Trong toàn bộ di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại, tư tưởng về phát huy nhân tố con người là một bộ phận đặc biệt quan trọng. Kế thừa tinh hoa tư tưởng văn hoá dân tộc và nhân loại, tiếp thu, vận dụng, phát triển một cách sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng về con người lên một tầm cao mới, hình thành nên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Do đó,đến nay tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người vẫn còn nguyên giá trị.
Ảnh tư liệu.
Vấn đề con người luôn là một mục tiêu thiêng liêng, cao cả nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó trở thành mục tiêu, lý tưởng, được toả sáng trong từng suy nghĩ, cử chỉ, hành động của Người.Tuy không có một tác phẩm nào bàn riêng về con người, nhưng tư tưởng về phát huy nhân tố con người lại được thể hiện một cách đa dạng, phong phú, trở thành một tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng thuật ngữ “nhân tố con người” mà thường dùng các cụm từ như “sức dân”, “sức người”, “tài dân”, “lực lượng của dân”… nhưng về thực chất trong tư tưởng của Người luôn đề cao vai trò nhân tố con người trong cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó được thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết và được biểu hiện trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam, trong đó, nổi lên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nhân tố con người là vốn quý nhất, là động lực vĩ đại, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhân tố con người ở ba cấp độ là: Nhân dân nói chung; công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, cán bộ và mỗi một con người cụ thể - tức là nhân dân lao động (trừ bọn Việt gian, phản động). Người từng khẳng định: “Chữ Người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”(1). Vai trò con người chính là vai trò của quần chúng nhân dân, người sáng tạo chân chính ra lịch sử chứ không phải “vài ba cá nhân anh hùng nào”. Theo Người, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”; “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2), nhân dân luôn luôn đặt vào địa vị cao nhất, địa vị làm chủ trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng và xã hội.Dân vừa là chủ nhưng dân vừa thực hiện công việc làm chủ, vừa là chủ thể, vừa là khách thể, vừa là lực lượng, động lực vừa là mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng đời sống mới, tiến lên xã hội chủ nghĩa đều phải bắt đầu từ vốn con người, từ việc phát huy nhân tố con người. Theo Người, một lẽ rất đơn giản dễ hiểu là vô luận việc gì, đều do người làm ra, cải vật chất trong xã hội đều do công nhân và nông dân làm ra; chính nhờ sức lao động của công nhân, nông dân mà xã hội không ngừng phát triển. Người giải thích cơ sở khoa học cho vai trò đó xuất phát từ chỗ: “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(3). Con người là động lực to lớn, quyết định đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng của Người “dân là vốn quý nhất, có dân là có tất cả” “Dễ mười lần không dân cũng chịu; khó trăm lần dân liệu cũng xong”(4), nhân tố con người là nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực của mọi nguồn lực.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, Người luôn chú ý đến mục tiêu đạt được trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Trước khi giành được chính quyền thì mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng là độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, ngày 10-1-1946, tại cuộc họp của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh yêu cầu chúng ta phải thực hiện ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”(5). Khi miền Bắc đi vào khôi phục nền kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào việc phải “nâng cao dần mức sống của nhân dân… đồng thời giảm nhẹ sự đóng góp của nông dân”. Trong bối cảnh tập trung đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, tại Hội nghị của Bộ Chính trị, ngày 30-7-1962, Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Ta phải tính cách nào, nếu cần có thể giảm bớt một phần xây dựng, để giải quyết vấn đề ăn và mặc của quần chúng được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá. Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là do con người… Làm cho quần chúng hiểu chủ nghĩa xã hội đúng hơn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, thì mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” lại ở bậc cao của thang giá trị dân tộc. Mục tiêu con người gắn chặt với chủ quyền dân tộc. Tại kỳ họp Quốc hội khóa III, ngày 10-4-1965, Hồ Chí Minh kêu gọi: Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Đến tháng 12-1965, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12, khóa III Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Người yêu cầu phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là đời sống của các cháu, của các gia đình thương binh, liệt sỹ, đời sống của nhân dân ở các vùng bị bắn phá nhiều… những gia đình thu nhập thấp, đông con. Và nếu ở số 1 tờ báo Người cùng khổ, Người nêu lên mục tiêu là giải phóng con người thì đến bản Di chúc, Người cũng nêu công việc đầu tiên là đối với con người. Như vậy, Người lấy cái “bất biến” là tất cả vì con người để ứng với cái “vạn biến” của điều kiện lịch sử. Mục đích chung là giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, được sống sung sướng tự do, nhưng phải tùy theo điều kiện cụ thể để tiến dần từng bước.
Hai là, phát huy nhân tố con người với tư cách là một thực thể thống nhất giữa phẩm chất và năng lực.
Theo Hồ Chí Minh, muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhưng đầy gian khổ và khó khăn, thì việc phát huy phẩm chất (đức) và năng lực (tài) của mỗi con người đóng vai trò quyết định. Đánh giá cao vai trò của đức và tài, song, Người không tách rời hai yếu tố này mà đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng, trong đó, đạo đức được coi là gốc, là nền tảng của người cách mạng và của con người nói chung. Tuy nhiên, Người không tuyệt đối hoá vai trò của đạo đức hay hạ thấp, tách rời với tài năng, mà “đức” luôn đi liền với “tài”. Có đức phải có tài; tài càng lớn đức càng cao; “đức - tài” hoà quyện với nhau trong nhân cách của người cách mạng. Nhưng trong đó, đạo đức là cơ sở, điều kiện để phát huy, phát triển tài năng của người cách mạng. Người chỉ rõ, “Có tài mà không có đức... chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”(6). Vì thế, Chủ tịch Hồ chí Mình đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên cùng với phẩm chất cách mạng cao quý còn phải có năng lực, vì có năng lực mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ được giao. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa, đó là những con người có lòng nồng nàn yêu nước, trong sáng về đạo đức và xuất sắc về tài năng, vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Ba là, để phát huy nhân tố con người phải biết dùng người.
Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động, trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã xác lập những quan điểm cơ bản về dùng người, sử dụng và phát huy nhân tố con người với tinh thần thực sự cách mạng và khoa học. Ngay trong những năm đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng, Người đã viết một loạt bài về vấn đề này như: “Về việc tiếp chuyện các đại biểu”; “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”; “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các uỷ ban nhân dân”; “Nhân tài và kiến quốc”, “Sửa đổi lối làm việc”…Trong bài “Tìm người tài đức” ngày 20-11-1946, với những lời lẽ rất chân thành, kính trọng, Người viết: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc chắn không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân…Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng”(7). Theo Người, dùng người thực chất là phát huy mọi tiềm năng của nhân tố con ngườinhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho khối đại đoàn kết dân tộc để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng. Mục tiêu của dùng người là đạt tới “Nhân hoà”. Cho nên dùng người không bó hẹp ở phạm vi giai cấp, đoàn thể nhất định mà là tất cả mọi người: đàn ông, đàn bà, người già, trẻ, gái, trai, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Không chỉ người trong Đảng, của Việt Minh mà còn rất nhiều người tài đức ở ngoài, thậm chí dùng cả những người “không kháng chiến, những người “dinh tê” cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc”(8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, phát huy nhân tố con người trên nền tảng dùng người tài. Người tài hay nhân tài được hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất: “tài to, tài nhỏ”; “người có danh vọng”, “người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân”, “người hiền tài”, “hiền năng”, “người hay, người giỏi” nhưng có chung mục đích “vì quyền lợi của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào”. Đặc biệt, theo Người, dùng người phải cho đúng và khéo; giữa đúng và khéo có quan hệ chặt chẽ với nhau, đúng mà không khéo thì kết quả sẽ bị hạn chế. Khéo mà không đúng thì nhất định sẽ hỏng việc, có khi còn hỏng cả “người”. Đúng là yêu cầu cơ bản đầu tiên, vì có đúng thì sẽ thể hiện khéo, chọn đúng người là thực chất của việc dùng người, là một khoa học. Khéo phải đảm bảo dẫn đến cái đúng, cái khách quan, khéo là một nghệ thuật. Người cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng những nhân tài ngoài Đảng; khéo kết hợp cán bộ trẻ với cán bộ già, thưởng phạt công minh, phải biết sử dụng đội ngũ những người có khả năng làm việc vì lợi ích chung, chứ không phải bè cánh, tụ tập quanh mình những kẻ nịnh hót, cơ hội.
Bốn là, những biện pháp để phát huy nhân tố con người
Muốn phát huy nhân tố con người đòi hỏi Đảng, Chính quyền, mỗi cá nhân phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của nhân tố con người; phải có lòng thương yêu vô hạn, sự cảm thông, sự tin tưởng tuyệt đối vào con người, ý chí đấu tranh để giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”(9). Theo Người, người đời không phải Thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm nên phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Sự thông cảm, tha thứ, độ lượng, khoan dung... đã hình thành nên bao dung Hồ Chí Minh mà điều bao dung lớn nhất có thể là sự lắng nghe, tôn trọng chính kiến, tư tưởng người khác, không lấy ý kiến của mình, tư tưởng của mình để áp đặt, bác bỏ, loại trừ chính kiến, tư tưởng người khác. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng vô tận”(10), từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thương yêu vô hạn, cảm thông, tin tưởng tuyết đối vào con người, quyết tâm phấn đấu giải phóng con người trở thành tiền đề đầu tiên để có thể phát huy, huy động được nhân tố con người.
Để phát huy nhân tố con người, Hồ Chí Minh cùng tập thể Đảng, Chính phủ đã hoạch định, xác lập một hệ thống chính sách tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho lợi ích của dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là những vấn đề an sinh xã hội. Trong kinh tế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đếnchính sách phát triển sản xuất và tiền lương phải hợp lí.Về mặt xã hội, cần thi hành một hệ thống chính sách xã hội hướng tới con người, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung.
Muốn hình thành những động cơ, mục đích đúng đắn cho con người trong hoạt động, cần đề cao chính sách vận động, tuyên truyền, giáo dục. Hồ Chí Minh khẳng định: Để cho dân tin, dân theo, dân ủng hộ, để nhân tố con người được phát huy thì phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quyền lợi của con người phải được bảo vệ mà tiền đề quan trọng nhất để những quyền lợi ấy được bảo vệ là ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật. Có hiến pháp, pháp luật nhưng điều cơ bản theo Hồ Chí Minh là phải hiện thực hoá nó qua những cuộc vận động, các phong trào cách mạng để đảm bảo quyền dân chủ, vì “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(11), có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Hồ Chí Minh nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Hồ Chí Minh coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải được quan tâm đến trước hết trong sự nghiệp trồng người bởi vì “Cán bộ là gốc của công việc”. Bên cạnh đó, Người quan tâm thường xuyên đến giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, người chủ tương lai của nước nhà.
Như vậy, vấn đề phát huy nhân tố con người được Hồ Chí Minh đề cập với nội dung sâu sắc, toàn diện và khoa học. Người luôn khẳng định: nhân tố con người là vốn quý nhất, là động lực vĩ đại, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; do đó phải bắt đầu từ nhân tố con người, vì con người, cho con người và trở về với con người. Hiện nay, trước những thời cơ vận hội đan xen với những nguy cơ, thách thức mới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người, biến bản lĩnhvà trí tuệ của con người Việt Nam thành sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ vững chắc của Tổ quốc./.
Đại tá, PGS. TS Phạm Thanh Giang
Phó CNK – Học viện Chính trị
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.130.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.232.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.335.
(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.280.
(5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.175.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.399.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.504.
(8) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.47.
(9) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.668.
(10) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.283.
(11) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.325.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3,Nxb CTQG, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5,Nxb CTQG, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6,Nxb CTQG, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9,Nxb CTQG, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12,Nxb CTQG, Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội.