng định.
Phát triển lý luận gắn với tổng kết thực tiễn
Trong cuộc đấu tranh quyết liệt bảo vệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phát triển và làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam; bảo vệ uy tín của Đảng cũng như các quan điểm, đường lối của Đảng trong tiến trình cách mạng. Bởi thế, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới hiện nay.
Đến nay, công tác nghiên cứu và việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Tuy vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào học trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo học sinh, sinh viên và chưa có chương trình thích hợp trong các bậc học phổ thông.
Riêng trong hệ thống giáo dục phổ thông và cao đẳng, đại học, việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chưa gây được ấn tượng sâu sắc cho học sinh, sinh viên. Chương trình giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ở một số trường học, bậc học còn có sự lồng ghép với các môn học khác... Hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở các bậc học sau chương trình giáo dục phổ thông tuy có giáo trình song chưa có sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo...
Do tính chất học tập, giáo dục và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh ở các bậc học có ý nghĩa quan trọng, bởi thế cần xác định đúng vị trí, vai trò các nội dung học tập về tư tưởng Hồ Chí Minh, không được cắt xén chương trình học tập. Giáo trình học tập phải giúp học sinh, sinh viên có thể tự nghiên cứu được, phải đầy đủ và sâu sắc về kiến thức, nội dung, giải đáp được những điều còn chưa rõ, chưa hiểu và học hỏi lẫn nhau.
Để bảo vệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, chúng ta cần rất coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là các chuyên gia đầu ngành trong hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Bản thân những nhà nghiên cứu mác-xít, những người làm công tác lý luận cũng phải nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng lý luận mác-xít, những tác phẩm nguyên bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin... từ đó phát hiện những vấn đề mới, cách tiếp cận mới để giải quyết bài toán thực tiễn của xã hội hiện đại đang đặt ra; tránh lối nghiên cứu “tầm chương trích cú”, kinh viện, áp dụng lý luận vào thực tiễn một cách máy móc, thiếu sáng tạo, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng bị xơ cứng, xa rời thực tiễn.
Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn không chỉ tập trung trực diện vào các nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà cần chú ý tới những vấn đề vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đấu tranh và xây dựng xã hội mới.
Trong mục tiêu xuyên tạc, phủ định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực phản động, cơ hội không chỉ trực diện hướng tới phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng mà họ còn thông qua hình thức, biện pháp gián tiếp để thực hiện ý đồ của mình. Họ tập trung phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi xấu lãnh đạo, phủ định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Bên cạnh đó, họ “ca tụng” các giá trị dân chủ, nhân quyền, văn hóa theo lối sống phương Tây... Tất cả những chiêu bài đó nhằm cố minh chứng việc chúng ta lựa chọn sai con đường, sai mô hình do xuất phát từ học thuyết và tư tưởng lỗi thời, ảo tưởng. Thực chất mục tiêu của họ suy cho cùng là phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng, kêu gọi theo con đường mới, từ bỏ vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu lý luận như trên thì cũng rất cần việc thường xuyên đánh giá, tổng kết thực tiễn để chứng minh tính đúng đắn, đồng thời có phương cách bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, những nhận thức sai trái, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với tư tưởng Hồ Chí Minh cũng ngày càng tinh vi. Họ liên kết, tán phát thông tin sai trái hòng phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh.
Họ thông qua các phương thức như: Gửi đơn thư góp ý, khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử và các cơ quan ngôn luận; thông qua các tổ chức dưới dạng tài liệu, sách truyền tay, thông tin truyền miệng; thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức các sự kiện chuyên đề; lập các trang web của nhiều tổ chức, cá nhân để đăng thông tin; thông qua mạng xã hội tán phát các thông tin và liên kết tạo thành đợt tấn công theo chuyên đề, theo các sự kiện.
Từ thực tiễn đó, để bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi chúng ta cũng phải vận dụng các phương thức thông tin phù hợp, sáng tạo để phản bác lại những quan điểm xuyên tạc, sai trái, đồng thời chủ động, kịp thời định hướng thông tin, đưa thông tin chính thống đến dư luận, người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển./.
Trung tá, TS TRƯƠNG VĂN BẮC
Chủ nhiệm Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị-xã hội, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan Chính trị