Sự nghiệp “trăm năm trồng người” giúp nước ta “so sánh với các cường quốc năm châu” không chỉ phụ thuộc vào lớp trẻ - học sinh, sinh viên, mà trước hết phụ thuộc vào lực lượng quyết định nhất, đó là đội ngũ nhà giáo. Chính vì vậy, ở nhiều thời điểm khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những bài viết, bài nói chuyện thể hiện tư duy, tầm nhìn rất sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ và những yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Bài viết tập trung luận giải những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, nhiệm vụ và yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, từ đó góp phần khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử cũng như hiện tại của hệ thống quan điểm này trong giai đoạn hiện nay.

bac ho voi nha giao
Ảnh minh họa.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, bước vào xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất, đã được người đưa ra trong nhóm sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết của nước nhà là diệt “giặc dốt”, hay nói cách khác chính là vấn đề giáo dục và đào tạo. Người từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người luôn hiểu rằng, sự nghiệp “trăm năm trồng người” để đưa nước ta từng bước tiến tới“sánh với với các cường quốc, năm châu” phụ thuộc không chỉ ở lớp học trò, mà trước hết là lực lượng có tính quyết định nhất - đội ngũ nhà giáo. Chính vì thế, ở nhiều thời điểm khác nhau, Người đã có những bài viết, nhận xét, câu nói rất sâu sắc về nhà giáo.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của nhà giáo trong chế độ xã hội mới ở Việt Nam

Trong xã hội mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà giáo được xác định là một nghề - nghề “trồng người”, khác với những ngành nghề khác ở chỗ không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, nhưng lại có liên quan mật thiết đến quá trình ổn định và tạo ra của cải vật chất cho xã hội; đó là tạo ra những lớp người làm ra của cải vật chất cho xã hội hiện tại và trong tương lai gần. Nếu nghề đó được thực hiện tốt, đúng đường lối của Đảng về giáo dục và đào tạo sẽ tạo ra lớp người tốt có phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn chất lượng cao, thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, nếu nghề đó không được thực hiện đúng với quan điểm của Đảng, sẽ tạo ra lớp người “tồi”, thế hệ “tồi” và sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”, có trọng trách là “Đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta...”. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam khi mới giành được độc lập, không có nhiều người nhận thức đúng về vai trò của nhà giáo. Lúc này, chúng ta phải từng bước tuyên truyền trong nhân dân, thúc đẩy phong trào học tập trong nhân dân. Người đã yêu cầu “Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy thì nhất định phải sửa chữa” .

Giáo dục có vai trò quan trọng, ở đó, nhà giáo là trung tâm, lực lượng chính và quyết định chất lượng đào tạo con người (những người sau này là cán bộ của Đảng, Nhà nước). Khi giáo dục được quan tâm, có điều kiện phát triển, sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa” .

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của nhà giáo trong chế độ xã hội mới ở Việt Nam

Nhà giáo có vai trò vẻ vang, vai trò đó không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do cái tên “thầy” tạo nên, do chính nhiệm vụ của họ quy định. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc” . Những cán bộ được nền giáo dục nước nhà đào tạo nên chính là những “công bộc của dân”, vì vậy, nhà giáo phải quán triệt quan điểm “Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân” . Người cũng chỉ rõ nhiệm vụ đó làm cho trách nhiệm của nhà giáo sẽ cao hơn, nặng nề hơn, cụ thể là “Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi” .

Bên cạnh nhiệm vụ trên, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của nhà giáo trong điều kiện chúng ta phát triển nền giáo dục từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, chịu sự ảnh hưởng nhiều của nền giáo dục có tính “nhồi sọ”, “ngu dân”, nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo trong chế độ xã hội mới ở Việt Nam cần “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của Thực dân còn sót lại, như: thái độ thờ ơ với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân...” .

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu đối với nhà giáo trong chế độ xã hội mới ở Việt Nam

Để thực hiện được vai trò, nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, ý chí của đội ngũ nhà giáo trong chế độ xã hội mới. Theo đó, Người chỉ ra: Phẩm chất nhân cách, đạo đức là nhân tố rất quan trọng phải có của nhà giáo, có tác động và ảnh hưởng to lớn đến phẩm chất nhân cách người học. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích gì được ai”. Và đã là nhà giáo thì “Phải thật thà yêu nghề mình... Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là anh hùng vô danh...” .

Là nhà giáo, làm nhiệm vụ giáo dục con em nhân dân, tất yếu ngoài phẩm chất đạo đức, phải có trình độ, chuyên môn theo từng môn đảm nhiệm. Nhưng chuyên môn đó không phải tự nhiên mà có, cũng không phải “có” một lần là xong, mà phải thường xuyên học, kiên trì học để không ngừng nâng cao. Quá trình đó sẽ gặp không ít vất vả, khó khăn, nên Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” .

Trong mối quan hệ với học trò, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà giáo: Trong trường học, nhà giáo phải cùng một lúc tham gia và giải quyết tốt nhiều mối quan hệ, song mối quan hệ giữa nhà giáo với nhà giáo, nhà giáo với học trò là hai mối quan hệ cơ bản và đặc biệt quan trọng. Đây được hiểu là hai mối quan hệ có tính chất tương tác, nếu không có thầy thì không có trò, không có mối quan hệ thầy với thầy và ngược lại. Mối quan hệ đó diễn ra tốt, thầy ra thầy, trò ra trò trên cơ sở đoàn kết, dân chủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi lớn cho quá trình giáo dục nói chung, cho công tác dạy học của nhà giáo nói riêng. Môi trường tốt sẽ là động lực to lớn, thúc đẩy, khuyến khích được lòng yêu nghề, phát huy tính sáng tạo, khắc phục khó khăn cho nhà giáo. Đồng thời, khơi dậy được tính ham học, cầu tiến bộ của học sinh trong nhà trường. Người cho rằng: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò...”; “Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi” .

Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến đoàn kết, nhưng đó là sự đoàn kết trên tinh thần “dân chủ để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi”, theo lối “thật thà tự phê bình và phê bình” chứ không phải dân chủ vô chính phủ, dân chủ quá trớn. Đồng thời, tư tưởng đó của Người cũng không phải đoàn kết theo kiểu “cục bộ địa phương”, vì lợi ích nhóm, lợi ích vật chất tầm thường...

Những phân tích nêu trên cho thấy, các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà giáo là một hệ thống lý luận toàn diện và sâu sắc, khái quát những nội dung cơ bản nhất về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm cũng như những phẩm chất nhân cách cần có của nhà giáo trong nền giáo dục mới của nước nhà. Những quan điểm ấy không những đáp ứng xuất sắc những yêu cầu lý luận của ngành giáo dục Việt Nam thời bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cả về lý luận và thực tiễn. Vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về hệ thống lý luận này, đồng thời trong quá trình vận dụng cần có sự linh hoạt, mềm dẻo và sáng tạo, tránh áp dụng máy móc, gò ép một cách khiên cưỡng./.

-----------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới - Giá trị lý luận và thực tiễn, Nxb Công an Nhân dân, H. 2016.

TS Bùi Văn Mạnh, Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị -

CN Diệp Hồng Nhã, Hệ 5, Học viện Chính trị

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Bảo Ngọc (st)

Bài viết khác: