Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

tu phe binh
Bác Hồ viết bản Di chúc. Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là tất yếu khách quan, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; là việc tuyệt đối cần thiết cho tất thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống; là vũ khí sắc bén nhất giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh; là thang thuốc hay nhất “trị bệnh cứu người”. Nếu sợ tự phê bình, che giấu sai lầm, khuyết điểm thì không phải là người cách mạng, không phải là đảng chân chính cách mạng. V.I.Lênin chỉ rõ: “kiêu ngạo cộng sản” là một căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ. Vấn đề có tính quy luật là tất cả các đảng cách mạng, cán bộ, đảng viên tự cao tự đại, không biết cách nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, sợ sệt không dám công khai thừa nhận sai lầm, vạch rõ nguyên nhân sai lầm và phân tích hoàn cảnh sai lầm để sửa chữa, thì đảng đó sớm hay muộn sẽ hỏng. Tự phê bình và phê bình là nguyên lý căn bản giúp đảng cầm quyền tự hoàn thiện mình, trở thành một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Tự phê bình và phê bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến và gương mẫu thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Người chỉ rõ: khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì tự phê bình và phê bình trong Đảng là điểm mấu chốt vì: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống, mà từ trong xã hội sinh ra”1; đảng viên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Thói xấu cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Có bệnh mà giấu, không dám uống thuốc, thì bệnh ngày càng nặng. Với tinh thần đó, trong Di chúc, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”2.

Thực hiện Di chúc của Bác, trong 55 năm qua, có không ít tập thể, cá nhân làm tốt tự phê bình và phê bình, trở thành điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Song, bên cạnh đó, việc tự phê bình và phê bình trong Đảng vẫn còn hạn chế, “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”3.

Để tạo bước chuyển mới, tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta cần hiểu thấu và làm đúng tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau.

Một là, nhận thức đúng mối quan hệ giữa tự phê bình và phê bình. Trong thực hiện hai nội dung này, có ý kiến cho rằng, Bác luôn đặt tự phê bình trước phê bình để nhấn mạnh tự phê bình quan trọng hơn phê bình. Nhận thức như vậy không đúng. Bởi, trong nhiều trường hợp Bác đặt phê bình trước tự phê bình, như: Bài nói tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng (ngày 10/5/1950) có mục “phê bình và tự phê bình”; hay bài viết “phê bình và tự phê bình” của Bác, năm 1957, v.v. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “phê bình mình cũng như phê bình người” tức là phê bình bao hàm cả tự phê bình và phê bình. Như vậy, tự phê bình và phê bình cần được hiểu là hai mặt của một vấn đề, như “hai cánh của một con chim”. Theo Bác, nói tự phê bình trước vì chúng ta phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”; đồng thời, yêu cầu mọi người phải thẳng thắn phê bình: “Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa”4.

Những luận giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy tự phê bình và phê bình đều quan trọng và cần thiết như nhau. Hiện nay, trong sinh hoạt, các cấp ủy, tổ chức đảng phải chú trọng, quan tâm đúng mức cả hai mặt này như lời căn dặn: “... các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”5.

Hai là, tự phê bình và phê bình phải bảo đảm tính dân chủ rộng rãi. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể”6. Dân chủ rộng rãi trong thảo luận và phê bình tức là phải đường hoàng, chính đáng: “mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh”7. Ngược lại, nếu không dân chủ thì: “... các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau”8. Rõ ràng, không dân chủ trong phê bình là hết sức nguy hại.

Để thực hành dân chủ được rộng rãi thì vai trò của cấp ủy, người đứng đầu rất quan trọng. Theo Bác, người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu”; “nghiêm túc tự kiểm điểm, tự phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế”9. Là người luôn tâm huyết, tận trung với Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đúc rút: “Kinh nghiệm cho thấy muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn”10.

Ba là, cách thức tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm chỉnh dựa trên tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Đây là sự đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt mấy chục năm rèn luyện Đảng ta. Tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, như mỗi ngày phải rửa mặt, để trong Đảng không có bệnh và Đảng mạnh khỏe. Người căn dặn: “Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí. Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình”11. Phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh là phải hết sức đúng đắn và chặt chẽ. Phê bình nghiêm chỉnh là phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nói bóng bẩy, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu và khuyết điểm với thái độ đúng mực. Chính sự nghiêm chỉnh là biểu hiện rõ nét nhất của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, vì chỉ có lòng thân ái, lòng thành thật thì mới ráo riết phê bình đồng chí mình một cách nghiêm chỉnh. Nghiêm chỉnh không có nghĩa là cứng nhắc, mà là phải: “... biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình để tự mình sửa chữa”12. Chúng ta phải: “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định sẽ hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”13.

Quan điểm của Bác về phê bình và tự phê bình được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng; trong đó, nhấn mạnh đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”14. Rút kinh nghiệm của những nơi làm qua loa, đại khái, Đảng ta yêu cầu cần thực hiện nghiêm chỉnh việc tự phê bình và phê bình, đó là: “Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp phê bình và tự phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác”15. Điều này, đang được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình.

Bốn là, mục đích của tự phê bình và phê bình là để đoàn kết và đi tới thắng lợi của cách mạng. Phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, để tiến bộ, để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Phê bình và tự phê bình là một khâu trong công tác chỉnh đốn Đảng, mà mục đích chỉnh đốn Đảng theo Hồ Chí Minh là nhằm: “... làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”16. Trong Di chúc của mình, Người cũng đã chỉ rõ, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Chính nhờ sự đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc nên Đảng ta mới tập hợp, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đúc kết một cách ngắn gọn, thì mục đích gần của phê bình là tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; mục đích xa là vì sự thắng lợi của cách mạng. Đại đoàn kết sẽ dẫn tới đại thành công. Đó là vấn đề mà trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, đề cao tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Bởi vì, chỉ có thực hiện tốt tự phê bình và phê bình thì Đảng ta mới không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, thực sự có sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới./.

PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG - TS. PHÙNG THỊ BÍCH HẰNG

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Thu Hiền (st)

____________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 295.

2 - Sđd, Tập 15, tr. 611.

3 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 22.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 260.

5 - Sđd, tr. 273.

6 - Sđd, Tập 7, tr. 114.

7 - Sđd, Tập 5, tr. 272.

8 - Sđd, tr. 283.

9 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2012, tr. 27, 29.

10 - Sđd, tr. 102.

11 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 114 - 115.

12 - Sđd, Tập 5, tr. 284.

13 - Sđd, tr. 305.

14 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 38.

15 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2012, tr. 102.

16 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 616.

Bài viết khác: