“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Câu nói bất hủ đầy khí phách đó đã trở thành động lực mạnh mẽ động viên, khích lệ hàng triệu triệu quân và dân ta trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, người tạo lên sức mạnh đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập (năm 1957)
Câu nói đó là vào tháng 7/1966. Khi Mỹ dùng máy bay ném bom Hà Nội và Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đối với quân và dân ta. Câu nói ấy được rút ra từ gan ruột của Người đã trở thành lời hiệu triệu đồng bào trong bối cảnh đất nước lâm nguy. Trọn cuộc đời của Người đều dành cho dân cho nước với mục tiêu là độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.
Quan điểm về quân sự là một nội dung rất quan trọng trong tư tưởng của Người. Tư tưởng đó có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần định hướng, soi rọi cho con đường cách mạng của Đảng ta trong các cuộc kháng chiến. Theo Người, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân phải được toàn diện cả về số lượng và chất lượng, quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, coi trọng xây dựng tính đại đoàn kết dân tộc... Từ những quan điểm trên, tư tưởng của Người về quân sự được thể hiện qua một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, sức mạnh toàn dân trong tư tưởng của Người. Người đã kiến tạo nên sức mạnh to lớn cho quân và dân ta chiến thắng mọi kẻ thù, đó chính là sức mạnh toàn dân tộc. Người đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, với mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu ấy trở thành động lực của cuộc chiến tranh cách mạng của cả dân tộc ta.
Người nói trong báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ II, tháng 2 năm 1951: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lời của Người đã trở thành mục tiêu và khát vọng của toàn dân ta và khát vọng ấy đã thôi thúc dân tộc ta, quân đội ta sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Điều đó được khái lược qua một số điểm cơ bản như sau:
Một là, sức mạnh toàn dân với tinh thần đoàn kết dân tộc. Trong hoạt động tác chiến của các lực lượng quân dân ta, mỗi lực lượng, mỗi thứ quân đều có vị trí, tác dụng và có những quy luật riêng. Tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh là dựa trên tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, sự tiếp thu, kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha, vận dụng lí luận Mác – Lênin về quân sự, kinh nghiệm của các nước trên thế giới vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam theo tư tưởng của Người.
Người phát biểu tại Lễ kỉ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1964, Người nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Trong quá trình kháng chiến, Người đã nhiều lần khẳng định, 20 triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy chục vạn quân thực dân phản động. Người kêu gọi toàn dân với tinh thần, mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, quyết tâm: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Hai là, sức mạnh toàn dân với tinh thần Quân với Dân là một. Quân đội chính là dân, chiến đấu vì dân, quan hệ với dân như cá với nước, đó là bản chất của một quân đội kiểu mới, quân đội dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.. Đó là biểu hiện sáng ngời của truyền thống đoàn kết giữa quân và dân - phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Người dạy quân đội là con em của nhân dân nên phải có quan hệ gắn bó như ruột thịt với nhân dân. Phải làm cho quân đội hết lòng yêu thương nhân dân, kính trọng, giúp đỡ, bảo vệ dân, được dân tin, dân phục, dân yêu. Quân đội không những đánh giặc giỏi mà còn phải biết làm công tác dân vận giỏi, sản xuất giỏi. Phải luôn luôn “dựa vào dân” vì “có dân là có tất cả”. Sức mạnh của quân đội, sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân kết hợp với sức mạnh của toàn dân tạo thành sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Ba là, sức mạnh toàn dân với tính toàn diện của lực lượng quân và dân. Lực lượng này phải được xây dựng thành quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đó là yếu tố tạo thành chất lượng tổng hợp sức chiến đấu toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt cho nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó xây dựng quân đội cách mạng giữ vai trò cốt lõi, có ý nghĩa quyết định. Người nói cán bộ, chiến sĩ ta phải trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Tư tưởng và tấm gương vì nước, vì dân của Người đã khơi dậy trong cán bộ, chiến sĩ ta lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Đó là một động lực to lớn động viên quân đội ta nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Bốn là, sức mạnh với xây dựng lực lượng quân đội có lập trường chính trị. Đó là tư tưởng nhằm mục tiêu làm cho quân đội ta luôn là một quân đội cách mạng của Đảng, Nhà nước, tận hiếu với dân, tin tưởng và trung thành vô hạn với sự nghiệp đổi mới, với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường và truyền thống yêu nước trong điều kiện mới. Bản lĩnh chính trị vững vàng của quân đội phải được thể hiện ở việc nắm vững mục tiêu chiến đấu, có thái độ đúng, đấu tranh bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, không dao động, ngả nghiêng trước những diễn biến phức tạp và sự tiến công của thế lực thù địch. Nhạy bén, sắc sảo và kiên quyết đấu tranh làm phá sản chiến lược diễn biến hòa bình, đập tan mọi âm mưu của địch. Phải làm cho quân đội ta mãi là của dân, do dân, vì dân mà chiến đấu.
Năm là, sức mạnh toàn dân với tinh thần phát động và khí thế chiến đấu. Trong lời phát động và kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Người nói: “Hỡi đồng bào cả nước! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đánh giặc với sức mạnh toàn dân, toàn diện, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, kiên cường dũng cảm kết hợp với mưu trí sáng tạo.
Người ra lời kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Kết thúc lời kêu gọi, Người khẳng định: “Dù gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định sẽ về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Lời nói của Người được minh chứng cho cuộc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Tiếp sau đó là đội quân bách chiến bách thắng của dân tộc ta giải phóng miền Nam Việt Nam, kết thúc cuộc chiến mười nghìn ngày, đem lại độc lập cho dân tộc và thống nhất nước nhà.
Thứ hai, nghệ thuật quân sự trong tư tưởng của Người. Trong tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự chiếm một vị trí rất quan trọng. Người đã viết nhiều tác phẩm có giá trị về nghệ thuật quân sự, đặc biệt tư tưởng ấy thể hiện rất sáng tạo trong thực tiễn chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng cũng như chiến tranh nhân dân. Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống quân sự của cha ông ta và tiếp thu tinh hoa quân sự của nhân loại, nhất là tư tưởng quân sự ưu việt của Lê-nin, kinh nghiệm chiến tranh cách mạng của Trung Quốc, Hồng quân Liên Xô, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nghệ thuật chiến đấu hay gọi là nghệ thuật quân sự cần phải phát huy mưu trí thao lược, phải biết vận dụng sáng tạo cách đánh giặc truyền thống của dân tộc ta, mặt khác phải học tập kinh nghiệm của các nước bè bạn. Điều quan trọng nhất cần phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ đối phương khi hợp đồng tác chiến, phải “biết mình biết ta”. Người thường nhắc nhở đánh giặc phải “gan” và “khéo” bởi vì quân đội ta luôn phải đánh với kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Người luôn dạy chiến sĩ và quân dân ta, làm cách mạng tuyệt đối không được chủ quan, phải sâu sát thực tế, đánh giặc mà hiểu cho rõ địch và ta thì trăm trận trăm thắng. Từ những quan điểm nêu trên, nghệ thuật quân sự của Người có thể phân tích ở một số lát cắt sau đây:
Một là, nghệ thuật quân sự với thế và lực. Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh luôn kết hợp chặt chẽ giữa thế và lực, tạo điều kiện cho nhau, dùng lực để lập thế, tạo thời và cũng là để phát huy lực, tạo thế để thúc đẩy thời cơ, dùng mưu kế tạo thế cho ta, phá thế địch, hạn chế cái mạnh của địch, phát huy cái mạnh của ta, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi.
Người nói: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Người phân tích: “Địch như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ, lực lượng ta ngày càng mạnh thêm như suối mới chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến không có thoái”, “Thế địch như lửa, thế ta như nước, nước nhất định thắng lửa”. Người còn nhận định: “Nay tuy châu chấu đá voi nhưng mai voi sẽ lòi ruột ra”. Vì vậy Người nói: “Phải nghiên cứu cách đánh giặc để có một lối đánh rất tài giỏi thì trăm trận trăm thắng”.
Hai là, nghệ thuật quân sự với thời cơ tác chiến. Thời gian là lực lượng, thời gian là sức mạnh, Người dùng kế “trường kỳ kháng chiến”, “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Người nói: Giặc Pháp có “vỏ quýt dày”, ta phải có “móng tay nhọn”. Bác Hồ nói: Thắng lợi và trường kỳ đi đôi với nhau “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là phải luôn luôn tiến công, chủ động giành thế tiến công. Có tiến công mới làm cho địch suy yếu, càng bộc lộ những mặt yếu cơ bản của chúng, làm cho ta mạnh dần lên, phát huy những mặt mạnh ưu thế của ta.
Ba là, nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn. Quan điểm của Hồ Chí Minh hàm chứa sâu sắc tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc ta. Biết đánh bằng mọi lực lượng, mọi quy mô, bằng mọi thứ vũ khí. Không chỉ đánh vào quân đội địch có vũ khí, mà còn đánh vào lòng người, kết hợp tác chiến với binh địch vận. “Công tâm là thứ nhất, công thành là thứ hai”. Người nói: Địch vận là “tìm cách làm sao phá được địch mà ta không phải đánh”.
Bốn là, nghệ thuật quân sự với tổng hòa lực - thế - thời. Trong lời kêu gọi đồng bào tháng 5/1941, Hồ Chí Minh đã phân tích các cuộc khởi nghĩa trước chưa thành công vì hai nguyên nhân: Một là, vì cơ hội chưa chín, hai là vì nhân dân ta chưa đồng tâm hiệp lực. Trong kháng chiến chống Mĩ, nghệ thuật chiến dịch đã nâng lên một tầm cao mới, chỉ đạo chiến thuật đánh bại tất cả các chiến lược quân sự, biện pháp, thủ đoạn tác chiến của quân Mĩ. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nghệ thuật chiến dịch được thể hiện qua nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng, bảo đảm đánh địch trên thế mạnh, hình thành sức mạnh áp đảo địch trong chiến dịch.
Năm là, nghệ thuật quân sự với tài thao lược. Đó là sự thay đổi quyết sách khi tình hình thực tiễn đã thay đổi, đề ra quyết sách mới cho phù hợp thực tiễn, có như vậy mới giành thắng lợi. Quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; quyết định kịp thời chuyển kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong hai, ba năm sang kế hoạch thời cơ một năm, sáu tháng, hai tháng trước mùa mưa và ra lệnh tấn công thần tốc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là những ví dụ điển hình của sự vận dụng quan điểm thực tiễn trong chỉ đạo đánh giặc của người lính Cụ Hồ.
Hiện nay, việc xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng trong thời bình dựa trên những yếu tố căn bản về tư tưởng quân sự của Người. Đó là vận dụng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “Sức mạnh toàn dân và nghệ thuật chiến đấu” trong thời kỳ hội nhập. Từ hai nội dung nêu trên có quan hệ biện chứng, thống nhất hữu cơ, trong một chỉnh thể của quá trình xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, tạo đà phát triển và xây dựng một quân đội hùng mạnh trong thời kỳ hội nhập, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường trong công cuộc cách mạng của đất nước ta. Đây là vấn đề có tính cốt lõi và xuyên suốt tòan bộ quá trình cách mạng của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rằng: Muốn xây dựng được lực lượng quân đội vững mạnh, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng lực lượng chính trị, lấy xây dựng chính trị làm nhiệm vụ then chốt.
Trong điều kiện và tình hình mới, thế lực mới, kẻ thù mới… Đảng luôn luôn quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tự tin, sắc sảo, nhạy bén về chính trị, tinh nhuệ về nghệ thuật chiến đấu, trình độ kỹ, chiến thuật cao. Xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn gắn liền với sự nghiệp đổi mới của đất nước, dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân, vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội, trong đó trực tiếp phát triển lực lượng và thế trận của đất nước ta.
Mặc dù Người đã đi xa, nhưng Người đã luôn dõi theo từng bước đến sự trưởng thành, vững mạnh của Quân đội nhân dân. Thấm nhuần từ tư tưởng của Người, quân và dân ta đã đang và sẽ tiếp tục tiếp bước cha anh, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hòa của toàn dân, vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tình hình mới hiện nay của đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình ấm no hạnh phúc./.
Th.S Hoàng Anh Tuấn