Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 15/01/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “gia đình là hạt nhân của xã hội”. Người không chỉ quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội mà còn chỉ ra sự cần thiết, ý nghĩa của việc xây dựng mối quan hệ mới trong hôn nhân và gia đình. Người cũng đề ra các biện pháp để xây dựng gia đình với cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng, nghĩa cũ và nghĩa mới. Những tư tưởng của Người là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng, Nhà nước ta từng bước đề ra chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.

1. Những tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình Việt Nam

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” (1).Theo Người, quan tâm đến gia đình nhỏ trước tiên là phải thực hiện nam nữ bình quyền. Nam nữ bình quyền “là một cuộc cách mạng khá to và khó… Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công” (2). Với quan điểm đó, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, đánh dấu một thời kỳ mới trong quá trình phát triển xã hội của dân tộc ta, vấn đề xây dựng gia đình mới đã được Hiến pháp thông qua với nhiều điểm tiến bộ. Trong quan hệ gia đình, nam - nữ bình đẳng như nhau, chế hộ hôn nhân được pháp luật quy định là một vợ một chồng.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, quan hệ gia đình ngày một được củng cố và hoàn thiện góp phần thúc đẩy việc hình thành và từng bước hoàn thiện quyền dân chủ trong quan hệ gia đình Việt Nam. Trong khi chú trọng xây dựng gia đình mới từ vật chất đến tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra và phê phán những thói hư tật xấu trong gia đình như đánh vợ, ép duyên con, tảo hôn… Như thế, gia đình nào xây dựng được những mặt tốt và gạt bỏ những mặt xấu như Hồ Chí Minh đã chỉ ra thì sẽ tạo thành gia đình mới, gia đình văn hóa, tiên tiến. Đó không chỉ là môi trường để giáo dục nhân cách con người Việt Nam mà còn là cơ sở để xây dựng đời sống mới trong xã hội mới.

Để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa cần có những gia đình mới và những con người mới. Đó là những gia đình thật sự văn hóa, có tôn ty trật tự. Khi quan niệm về đời sống mới ở mỗi gia đình, Bác nói: Trong một nhà “phải trên thuận, dưới hoà, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng… từ ăn mặc đến việc làm, phải ăn đều, tiêu sòng. Có kế hoạch, có ngăn nắp. Cưới hỏi, giỗ Tết nên giản đơn, tiết kiệm. Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng. Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng việc nước, phải hăng hái làm gương. Người trong nhà ai cũng biết chữ”(3). Bác kết luận: “một nhà như thế, nhất định phải phát đạt” (4). Theo Bác, một gia đình mới, một gia đình tốt trong xã hội chủ nghĩa là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẽ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trong người phụ nữ. Do tàn dư của tư tưởng phong kiến, người phụ trong gia đình ngay cả ở thời điểm hiện nay cũng đôi khi bị coi thường. Không ít cảnh không bình đẳng khi người phụ nữ vừa phải gánh vác công việc xã hội, vừa phải lo toan việc gia đình. Đã thế, nhiều chị còn phải chịu cảnh bị bạo hành do có những người chồng vũ phu, cư xử thiếu văn hóa. Xuất phát từ yêu cầu của thực tế đó, để đảm bảo hạnh phúc gia đình và xây dựng gia đình mới ngày càng tốt đẹp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân và gia đình. Gia đình là một tế bào của xã hội, là cơ sở tạo nên xã hội rộng lớn. Do đó, sự trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình.

Hai là, xây dựng mối quan hệ mới trong hôn nhân và gia đình.

Mỗi thời kỳ, xã hội và quan hệ sản xuất thay đổi thì gia đình cũng cần thay đổi theo. Chính vì vậy, khi cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo giành thắng lợi, đất nước đi vào công cuộc xây dựng xã hội mới… thì việc xây dựng một chế độ hôn nhân và gia đình mới là điều tất yếu. Trong khi chuẩn bị thông qua Quốc hội đối với Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), tại hội nghị cán bộ dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, Người nói: “Luật lấy vợ lấy chồng sắp đưa ra Quốc hội là một cuộc cách mạng, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy phải đứng trên lập trường vô sản mà hiểu nó. Nếu đứng trên lập trường phong kiến hay là tư sản, tiểu tư sản mà hiểu luật ấy thì không đúng”(5).

Với nội dung quan trọng của việc xây dựng luật đầu tiên về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ mong mọi người hiểu rõ, hiểu đúng mà còn nói rõ trách nhiệm: “Đối với luật lấy vợ lấy chồng từ lúc chuẩn bị đến lúc đưa ra và thi hành, Đảng phải lãnh đạo vì đó là một cuộc cách mạng. Đảng lãnh đạo nghĩa là cán bộ và đảng viên phải làm cho đúng và lãnh đạo các đoàn thể thanh niên và phụ nữ kiên quyết làm cho đúng” (6).

Khi đề cập đến việc xây dựng chế độ hôn nhân gia đình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người rằng, cần phải giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc, bất công của xã hội cũ để lại. Người chỉ rõ: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” (7). Gia đình và xây dựng mối quan hệ hôn nhân gia đình là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Để Luật Hôn nhân và Gia đình đi vào cuộc sống, Người nhấn mạnh: “Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình” (8).Sau đó Người nói rõ vai trò, ý nghĩa và giá trị của mối quan hệ gia đình có tác dụng vô cùng to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước: “Gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết. Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội…” (9).

Ba là, biện pháp để xây dựng gia đình.

Về giáo dục gia đình: Theo Bác, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân có ích.     

Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ dạy người, dạy chữ, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng. Bác nhấn mạnh, gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu, chăm chỉ, cần cù trong lao động sản xuất…

Bác Hồ cho rằng, trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế nhiều kết quả giáo dục. Vì vậy, nhà trường, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Trong thư ngày 31-10-1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân” (10). Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Bác “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” (11).

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục tháng 6-1957, Bác căn dặn cán bộ đảng ngành này “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (12). Theo Bác, trong giáo dục trẻ cần làm cho trẻ biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng. Bác khuyên mọi người trong gia đình phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thi đua với nhau vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình và đất nước.

Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo” (13). Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội có nhiều tệ nạn, thị phi thì gia đình chính là thành lũy kiên cố bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Cái lý tưởng đầu tiên của con trẻ về chân, thiện, mỹ được hình thành bởi sự liên lạc giữa con trẻ và bố mẹ. Và chính gia đình là nơi khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp…  

Về xây dựng văn hóa ứng xử gia đình:Văn hóa ứng xử là hạt nhân gắn kết mọi thành viên trong gia đình và tất cả những tinh túy của truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc cũng từ nguồn cội này mà ra.Đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và trao quyền các giá trị văn hóa. Nó tạo dựng cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người. Gia đình Việt Nam với tất cả các mối quan hệ bên trong của nó đang biến đổi trong thời đổi mới, vừa kế thừa truyền thống vừa hướng tới xây dựng gia đình hiện đại. Do đó, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng "gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra, lớn lên và trưởng thành cũng từ cái nôi của một gia đình mang đậm những nét điển hình văn hóa ứng xử của một gia đình truyền thống Việt Nam. Từ những điểm mạnh đó của truyền thống văn hóa gia đình, có thể vận dụng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh để giáo dục mỗi thành viên trong gia đình. Bởi vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia rất coi trọng yếu tố gia đình và khi đến bất cứ một gia đình nhỏ nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn thờ một cách trang trọng. Với người lớn, Bác Hồ là động lực để họ học tập và làm theo tấm gương của Người. Với các em thuộc thế hệ mầm non, việc thi đua thực hiện tốt ‘Năm điều Bác Hồ dạy” là động lực để thúc đẩy các em luôn chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô, ông bà, cha mẹ, thương yêu bạn bè…. để xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”.

 Giáo dục ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh trong gia đình là điều cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nếu làm được điều đó, nó sẽ có tác dụng đem đến cho mọi thành viên trong gia đình nói riêng và lan tỏa ra toàn xã hội một niềm tin, một nhận thức đúng đắn về quan hệ xã hội, tránh được những biểu hiện sai lệch do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại.

Về xây dựng gia đình theo cả ngĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích làm rõ khái niệm gia đình: “Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng. “Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình.Rộng hơn nữa, chúng ta có đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng “mỗi người chúng ta có hai gia đình: Gia đình riêng, nhỏ, và đại gia đình là Tổ quốc” (14). Người cách mạng phải sẵn sàng hy sinh gia đình nhỏ (gia đình riêng) cho gia đình lớn (Tổ quốc): “Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng, cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy, không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to. Đấy là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung. Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một cách rộng và hiểu như thế mới là đúng. Giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một. Mà phải chọn cái ích chung... Nếu phải hy sinh gia đình nhỏ cho gia đình lớn cũng phải làm. Phải dứt khoát, tuyệt đối không được chọn gia đình nhỏ. Có một số cán bộ không yên tâm công tác là vì không hiểu cái đó. Phải hy sinh cái riêng, cái nhỏ để phục vụ cái chung, cái to” (15). Vì mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, mọi người dân đều có cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, gia đình chung đã có hạnh phúc thì gia đình riêng cũng có hạnh phúc” (16). Còn trường hợp giành được “tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(17).  Đối với cá nhân mình, Người tự nhận rằng, “Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam”(18).

Với quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng cần phải chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam cả theo nghĩa hẹp, nghĩa rộng và nghĩa mới. Người cho rằng, trong xây dựng gia đình Việt Nam theo nghĩa hẹp, nghĩa rộng và nghĩa mới cần phải giải phóng phụ nữ vì phụ nữ chiếm phân nửa xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mỗi gia đình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước hiện nay của đồng bào miền Nam và miền Bắc cũng là để cho gia đình chúng ta sum họp”(19). Báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Xã hội miền Bắc ngày nay là một đại gia đình gồm mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc anh em thân ái đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ, phấn đấu cho lợi ích chung của Tổ quốc” (20).

2. Ý nghĩa thực tiễn trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay

Sau gần 40 năm đổi mới thực hiện đường lối đổi mới với quan điểm của Đảng: gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới, công tác xây dựng gia đình Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẫn còn có những hạn chế, đặc biệt là bệnh thành tích trong xây dựng gia đình văn hóa. Trước thực tế đó, Đại hội XIII (2021) của Đảng chỉ rõ cần phải khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức trong xây dựng gia đình Việt Nam. Đồng thời, tập trung “phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(21); “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”(22). Trong quá trình đó, “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(23); “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; “Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”(24).

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”. Quyết định nêu rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”; “Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu chung của chiến lược này là: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”.

Những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đạt kết quảquan trọng. Đến giữa năm 2021, công tác xây dựng gia đình Việt nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Bí thư Trung ương đã nhận định rằng: Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể đã xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng... Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng tại các địa phương; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được các gia đình coi trọng. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Gia đình là hạt nhân của xã hội, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình ra đời và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đó, khái niệm về gia đình được mở rộng, đó là gia đình nhỏ - gia đình hạt nhân và gia đình lớn mang tầm quốc, gia dân tộc. Trải qua các quá trình lịch sử, gia đình Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới vấn đề gia đình Việt Nam. Người đã phân tích làm rõ các khái niệm về gia đình và mối quan hệ giữa các hình thức gia đình đó nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi gia đình của quốc gia dân tộc Việt Nam. Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương phát huy vai rò của gia đình Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, trong đó, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Với những quan điểm, chủ trương đó, công tác xây dựng gia đình Việt Nam từ trong thời kỳ đổi mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới./.

 

Đại tá, PGS. TS Phạm Thanh Giang

Phó CNK – Học viện Chính trị

 

Chú thích:

(1), (5), (6), (7), (18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.300; 301; 301; 300; 300.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.342.

(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.118; 118.

(8), (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.524; 524.

(10), (11), (12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.186; 427; 591.

(13), (17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.41, 175.

 (14), (19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.402; 402.

(15), (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.99-100; 100.

 (20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.275.

 (21), (22), (23), (24) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. CTQGST, H.2021, tr.143; 143; 144; 170.

Bài viết khác: