Thứ năm, 12/12/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đi tìm hạnh phúc cho nhân dân, ấm no cho mỗi gia đình, mỗi con người. Quan điểm của Người về gia đình có ý nghĩa quan trọng đối với việc gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của Người về gia đình trong xây dựng chính sách gia đình ngày càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

chinh sach gia dinh 1
Chiến sĩ Hải quân lưu luyến chia tay gia đình để lên đường làm nhiệm vụ_Ảnh: TTXVN

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình

Mác và Ph. Ăngghen coi gia đình là một trong ba mối quan hệ của con người được hình thành trong lịch sử nhân loại và quan hệ gia đình tham gia vào quá trình phát triển của lịch sử, “hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái”(1). Ph. Ăngghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” đã phân tích rõ vai trò gia đình là tế bào của xã hội; mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội.

Kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Á Đông về gia đình, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về gia đình đã giúp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hình thành những lý luận nền tảng về gia đình. Người quan niệm “gia đình là hạt nhân của xã hội”(2) và “Hạt nhân của xã hội là gia đình”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra khái niệm về gia đình Việt Nam theo quan điểm cách mạng, mang cả nghĩa cũ và mới, rộng và hẹp, to và nhỏ: “Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân… Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn”(4). Cách nhìn của Người về gia đình rộng rãi hơn, to lớn hơn, đối với những người cùng lao động trong nhà máy, trong một cơ quan, một hợp tác xã thì đều phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh em trong một gia đình và nhìn rộng ra nữa thì đồng bào cả nước đều là anh em trong một gia đình.

Mỗi chúng ta đều có hai gia đình, gia đình riêng, nhỏ và đại gia đình là Tổ quốc. Người làm cách mạng, đi theo cách mạng phải luôn sẵn sàng hy sinh gia đình nhỏ - gia đình riêng của mình cho gia đình lớn - Tổ quốc. Người phân tích lý do lựa chọn như vậy, bởi: “Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng, cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to” vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy, không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to. Đấy là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung. Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một cách rộng và hiểu như thế mới là đúng. Giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một. Mà phải chọn cái ích chung... Nếu phải hy sinh gia đình nhỏ cho gia đình lớn cũng phải làm. Phải dứt khoát, tuyệt đối không được chọn gia đình nhỏ. Có một số cán bộ không yên tâm công tác là vì không hiểu cái đó. Phải hy sinh cái riêng, cái nhỏ để phục vụ cái chung, cái to”(5). Vì mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, mọi người dân đều có cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, gia đình chung đã có hạnh phúc thì gia đình riêng cũng có hạnh phúc”(6). Còn trường hợp giành được “tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(7). Đối với cá nhân mình, Người tự nhận rằng: “Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam”(8).

Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(9). Luật Hôn nhân và Gia đình được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ nhất, Kỳ họp thứ 11, thông qua ngày 29-12-1959, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng là một cuộc cách mạng và thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình có ý nghĩa quan trọng “gia đình sẽ có hạnh phúc, và sẽ góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(10).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ngày càng bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các gia đình phải thực hiện đoàn kết để đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thống nhất nước nhà: “Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết. Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(11). Cũng với ý nghĩa đó, trong bài nói tại Hội nghị chính trị đặc biệt, ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa về giá trị gia đình trong xây dựng xã hội miền Bắc, là xã hội của những người lao động làm chủ tập thể, là đại gia đình của mọi tầng lớp nhân dân, cho nên các dân tộc anh em phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ, phấn đấu cho lợi ích chung của Tổ quốc.

Như vậy, từ những giá trị gia đình truyền thống, Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy thành giá trị gia đình cách mạng với ý nghĩa rộng lớn hơn. Gia đình thông thường với nghĩa là “nhà”, lên nhiều nhà, tập thể, xã hội, đất nước, Tổ quốc. Hạt nhân của xã hội là gia đình, muốn xây dựng xã hội tốt, phải xây dựng gia đình tốt. Gia đình nhỏ là cái riêng, khi cần lựa chọn, phải lựa chọn gia đình lớn, hy sinh cái riêng vì cái chung. Theo Người, dù bất cứ ở chế độ xã hội nào thì “gia đình chung hạnh phúc”, “gia đình riêng mới hạnh phúc”.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng chính sách về gia đình hiện nay

Nhận thức sâu sắc những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình, từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hóa tư tưởng của Người vào trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng giá trị gia đình mới, gia đình xã hội chủ nghĩa, mang lại ấm no, hạnh phúc cho con người.

Quan điểm gia đình là tế bào của xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng phát triển sáng tạo trong bối cảnh mới. Tháng 12-1986, Đại hội VI của Đảng xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”(12). Đại hội VII (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khái niệm gia đình được mở rộng hơn: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”(13). Đại hội VIII (năm 1996) chủ trương xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) nêu rõ trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục. Theo đó, các thành viên trong gia đình nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng, bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam với mục tiêu nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ban, ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Ngày 21-2-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó nêu rõ: Gia đình là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ thị số 49-CT/TW đề ra 6 nhiệm vụ, 6 giải pháp trong thực hiện chính sách gia đình, nhấn mạnh nhiệm vụ nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Việc ban hành chỉ thị về gia đình góp phần tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy các địa phương trong việc lãnh đạo công tác gia đình và xây dựng gia đình trong thời kỳ đổi mới.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình hạnh phúc sẽ góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội X (năm 2006) của Đảng chủ trương: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(14). Đại hội XI (năm 2011) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nêu rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”(15). Quan điểm về gia đình của Đại hội XI được phát triển khi Đảng nhận rõ muốn có một xã hội phát triển thì gia đình phải phát triển, bởi gia đình không chỉ là tế bào tự nhiên của xã hội, mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội; không có gia đình tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được; gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con người. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, những năm qua, nhiều bộ luật được ban hành nhằm xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam, như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Pháp lệnh Dân số 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em sửa đổi năm 2004; Luật Người cao tuổi năm 2009;…

Triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 2-5-2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu chung, đó là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện hiệu quả nội dung về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Trong bối cảnh mới, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) chỉ rõ, cần “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(16). Chủ trương của đại hội là định hướng căn bản cho việc thể chế hóa xây dựng gia đình trở thành hạt nhân lưu giữ, phát triển các giá trị văn hóa, là môi trường hình thành nhân cách con người Việt Nam. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24-6-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Cũng với mục tiêu đó, ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg, về “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030” nêu rõ, nhiệm vụ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mục tiêu chung của Chiến lược gia đình là “xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần phát triển bền vững đất nước”(17).

chinh sach gia dinh 2
Mục tiêu chung của Chiến lược gia đình là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc (Trong ảnh: Đưa con đến trường khai giảng năm học mới ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh)_Ảnh: TTXVN.

Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình Việt Nam. Sau hơn 20 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, có 44/63 tỉnh đạt chỉ tiêu 1, đạt 70% (về hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa); 38/63 tỉnh đạt chỉ tiêu 2, đạt 60% (về hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện); 43/63 địa phương đạt chỉ tiêu 3, đạt 68% (về gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ) và 36/63 tỉnh đạt chỉ tiêu 4, đạt 57% (về hộ gia đình có người độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền và thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình)(18). Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1.612 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao và 256 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mới; 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra. Theo báo cáo của Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và Phát triển con người (OPHI) công bố ngày 15-7-2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.

Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của Hồ Chí Minh về gia đình, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng gia đình Việt Nam. Công tác gia đình và xây dựng gia đình Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động đối với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân. Nhiều hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân, nhiều hộ nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phát triển văn hóa và con người Việt Nam./.

----------------------

(1) C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 41

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 538

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 300

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 312

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 99

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 100

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 175

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 300

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 300

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 391

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 524

(12) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47,  tr. 776

(13) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 51, tr. 145

(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 103 - 104

(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 77

(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 143

(17) Xem: Quyết định số 2238/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=204882&tagid=6&type=1

(18) Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Báo cáo số 293- BVHTTDL về Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

TS Dương Minh Huệ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: