Thứ hai, 23/12/2024

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chuyến thăm các nước xã hội chủ nghĩa anh em để cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất của Việt Nam. Tháng 6 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến thăm chính thức các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô và đến tháng 8 năm 1957, Người đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Bungari.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Bungari lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17/8/1957 được ghi vào trang vàng của lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Bungari. Chuyến thăm ngắn ngủi nhưng rất thành công đó đã tạo tiền đề cho việc mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Bungari lên tầm cao mới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Bungari đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự đón tiếp hết sức nồng nhiệt, trọng thị, hữu nghị và thân thiết, thể hiện tình cảm chân thành và lòng kính trọng của nhân dân Bungari anh em đối với nhân dân Việt Nam anh hùng. Báo chí Bungari đưa tin nhân dân Bungari đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh như một vị anh hùng huyền thoại của một dân tộc vĩ đại. Đồng thời, khắc họa trong tâm khảm của người dân Bungari hình ảnh của “Bác Hồ” khiêm tốn, giản dị, cởi mở, chân thành và giàu lòng nhân ái.

Trong bài xã luận ngày 18/8/1957, Báo “Mặt trận Tổ quốc” Bungari gọi Đoàn đại biểu ta là ‘’Những vị sứ giả của tình hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc”(1). Phóng sự báo “Sự nghiệp Công nhân” đã ghi lại những chi tiết quý báu của hoạt động ngoại giao “Hồ Chí Minh” trong buổi đến thăm nông trang Pêruxtixa: khi nhận bình rượu vang từ tay đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa chậm rãi đọc dòng khẩu hiệu trên tường bằng tiếng Bungari “Hãy củng cố sự thống nhất giữa những người cộng sản và nông dân!”, vừa rót rượu, mỉm cười mời Chủ tịch Đảng Liên minh Nông dân. Sự tinh tế, sâu sắc trong phong cách “ngoại giao nhân dân” Hồ Chí Minh đã được mọi người có mặt vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng.

Như vậy, với một cử chỉ rất bình dị, thân tình trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, Người đã kịp chuyển đến các vị lãnh đạo của bạn thông điệp về tầm quan trọng và sức mạnh của sự đoàn kết và thống nhất… Những tình cảm đặc biệt mà nhân dân Bungari dành cho Bác xuất phát từ uy tín lớn lao và khả năng cảm hóa đặc biệt của Người. Ông Andey Evtimov Penchv - một nhân chứng lịch sử đã tâm sự: “Một ấn tượng mạnh mẽ đọng lại trong tôi là chỉ qua một lần gặp mặt tại cuộc mít tinh ngắn ngủi mà Bác Hồ đã trở nên vô cùng gần gũi thân thiết với tất cả những người có mặt tại đây. Họ xem Người như một người thân. Chỉ trong khoảnh khắc Người đã chiếm được lòng tin của tất cả. Ai cũng muốn được tự mình góp phần ủng hộ đồng bào Việt Nam anh em.

Sức mạnh vô hình từ Người đã lôi cuốn họ: Tính khiêm tốn giản dị, niềm mong muốn vô tận được tiếp xúc với mọi người dân bình thường, khả năng diễn đạt nội dung phong phú bằng rất ít lời và yếu tố không kém phần quan trọng là phong thái trí thức, thanh cao trong mọi cử chỉ của Người...”(2).

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Di sản Hồ Chí Minh vẫn là cầu nối cho những ý niệm tốt đẹp của người Bungari đối với Việt Nam. Dấu ấn của Người để lại vẫn luôn nâng bước để chúng ta tiến lên trên con đường hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, không ngừng vun đắp cho mối quan hệ này ngày càng nở hoa kết trái.

Bungari là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 8/2/1950). Với những tương đồng về lịch sử, Việt Nam và Bungari đã gắn bó bằng mối quan hệ hữu nghị thủy chung, son sắt được các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp và phát triển xuyên suốt hơn 7 thập kỷ qua. Chuyến thăm hữu nghị tới Bungari của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm 1957 đã đặt nền móng và là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Bungari Anton Yougov đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam (tháng 10 năm 1957). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp đoàn trong không khí thân mật và nồng ấm tình hữu nghị. Sau đó các năm 1958, 1966, Bungari đều có đoàn đại biểu cấp cao sang thăm giúp đỡ Việt Nam và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của Chính phủ và nhân dân Bungari. Nhiều công trình kinh tế, giáo dục, y tế tại Việt Nam đã được xây dựng với sự giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật, sự lao động quên mình của các chuyên gia Bungari. Bungari cũng giúp Việt Nam đào tạo nhiều nhà khoa học, cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện tốt để cộng đồng người Việt Nam tại Bungari sinh sống, làm việc.

Người dân Việt Nam vẫn còn lưu giữ sâu đậm hình ảnh hàng nghìn học sinh, sinh viên Bungari xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam; đặc biệt công nhân trong nhiều xí nghiệp, nhà máy Bungari đã trích 1-2 ngày lương để ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam; hàng loạt chuyên gia, kỹ sư Bungari đã sang Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bệnh viện Việt - Bun (tỉnh Thái Bình), Trường Mầm non Việt - Bun tại Thủ đô Hà Nội… Bất chấp sự xa cách về mặt địa lý, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Bungari không ngừng được vun đắp với những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 70 năm qua thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cấp bộ, ngành, địa phương.

Đây là tiền đề quan trọng nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân… Nguyên Đại sứ Bungari tại Việt Nam Marinela Petkova từng khẳng định, Việt Nam không chỉ là đối tác của Bungari tại khu vực Đông Nam Á mà còn tại châu Á nói chung.

Một trong những yếu tố quan trọng khiến Việt Nam và Bungari xích lại gần nhau hơn chính là người dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Bungari hiện có hơn 1.000 người, tập trung chủ yếu ở Thủ đô Sofia. Đây là cộng đồng đoàn kết, luôn hướng về quê hương, đất nước, có cuộc sống tương đối ổn định, quan hệ tốt với chính quyền, tuân thủ luật pháp sở tại.

Không chỉ duy trì quan hệ song phương tốt đẹp, Việt Nam và Bungari hợp tác chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Bungari ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025.

Vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực đông nam châu Á và đông nam châu Âu là yếu tố giúp Việt Nam và Bungari trở thành cầu nối hợp tác giữa hai khu vực. Bungari là một cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu, nhất là thị trường các nước Balkan.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 3.600 cán bộ khoa học, chuyên gia và hơn 30.000 công nhân lành nghề đã được Bungari giúp đỡ đào tạo trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, sinh hóa, nông nghiệp, chế tạo máy và y - dược..., trong đó có những cựu sinh viên xuất sắc đã trưởng thành từ những giảng đường đại học trên khắp đất nước Bungari như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (là cựu sinh viên của Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia) hay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (đã nhận bằng tiến sỹ kinh tế tại Bungari).

Gần đây nhất, ngày 06/01/2024, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Bungari Rossen Dimitrov Jeliazkov cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bungari đến Hà Nội  thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Bungari đến Việt Nam sau gần 12 năm, đáp lại chuyến thăm chính thức Bungari của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2023 và là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Bungari, nhất là khi Quốc hội hai nước vừa ký kết và triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác

Chủ tịch Quốc hội Bungari Rossen Dimitrov Jeliazkov đã đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời trong khu Phủ Chủ tịch. Ông đã được nghe giới thiệu về các điểm di tích, các tài liệu hiện vật đã gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những câu chuyện phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, tài năng lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Bungari Rossen Dimitrov Jeliazkov bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam bằng những dòng cảm tưởng xúc động: “Tương lai của một dân tộc đã được xây dựng bởi những người anh hùng vĩ đại của dân tộc đó. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một người anh hùng như thế - Người là nguồn cảm hứng cho các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ, xã hội. Xin chúc cho tương lai Việt Nam mãi tươi sáng, phát triển!”(3)

Trong hơn 70 năm qua, vượt qua bao thách thức to lớn và những biến động khó lường của lịch sử, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bungari đạt nhiều thành quả tự hào, tạo tiền đề, nền móng vững chắc để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tiếp theo./.

Trần Thu Hà

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Thanh Huyền (st)

Chú thích:

  1. Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.113.
  2. Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.137-138.
  3. Cảm tưởng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Bài viết khác: