Chủ nhật, 05/01/2025

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục lý luận chính trị luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Trong tình hình mới cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên là vấn đề rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên trong Đảng bộ Quân đội.  

bai 3 dao tao can bo
Ảnh tư liệu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, Người đặc biệt coi trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên. Bởi theo Người: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(1). Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã đưa ra các quan niệm về lý luận với những cách diễn đạt cụ thể. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người viết: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế”(2); “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”(3). Hay trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 07-9-1957, Người nói: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(4).Như vậy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh lý luận luôn gắn với thực tiễn, lý luận phải được tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn. Không có kinh nghiệm thực tiễn, thì không thể có lý luận. Song tự thân kinh nghiệm thực tiễn cũng chưa phải là lý luận, nó chỉ trở thành lý luận khi được tổng kết thành những kết luận có tính khái quát cao.

Nhận rõ vai trò của lý luận đối với chỉ đạo hoạt động thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận... Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(5). Người còn nhấn mạnh: “Những người chỉ trọng kinh nghiệm mà khinh lý luận thì không hiểu rõ toàn bộ quá trình khách quan, thiếu phương châm vững chắc, chỉ biết một mà không biết mười. Nếu những người ấy lãnh đạo cách mạng thì sẽ thất bại”(6). Do khinh lý luận nên dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên xem nhẹ, lười học tập lý luận, và “Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(7). Theo đó, Người yêu cầu, Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội luôn quan tâm   lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên nền nếp, chế độ giáo dục, bồi dưỡng, học tập LLCT cho cán bộ, đảng viên. Việc học tập nâng cao trình độ LLCT trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để chuẩn hóa, đánh giá, sử dụng cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên và chất lượng tổ chức đảng. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong Đảng bộ Quân đội luôn nhận thức sâu sắc, thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc học tập, nâng cao trình độ LLCT. Qua đó góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện chưa tích cực, tự giác tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, tư duy  lý luận, thậm chí có đồng chí ngại học tập LLCT. “Việc tự học, tự nghiên cứu và nêu gương của một số cán bộ, đảng viên chưa tốt”(8). Điều đó dẫn đến: “Có cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm; cá biệt có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, tham gia tệ nạn xã hội, sống buông thả, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội”(9).

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, giáo dục, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội nói riêng. Theo đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội đối với việc giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT. Đặc biệt là: Quy định số 54-QĐ/TƯ ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị, (khóa VIII) về “Chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”; Kết luận số 57-KL/TW ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp”; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên. Coi việc giáo dục, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên và là yêu cầu bắt buộc đối với các cấp ủy, tổ chức đảng.

Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị(10). Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, các nhà trường quân đội cần nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục LLCT theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn. Khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đất nước, quân đội và từng cơ quan, đơn vị. Cùng với giáo dục, bồi dưỡng những vấn đề cơ bản, cốt lõi về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; khắc phục lối suy nghĩ và làm việc xáo rỗng, lạc hậu; những biểu hiện chỉ coi trọng công tác đào tạo mà xem nhẹ công tác bồi dưỡng. Phải: “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(11).

 Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên giảng dạy, bồi dưỡng lý luận.

Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên là những người trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên trong quân đội. Chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên quyết định chất lượng giáo dục, bồi dưỡng LLCT. Thực tế cho thấy, nếu nội dung, chương trình, phương pháp được đổi mới mà bản thân mỗi giảng viên, báo cáo viên không được và không tự đổi mới, nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy thì chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng LLCT cũng sẽ không cao. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”(12).

Theo đó, các nhà trường quân đội, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên LLCT có phẩm chất và năng lực toàn diện; có phương pháp kỹ năng sư phạm, kỹ năng tuyên truyền tốt. Mỗi giảng viên, báo cáo viên tích cực tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức LLCT, năng lực giảng dạy, tuyên truyền. Đặc biệt, cần chú trọng tự học tập, nâng cao trình độ tin học để có thể sử dụng công nghệ, phương tiện hiện đại trong giảng dạy, bồi dưỡng LLCT nâng cao chất lượng.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của cán bộ, đảng viên trong tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận.

Đây là giải pháp suy đến cùng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng, việc giáo dục, bồi dưỡng LLCT là trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giúp cán bộ, đảng viên có nền tảng lý luận vững chắc; nâng cao trình độ, năng lực tư duy lý luận. Giáo dục, bồi dưỡng LLCT còn giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu được bản chất khoa học, cách mạng, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân, củng cố niềm tin đối với Đảng, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Giáo dục, bồi dưỡng LLCT còn giúp cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận diện đúng và đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng, bản chất truyền thống của quân đội, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ đó, xác định tốt động cơ, trách nhiệm, tích cực tự giác học tập, nghiên cứu trau dồi kiến thức LLCT, nâng cao trình độ, năng lực tư duy lý luận; gắn lý luận với thực tiễn, thường xuyênvận dụng sáng tạo lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Năm là, tăng cường quản lý việc học tập lý luận chính trị gắn với rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên.

Một trong những điểm mới của Đại hội XIII về định hướng giáo dục, bồi dưỡng LLCT trong thời gian tới là phải tăng cường quản lý quá trình học tập với quá trình rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(13). Đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, không chỉ góp phần khắc phục tình trạng chỉ chú trọng tới truyền thụ kiến thức, ít quan tâm đến kỹ năng, thái độ của người học, mà còn khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên quan tâm đến việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; học hình thức, đối phó, chạy theo bằng cấp, không thực sự hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, khi công tác quản lý quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng bị buông lỏng tất yếu dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên nảy sinh tâm lý lười học, học hình thức, đối phó, qua loa, đại khái, học vì bằng cấp, chứng chỉ để bổ nhiệm, luân chuyển, nâng ngạch... Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc học tập LLCT gắn với tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thường xuyên đánh giá kết quả học tập LLCT, học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới của cán bộ đảng viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng thích đáng các cá nhân có thành tích tốt, đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm những người lười học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Có như vậy mới nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” trong tình hình mới./.

Đại tá, PGS. TS Phạm Thanh Giang

Phó CNK – Học viện Chính trị

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, “Sửa đổi lối làm việc”, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr 273 - 274.

(2) Sđd, tập 5, tr 273.

(3) Sđd, tập 5, tr 312.

(4) Hồ Chí Minh, “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc ”, Toàn tập, tập 5, NxbCTQG, Hà Nội 2011, tr 96

(5) Hồ Chí Minh, “Thường thức Chính trị”, Toàn tập, tập 8, NxbCTQG, Hà Nội 2011, tr 280

(6) Hồ Chí Minh, “Thực hành sinh ra hiểu biết…”, Toàn tập, tập 7, NxbCTQG, Hà Nội 2011, tr 127

(7) Sđd, tập 8, tr280

(8) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb QĐND, Hà Nội 2020, tr 36.

(9) Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb QĐND, Hà Nội 2020, tr 37.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr 235.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr 236.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr 236.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr 236

Bài viết khác: