Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời, sức mạnh của nêu gương là vô cùng to lớn, một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bàn nhiều về đạo đức dưới dạng lý thuyết, mà chủ yếu nói về thực hành đạo đức bằng cách làm gương và nêu gương. Bài học đó có ý nghĩa thực tiễn lớn lao và vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương. Vì thế Người nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1) và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(2). Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi để quần chúng noi theo. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Đảng viên phải đi trước, làng nước mới theo sau.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đạo đức mà còn rèn luyện về phương pháp làm việc. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927) và “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Bác đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó phương pháp làm việc nêu gương là một nhân tố quan trọng cấu thành nên phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên.
Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Người nhấn mạnh: “Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”(3). Đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiên tốt điều “Nhân”: “Thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”(4). Đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư. Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Phương pháp giáo dục nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở chỗ, Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phương pháp nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên. Người kiên trì nêu gương còn nhiều hơn những điều Người nói và viết ra. Chính bản thân Người là một tấm gương về phương pháp nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương.
Nói đi đôi với làm là vấn đề cực kì quan trọng, là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương. Bởi vì, chỉ có nhất quán giữa nói và làm thì người cán bộ, đảng viên mới giành được lòng tin của quần chúng. Nói đi đôi với làm, đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông hoặc “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội thành một nội dung của tư cách người cách mạng. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hoá. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”(5).
Sự thống nhất giữa lời nói và việc làm còn là một yêu cầu khách quan của phẩm chất người cán bộ, đảng viên, nhất là trong tình hình hiện nay. Khi giáo dục cán bộ làm công tác dân vận, Người đã nhấn mạnh: “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”(6). Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau”. Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới; người này có thể là gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Chính vì vậy, Người đã phát động phong trào “Người tốt, việc tốt” nhằm giúp cho mỗi người tự nhận thấy mình có thể noi theo gương người tốt và làm được việc tốt để trở thành người có ích cho cộng đồng và qua đó, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn xã hội. Người chỉ ra rằng, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta sẽ là một vườn hoa đẹp. Đồng thời Người cũng rất coi trọng việc xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu; những “người tốt, việc tốt”. Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất, công tác... rộng khắp trong cả nước.
Học tập và làm theo phương pháp giáo dục nêu gương của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mặt thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình. Học tập và làm theo phương pháp nêu gương của Người để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên, cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Để vận dụng đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả phương pháp giáo dục nêu gương của Bác, cần thực hiện tốt một số nội dung:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, nội dung của phương pháp giáo dục nêu gương. Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định rằng, phương pháp nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng đối với các phong trào cách mạng của quần chúng. Thực tế kết quả những phong trào thi đua rộng khắp hiện nay như: xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... cho thấy: Ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và sáng tạo trong lãnh đạo, vận động quần chúng thực hiện, thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Ở đâu cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, ở đó phong trào yếu kém, hiệu quả thi đua thấp. Nội dung phương pháp nên gương trong ba mối quan hệ với mình, với người, với công việc phải được nhận thức sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “làm mực thước cho người ta bắt chước” trong mỗi hành động việc làm của cán bộ, đảng viên.
Hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục hết sức linh hoạt, sáng tạo, thông qua nghiên cứu, học tập các chuyên đề, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi bộ, cấp ủy; hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên, liên tục với nhiều chuyên mục phong phú như “Đảng trong cuộc sống hôm nay”,“Ý Đảng lòng dân”,“Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”... Các tổ chức Đảng cần tổ chức cho tất cả đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc chuyên đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên”. Thông qua đó mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp nêu gương.
Hai là, luôn nắm vững và thực hiện tốt nguyên tắc của phương pháp giáo dục nêu gương. Để có thể nêu gương trước quần chúng, cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện tốt lời nói đi đôi với việc làm và phải biết tuyên truyền rộng rãi gương người tốt, việc tốt trong nhân dân. Nói đi đôi với làm là yêu cầu bắt buộc, là nguyên tắc cao nhất của phong cách nêu gương, là thước đo, tấm gương phản chiếu tư cách của người cán bộ, đảng viên. Thường xuyên nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới, của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên chẳng những phải nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng tiến bộ, trưởng thành, mà còn phải là tấm gương tốt giúp cho nhân dân nhìn vào để làm những điều đúng, điều thiện, chống lại những cái ác, cái sai. Đó chính là học và làm theo phương pháp giáo dục nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ba là, nỗ lực phấn đấu, nâng cao hiệu quả rèn luyện về sự nêu gương.
Để có thể nêu gương trước quần chúng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện, kiên quyết đấu tranh khắc phục những tồn tại, yếu kém mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã chỉ ra. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ngày càng nâng cao đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lợi ích nhóm, chống lối sống cơ hội, thực dụng, lối sống vì tiền tài, danh vọng, vô cảm trước những khó khăn, vất vả của quần chúng nhân dân. Chỉ có nâng cao hiệu quả rèn luyện các phẩm chất ấy thì cán bộ, đảng viên mới làm gương cho quần chúng, giữ vững được niềm tin của nhân dân với Đảng. Mặt khác, cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực, gương mẫu, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong mọi hoàn cảnh cán bộ, đảng viên phải là những chiếc đầu tàu, tạo nên động lực mạnh mẽ, kéo cả đoàn tàu quần chúng tiến lên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần đến bất cứ một thứ trang sức nào. Người không phải cố ý sống khác đời để mọi người ca ngợi mà lối sống của Người là xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực đức độ làm chuẩn mực; lấy trong sạch thanh cao làm nguồn vui; lấy gắn bó con người, thiên nhiên làm niềm say mê vô tận; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và là hạnh phúc của mình. Tư tưởng và tấm gương đạo đức, phương pháp nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn với một cuộc sống mẫu mực tự nhiên trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy mà tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương cho mọi người chúng ta học tập và phấn đấu làm theo./.
Đại tá, PGS. TS Phạm Thanh Giang
Phó CNK – Học viện Chính trị
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.248.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.672.
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.90, 291.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.171.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.219.