Chủ nhật, 05/01/2025

“Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm min”(1) là lời huấn thị trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, ngày 9-9-1952 của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khẳng định tính tất yếu phải giữ nghiêm kỷ luật quân đội. Đây chính là kim chỉ nam để tăng cường kỷ luật quân đội dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng Quân đội ta vững mạnh về mọi mặt, nhất là khi toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

bai 4
Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội thuộc Quân khu 4 (năm 1961). Ảnh:Tư liệu

Về tầm quan trọng của kỷ luật. Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải có một quân đội mạnh được xây dựng bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kỷ luật giữ vai trò rất quan trọng; vì thế, trong tác phẩm Cách đánh du kích, viết năm 1944 - trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, Người đã khẳng định: “Quân du kích nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng, không thể đánh được Tây - Nhật. Quân du kích cần phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật, kỷ luật phải nghiêm như sắt, bao nhiêu hành động của quân du kích đều phải theo kỷ luật ấy, không ai được làm trái”(2). Đây chính là sự kế thừa quan điểm của V.I.Lênin khi nói về ý nghĩa của kỷ luật với tư cách là một phương tiện quan trọng nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội: “Nếu suy nghĩ đến cùng, do nguyên nhân sâu xa mà có được cái kỳ tích lịch sử là một nước suy yếu, bị kiệt quệ và lạc hậu lại chiến thắng được những nước hùng cường nhất thế giới, thì chúng ta thấy nguyên nhân đó là chế độ tập trung, kỷ luật và tinh thần hy sinh chưa từng có”(3). Nhất quán với tinh thần đó, trong bài Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp Tết Đinh Đậu ngày 29-1-1957, Bác căn dặn nhân dân ta nói chung, nhất là quân đội, phải luôn luôn cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, bất kỳ thời chiến hay thời bình, phải luôn luôn sẵn sàng và hoàn thành mọi nhiệm vụ: “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”(4).

Về tính chất của kỷ luật quân đội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ luật quân đội phải kết hợp hài hòa giữa tính tự giác và nghiêm minh; bởi vì, Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, do đó, kỷ luật quân đội cũng thống nhất với kỷ luật của Đảng, đó là tính tự giác và nghiêm minh. Vì vậy, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Người khẳng định: “Về kỷ luật, Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác”(5).

Đối với Quân đội ta, một mặt, Người tin tưởng và cho rằng: “Quân đội Việt Nam nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng, vì họ đấu tranh cho một lý tưởng cao quý, có một mục đích chung và được xây dựng trên nguyên tắc kỷ luật tự giác”(6) Mặt khác, Người yêu cầu kỷ luật quân đội phải là kỷ luật nghiêm minh - “Kỷ luật sắt”. Về vấn đề này, trong Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công ngày 19-3-1967, Người nhấn mạnh: “Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh”(7). Theo đó, kỷ luật quân đội được hiểu là một hình thức đặc biệt của kỷ luật mà đặc trưng của nó được quyết định bởi tính chất của hoạt động quân sự. Kỷ luật quân sự đòi hỏi những người thực hiện nghĩa vụ quân sự tính tập trung, chính xác, tinh thần chấp hành triệt để vô điều kiện, tự chủ, kịp thời, nhanh chóng thực hiện tốt nhất mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy.

Về phương thức giữ nghiêm kỷ luật quân đội. Là người khai sinh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác luôn dày công chăm lo, rèn luyện và giáo dục quân nhân trong mọi lĩnh vực, đối với phương thức giữ nghiêm kỷ luật quân đội, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục kỷ luật trong quân đội. Vì vậy, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), một trong mười chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự của Trung ương được Người đề cập đến đó là: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị”(8).

Thứ hai, biện pháp phải cương quyết, thưởng - phạt nghiêm minh. Để duy trì kỷ luật, thưởng và phạt là quan trọng và cần thiết nhằm động viên trong mọi người giữ nghiêm kỷ luật. Vì thế, Người yêu cầu: “Phải nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết”(9). Về vấn đề này, trong Bài nói tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, ngày 29-12-1966, một lần nữa Người yêu cầu: “Phải thưởng phạt nghiêm minh. Hiện nay, thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm. Kỷ luật phải chặt chẽ. Phải kiên quyết chống những việc làm thiếu trách nhiệm, trái kỷ luật”(10).

Thứ ba, phải thực hành kỷ luật nghiêm ngặt từ trên xuống dưới, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong đơn vị, đây là điểm căn cốt. Do đó, trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên, tháng 3 năm 1948, Người viết: “Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới. Trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng. Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc. Đó là những điểm chính”(11). Phương pháp nêu gương được Bác Hồ coi là biện pháp hữu hiệu để hướng dẫn các hành vi về đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Trước hết là sự gương mẫu về hành vi kỷ luật của cán bộ sĩ quan là đảng viên. Chính vì vậy, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Đảng trong Quân đội lần thứ tư (sau chiến thắng Sông Lô) Người căn dặn: “Bộ đội ta ngày càng trưởng thành và tiến bộ. Các đồng chí cán bộ của Đảng ở các cấp phải cố gắng tiến bộ hơn, để lãnh đạo bộ đội. Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch, và kháng chiến nhất định thành công”(12).

Thứ , phải phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, tinh thần tự phê bình và phê bình. Về vấn đề này, trong Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc Lớp bổ túc trung cấp, đăng trên Báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10-10-1947, Người giải thích rõ ràng: “Các đồng chí là một đoàn thể, một gia đình thì phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh. Nếu ta không trọng kỷ luật, thì ta làm cho bộ đội yếu đi, đoàn thể yếu đi. Một mệnh lệnh gì từ trên xuống, của Bộ Quốc phòng hay Bộ tổng chỉ huy đều phải đến khu, đến các trung đoàn, các đoàn thể và phải xuống tới tận người đội viên. Nếu mệnh lệnh đến khu rồi mắc nghẽn không xuống dưới nữa, tức là khu không theo kỷ luật. Bộ đội sẽ kém sức mạnh. Mệnh lệnh cũng như dòng máu chảy từ tim ra đến đầu, các tứ chi. Nếu chảy đến tay mà mắc nghẽn, thì tay bại. Tay bại người sẽ yếu đi”(13). Đồng thời, Người cho rằng, phải dùng vũ khí phê bình và tự phê bình trong việc quản lý, duy trì và kiểm tra chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ: “Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật”(14). Người cũng kiên quyết phê bình cán bộ thiếu ý thức chấp hành kỷ luật quân đội; do đó, trong bài Nói chuyện với các đơn vị quân đội  tại quân khu bộ quân khu, Người thẳng thắn phê bình: “Phải biết chế độ ta, Nhà nước ta, quân đội ta phải có kỷ luật nghiêm minh, tổ chức chặt chẽ. Có một số các cô, các chú chưa có ý thức kỷ luật và tổ chức đầy đủ, như được đi phép ba ngày thì kéo bốn ngày. Đó là những khuyết điểm”(15).

Kỷ luật tự giác, nghiêm minh là bản chất, truyền thống và là cơ sở tạo nên sức mạnh của Quân đội ta. Thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội, cũng như thực tiễn xây dựng, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội đã khẳng định vai trò của kỷ luật quân đội, là một trong những nguồn gốc quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của Quân đội ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là một vấn đề lý luận và thực tiễn quan trong trong xây dựng, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; đồng thời, còn là một trong những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn xây dựng quân đội ta, không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong lịch sử, mà còn được vận dụng trong củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội trong điều kiện mới đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Đại tá, PGS. TS Phạm Thanh Giang

Phó CNK – Học viện Chính trị

Chú thích:

 (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.483.

(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.500.

(3) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, 1978, tr.279.

(4) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.489.

(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.41.

(6) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.312.

(7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.319.

(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr.29.

(9) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.310.

(10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.225.

(11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.485.

(12) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.486.

(13) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.260-261.

(14) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.261.

(15) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.629

Bài viết khác: